• dau-title
  • Thể ký
  • cuoi-title

Cuộc đời của một người tử tế

Thứ hai - 24/04/2023 11:30








VẪN HÁT KHÚC QUÂN HÀNH


Anh tôi ra đi đã gần một năm, tôi vẫn phải cố mãi mới có thể kìm nén cảm xúc mà viết ra những hồi ức này trong nước mắt. Nhớ về anh là cả một vùng yêu thương yêu kính, biết ơn… ngập tràn trong trái tim tôi.


Anh tôi - người con hiếu thảo


Mẹ tôi kể: Ngày còn bé, anh rất bụ bẫm khôi ngô, ngoan ngoãn nên bà con họ hàng ai cũng quý.


Năm anh 5 tuổi, ông chú rể của bố tôi là người xem tử vi rất giỏi đã chấm lá số cho anh. Ông ghi vào tờ giấy rõ ràng rằng: Lớn lên sẽ là quan Văn, có Đức có Tài, được nhiều người nể trọng. Bây giờ mở lại trang tử vi thấy vô cùng đúng.


Anh tôi yêu quý cha mẹ và hiếu thảo theo cách riêng của mình.


Những ngày  chưa nhập ngũ, anh rất chăm học, học giỏi và thường xuyên giúp mẹ việc đồng áng. Dù gầy yếu nhưng những hôm không đi học, anh vẫn đi làm đồng để có công điểm đỡ đần cho mẹ. Chiến tranh lan rộng khắp nơi, bố tôi ra chiến trường, mẹ một mình nuôi 7 anh em tôi giữa thời buổi bao cấp khó khăn, bom đạn, hiểm nguy từng giờ từng phút.


Anh ra trận từ khi vừa qua tuổi thiếu niên.


Mẹ tôi thường kể về anh với bao yêu thương đong đầy. Anh chưa bao giờ cãi bố mẹ dù chỉ một câu. Nói với mẹ cha bao giờ cũng lễ phép. Anh không có điều kiện sống gần và chăm sóc bố mẹ như những người con khác nhưng anh luôn làm cho bố mẹ tôi được tự hào “nở mặt nở mày”. Nhiều bạn bầu, đồng đội của anh giữ những trọng trách ngoài xã hội mỗi khi đến Bình Phước đều đến thăm chúc sức khỏe bố mẹ tôi. Từng là người lính, bố tôi rất vui và tự hào về tình đồng đội của con trai cả.


Thỉnh thoảng, anh cũng nhờ người may tặng mẹ những bộ quần áo đẹp (mẹ tôi lúc nào cũng thích mặc đẹp). Vẻ mặt anh lúc ấy thật hớn hở.


Sự chăm sóc ,yêu thương đặc biệt của anh dành cho cha mẹ chỉ bình dị nhưng hiếm có: Đó là làm cho cha mẹ được tự hào vì con là người Tử Tế.


Khi biết tin bố ốm đau, anh vẫn phải đi công tác. Việc quân không chậm được bao giờ. Nhưng anh vẫn bằng mọi cách tìm thầy, tìm thuốc, chữa chạy, nhờ các bác sĩ đến tận nhà chăm sóc cho bố. Anh dành nhiều thời gian bên bố hơn và hai bố con vẫn say sưa nói về người lính, về những thành tích và những chiến công, về đại tướng Võ Nguyên Giáp…


Có lẽ vì thế, bố tôi quên bớt những cơn đau do căn bệnh hiểm nghèo hành hạ.


Anh - người anh, người thầy, người bạn của tôi


Anh là người thầy, người bạn thân thiết đồng hành cùng tôi trong thưởng thức và sáng tạo văn chương nghệ thuật.


Trong ký ức của tôi, anh tôi thân thương lắm!


17 tuổi anh trốn nhà xung phong đi bộ đội khi đang  chờ giấy báo nhập học vào Đại học kinh tế. Cùng đi với anh có cả anh Hải con bác và em Hoạt con của chú Thuật tôi. Anh gầy, nhỏ nhắn trắng trèo rất thư sinh. Lần đầu đi khám không đủ cân nặng, bị loại, anh buồn bỏ ăn. Mẹ tôi biết chuyện phải khuyên:

- Ăn đi thì mới đủ cân mà đi chứ!


Anh ăn một lèo mấy bát cơm độn sắn. Tuần sau có đợt tuyển quân, lại đi. Hoạt đưa cho anh cái áo đại cán có bốn túi to đùng của chú tôi, hai anh em thầm thì bàn tính, bỏ vào các túi bao nhiêu là thóc. Thế là anh đủ cân, trúng tuyển. Hôm ấy đi về, mặt anh tươi hơn hớn. Mẹ tôi buồn lặng lẽ.


Tan học, anh mang cần câu ra ao sau nhà câu cá... Anh câu rất giỏi, lúc nào cũng có cá mang về cho các em ăn. Anh tôi không ăn được cá.


Anh thường vừa học bài vừa câu. Có lần tôi chạy theo đòi anh cho câu, anh bảo:


- Câu cá là phải im lặng nghe chửa!

- Sao phải im lặng hở anh?

- Nói chuyện, cá nó nghe thấy, nó lẩn mất.


Tôi tin lời, ngồi im thin thít. Sau này mới biết là anh muốn tôi im lặng cho anh học bài.


Anh rất hay dỗ dành tôi bằng những kiểu lừa dễ thương mỗi khi tôi dỗi.Tôi được cả nhà chiều chuộng từ bé nên hay nhõng nhẽo. Có lần, mẹ đi vắng, anh rang cơm cho tôi ăn chiều (vì trưa mải ngủ không ăn). Không biết, vì lí do gì mà tôi khóc giãy dụa, làm đổ bát cơm ra bếp. Anh hớt vội phần trên vào bát. Phần dưới dính đất, tro. Anh chỉ vào những hạt cơm nhem nhuốc:


- Đứa nào mà đổ cơm lẫn với đất thế này, bao giờ chết sẽ hoá thành con vịt phải đi mò ốc mà ăn!


Tôi sợ phải biến thành con vịt, vội nín ngay, mếu máo:


- Giờ phải làm sao ?

- Lấy cái vung, hót cơm vãi này cho gà.


Tôi làm theo. Từ đấy, không dám hất đổ cơm nữa.


Mùa ổi, cây nhiều quả chín, anh leo lên ngồi trên cành chót vót. Tôi tưởng tượng trên đó toàn quả chín ,thế mà mãi không thấy ném xuống quả nào. Chúng tôi đứng dưới gốc ngóng cổ nhìn lên:

 

- Vặt cho chúng em với!

- Cho em với!

- Từ từ!


Vài quả rơi xuống, vừa chạm đất đã bị bao nhiêu đứa tranh nhau vồ. Tôi chỉ được một quả chim ăn dở, đã thấy anh tụt xuống, miệng đang nhai ổi chín. Tôi nhất định không ăn quả ổi bị chào mào khoét dở. Tành hạch đòi lấy quả ổi chín vàng, còn nguyên của chị. Anh lại bảo:


- Đứa nào chê ổi chim ăn, đòi tranh phần của người khác là bị ông trời quăng lưới bắt ném ra ngoài biển.


Vừa nói, anh vừa chỉ lên trời. Quả thật có những đám mây trắng nổi vân vân trên nền trời xanh như tấm lưới khổng lồ. Tôi sợ bị ném ra biển nên không khóc lóc đòi quả ổi của chị nữa. Anh lấy răng cắn chỗ chim ăn nhổ đi rồi đưa phần còn lại của quả ổi cho tôi:


- Quả chim ăn mới ngọt!


Anh tôi học rất giỏi, đẹp trai, hiền, lại còn viết chữ cực đẹp nên thầy cô, bạn bè yêu quý lắm. Anh làm lớp phó phụ trách học tập nhiều năm. Mẹ tôi thích nhất là khi đi họp phụ huynh cho anh vì luôn được nghe thầy cô khen “Em Vĩnh học giỏi có tinh thần trách nhiệm, hay giúp đỡ bạn bè để cùng tiến ..”


Ngày ấy anh hay đọc sách. Thấy anh đọc, tôi thèm lắm nhưng chưa biết chữ. Tôi cứ đòi anh đọc to cho nghe. Anh bảo:

- Mày gãi lưng cho anh, anh đọc cho mà nghe!


Tôi biết Thuỷ Hử, Tam quốc, Đông Chu Liệt Quốc từ khi chưa biết chữ (dù chả hiểu gì mấy). Sau này biết đọc, mỗi khi bị mẹ giao cho bế em, tôi lại vội vàng lấy cái chiếu cói con con trải vào lòng võng, không bao giờ quên giấu một quyển sách dưới chiếu. Xong xuôi, tôi ngồi lên võng, đợi mẹ đặt em vào tay. Hai chị em đưa võng bổng tít một lúc là cu Vịnh lim dim. Tôi mong nó ngủ thật nhanh để còn đọc sách. Có lần, đang đọc say sưa, cu em thức dậy, nó choài người ra đòi nghịch. Thế là làm rách hai trang sách. Tôi sợ quá! Sách này là phần thưởng học sinh giỏi của anh. Quyển sách kể về cuộc đời gian khổ và những thành công của nhà bác học người Hà Lan, Anh tôi rất thích.


Tôi lo lắng không biết làm thế nào. Giấu quyển sách vào đống chăn trên đầu giường xong, tôi bế em đi bú rình bên nhà thím.


Chiều tối, anh tôi đi nhổ mạ về, vừa đến đầu sân anh đã gọi:


- Biển ơi !Lấy cho anh quyển Trường học Cuộc đời trong túi xách ra đây!

- Anh làm gì?

- Đưa cho chị Ảnh mượn!


Tôi giả bộ tìm rồi bảo:


- Em có thấy đâu.

- Ở trong túi xách ấy!

- Không thấy mà!

- Anh mới bỏ vào tối qua!


Tôi lo lắng còn chưa biết nên: Khai thật hay là giấu? thì anh đã rửa chân tay xong, vào túi lục lại. Vẫn không thấy. Ngẩn người ra một lúc, bỗng anh hỏi:


- Mày giấu của anh hở?

- Không!

- Đưa chị Ảnh mượn hai hôm rồi anh lấy về cho mà đọc!

- Nhưng mà ..,

- Đi!


Vừa nói như dỗ dành, anh vừa tiếp tục lục tìm. Tôi đành khai thật:

 

- Nhưng mà, nãy thằng Vịnh nó xé rách hai trang!

- Đưa ngay đây xem nào!


Mặt anh cau lại. Tôi nghĩ “Chắc bị ăn quả đấm“. Nhưng anh không đánh. Chăm chăm nhìn chỗ sách bị rách, anh bảo:

 

- Lấy ít cơm ra đây!


Tôi chạy xuống bếp, vét nồi, còn mấy hạt cơm mang lên. Anh ngồi vào bàn dán hai trang sách. Dán mãi mà nó cứ rời ra. Tôi hồi hộp nhìn ngón tay anh miết từng hạt cơm vào giấy. Hí hoáy mãi, cuối cùng những mảnh giấy cũng chịu dính vào nhau:


- Lần sau mà còn đọc trộm sách thì biết tay nhá!


Nói vậy thôi, chứ anh biết lời đe ấy chả có tác dụng gì với đứa em bướng bỉnh và mê sách như tôi. Đã có lần, anh mượn được cuốn Thép đã tôi thế đấy. Anh cất mãi trên tấm liếp gác trần nhà. Tôi theo dõi, biết chỗ anh để. Thế là, anh vừa đi học, tôi đã bám cột nhà leo lên, nhìn chính xác vị trí quyển sách. Tụt xuống đất, lấy ngay cây gậy mẹ tôi hay dựng ở góc nhà; lại bám cột leo lên. Tôi chọc một hồi, quyển sách rơi xuống đất. Tôi sung sướng ngồi ngay ở góc nhà, đọc ngấu nghiến. Anh về lúc nào không biết. Tôi giật  bắn người khi nghe tiếng quát: 


- Con oắt con này! Lại lấy trộm sách hở!


Tôi ấp úng:


- Em có...

- Mày leo mà ngã là chết toi đấy, hiểu chửa! Đem ra hè mà đọc đi!

Sau lần ấy, anh không cất sách lên cao nữa (vả lại nhà cũng chả còn chỗ nào giấu nổi tôi).


Từ đó trở đi, anh đọc quyển gì là tôi được đọc quyển đó. Tất nhiên là chỉ được đọc khi anh mải đi học, đi làm. Anh em tôi đều có điểm giống nhau kế thừa từ bố. Đó là trí nhớ. Nhớ rất nhanh, nhớ dai. Sau này, khi có dịp anh vẫn nhắc đến các nhân vật, những câu nói nổi tiếng trong các cuốn sách và tôi cũng nhớ ra ngay.


Khi chúng tôi trưởng thành, có gia đình riêng, anh rất thân thiện với các em rể. Chàng rể nào cũng quý anh. Thỉnh thoảng có dịp anh ghé nhà tôi chơi. Mời anh ở lại ăn cơm nhưng tôi vốn vụng và chậm nên loay hoay mãi vẫn chưa xong bữa cơm đạm bạc. Những lúc ấy, anh lại ngồi vào đàn và vừa đàn pi-a-nô vừa hát. (Anh vốn có năng khiếu âm nhạc, lại được đào tạo về quân nhạc). Anh hát rất hay. Giọng anh ấm và ngân rung giàu cảm xúc. Bạn anh rất nhiều người là nghệ sĩ. Anh vô cùng yêu quý và hay kể về nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu. Ngày anh tổ chức đại hội Hội Cựu Chiến Binh, chú Trần Hiếu đã từ Hà Nội bay vào hát mừng đại hội bằng tấm chân tình với những đồng đội nơi vùng sâu biên giới!


Sách của các bạn tôi trong nhóm Văn Búp Trên Cành, anh đọc không sót của ai và luôn có những nhận xét sâu sắc về từng tác phẩm (thậm chí là cả cách viết , tâm hồn của tác giả qua tác phẩm ấy).


Đôi lần, tôi cần gặp mặt bàn công việc với những người bậc thầy trong văn giới. Tôi nhờ anh đi cùng. Chiều em gái, anh sắp xếp việc, tự lái xe chở em đi. Sau buổi gặp, các nhà văn, nhà báo bàn kế hoạch với anh nhiều hơn là trao đổi cùng tôi.


Anh tôi - người chồng - người cha yêu thương độ lượng


Chị dâu tôi là người phụ nữ đẹp. Chị không theo nghề dạy học mà ở nhà chăm sóc con cái và lo việc rẫy vườn. Chị chăm chỉ và suốt ngày đắm đuối với con, rồi các cháu. Đắm đuối với vườn điều, rẫy tiêu. Ăn cũng vội. Chị rất ít khi chịu đi đâu.


Anh tìm mọi cách rủ chị đi gặp gỡ bạn bè, đi du lịch đó đây. Nhờ người mua cho chị những bộ trang phục đẹp. Nhưng chị tôi thường ngại ngùng  từ chối.


Chị ít có thời gian cho riêng mình và chăm sóc cho anh. Nhưng anh không phàn nàn. Anh tự nguyện chia sẻ với chị những công việc nhà (khi có thể). Trước khi đến cơ quan, anh ghé nhờ người quen đi chợ, trưa tan sở về ghé lấy đồ ăn. Anh tranh thủ nấu ăn cho mình và vợ (các con anh đã có gia đình riêng). Anh thường từ chối những buổi tiệc tùng nhậu nhẹt chỉ để kịp về đỡ đần cho vợ nấu nồi cơm hoặc dọn ít điều phơi cho kịp tránh cơn mưa.


Anh yêu thương các con bằng tình yêu của người cha chiến sĩ ít khi được gần con (khi chúng còn thơ bé). Anh dành tất cả những gì tốt nhất, công bằng nhất cho các con các cháu.


Khi con trai đầu của anh (cháu Bùi Đào Vương) mắc bệnh hiểm nghèo, anh đã gầy rạc đi vì thương và lo lắng cho. Không cãi được mệnh trời, cháu đã ra đi khi 37 tuổi trước 1 ngày được chính thức phong quân hàm thiếu tá. Đau đớn làm anh suy sụp. Sức khỏe vốn không tốt của anh đã thêm gánh nặng rồi!


Anh ra đi khi đã kịp lo cho tất cả các con yên bề gia thất, cuộc sống ổn định. Đó cũng là điều bất cứ người làm cha nào cũng hằng mong ước!


Anh tôi - người lính vẫn hát khúc quân hành



Đất nước thống nhất, sau một thời gian công tác tại Thái Nguyên, anh tôi được điều về quân khu 7 và công tác tại đoàn 778 đóng quân trên địa bàn xã Đức Hạnh huyện Phước Long tỉnh Sông Bé (sau này tách ra tức xã Phú Nghĩa huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước).


35 tuổi, anh đã trở thành chính ủy của đoàn. Theo các bạn bầu của anh thì anh là một trong những sĩ quan “Tuổi Trẻ Tài Cao“ của quân khu thời đó.

 


Anh trải qua nhiều chức vụ trong quân ngũ: từ người lính trong ban bảo mật của trung đoàn, trưởng phòng tổ chức (phòng quân lực) đoàn phó chính trị kiêm bí thư đảng ủy của đoàn kinh tế quốc phòng 778, chính trị viên của huyện đội Bù Đăng.... Là sĩ quan chính trị, anh tôi cũng trải qua bao thăng trầm trong nghiệp nhà binh. Dẫu vui hay buồn, khó khăn thách thức hay thuận buồm xuôi gió, anh vẫn kiên tâm bền chí vượt qua trong sự cảm thông, giúp đỡ, tôn trọng của đồng chí đồng đội, vẫn là niềm yêu thương, tự hào của gia đình.


Khi nghỉ hưu theo chế độ, anh có nhiều thời gian cho công tác xã hội. Chẳng mấy khi anh có mặt ở nhà. Vừa đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bù Gia Mập, chủ tịch Hội Khuyến Học của huyện, vừa là Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân Cựu Chiến binh trưởng ban Bảo vệ Chăm sóc Gia đình Thương binh Liệt sĩ tỉnh Bình Phước.


Anh Phạm Hữu Hiến (phó giám đốc bảo tàng tỉnh Bình Phước, người đã kết nối và hỗ trợ anh trai tôi trong nhiều việc làm thiện nguyện từ việc kết nối nhận tài trợ từ gia đình cố thượng tướng Trần Văn Trà để xây dựng nhà tình nghĩa, và nhiều nguồn giúp đỡ khác để hỗ trợ gia đình nghèo trên địa bàn huyện Bù Gia Mập), kể rằng: “Trong cảm nhận của mình, chú Vĩnh là một người bạn thân tình luôn lạc quan, có trái tim Bồ tát. Chú mất đi anh thấy hụt hẫng. Nhưng, chú Vĩnh đi thanh thản nên không thương, vì đó là cái chết Tiên. Chú Vĩnh làm thiện nguyện bằng tấm lòng yêu thương con người thực sự chứ không chỉ là vì nhiệm vụ…”. Trên trang Zalo của mình, Anh Hiến viết: “Tạm biệt ông bạn già, ra đi thanh thản, qua thế giới bên kia tiếp tục làm từ thiện nhé!”.

.

Anh Nguyễn Xuân Hùng, Uỷ viên ban thường vụ huyện ủy trưởng ban Dân Vận - Chủ tịch UBMTTQ huyện Bù Gia Mập, trưởng Khối Vận, đã viết rằng: ”Đại tá CCB Bùi Phó Vĩnh, nguyên chủ tịch hội Cựu Chiến binh huyện Bù Gia Mập, luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng phục vụ nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bằng sự niềm nở chân tình tận tụy tận tâm …”.


Anh Nguyễn Đình Quyền, trưởng ban tuyên giáo huyện Bù Gia Mập, đã viết nhiều dòng ân tình đầy xúc động: ”Nhắc về Anh, nhiều đồng chí đồng đội đều bùi ngùi xúc động, nhớ thương một đời người oanh liệt, kiên trung, nhớ thương một người nhân hậu luôn vì mọi người…”


Trên mọi lĩnh vực, mọi nơi, việc gì anh cũng hoàn thành xuất sắc và được nhận nhiều bằng khen, giấy khen, nhiều danh hiệu cao quý. Nhưng ấm lòng và trân quý nhất chính là anh đã được sống và làm việc trong tình cảm yêu thương tôn trọng của  lãnh đạo các cấp, của bạn bầu, đồng đội. Anh đã  làm  được những việc ý nghĩa trong cuộc đời, cho gia đình, cho nhân dân, cho xã hội. 


Tôi đã đau nhói trong tim khi xem lại đoạn camera ghi lại hình ảnh anh trong ngày làm việc cuối cùng. Ngày định mệnh ấy, 16/5/2021 âm lịch, tức ngày 25/6/2021 dương lịch; anh tôi lái xe đến cơ quan làm việc, trưa mới trở về nhà ăn cơm nghỉ trưa để đầu giờ chiều sẽ cùng đồng đội đi trao nhà tình đồng đội tại xã Đắk-ơ. Nhưng 12 giờ 30 phút trưa hôm ấy, anh đã ra đi thanh thản nhẹ nhàng sau suốt một đời hăng say Hát Mãi Khúc Quân Hành: Nhập ngũ 17 tuổi, giã từ đội ngũ năm 67 tuổi; 50 tuổi quân, 50 năm khoác trên mình màu áo lính, 50 năm luôn hát khúc quân hành. Giây phút cuối cùng đồng đội vẫn bên anh. Bản nhạc cuối cùng đồng đội cất lên tiễn đưa anh tôi về lòng đất Mẹ vẫn là Khúc Quân Hành hào hùng tha thiết!


Nhìn những hồ sơ, những dự án xin nhà cho cựu chiến binh nghèo, xin học bổng cho học sinh nghèo, kế hoạch tìm hài cốt liệt sĩ,... những báo cáo tổng kết, những tấm ảnh ghi lại những phút giây trao nhà, trao quà, đi thăm đồng đội, đi thăm nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ... của anh, gia đình tôi không sao cầm được nỗi nghẹn ngào thổn thức. Trong đám tang của anh tôi có những bà con người dân tộc S'Tiêng địu con đến, ngơ ngác hỏi chủ nhà: “Thắp nhang cho chú Vĩnh có được không?”.


Rồi những bài viết của những nhà báo trên các báo Quân Đội Nhân Dân, báo Sài Gòn Giải Phóng, báo Bình Phước. Không phải là những dòng đưa tin, mà là những tiếng nấc nghẹn ngào đau xót tiếc thương. Nhà báo Minh Ngọc - giảng viên trường đại học Văn hoá nghệ thuật quân đội, phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng đã viết rằng: “Tôi đau đớn khi nghe tin anh Vĩnh mất. Anh là người nhân hậu tài trí hơn người, là người đồng đội, người anh Tử Tế nhất mà tôi được gặp trong cuộc đời“.


Nhà báo Linh Tâm nguyên phó tổng biên tập báo Bình Phước viết rằng: “Cả cuộc đời anh là hành trình của những chuyến đi đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, cho cuộc sống của những con người, những gia đình mà người chiến sĩ Bùi Phó Vĩnh yêu thương“.


Trên trang Bù Gia Mập online là những dòng chữ: “Chú là một chủ tịch gương mẫu chân thành đầy yêu thương“; “cả cuộc đời chú là một bông hoa đẹp“; “Chú đã sống và cống hiến những gì đẹp nhất, ý nghĩa nhất cho cuộc đời chung“; “Chỉ tạm biệt chú thôi - Người đồng chí kính yêu“;  “Chú mãi còn trong tình cảm thân thương tận tụy vì mọi người“; “Ngỡ ngàng không dám tin chú Vĩnh đã ra đi“...


Anh Trần Quang Bình - bí thư đoàn huyện Bù Gia Mập đã viết rằng: “Với tôi, bác Bùi Phó Vĩnh là người đáng để tôi học tập và noi gương trong quá trình công tác cũng như cuộc sống hàng ngày ….Cháu rất tự hào về bác!”


Vòng hoa. Rất nhiều hoa như biểu tượng cho tấm lòng của đồng bào, đồng đội, bạn bầu khắp mọi miền đất nước. Trong đó có nhiều vòng hoa của những người đang bị cách ly trong vùng dịch.


Và còn biết bao điều lặng thầm chưa nói hết trong dòng người kéo dài vài cây số tiễn đưa trong chuyến đi cuối cùng của người cựu chiến binh Bùi Phó Vĩnh. Tôi biết, anh tôi đã Diễm Phúc như thế nào khi được sống và làm việc, được nhận sự hỗ trợ giúp đỡ của Những Người Tử Tế để cùng làm được Nhiều Việc Tử Tế trong cuộc đời.


Trong trái tim của những người thân, những người yêu quý anh và được anh yêu quý sẽ còn mãi hình ảnh NGƯỜI ĐẸP cựu chiến binh Đại tá Bùi Phó Vĩnh. Anh vẫn đang đứng trong đội ngũ của mình cùng Hát Khúc Quân Hành hào hùng và tha thiết. Anh vẫn đang cùng bạn bầu, đồng đội cùng chung tay làm những Việc Tử Tế cho người, cho đời. Anh vẫn mãi hạnh phúc vì đã được sống và làm việc giữa muôn Người Tử Tế. Và anh cũng thế: Cuộc Đời Anh là Cuộc Đời Của Một Người Tử Tế!


8 giờ 41 phút ngày 9/4/2022

Em gái của anh 

Bùi Thị Biên Linh 



Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.