• dau-title
  • Thể ký
  • cuoi-title

Cồn Sơn - mênh mang nỗi nhớ

Thứ năm - 20/07/2023 16:12


(Ảnh: Nhóm Búp trên cành tại Cồn Sơn - Tháng 7/2023)



CỒN SƠN – MÊNH MANG NỖI NHỚ

  (Trần Thu Huê)


         

Trong chuyến đi thăm miền Tây, nhóm “Búp trên cành du ca” chúng tôi đã được ghé thăm cù lao Cồn Sơn thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ – vùng đất “gạo trắng nước trong”… Tôi ở miền Tây đã nhiều năm, nhưng lần đầu tiên mới được tới nơi này, lại đi cùng hội chị em Nhà Búp đa số từ miền Bắc vào nên háo hức vô cùng. 


Cồn Sơn vùng đất nổi giữa sông Hậu hiền hòa. Mới đầu tôi cũng thắc mắc về cái tên này vì cù lao thì sao có núi? Theo truyền thuyết, ngày xưa, nơi đây có trồng rất nhiều cây sơn – loại cây lấy nhựa để sơn son thếp vàng đồ nội thất bằng gỗ nơi đền chùa, dinh thự… Nghề trang trí đồ gỗ này đã mai một từ rất lâu. Với lợi thế tự nhiên, Cồn Sơn hiện nay phát triển trồng cây ăn trái và nuôi cá nước ngọt, kết hợp làm du lịch cộng đồng. Bốn mặt Cồn Sơn là sông nước mênh mông, từ dưới sông nhìn lên, cồn được bao bọc bởi những rặng bần xanh tốt, chen với những thân dừa cao, che gió và chống sạt lở. Đi sâu vào trong, những mái nhà lợp lá dừa nước, lợp tôn… thấp thoáng giữa vườn cây xanh tốt, những con kênh đào và những chiếc cầu tre, những ruộng lúa xen với đồng sen, bình yên và thơ mộng. Cồn Sơn như một phần thu nhỏ của miền Tây sông nước…

  

Từ sáng sớm, 02 chiếc xuồng máy đón đoàn, cứ 06 người một xuồng. Út Hiền là hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi tham quan Cồn Sơn. Dáng người tròn lẳn trong chiếc áo bà ba màu tím cà, khăn rằn vắt trên vai, khuôn mặt rám nắng ửng hồng và tiếng “dạ” nhẹ như gió thoảng,  Út Hiền mang nét đặc trưng của người phụ nữ miệt vườn Nam bộ. 


Tiếng máy nổ giòn tan, xuồng lướt băng băng trên mặt sông lấp loáng trong nắng. Dòng sông Hậu hiền hòa trải rộng trước mặt, gió thổi mơn man, thỉnh thoảng lại gặp một cụm lục bình lờ lững trôi, cảnh nên thơ quá. Chợt một ai lên tiếng: giá mà được nghe một câu hò nhỉ… 


Phía mũi xuồng, Út Hiền ngó lại, cười nhẹ: vậy em hò nhen:


       “Hò ơ… 

       Má ơi đừng gả con xa

       Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu… “.  

      

Giọng hò ngân nga, ngọt ngào nhưng thấm đẫm nỗi buồn của tâm sự người con gái lấy chồng xứ lạ. Tôi đã nghe câu hò mở đầu bài hát “Bông điên điển“ này đến nằm lòng, nhưng mỗi lần nghe, lại dâng lên nỗi niềm khó tả. Tôi xa quê đã gần 40 năm, bén duyên với mảnh đất miền Tây Nam bộ chừng ấy năm, nhưng luôn khắc khoải trong lòng nhớ về vùng quê thân thương ven sông Hồng, mỗi lần về lại dùng dằng chẳng muốn rời xa…


Tôi cũng hiểu vì sao, Út Hiền lại chọn câu hò này tặng cho những người khách từ miền Bắc vào… Lúc đứng chờ xuồng, nghe tôi hỏi thăm, Út bộc bạch chân tình… Người con gái từ xứ ruộng đồng quen cấy lúa, trồng khoai được mai mối về tận miệt vườn Cồn Sơn này… Nhà chồng không biết, ngay cả gương mặt, hình dáng người chồng cũng không rành, cha mẹ đặt đâu thì vâng lời ngồi đó. Ngày đưa dâu, ngồi trên xuồng nhìn sông nước mênh mang, thấy phận mình nhỏ nhoi, lênh đênh quá… 18 tuổi làm dâu, học làm vườn, trồng cây ăn trái, không phải tay lấm chân bùn lội ruộng nhưng cũng vất vả bao điều. Gặp người chồng không thương vợ, lại gia trưởng, ham nhậu hơn ham làm, hay ghen tuông vô cớ… “Vì con, em ráng chịu cho qua, nhưng chịu hết nổi, em phải chia tay. Sau khi ly hôn, em chuyển qua nghề hướng dẫn viên du lịch, tuy cực nhưng vui, con gái em đang học đại học ở ngay Cần Thơ”… Tôi nắm tay Út Hiền, bàn tay nhỏ mềm mại nhưng cũng còn những nốt chai sần – dấu vết của những tháng ngày lam lũ đã qua.

 

Câu hò ngọt mà buồn vừa dứt, mọi người lại bảo: vô Nam bộ mấy ngày mà chưa được nghe ca vọng cổ… “Ui, tưởng gì, từ đây tới vườn là đủ để em ca tặng các chị một câu nhé”. Cả xuồng lặng im nghe từng lời ca trải dài trên mặt sông, lời ca bay trong gió sông Hậu mát rượi… Người Nam bộ từ nhỏ tới lớn, dù ca hay hay không hay, hầu như ai cũng nằm lòng ít nhất đôi ba câu vọng cổ, để giao lưu khi gặp  gỡ, để làm rộn ràng hơn các đám tiệc, lấy câu ca mà bộc bạch nỗi niềm chất chứa trong lòng. Út Hiền cũng đang trải lòng mình như thế, lời ca về một mối tình đẹp của đôi trai gái miệt vườn, như ước mơ của bao người con gái khi bước vào yêu, ước mơ của một thời đã xa…  


Xuồng chạy chậm lại rồi rẽ vào con kênh nhỏ. Hai bờ kênh, là nhãn, chôm chôm, xoài, mận (roi) xanh mướt, những chùm chôm chôm đỏ tươi lấp ló trong những cành lá xanh như mời gọi. Dòng sông Hậu hiền hòa đã mang phù sa màu mỡ, đưa nước ngọt về vun bồi cho những vườn cây trái, làm nên miệt vườn trù phú. Mới hôm trước lên Bình Phước, được gia đình anh Hoạt đồng hương và chị Sóng Biển cho ăn no nê sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… nên chúng tôi quyết định sẽ ghé thăm vườn nhãn xuồng cơm vàng – tên gọi rất lạ đối với các chị em đến từ miền Bắc. 


Xuồng cập bến. Út Hiền đứng nơi mũi xuồng, đưa tay đỡ từng người khách lên bờ, bởi cảm giác chênh chao lúc ngồi trên xuồng cũng còn vương vấn… Vườn nhãn rất rộng, những cây nhãn hàng chục năm tuổi nghiêng mình soi bóng xuống dòng kênh nhỏ.  Những chùm nhãn sai trĩu, trái căng mọng, vỏ màu nâu như đất phù sa, ánh nắng vàng rực rỡ chiếu xuyên qua chùm lá lấp lánh trong tiếng ve kêu râm ran. Trái nhãn khá to, gần bằng trái táo Thuận Vi, vỏ mỏng, cùi dày, dai và mọng nước…. Chủ nhà đã bày sẵn nước hoa đậu biếc, mấy rổ nhãn vừa hái, cuống lá tươi nguyên. Những trái nhãn được chuyền tay nhau. “Ôi to thế”, “ồ, ngọt nhỉ”, “nhưng hột cũng to”… “cũng ngon như nhãn lồng ngoài mình ý”… cứ xôn xao, xôn xao. Nhưng với chúng tôi, việc thưởng thức hương vị chỉ là .. phụ thôi, còn “ăn… ảnh” mới là chính. Mọi người tỏa ra khắp vườn, những tiếng reo vui khi gặp chùm nhãn khủng, rồi tạo dáng chụp ảnh với đủ mọi phong cách. Đằng kia là chị Nga đang nâng niu chùm nhãn cho chị Tâm say sưa chụp. Chị Huyền thì mơ màng ngước nhìn lên tán lá xanh, cũng có thể, một tứ thơ vừa xuất hiện, còn Út Hiền giơ điện thoại bấm lia lịa. Bên này, em Châu – người luôn biết cách tạo nên những bức ảnh độc đáo đang trèo lên một cành cây, mơ màng ngả đầu như ngủ để Lan Anh - phóng viên kỳ cựu của Đài PTTH tỉnh “tác nghiệp”. Thúy Hằng tựa người vào cây nhãn, ánh mắt xa xăm, phải chăng em đang nhớ về làng vườn Thuận Vy thân thương, còn nàng Huệ cố nhón chân níu một chùm nhãn trĩu quả; Ngọ và Toán thì say mê với những hàng rau ngót, rau cải trời xanh mơn mởn cặp mé kênh… 

 

Tôi ngả lưng trên chiếc võng mắc giữa 02 cây nhãn, nhìn lên tán lá xanh và những chùm quả đang lay động theo nhịp võng đưa. Tôi như được trở về với tuổi thơ ở quê nhà. Bố mẹ tôi hồi đó trồng cả một vườn cây ăn trái xung quanh ao, nào khế, ổi, bưởi, cam, mít… mùa nào thức nấy. Hai cây nhãn ở góc vườn rất to, thân xù xì… Mỗi lần nghe tiếng chim chào mào kêu là khi nhãn bắt đầu chín… Buổi trưa, tôi thường trốn ngủ, leo lên cây nhãn, vừa nhấm nháp quả ngọt, vừa nghe tiếng ve kêu râm ran… Đôi lần mẹ đi tìm được, thế là tôi được “ăn” vài cái roi tre.  Mẹ bảo chỉ sợ tôi leo trèo rồi ngã, muốn ăn thì bố sẽ bẻ cho ăn. Nhưng mẹ tôi đâu biết là tự tay hái quả, rồi ăn trên cây, ăn lén ăn lút sẽ thích hơn nhiều.  Giờ mẹ đã theo bố về miền mây trắng. Qua mấy trận bão lớn và qua bao tháng năm, vườn cây cũng không còn như ngày xưa nữa. Mỗi lần về quê, tôi lại bâng khuâng với bao kỷ niệm… 

 

Rời vườn nhãn, chúng tôi tạm dừng chân thưởng thức món bánh khọt rất lạ lẫm với người miền Bắc. Những chiếc bánh bằng bột, vàng ươm, be bé xinh xinh được cô bé chủ nhà khéo léo lấy ra từ chiếc khuôn nướng bánh trên bếp củi cháy liu riu. Bánh khọt cơ bản thành phần, chất liệu giống bánh xèo Nam bộ, hay bánh xèo của miền Trung, bánh căn Phan Thiết, cũng ăn kèm rau sống và nước mắm chua ngọt, nhưng nhỏ hơn, chỉ gọn trong lòng bàn tay và lớp bột dày hơn. Ăn bánh khọt cũng như bánh xèo, không ai dùng đũa. Lấy lá cải, lá lốt lót bên ngoài, gói thêm cái bánh khọt, chút rau sống, cuộn gọn lại, chấm nước mắm… Lát lát lại nghe tiếng xuýt xoa, vì bánh vừa lấy trong khuôn ra còn nóng hổi, vì nước nắm hơi cay hay vì cái ngon của lạ miệng… Cô bé thoăn thoắt đổ bột, gỡ bánh ra khỏi khuôn… và cũng sẵn sàng đứng sang một bên cho các vị khách phương xa vụng về học tráng bánh. Trong khi những cái bánh khọt của cô bé tròn vành vạnh, đều nhau cả độ dày của bánh và nhân, bánh vừa chín tới, xém vàng quanh viền, rất hấp dẫn thì bánh của chúng tôi làm “muôn hình muôn vẻ”, chả cái nào giống cái nào…Thế mới biết, làm bánh không chỉ có kinh nghiệm mà cần cả sự khéo léo, tỉ mỉ nữa. Những người con gái Nam bộ có thể không khéo tay thêu thùa, may vá, cũng có thể không giỏi lắm việc vườn ruộng, nhưng rất khéo léo trong nội trợ, nhất là làm bánh, nấu chè, làm cỗ. Các em gái hơn mười tuổi đã được mẹ, được bà dạy làm bánh, nấu chè, truyền cho bí quyết pha bột, làm nước chấm…  Trong đám tiệc hay khi con cháu về quây quần, là lúc các bà, các cô, cả các em gái trổ tài nấu nướng, nhanh nhẹn, vén khéo, với bao nhiêu món ăn hấp dẫn… 





Lót dạ bằng bánh khọt xong, mọi người lại hăm hở lên đường, đi bộ tới nơi có đàn cá lóc bay và cá bú bình. Hàng trăm con cá lóc hơn 6 tháng tuổi nghe hiệu lệnh gõ leng keng đua nhau ngóc đầu lên đen đặc một góc ao và rào rào phóng mình lên khỏi mặt nước để đón những viên thức ăn được tung ra. Hay là hàng chục con cá trê, cá lóc vài ba ký, đen trùi trũi chen nhau ngậm lấy thức ăn từ chiếc bình nhựa có núm như bình sữa được chúc thẳng xuống mặt nước, tạo nên những tiếng “chóc chóc”…  Đi thêm 01 đoạn nữa là nơi có xiếc ếch, những chú ếch vàng rộm sẽ nhảy cao lên khi người chủ nhấp nhấp chiếc cần câu buộc bông hoa nhựa màu rực rỡ và có vẻ chúng cũng thích thú với trò chơi này. Một chú ếch đen trũi, chân dài nhảy lộn nhào qua vòng tròn, rơi cái tõm, chúi đầu xuống mặt nước, giương cặp mắt thao láo như đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra.  Nhiều chú nhảy lên đụng vào nhau, ngã dúi dụi. Đàn ếch cứ say sưa biểu diễn, không quan tâm đến những vị khách đang thích thú liên tục quay phim, chụp ảnh. Anh chủ nhà nói là đàn cá lóc bay, đàn ếch này sau một thời gian biểu diễn phục vụ du khách, khi quá lớn thì sẽ được thả ra môi trường tự nhiên, không bán, cũng không ăn thịt chúng. Đây như một sự trả công cho chúng sau những tháng ngày phục vụ đem lại niềm vui cho du khách…  

        

Tới mỗi điểm tham quan, Út Hiền đều giới thiệu ngắn gọn về hoạt động ở đó, đủ để chúng tôi có hiểu biết chung và thêm một chút tò mò, háo hức khám phá. Em cũng lo chu đáo từ chỗ ngồi nghỉ chân, ly nước mát cho mọi người giữa trưa nắng và tất nhiên, em trở thành thợ ảnh cho cả đoàn với những bức ảnh “đẹp không chê vào đâu được”. Giọng em luôn nhỏ nhẹ và trên môi luôn thường trực nụ cười với tiếng “dạ” như gió thoảng…  

     

Bữa cơm trưa ở Cồn Sơn có những món ăn mang đặc trưng của miệt vườn: cá lóc nướng, bông điên điển xào tép, lẩu cá hú và cá kho tộ… Giữa buổi trưa nhưng xung quanh mát rượi bởi gió từ sông Hậu thổi vào lồng lộng, trong không gian bốn bề tràn ngập màu xanh cây trái và trong sự hồn hậu của chủ nhà hiếu khách…  

       

Chiếc xuồng nhỏ rẽ nước đưa chúng tôi rời Cồn Sơn trong ánh nắng vàng rực rỡ. Trên nền trời trong xanh, những cụm mây trắng bồng bềnh trôi, sóng nước sông Hậu xôn xao bên mạn xuồng, gió vẫn thổi mơn man…  Út Hiền ngồi ở mũi tàu, lưng áo bà ba thấm mồ hôi, nón lá che nghiêng. Em lại cất tiếng ca, câu vọng cổ ngọt ngào thay lời đưa tiễn…


Chuyến tham quan Cồn Sơn không dài, nhưng đem lại cho chúng tôi những cảm xúc rất ấm áp, thân tình của đất và người miệt vườn Nam bộ, với câu vọng cổ ngân nga trên mênh mang sông nước, những vườn cây trái sum suê, với món bánh khọt, bánh phu thê và bao điều mới lạ…  


Tạm biệt nhé Cồn Sơn! Tạm biệt Út Hiền. Chúng tôi sẽ nhớ mãi về em, về mảnh đất cù lao hiền hòa bên bờ sông Hậu…  


Miền Tây, tháng 7/2023

Trần Thu Huê

  


                                                              .                 

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.