- Thể ký
Vài chuyện cũ
Thứ ba - 04/10/2022 16:27
(Ảnh: Đặng Văn Tôn)
VÀI CHUYỆN CŨ
(Trần Anh Chiến)
Vào dịp này của năm 1979, tôi bước vào Trường cấp III chuyên Phan Bội Châu (Nghệ Tĩnh). Trường tôi nằm cách chợ Cọi (xã Hưng Lộc, tp. Vinh) chừng 2 cây số. Sở dĩ phải nhắc đến chợ Cọi là bởi chợ này nằm cạnh đường nhựa từ Vinh xuống chợ Mai Trang, còn trường tôi nằm sâu trong làng. Cứ đến chợ Cọi mà hỏi là tìm được lối vào trường nhanh nhất. Men theo tường của Liên đoàn Địa chất 4 rồi Ty Lâm nghiệp, rồi xuyên qua những lùm cây hoang dại rậm rạp, con đường làng toàn cát cứ thế chạy thẳng vào trường. Nói là "chạy thẳng vào" là do Trường tôi không có cổng và cũng chẳng có bờ rào xung quanh. Thoáng lắm! Phía trước là con hào giao thông chạy vòng qua phía bên phải. Các anh lớp trước bảo đó là giao thông hào để chống quân Trung Quốc xâm lược. Tôi lấy làm ngạc nhiên bởi cuộc chiến chống giặc Trung Quốc là ở tận biên giới phía Bắc cơ mà. Các anh lại giải thích: Ấy là do tp. Vinh là thủ phủ của tỉnh, lại gần biển nên phải đề phòng quân giặc từ biển tấn công vào. Đúng rồi, hèn chi mà bên cạnh tất cả ngã 3, ngã tư, ngã 5, ngã 6 của Vinh đều xuất hiện những cái lô cốt với những lỗ châu mai gườm gườm nhìn ra các tuyến đường. Giữa lúc cả dân tộc đang hừng hực khí thế chống giặc ngoại xâm, nhìn con giao thông hào, tôi lấy làm rạo rực lắm!
Có thể nói, trường tôi là một quần thể kiến trúc rất đa dạng. Theo trí nhớ không đến nỗi nào của tôi thì nhà trường có: 05 dãy nhà xây (cấp 4); 04 dãy nhà gỗ, vách nứa, lợp tranh kết hợp với giấy dầu; 04 dãy nhà tre, vách nứa, mái cũng lợp nứa luôn.
Bọn con trai lớp tôi được bố trí ở trong dãy nhà gỗ nằm ngay vị trí trung tâm của trường (cùng với mấy anh lớp Văn trên 1 lớp). Cả dãy có 06 gian, chúng tôi ở 02 gian giữa; 02 gian ngoài là phòng học của lớp 10 Toán (thầy Bỉnh chủ nhiệm); 02 gian trong là phòng học của lớp 10 Văn (thầy Tuấn chủ nhiệm). Cũng cần nói cho rõ là hồi đó chúng tôi học hệ 10 năm cho nên lớp 10 là các anh chị cuối cấp, đến năm học 1981 - 1982 thì bọn tôi mới "đại nhảy vọt" từ lớp 9 lên lớp 12, mặc dù chương trình học thì "vũ như cẩn". Lại phải nói kỹ hơn về dãy nhà này. Tiếng là nhà gỗ nhưng chỉ cột là bằng gỗ thôi, còn xà, kèo làm bằng tre. Theo cách gọi của dân miền rừng quê tôi thì đây là kiểu nhà cột chôn, nghĩa là cột được chôn xuống đất chứ không phải là kiểu cột kê, tức được kê lên đá. Cứ nhìn vào chân cột thì phải gọi dãy nhà này là "Cụ nhà" mới phải, bởi phần cột chôn dưới đất cơ bản đã mục, người ta thường gọi là "đứt chân". Mái cỏ tranh đã nát nên được gia cố bằng mấy tấm giấy dầu. Mà cũng không biết mấy tấm giấy dầu này đã làm nhiệm vụ được bao năm mà hễ trời mưa là bọn tôi phải dịch chuyển mấy bộ phản để tránh dột. Rồi một năm học đầu tiên trôi qua, rồi mấy tháng hè trôi qua. Ngày tựu trường vào mùa Thu 1980, lũ chúng tôi sững sờ khi thấy dãy nhà thân yêu đã nằm sõng soài trên mặt đất. Hỡi ôi, chắc "Cụ nhà" đã thu hết tàn hơi để che chở cho lũ trẻ bọn tôi cho đến hết năm học. Chỉ đến khi lũ trẻ về hè thì "Cụ" mới an lòng sụm xuống. Quả là một hồng phúc!
Lại phải kể về phòng nội trú. Mỗi học sinh được phát một bộ phản để "độc lập tác chiến". Tuy nhiên vẫn có thể liên quân. Nhất là mùa Đông. Đó là thời kỳ đòi hỏi "những người chăn đơn liên hợp lại". Đương nhiên là ấm hẳn lên, nhưng cũng gây ra những hệ lụy không nhỏ. Chỉ vài tháng sống tập thể mà tất cả bọn tôi đều mang trên đầu biết bao nhiêu là sinh vật ngoại lai. Đó chính là lũ chấy khốn nạn. Năm ấy, kinh tế nước nhà bước vào thời kỳ khủng hoảng. Thứ gì cũng thiếu. Áo quần không đủ xà phòng mà giặt; thuốc đánh răng phải dùng thuốc bột, cứ phải nhúng bàn chải vào nước rồi chấm vào gói bột. Nói thế để biết lũ chúng tôi làm gì có xà phòng thơm mà gội đầu. Bánh xà phòng Hoa Nhài màu xanh xanh, mùi thơm dịu là thứ xa xỉ phẩm, còn hiếm hơn cả những loại dầu gội đầu nổi tiếng bây giờ.
[Thế mới có chuyện tiếu lâm: Có một anh ở quê ra phố, đi qua cửa hàng Bách hóa thấy người ta tranh nhau xếp hàng nên cũng chen vào. Thấy người ta kêu"bán cho một bánh" thì anh cũng gọi theo. Khi mua được chiếc bánh thơm thơm, anh cho luôn vào mồm. Có người đi qua thấy anh nhăn nhó, miệng đầy bọt liền hỏi nguyên do. Anh đáp: "Tiếc công tiếc tiền mà phải ăn thôi, chứ loại bánh này chẳng ra gì". Hóa ra đó là bánh xà phòng thơm!!!].
Lại nói về chuyện gội đầu. Không có xà phòng thơm thì bọn con gái dùng bồ kết. Còn lũ con trai thì miễn sao ướt từ đầu đến chân là tốt rồi. Do đó, đầu tóc bọn tôi là mảnh đất màu mỡ cho lũ chấy tham lam, tàn bạo ngày đêm quấy nhiễu, bòn rút đội ngũ "tiền trí thức". Đó cũng là cội rễ dẫn đến tình cảnh những lần thầy cô hỏi bài hay đứng trước bạn gái "đặc biệt", bọn con trai chúng tôi thường gãi đầu gãi tai!!! Rồi đến một ngày đẹp trời, dường như sức chịu đựng đã quá giới hạn, vượt qua nỗi xấu hổ, một đứa trong bọn tôi đã đến tận phòng con gái để thỉnh về một chiếc lược dày (lược bí). Lộp bộp, lộp bộp. Chao ôi, những trang giấy trắng học trò như được rải một lớp vừng đen! Kỷ lục đã được xác lập bởi Chu Vĩnh Hải: Già trẻ lớn bé tất thảy có 43 tên bóc lột!!! Còn tôi thuộc diện "thu nhập trung bình thấp" nên chỉ tóm được 25 tên mà thôi.
Ai đó đã nói thật chuẩn xác: Khi cái đầu đã nhẹ thì bước chân, giọng nói sẽ trở nên tự tin và thanh thoát!