- Trang văn
Hạt thóc
Thứ năm - 01/06/2023 19:31
(Ảnh: Đại Dũng)
HẠT THÓC
(Trần Anh Chiến)
Mẹ tôi tuổi Hợi (1935). Ở tuổi này nhưng mẹ đi lại vẫn khá nhanh nhẹn, vẫn ăn ngủ bình thường, thỉnh thoảng còn làm được một lon bia hoặc vài ly rượu vang. Mỗi tội, mẹ đã bắt đầu "nhớ nhớ quên quên". Mà y học nói chuẩn xác thật, cái bệnh này làm con người ta hay lẫn lộn, nhanh chóng quên những chuyện vừa xảy ra, nhưng lại nhớ rất chi tiết những chuyện rất lâu trong quá khứ. Vừa rồi hai mẹ con nhắc lại chuyện hạt thóc ngày xưa thấy thật thú vị.
Hạt thóc ư? Ở nền văn minh lúa nước thì hạt thóc đã trở nên quá đỗi thân thuộc, gắn bó máu thịt hàng ngày đến mức trở nên bình thường. Nhưng bạn sẽ ngớ người ra khi tôi hỏi: Trong nhà bạn bây giờ có hạt thóc nào không? Đừng mất công tìm kiếm làm gì, không có đâu. Kể cả khi bạn ra ngoài phố cũng khó tìm ra nơi bán cho bạn một ít thóc. Ngay cả về làng quê, nếu không phải mùa gặt thì trong nhà bác nông dân cũng dễ gì tìm được mấy hạt thóc. Bởi lẽ, xong mùa gặt, tuyệt đại đa số nông dân sẽ bán hết thóc lúa. Họ không cất giữ thóc lúa làm gì. Lương thực thì cứ lấy tiền mua gạo, giữ lúa vừa mất công bảo quản vừa mất công đi xay xát. Cả thóc giống cũng vậy, đến vụ là có nơi cung cấp. Có chăng là ở những nhà nuôi gà vịt thì để lại một ít thóc mà thôi. Thế nhưng trong những ngày xưa của tôi và mẹ (và những người cùng thời) thì nhà nào chẳng có. Cứ có gạo là có thóc. Không phải là nói ngược theo kiểu gạo sinh ra thóc chứ không phải là thóc làm ra gạo đâu nhé, mà theo đúng nghĩa đen, tức là trong mỗi bao gạo, thùng gạo luôn có thóc lẫn lộn chứ không như gạo mà chúng ta thường dùng bây giờ. Mà không ít đâu. Lượng thóc ấy đủ làm cho một bữa cơm mất cả ngon. Bởi vậy, khác với bây giờ, quy trình nấu một nồi cơm ngày trước bắt buộc phải trải qua bước loại bỏ thóc ra khỏi gạo. Và cũng không thể không điểm mặt chỉ tên một đồng bọn cùng với thóc làm bữa cơm mất ngon, đó chính là những hạt sạn nằm lẫn trong gạo. Nếu đang ăn mà nhai phải một hạt sạn thì thôi rồi… Cứ gọi là ê cả răng, buốt lên tận óc. Bây giờ, gần như không còn sạn trong các loại gạo mà ta thường dùng, nhưng nó lại được dùng để chỉ những hạn chế, khiếm khuyết trong những tác phẩm nghệ thuật hay trong các chương trình văn hóa - xã hội (như trong cuộc đón chào, vinh danh các cầu thủ U23 chẳng hạn). Để loại bỏ thóc và sạn ta phải dùng đến cái rá. Ngày ấy, từ nông thôn cho đến thành thị nhà nào cũng có những cái rá được đan bằng tre nứa. Rá là công cụ không thể thiếu và được sử dụng thường xuyên khi nấu mỗi bữa cơm. Bây giờ nấu cơm thật đơn giản, chỉ cần cho gạo vào nồi cơm điện, vò sơ bộ, cho nước vừa đủ rồi bật công tắc là xong. Còn ngày đó, ta phải cho gạo vào rá rồi đặt vào chậu nước để đãi thóc và sạn. Công đoạn này đòi hỏi phải khéo léo và mất khá nhiều thời gian. Hồi đó kinh tế khó khăn đến nỗi khi cái rá bị bung vành thì gia chủ lại dùng các loại dây để buộc lại, gọi là "cạp lại". Bây giờ không còn cảnh đó nhưng "rổ rá cạp lại" vẫn được dùng để nói về những cặp vợ chồng đều đã qua một lần đò.
Nhưng trong kí ức của mẹ và tôi, những hạt thóc trong thùng gạo ngày ấy cũng thật đáng quý. Đó là vào những buổi trưa hè, sau bữa cơm mẹ thường bảo tôi nhổ cho mẹ mấy sợi tóc sâu. Mà ngày đó chỉ vài bác trong cơ quan là có cái nhíp nhổ râu thôi. Mỗi lần mẹ bảo là tôi chạy ngay đến thùng gạo nhặt mấy hạt thóc. Sau khi đã định vị được sợi tóc sâu, ta đặt hạt thóc vào đó rồi kéo lên thật dễ. Khi mẹ thiu thiu ngủ là tôi len lén đi ra chạy nhảy cùng đám bạn. Ngày ấy, bọn trẻ chúng tôi có ngủ trưa bao giờ đâu.
Thôi, cũng chỉ nhớ để mà thương. Giờ đây, không còn mấy hạt thóc trong mỗi thùng gạo. Và mái tóc mẹ tôi đã một màu mây trắng!