• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Hà Nội của hai đầu nỗi nhớ

Thứ ba - 06/06/2023 19:43



(Ảnh: Trần Bảo Toàn)



 HÀ NỘI CỦA HAI ĐẦU NỖI NHỚ

 

Tôi đến Casablanca vào một ngày đông lạnh, sau 30 tiếng đồng hồ kể từ lúc rời Hà Nội, lòng chênh chao nỗi niềm trống vắng. Có lẽ đây là chuyến đi công tác không mong đợi nhất của tôi trong những ngày cuối năm, phần do bận mải, phần do tôi không muốn xa Anh, xa những cuộc hẹn hò với các tình yêu trong mùa Cúc Họa Mi - biểu tượng của mùa đông Hà Nội.

 

Biển Casa đón tôi với cái lạnh tới bất ngờ với những con sóng hoang hoải duỗi dài trên bờ cát vắng. Cát và sóng biển nơi đây dường như thấu hiểu nỗi niềm của một người đang phải xa Hà Nội, đang trong cảnh “chỉ thiếu có một người mà cả trời trống vắng”. Chẳng rõ lúc vắng tôi, “Hà Nội của tôi” có thẫn thờ thương nhớ như tôi lúc này không nữa. Tôi còn “tâm trạng” hơn khi một bạn (là cán bộ Đại sứ quán ta tại Rabat) chia sẻ: “Em sang đây đã gần 6 tháng rồi mà vẫn chưa quen được chị ạ. Đến giờ này, em vẫn phải gọi điện thoại về cho mẹ em, để mẹ yên tâm rằng em vẫn ổn, mẹ mới ngủ được. Hôm nay đi công tác cùng chị, không gọi, chắc mẹ em rất mong”. Rời Casablanca đi Marrakech, tôi ngu ngơ với lời hứa rằng sẽ viết một bài về nỗi niềm những người trong cuộc của mỗi chuyến đi xa như thế này.

 

Ba ngày sau, tại Marrakech, trong lúc chờ hai đồng nghiệp đi mua giúp đồ ăn cho một tiếng nghỉ trưa giữa các phiên họp kéo dài lê thê tại Hội nghị liên Chính phủ thông qua Thỏa thuận di cư toàn cầu, tôi đã viết bài thơ “Hà Nội ngày vắng em”.

 

Nguyên vẹn trong tôi lúc đó là ánh mắt và nụ cười rất hiền, rất trong và rất an nhiên như thiên sứ của Anh khi động viên tôi thực hiện chuyến công tác này. Là lời tâm sự của nhà ngoại giao ta tại Rabat. Là khoảng lặng không thể diễn tả bằng âm và lời (bởi âm thanh hay lời nói lúc này cũng bất lực như nhau cả thôi) của những người bạn tôi, của những người trong cuộc, những người có cái “nghiệp” luôn gắn với những chuyến xa nhà. Là nguyên vẹn cái thẫn thờ của cả hai chiều nỗi nhớ từ phía người đi xa đối với người ở lại và từ phía người ở lại đối với người đi xa. Là cả cái “ tỉnh thức” của cổ nhân, với lời nhắn nhủ rằng: nếu cứ quản mãi cái nỗi niềm “nặng tình” như thế này, thì trong chuyến trở về nhà, “những người trong cuộc” lại phải bước thêm “một khoảnh phù du” nữa giữa cõi hồng trần.

 

Và cuối cùng là hình ảnh của Biển đang vỗ về, đồng cảm, lặng lẽ nhẫn nhịn kéo cái “xa” gần lại, gần nữa, gần mãi. Theo truyền thuyết, Biển chính là Giọt nước mắt từ bi của Đức Phật, vì thương xót chúng sinh mà Ngài đã lưu lại chốn hồng trần này con đường giải thoát để người trần gian biết lối mà trở về chốn tiên thiên xa xưa. Dù ở nơi nào trong thập phương thế giới này, khi ta đang xa hay đang gần, thì “Giọt nước cứu sinh” của Đức Phật (Biển) vẫn luôn vỗ về, vẫn luôn đồng cảm, vẫn luôn hướng đạo và cứu rỗi. Và rồi, sẽ đến lúc “Giọt nước” mặn chát ấy trở lại với vị “Ngọt” của ngày Xưa, của chốn xa Xưa.

 

“HÀ NỘI NGÀY VẮNG EM

 

Em đi rồi

Hà Nội gió buồn tênh

Ô cửa vắng chênh chao chiều đông giá

Họa Mi trắng thêm một mùa vơi lá

Bước chân buồn

lạ lẫm giữa đường quen.

 

Là Hà Nội thêm một lần vắng em

Thêm một lần thấy lòng mình thầm nhớ

Câu thơ viết thêm một lần dang dở

Cõi hồng trần thêm một khoảnh phù du.

 

Là vắng em Hà Nội mãi hoài thu

Là thương nhớ, là thẫn thờ, tiếc nuối

Biển Casa lạnh buốt chiều em tới

Cát lặng thầm

ôm sóng vỗ... về... xa…”

 

Đó là cảm xúc rất thật của “những người trong cuộc” đến từ “hai chiều nỗi nhớ” trong bài thơ “Hà Nội ngày vắng em”- “Hà Nội ngày vắng anh”.... Và bài thơ này sau đó đã được nhạc sĩ Hồng Vân phổ nhạc và nghệ sĩ ưu tú Đức Long thể hiện. Nó đúng với tâm trạng của tôi – một người đến từ cả hai chiều nỗi nhớ.

 

Trần Huyền Tâm
(Tản mạn miền sương khói - NXB Hội Nhà văn 2019)

Xem bài hát tại: https://www.youtube.com/watch?v=ywTyHPW-PLs&ab_channel=Nh%C3%A0B%C3%BAp

 


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.