• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Chúng tôi du lãng xứ Bắc: lên Mường Khương bây giờ thật đơn giản, liền tới bản Tùng Lâu

Thứ ba - 13/06/2023 09:10




(Trạm dừng đỗ tự phát ở cửa ngõ thành phố Lào Cai hướng đi Mường Khương)


 

Chúng tôi du lãng xứ Bắc: lên Mường Khương bây giờ thật đơn giản, liền tới bản Tùng Lâu

(Chu Xuân Giao)

 


https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEhDRplBLqXKwt5GwwZ_oaZfk5JmQTULu5Add0HFtiDnxvuuzescJQtRqG4ZKuqp0cvhi8uoiD1uaob50RcRJXijEw38mvkjLy9XAgQm-Y7ubYaT1d8j0IIYH458Y7OMjTK97MfmakAz-6G9z_wHUt6es2KGMVL_LDYcc2WmQy0ubVKdeq4ZShSIx2Ul=w640-h497


 

Tôi lên Mường Khương lần đầu tiên vào tháng 8 năm 1998, tức là khoảng 25 năm trước ! Xuất phát từ Hà Nội bằng xe cơ quan (xe này là hãng Von-ga, tương truyền là xe cũ của cụ cốp nào đó của trung ương thải xuống cho Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia - nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Lái xe cơ quan tôi là người tháo vát và thích kĩ thuật, anh đã lắp thêm một cái quạt nhỏ (chắc mua ở chợ Hôm) vào trong xe, để mùa hè thì quạt sẽ quay tạo gió cho đỡ nóng.


Đại khái lên đến Lào Cai thì cái Von-ga đã rất mệt! Người già lung lay cả hàm răng mà bọn nó bắt đi cả mấy trăm cây, tới hơn nửa là đường miền núi!


Phía đối tác là Sở Văn hóa Lào Cai đã ra ngay "nghị quyết": cái xe cụ già ấy cần phải cất vào ga-ra của Sở, không được lưu thông trên đường đến các huyện trên cao như Mường Khương hay Bắc Hà ! Sở đã giới thiệu cho bên tỉnh đội. Chúng tôi sang đó thuê một cái U-oát để lên Mường Khương.


1. Vậy là xe từ Hà Nội lên của chúng tôi phải đắp chiếu ở Sở, còn lên Mường Khương phải sử dụng xe U-oát thuê của tỉnh đội Lào Cai. Chúng tôi thuê cả xe và cả lái.


2. Tưởng có xe U-oát rồi thì yên tâm. Thế nhưng, không phải vậy, đường lên Mường Khương vẫn không dễ dàng. Nhiều đoạn, chúng tôi vẫn phải xuống, để cho bác tài xử lý một mình, rồi tiến lên một đoạn mới được lên xe tiếp.


3. Điểm đầu tiên chúng tôi cần đến, theo thông lệ của thập niên 1990, là Ủy ban Nhân dân huyện. Chúng tôi xuất trình giấy tờ, rồi được giới thiệu đi các ban trong UBND và huyện ủy. Đồng chí chủ tịch huyện lúc đó là một người ở dưới xuôi lên. Một cô cháu họ gì đó của chủ tịch cũng mới lên nhận công tác, có giúp chúng tôi việc gì đó về văn phòng và chỉ dẫn chỗ sang nhà khách của ủy ban. Chúng tôi chỉ có thể ở nhà khách của ủy ban mà thôi, hồi đó chưa có nhà nghỉ hay khách sạn ở Mường Khương. Đại khái là được thuê nhà khách, giá chắc cũng không rẻ, nhưng xem ra là tiện lợi về nhiều phương diện.


4. Lên Lào Cai nhiều, sau năm 2010 có năm tới ba bốn lần, nhưng chuyến đi khảo sát dân tộc học trong gần nửa tháng vào năm 1998 vẫn in đậm trong kí ức nhất.


Hồi đó, chúng tôi có tới thăm bản Tùng Lâu - lúc đó thuộc xã Tùng Chung Phố. Đó là địa bàn cư trú của người Nùng Dín - một nhóm địa phương của tộc người Nùng ở Việt Nam. Hôm đầu tiên, lúc chúng tôi đến cổng làng thì bùn đất ngập đường ! Chưa bao giờ thấy cảnh bùn đất kinh đến như vậy. Thế nhưng không sao, với dân tộc học thì chuyện nhỏ thôi ! Chúng tôi vẫn tung tăng đi lại trong bản, đến nhiều nhà, rồi còn được thầy cúng cao tay nhất bản dẫn lên rừng để thăm nơi ở của Sơn thần Anh và Sơn thần Em. Đại khái, nhớ mãi không quên các khung cảnh làng Tùng Lâu thời bấy giờ, mà một ít thì được lưu trong ảnh chụp (hồi đó là chụp phim màu 36 kiểu - trước khi đi điền dã, tôi hay qua cửa hàng bán phim cuộn của TTXVN gần cơ quan).


5. Bây giờ, sau 1/4 thế kỷ, việc lên Mường Khương thật đơn giản. Tôi chạy xe Hải Vân từ sáng sớm ở Hà Nội, rồi được đưa đến Bến xe Trung tâm của thành phố Lào Cai vào tầm trưa. Trời nắng chang chang.


Từ Bến xe Trung tâm, tôi gọi điện cho một nhà xe tư nhân chuyên tuyến Mường Khương (số là do một học trò cung cấp từ kinh nghiệm đi Mường Khương của người nhà). Hóa ra nhà xe ấy đã có sẵn xe trong bến xe rồi. Tôi chỉ kịp đi một vòng khu nhà công vụ, rửa tay, uống chén nước, là lên xe luôn!


6. Lái xe là người Nùng Dín luôn, hiện ở Si Ma Cai. Mường Khương thì tạm xem là nơi nằm ở giữa thành phố Lào Cai với Si Ma Cai. Từ thành phố lên huyện lỵ Mường Khương khoảng gần 50 km. Hỏi tuổi thì biết lái xe kém tôi một chút, nên gọi "pí noọng" (anh em) cho gần gũi. Tôi là khách hàng đầu tiên đi từ bến xe của em ấy. Em ấy biết nói tiếng Mông khá tốt. Rất nhiều khách hàng người Mông lên xe ở giữa chừng và xuống cũng giữa chừng - một số là đi làm thuê việc đồng áng bên Trung Quốc về.


Em lái xe vui tính và rất thạo việc (để duy trì một chuyến xe khách chạy giữa thành phố Lào Cai và Si Ma Cai là việc không đơn giản, không thạo việc thì như em nói "chỉ có nước treo niêu"). Em khoe: con gái đang học ở Đà Nẵng, học lực tốt, chưa ra trường đã đi làm rồi.


7. Thú vị là vừa ra khỏi thành phố một chút, thì ông em lái xe dừng xe khá lâu ở cửa ngõ thành phố, đợi khách hàng đến từ nhiều ngả để đi về hướng Mường Khương - Si Ma Cai. Thời gian gian nghỉ ở đó cũng tới hơn nửa tiếng, nên tôi được dịp xuống nghỉ ngơi và ăn bánh mì trứng. Đó là một khu dịch vụ, tựa như một trạm dừng đỗ tự phát của nhân dân.



Đại khái, bây giờ, lên Mường Khương thật nhàn ! 


Đến thị trấn Mường Khương cái là tôi liền vào bản Tùng Lâu luôn. Bản ấy, bây giờ thành "Tổ dân phố Tùng Lâu" và thuộc vào "thị trấn Mường Khương". Đường xá thì quá đẹp rồi, nhà cao tầng mọc san sát, cái bản "hoang vu" ngày xưa bây giờ thành ra phố xá đông đúc ! Nhưng vẫn có cái thú là một số ngôi nhà cũ của ngày xưa được giữ lại trong tổ dân phố (cả nhà đất trình tường và nhà lầu mấy tầng kiểu cổ).


Sau 25 năm, cảnh sắc đã đổi khác nhiều lắm ! Vị thầy cúng cao tay nhất bản ngày xưa hiện đã hơn 90 tuổi, cụ đã được phong "nghệ nhân ưu tú" một ít năm trước, nhưng bây giờ thì đã lẫn (không còn nhận ra cả các con của mình). Tôi cầm tay cụ mà nhớ lại cảnh ngày xưa cụ dẫn chúng tôi lên núi, kể bao câu chuyện về các vị sơn thần. Trước khi lên Tùng Lâu lần này, tôi đã liên hệ với con trai của cụ, biết trước việc cụ đã lẫn, nhưng quả thật, lúc cầm tay cụ, tôi mới thực sự cảm nhận được sự việc. Cụ nằm ở giường nhìn tôi nhiều lần khi tôi nói chuyện với người trong gia đình.


Mường Khương - Hà Nội tháng 4 năm 2023,

Giao Blog



Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.