• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Lấp lánh hồn thơ Việt trên sân ga Tokyo chiều cuối năm

Thứ hai - 02/01/2023 17:43




 

LẤP LÁNH HỒN THƠ VIỆT TRÊN SÂN GA TOKYO CHIỀU CUỐI NĂM 

(Tác giả: Vân Quốc)

 

Đã rất nhiều lần, khi xế nắng cuối một ngày thu, hay một sáng mùa đông trời mù bụi tuyết lất phất bay, cũng có thể là một trưa nắng đổ lửa giữa tháng bảy, trên quãng đường ra một nhà ga tàu điện, có khi ở Tokyo (thủ phủ miền Đông), có khi ở Osaka (thủ phủ miền Trung) hay Hakata (thủ phủ miền Tây), vừa bâng khuâng bước men theo vạch kẻ đường bằng sơn trắng, tôi vừa bất giác lẩm nhẩm đọc những câu thơ da diết của thi sĩ Thâm Tâm:


Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong

(Tống biệt hành)

 

Có khi tự khẽ bật cười, vì chợt nhận ra rằng, tôi đã vô thức mà nhẩm đọc những vần thơ ấy ngay cả khi còn đang dở việc nhét những đồng tiền xu vào máy bán vé tàu tự động. Khi đồng xu in hình hoa cúc quyền quý (tượng trưng cho quốc vương) vừa rời những ngón tay để lặc rặc chạy vào trong bụng máy tự động, rồi khiêm tốn reng lên một tiếng báo hiệu việc nó đã nằm gọn trong đó, là khi từ đáy óc dâng lên mấy vần thơ của Thâm Tâm thi sĩ. Có đôi lần, trong khi còn ì ạch kéo va-li hành lý nặng, ngoan ngoãn men theo cái vạch kẻ đường, tôi lại bất giác nhẩm:


đưa người ta không đưa qua sông

sao có tiếng sóng ở trong lòng….

 

Chẳng hiểu sao nữa, mỗi lần ra ga rồi lên tàu, cho dù chẳng có ai ngoài tôi, và dù chỉ là từ nhà đến trường hoặc đến một địa điểm nào đó quanh quẩn trong thành Đông Kinh này, như đài truyền hình quốc gia NHK (nơi đi làm thêm) hay thảo cầm viên (nơi đi dạo để hạ hỏa đầu đang bốc lửa), với tôi, đều có cảm giác như đang ở trong một cuộc tiễn đưa. Vâng, tiễn đưa, và là tiễn đưa da diết lắm.

 

Nhiều lần, mây khói trên dòng sông nơi quê nhà xa xôi từ đâu ùa đến, đầy lên trong mắt, khi tôi tựa mình vào cửa tàu nhìn ra ngoài qua lần kính. Có khi thấy bóng dòng sông Hồng mùa nước cạn trơ hết những bãi bồi ở bên kia cầu Chương Dương hiện ra trên mái cong cong của một ngôi chùa bên cạnh đường ray. Có khi thấy loang loáng trước một siêu thị rực rỡ ánh đèn và hối hả người vào ra, hiện lên một khóm chuối với những tàu lá mướt xanh, hay một rặng duối với quả chi chít chín vàng mời gọi đàn rắn ráo.

 

Tiễn đưa. Hay vọng tưởng?

 

Một chú trâu đen căng bụng cỏ lững thững trên triền đê chiều xứ Quảng. Một lá thuyền chài phả mùi nước mắm đang canh thơm lừng trên dòng sông Luộc. Một hàng dài quang gánh quảy đi kĩu kịt trong phiên chợ vùng trung dung, ở giữa mỗi đôi quang là nón mới bóng lên màu của nước quang dầu. Kìa, một chú bé con con chân trần chạy lên đồi giữa những hàng muỗm cổ thụ trầm tư trước cửa đền Và dưới chân dãy Ba Vì sừng sững (trên đỉnh, ấy là nơi ngự trị của đức Thánh Tản Viên). Và kìa, dãy hàng quán lèo tèo cuối đường Thi Sách, nào trứng vịt lộn, nào bún ốc, ai đó mang bã chè mà tãi lên gốc bàng xòe ô lá vàng.

 

Tất cả. Tất cả. Tôi tiễn đưa, cũng tức là tôi vọng tưởng. Mỗi lần đến với một chuyến tàu là mỗi lần vọng tưởng, và cũng là mỗi lần như tiễn đưa. Bâng khuâng. Nhưng chẳng hề có đối tượng chia li rõ ràng để mà bịn rịn, để mà cầm tay lưu luyến bằng bàn tay thực hữu này với những gân xanh xanh và máu nóng chạy rần rật ở trên trong. Chỉ là cái gì đó rất mờ mờ ảo ảo. Nó như vẩy mây lơ thơ có mang hơi nước âm ẩm đang nằm ẩn đâu đó trong tim, hay lẩn quất một nơi nào đó trong não bộ. Bất giác, không định được phút giây, nó ùa đến tạo những cơn mưa trong lòng, mưa của vọng tưởng, mưa của tiễn đưa vô hình.

 

***

 

Mưa. Mưa ở ngoài trời, và mưa ở trong lòng. Một đêm hè lắc rắc mưa thưa, trên đường ra ga tàu để trở về nhà, bất giác trong óc hiện lên những vần thơ của Tú Xương:


Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

(Sông lấp)

 

Hãy trở về với quê hương Hà Nam của Tú Xương và Nguyễn Khuyến. Nơi ấy chi chít những ao chuôm, những đầm hồ, sao mà nhiều đến thế, để rồi mỗi năm lại mỗi lần úng lụt.

 

Ếch nhái râm ran lẫn vào ánh đèn dầu le lói trong một đêm như vậy. Cái đêm tôi nằm ngủ trên chiếc chõng tre ở ngoài hiên một nông hộ gần với nhà cũ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Bẵng cái, mà đã thành đêm của rất nhiều năm về trước. Bữa ấy, một người bạn của tôi, trước là khoe, rồi sau là nhờ tôi về đọc dịch giúp sang tiếng Việt một cuộn sắc phong ở nhà thờ tổ được cất giữ nghiêm cẩn trong hộp sơn son thếp vàng. Ông trưởng họ mừng rỡ thịt gà và khui vò rượu nếp cất giữ trong nhiều năm khoản đãi chúng tôi. Vẫn nhớ cơm có cả cà pháo muối rất giòn, và canh cua đồng nấu với rau đay (ở quê cụ Yên Đổ, người ta gọi cua đồng là "rốc", và nói chữ là "ngựa ông Cao Biền"). Đêm ấy có rất nhiều đom đóm liệng trên mái nhà thờ tổ cách không xa cái chõng tre. Sáng ra, trưởng họ ghé tai bảo nhỏ: “Đêm qua, các cụ chắc mừng mà về thăm đấy”.

 

Tôi rút ô mang sẵn bên mình, giương lên che mưa bay bùi bụi. Đến ga, mới sực nhớ ra rằng, nhà ga này trước đây cũng là bến đò trên một dòng sông. Dòng sông ấy đã được bồi lấp, “đã thành nhà cửa, đã thành sân ga”, chỉ còn cái tên vẫn lưu lại một chút dấu xưa (ga Sugamo tức Tổ con vịt, hay ga Tabata tức Bờ ruộng, Waseda tức Ruộng lúa sớm…). Ôi, có phải thế chăng mà biết bao lần trên sân ga, đều ngỡ mình đang đợi một con đò trên bến sông, và mọi chuyến tàu đều dẫn ngược tôi về với quá khứ có thật đang hiện hữu ở đằng sau màn mưa.

 

Trên tầng thứ 38 của tòa nhà khách sạn gần ga Ikebukuro (một ga lớn ở Tokyo), trong một đêm thanh vắng, tôi đã nghe thấy tiếng ếch kêu, vọng đến từ rất xa.


Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò…


Một chú ếch, không rõ tuổi tác, không rõ quốc tịch, cất từng tiếng rời rạc và khô lắm. Sau này trở lại nơi đó lần thứ hai, tôi đã biết: khách sạn ấy ngày xưa cũng là trên một bến sông.

 

***

 

Hôm nay, ngày cuối năm, tôi ra ga tàu, sẽ “hành quân” tới ba bốn nơi, đại khái vẫn như lịch trình của những năm tôi ở lại Tokyo, không về miền Tây đón Giao thừa cùng gia đình.

 

Trước tiên là quãng đường ra ga gần nhà, chỉ đi bộ khoảng mười phút. Lên tàu, qua mấy lần đổi tuyến, để đến ga Tokyo, ga trung tâm và lớn nhất thủ đô, sẽ xuống ở đó, lững thững đi bộ ra hoàng cung, vừa đi vừa hứng gió lành lạnh tạt về từ phía tòa nhà Quốc hội. Đi dạo vãn cảnh ở khu hoàng cung một vòng, rồi trở lại ga Tokyo, dừng chân một lúc trong một tiệm cafe nhỏ nào đó ở tầng trên trong tòa nhà ga kiến trúc bằng gạch đỏ nổi tiếng này. Chắc là nửa tiếng hay hơn một chút, để vừa nhâm nhi cà-fê pha loãng rất hợp với người yếu dạ dày như tôi, vừa nghe nhạc cổ điển nhè nhẹ, hay lướt net. Sau khi rời ga Tokyo, đích đến sẽ là chùa Asakusa (chính tên là Sensoji浅草寺/Thiển Thảo tự), một ngôi chùa nổi tiếng vốn theo Mật tông, nay là đại bản doanh của Thánh Quan Âm tông, người ở tứ phương, đặc biệt là mấy tỉnh vùng Quan Đông sẽ đổ về đây đông nghẹt vào dịp Tết, từ ngày 31 tháng 12 năm cũ đến ngày 3 tháng 1 dương lịch năm mới. Sau chùa Asakusa, điểm cuối cùng sẽ là tháp Tokyo lung linh ánh sáng vào đêm Giao Thừa, đó là ngọn Ép-phen của Tokyo, nơi các cặp tình nhân sẽ hôn nhau thắm thiết dưới chân tháp lồng lộng gió trong thời khắc chuyển năm.

Giờ này thì tôi đang ở nhà ga Tokyo, trong một tiệm cafe nhỏ, ghi nhanh tạp bút này trên máy tính cá nhân. Vậy là mới chỉ được một phần ba hành trình đêm cuối năm mà thôi.

 

***

 

Đúng như dự định đêm qua, tôi men theo vệt sơn sáng kẻ đường, từ nhà lững thững cuốc bộ ra ga Tama. Ga này chỉ cách nhà tôi ở mười phút. Ngay sát sân ga là nghĩa trang rộng mênh mông của thành phố, tới gần 130 ha, nghĩa trang Tama-reien(多磨霊園/Tama linh viên), nơi yên nghỉ của nhiều văn hào và chính trị gia lừng lẫy. Hôm nay, trên đường ra ga, bất giác tôi lại nhẩm đọc những vần thơ của Thâm Tâm, không phải lúc đút tiền xu vào máy, mà là khi dừng lại ở chỗ đèn đường báo đỏ:


Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng…

 

Ai đó từng tôn gọi Thâm Tâm là Thâm Tâm Tài Nhân để xứng với Thanh Tâm Tài Nhân thời Thanh bên nước Tàu, tác giả của thiên Kim Vân Kiều truyện sau này thành cơ sở cho Nguyễn Du phóng tác nên Kiều. Mỗi lần nhớ về Thâm Tâm, tôi thường mường tượng một người hao hao gầy, mũ nồi đội lệch, như trong một tấm hình đã xem ở đâu đó. Nghe nói ông qua đời sau một cơn đau tim đột ngột trên chiến trường Đông Bắc (một chiều rừng mưa /ba người anh/ từ chiến trường Ðông Bắc /được tin em gái mất/trước tin em lấy chồng).Tống Biệt Hành nổi tiếng ra đời khoảng năm 1940, tức cách nay tới gần 70 năm về trước.

 

Đèn vẫn đang còn đỏ.

 

Khi rướn mắt về phía nghĩa trang, trong vàng vọt của nắng chiều cuối năm, từ đáy óc, những vần thơ khác cũng nhập nhòa hiện lên:


Thiên tài nằm dưới cỏ xanh

Những phường nát rượu lưu danh muôn đời

Bạn về tiễn một chén đưa

Xác tôi nằm dưới cơn mưa bụi đời

Trăm năm còn có gì đâu

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì

 

Hai khổ đầu thì chịu, không biết rõ của ai, và cũng không cần thiết nữa, cứ tạm cho là thơ dân gian. Còn khổ cuối, hẳn là của Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc, mà khi vào dân gian đã thành phiên bản mới, rất dễ lẫn với nguyên bản, rằng:


Cuộc đời có đếch gì đâu

Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì

 

Đến khu hoàng cung, nơi ở của nhà vua Bình Thành cùng hoàng tộc (năm 2007 sẽ là năm Bình Thành 19), vẫn trong vàng vọt của nắng chiều và lạnh buốt của gió đông, ngước nhìn bầy quạ đen lặng lẽ liệng vòng tròn trên vườn thượng uyển như mọi khi, lại bất giác, tôi nhẩm đọc:


ối đông chiều

gián tía

hoàng cung liệng bè quạ đen

đôi/khi đức vua là con trắng tướp nước trà trộn trong bầy

ngập ngừng

chớp

ráng

rắc phân lên thượng uyển liễu bào

ngài bay qua bóng cỗ máy giảo hình dựng trên một ngũ giác đài

 

chó nhải nhai đêm

rùng rục kéo lên những đoàn người

trong đó

đôi/khi

có tôi

có đức vua

(trích bài đôi/khi, thơ Vân Quốc viết tháng 11 năm 2006)

 

Ngoài trời nắng đã yếu. Tôi gập máy tính, và chuẩn bị lên đường tới chùa Asakusa. Giờ này, nối theo dòng người nghìn nghịt từ ga tàu (ga Asakusa) vào được đến chính điện chắc sẽ mất hàng nửa giờ. Tôi sẽ rút một thẻ xăm trong chính điện để đoán vận năm mới, rồi ra hớt khói hương đang nghi ngút tỏa lên từ cái lư đồng đại tướng dựng giữa sân. Người Nhật có tục hớt khói hương ở chùa Asakusa vào chỗ đau trên cơ thể (bả vai, bụng, kể cả hạ bộ, khối u ác tính, …), tương truyền là hiệu nghiệm lắm. Trước khi rời chùa, hẳn thế nào tôi cũng phải xếp hàng chờ bằng được để xơi ngon lành một bát udon (tạm coi như phở của ta) trong cái quán gia truyền không mấy rộng rãi nằm chênh chếch trước mặt chùa (chỗ gần tiệm cho thuê phim và bán đồ chơi người lớn). Thật quyến rũ làm sao, cái không khí mà các ông khách tứ phương phùng mang trợn mắt thi nhau húp udon soàn soạt thành tiếng, cứ như tằm ăn rỗi, như lợn tợp máng cám võng nước, mà là vào tối cuối năm.

Bỗng nói đến “thú ăn” trên sân ga Tokyo chiều cuối năm, lại chạnh nhớ đến Vương Hồng Sển, người có “hơn nửa đời hư” với bao nhiêu cái thú, nào “thú ăn chơi” , nào “thú tầm sách”, “thú cổ ngoạn”, “thú nuôi chim”, “thú đá gà”,…không chỉ ở trong cái “Sài Gòn tạp pín lù” [1], mà lang bang khắp chốn cùng quê, lúc Xiêm, lúc Lào, lúc Ấn,…. Vào hồi thập niên 60 (hay 70) của thế kỷ trước, cụ từng tới tìm cái thú ăn và chơi ở Nhật, chỉ một lần thì phải, và là cặp kè với mấy người bạn Pháp Mĩ, trong đó có một anh lấy vợ Nhật. Bút lực của cụ Vương thì quả là cao thủ võ lâm, đến độ “thật như đếm” (nhà văn “đặc sản của Nam bộ” là Sơn Nam có lần vừa như trách vừa như khen: anh chàng này cứ viết khơi khơi như không với những điều lẽ ra chẳng nên động bút đến), và đã đọc, dù chỉ một lần lướt qua, cũng sẽ nhớ liền nhớ miết. Chắc bởi vậy, mà có lần, khi ngồi trệu trạo chén tôm rán theo kiểu tempura trong tiệm ăn, tôi từng bất giác rùng mình, thấy một tiên ông râu tóc bạc phơ phơ lướt đến, ngồi trước bàn và thủ thỉ: “Bồ nhớ hông, cái này, ngộ từng viết là món tép chiên đấy ! Đọc đoạn ấy rồi phỏng?” Vâng, thưa cụ, cụ đã tả rằng bên cái chảo dầu rán sôi sùng sục có một tay lực sĩ mình trần ngồi hầu khách! Cháu đây thì chưa bao giờ có hân hạnh được một thấy tay lực sĩ như vậy trong quán tempura ở trên khắp nước Nhật vào những năm đầu thế kỉ 21 này.

 

Chuẩn bị đứng lên để cất bước, tôi ngó ra ngoài cửa sổ, nhác thấy có bóng người hắt mờ mờ lên hè đường dưới ánh nắng yếu ớt cuối ngày, lại từ đâu, những vần thơ Nguyễn Bính hiện về như những dải lụa đào bay bay trước sân ga Tokyo. Ôi ! Chiều cuối năm ở Tokyo mà như ngợp một trời “hoa xoan tím rụng tơi bời”:


Có lần tôi thấy một bà già

Đưa tiễn con đi trấn ải xa

Tầu chạy lâu rồi bà vẫn đứng

Lưng còng đổ bóng xuống sân ga

(Những bóng người trên sân ga)

 

Thôi tạm chia tay và hẹn gặp lại, giờ thì tôi lên đường. Chúc các bạn trên khắp địa cầu một năm mới bình an.

 

Ghi tại ga Tokyo, chiều cuối năm 2006, 

VQ

 

[1] Tên một cuốn sách của Vương Hồng Sển. Các chữ đặt trong dấu ngoặc kép ở đoạn này đều là tên sách hoặc bài viết của Vương quản thủ (tôi rất khoái đoạn Vương “thật thà” thuật chuyện tiếp Ngô Đình Diệm tổng thống đến thăm bảo tàng do cụ phụ trách. Ông Diệm lệnh cho Vương chỉ được nói tiếng Việt khi hướng dẫn, cấm nói bất cứ câu tiếng Pháp nào, mà để đích thân tổng thống tự dịch sang tiếng Pháp cho vị quốc khách tới thăm quan. Mọi lời bằng tiếng Pháp của tổng thống đã được Vương ghi lại rành rành, với một lời bình vẻ tếu mà cũng khá ngông, đại loại: tưởng Ngô tổng thống ăn học hàng chục năm ròng ở trời Tây thì trình độ Pháp văn phải cao siêu lắm, nhưng xem ra, cũng chỉ loại xoàng, khéo chỉ bằng với Vương!).

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.