- Trang văn
Bản thảo cần sửa lại
Thứ bảy - 17/12/2022 19:13
(Ảnh: Đặng Văn Tôn)
BẢN THẢO CẦN SỬA LẠI
(Giải thưởng cuộc thi viết về “Mái trường thân yêu” của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 1991)
Thầy Lễ tiễn cô sinh viên ra cửa và nói:
- Thôi, thế nhé, em gắng sửa chữa bản thảo một lần nữa, nộp lại cho tôi vào tuần sau. Tôi sẽ xem lại lần cuối cùng trước khi em viết thành bản sạch.
- Vâng ạ, em sẽ cố gắng.
Hường nhận lại tập bản thảo chuyên đề thực tập mà đầu óc miên man. Đạp xe chầm chậm trên đường về nhà, cô chợt nhận ra một vài đốm phượng đã lóe trên tán lá xanh; nắng gợi nhớ Hè sắp đến gần. Chỉ thêm tiếng ve nữa thôi là có thể cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp của Mùa Hè - mùa gợi cảm đối với lứa tuổi học trò... Những ý nghĩ chợt đến, rồi chợt đi và cô quay về với vài vấn đề còn gay cấn trong đề tài của mình. Lạ thật, không hiểu sao nó cứ như một mớ bòng bong khó tìm ra nút gỡ: doanh nghiệp, đầu vào, xử lý... rồi đầu ra, lợi nhuận, giá cả, đánh giá hiệu quả kinh tế, cơ chế thị trường... cứ rối tung hết cả lên như thách đố cô sinh viên có tiếng thông minh, học giỏi nhất lớp này. Hường thoáng có ý định xin đổi hướng đề tài. Thế mà khi ngồi nghe thầy Lễ phân tích, Hường thấy các vấn đề sáng dần ra và cô tìm được mạch viết cho chuyên đề của mình, nên cô mạnh dạn nhận lại bản thảo để sửa chữa và hoàn chỉnh đề tài mà không cần đổi hướng viết.
Bất giác, Hường chợt nhớ đôi mắt của thầy Lễ. Đôi mắt ấy vừa thông minh, nghiêm nghị nhưng lại như vừa động viên cô cố gắng vượt qua những nhược điểm trong bản thảo. Không, còn một điều gì đó là lạ trong đôi mắt ấy nữa cơ. Cô cảm thấy khuôn mặt mình nóng bừng và trái tim thiếu nữ hai mươi tuổi đập rộn lên trong lồng ngực.
*
**
Quay trở vào sắp xếp lại mấy tập tài liệu, những trang giáo trình đang nằm chờ sửa "morat" trên bàn viết, Lễ nhìn thấy chiếc phong bì màu xanh đóng dấu bưu điện "BRD". Lễ cầm lên xem. Thế là nước Đức tái thống nhất, mọi cái diễn ra nhanh quá: đổi tiền, lập 5 bang mới ở phần Đông Đức cũ, Quốc ca, Thủ đô... Đó là những vấn đề toàn thế giới chăm chú theo dõi, đài báo tin dồn dập. Với riêng mình, anh lại có sự quan tâm đặc biệt khác hơn nhiều. Sự lo lắng cho cái kết của một tình yêu, mà anh biết nó tất yếu diễn ra. Chao ôi! "Hoàn cảnh" người ta có thể đổi lỗi tất cả cho nó lắm chứ. Lễ cảm thấy một nỗi xót xa, chua chát pha lẫn sự luyến tiếc vấn vương nào đó. "Song người ta cũng có thể tự bào chữa, đổ lỗi cho sự lẻ loi, đơn độc trước hoàn cảnh biến động ghê gớm đến như vậy cơ mà!". Lễ chậm chạp mở lá thư ra đọc lại. Thế đó, tình cảm con người rất khó lý giải rành mạch được tất cả đâu ra đấy.
"Tại vầng trăng? Tại em hay tại anh?
Tại sang đông không còn hoa sữa?
Tại siêu hình? Tại gì không biết nữa
Tại con bướm vàng có cánh nó bay...
Đau khổ, buồn, nhưng éo le thay
(...)
Đành lòng thôi, mỗi đứa một phương ... (1)
Câu thơ sao mà day dứt, trách móc, hờn giận đến vậy. Lễ nhớ thời học sinh phổ thông của mình, nhớ những kỷ niệm thơ ngây ở cái tuổi sắp bước sang người lớn, nhớ lớp năng khiếu tập trung ôn luyện để thi học sinh giỏi... Những tình cảm vụng về mà ngày ấy bọn anh gọi là tình yêu học trò!... Thế rồi anh vào Đại học Kinh tế, cô bạn học dự bị Tiếng Đức một năm ở Đại học Ngoại ngữ. Những ngày hè nắng vàng, lá nhãn cũng vàng, gió khu cánh đồng Thanh Xuân cuốn từng đợt, những câu thơ, những buổi hẹn hò như vừa mới đâu đây thôi còn in đậm trong tâm trí Lễ... Và cô bạn lên đường sang Đức học tập. Họ cứ nghĩ năm, bẩy năm sẽ trôi qua rất mau với những lá thư đi về, những lời hò hẹn. Vậy mà…
Tốt nghiệp đại học, Lễ được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, rồi nhập ngũ. Sau 3 năm nghĩa vụ quân sự - anh trở về trường. Lễ cứ nghĩ mình già dặn đi nhiều, trước lớp sinh viên trẻ trung sôi nổi và năng động bây giờ, cho dù anh chỉ hơn họ năm bẩy tuổi. "Âu cũng là một cách nhìn, một lứa đi trước chứ còn gì nữa". Lễ thường tự biện hộ cho mình như vậy.
Công bằng mà nói thời gian bao giờ cũng có sức mạnh của nó, cộng vào đó là sự xa cách, thời thế thay đổi, thực tế cuộc sống đời thường tác động vào. "Con gái chỉ có thì thôi anh ạ!". Lễ đã cảm nhận ra điều đó - cho dù anh vẫn hay tự khuyên mình can đảm và bình tĩnh. Con người vốn ưa hoạt động, sôi nổi vui vẻ cùng cái chất lính xông xáo của Lễ chợt một thời gian trầm tư và ít nói hẳn đi đến nỗi Nam - người bạn thân của anh cũng phải thốt lên: "Thật khó hiểu theo một logic đơn giản".
*
**
- Trời ơi, bản nhạc hay tuyệt: “Forever young", "Yesterday"... đã "trẻ mãi" lại còn "hôm qua"… thì không hiểu quá khứ hay tương lai nữa. Phức tạp quá, hay quá, hay quá!
Hường giật mình buông cây đàn khi Hà - cô bạn gái rất thân cùng lớp ào vào nhà, nói liến thoắng như Sáo Sậu. Gạt đám mái tóc mai bết trên má, đặt sách vở giấy tờ lên bàn, gương mặt còn đỏ hồng vì nắng, Hà tiếp luôn:
- Tao vừa ở chỗ anh Nam, qua nhà anh Lễ. Bị cả hai ông "quạt" cho một trận về tập bản thảo này. "5 điểm! không hơn không kém. Muốn mất học bổng toàn phần cho kỳ tới thì liệu hồn! Làm lại, Làm lại!". Gớm quá - ghê hết cả người. Anh Lễ còn đưa tao mượn một lô tài liệu tham khảo đây. Được ông anh họ gì mà "rắn" quá, chặt chẽ, chi li quá mày ạ. Sửa chi chít cả vào từng trang viết của tao. À, anh ấy bảo cho mày mượn ít tài liệu tham khảo nữa, tao cầm luôn về đây này. Thế là lại bò ra mà đọc, mà viết.
Hà là em họ của thầy Lễ nên vẫn thường ăn nói như thế về ông anh họ của mình. Tính nó vốn vô tư, sôi nổi, nghịch ngợm và có phần "quái quỷ" khi "phán" về bạn bè hoặc bình luận cả về bóng đá với các bạn nam sinh viên. Nó còn theo học một lớp Karate cơ bản của Nhà văn hóa Thanh niên. "Cho nó khỏe người, vững tin vào bản thân và để tự vệ - khi cần thiết". Lập luận của nó nghe ra khá chắc chắn đấy chứ. Tình bạn của Hường với Hà đúng là "con chấy cắn đôi" từ thủa tóc bím nơ hồng. Anh Nam người yêu Hà lại là bạn thân của thầy Lễ. Trước đây hai người học cùng lớp. Tính nết có nhiều điểm khác nhau song họ lại rất thân nhau. Nam khá đẹp trai, mạnh mẽ, rất kiên quyết khi đưa ra ý kiến của mình. "Tình yêu của Hà và Nam thật đẹp", Hường vẫn thường nghĩ như vậy và chính cô là chiếc cầu nối giữa họ với nhau mỗi khi tình yêu ấy có điều gì "nắng mưa bất chợt".
- Đây này, mình đang ngồi sửa bài viết suốt cả buổi mà chưa đâu vào đâu Hà ạ. Thật không thể nào bằng lòng với nó được. Cứ thế nào ấy. Sửa rồi, đọc lại vẫn thấy không phản ánh hết thực trạng của doanh nghiệp mà phần tổng luận lại rời rạc, không nhuyễn với phần thực trạng mới chết chứ. Đến kết luận và kiến nghị thì gay go quá.. Vừa cầm đàn lên, dạo một chút cho đỡ căng thì mày đến.
Hường vừa nói vừa lật tập tài liệu tham khảo Hà đem tới. Hà gạt tay cô:
- Thôi, thế thì giải lao đã. Mày đàn vài bài tao nghe với. Độ này tiếng đàn của mày nghe có vẻ sâu lắng hơn hay sao ấy, lại hơi buồn nữa thì phải. Suy tư cái gì hả? Tao biết đấy nhé!
Hường chống chế:
- Không, không có gì đâu. Mình cứ nghĩ, đi thực tập suốt mấy tháng trời, có thầy hướng dẫn, được đọc tài liệu, vậy mà viết cái chuyên đề không ra gì thì... Thầy Lễ là người tỉ mỉ, nghiêm túc; yêu cầu chất lượng bài viết cao, mình lo lắm.
- Ừ, tính anh Lễ thì tao biết rồi: đùa thì thoải mái chứ trong công việc là ghê lắm. Có lần nói chuyện với tao và anh Nam, ông ấy nhấn mạnh một mệnh đề rất tâm đắc, đại ý là: làm nghề giáo khó lắm. Người thầy vừa là nhà khoa học, vừa là nhà văn, lại vừa là một người nghệ sĩ.
Nghe bạn nói vậy, Hường nhớ lại hồi đầu, khi mới tiếp xúc với thầy Lễ, cô rụt rè nhận tập đề cương thực tập và hướng dẫn đề tài viết. Cô muốn thầy ra cho một đề tài cụ thể. Vẻ không vui nhưng thầy vẫn nhẹ nhàng bảo cô hãy đọc kỹ mọi cái đã, sau đó thấy tâm đắc với hướng đề tài nào thì khai thác khía cạnh ấy rồi đề tài cụ thể sẽ hình thành. Làm như vậy, chủ động cho công việc của người viết rất nhiều. Rồi những lần sau, thầy hướng dẫn cô cách đọc và xử lý tài liệu tham khảo, tiếp xúc thu thập số liệu thực tiễn ở nơi thực tập. Phong thái làm việc của thầy thật tận tình và cởi mở. Có những buổi cô ngồi say sưa nghe thầy Lễ nói và chợt cảm thấy ở con người ấy có sức cuốn hút người khác vào câu chuyện và tạo cho cô mạnh dạn tin tưởng trình bày các ý nghĩ của mình ra trước thầy. Các nhận xét của thầy Lễ thường hóm hỉnh, sâu sắc khiến các phần trở nên mạch lạc hơn. Từ sự kính trọng, quý mến, cô như còn thấy ở mình có thêm một tình cảm nào nữa rất khó nói đối với con người ấy.
Hà cũng dường như đã nhận ra điều đó nơi bạn mình. Có lần Hà đem nhận xét này nói với Nam. Không ngờ Nam kể là Lễ cũng đã tâm sự với anh về Hường. Song còn chút áy náy rất lớn về phía Lễ. Đó là sự tự thẩm định lại mình khi mà nỗi niềm trăn trở với "những lá thư xanh" chưa dễ gì phai nhạt ngay trong anh. Anh e ngại tình cảm trong quan hệ với Hường mới chỉ là sự lấn dần vào chỗ trống của nỗi buồn đang có mà thôi. Lễ đã trầm ngâm khi đọc câu cách ngôn này với Nam: "To be or not to be” (2). Nam gạt phắt đi: "Thôi ông ơi, gì mà cứ nghĩ quẩn quanh mãi như vậy. Chia tay là chia tay. Áy náy làm gì, rồi thời gian sẽ làm mờ đi bao kỷ niệm. Chấm hết. Mỗi cuộc đời là một quyển sách đang viết dở. Vậy thì cũng phải có những trang bản thảo cần phải sửa chữa chứ nhỉ". Nam hắng giọng ngâm nga mấy câu thơ của Xuân Quỳnh:
"Lại bắt đầu từ những trang giấy trắng
Lại ngọn đèn, màu mực, những câu thơ
Lại nhịp đập bắt đầu, tim rạo rực
Trước biết bao náo nức với mong chờ..."
và Nam vỗ tay: "Hay tuyệt, một thầy giáo trẻ yêu một cô sinh viên thông minh, xinh đẹp và học giỏi - được đấy!"
Nói thế, song, Nam cũng rất hiểu bạn mình…
*
**
Phượng đã đỏ sân trường. Tiếng ve đã râm ran, nắng vàng lấp lánh trên khung cửa kính giảng đường. Từng tốp sinh viên mặc đẹp đủ màu sắc, nhanh nhẹn và duyên dáng đang túm tụm chờ thông tin về kết quả các môn thi cuối cùng của năm học. Không khí náo nhiệt và vui vẻ, tưng bừng hẳn lên. Hường và Hà cũng rất vui. Các cô vừa ở chỗ chia tay cơ sở thực tập về. Cuốn sổ điểm của họ phản ánh những nỗ lực, miệt mài trăn trở và công sức mà họ đã bỏ ra trong thời gian qua. Chợt Hà nhìn thấy Lễ đang rảo bước về phía văn phòng khoa. Cô gọi thật to: "Anh Lễ". Lễ quay lại, bắt gặp ánh mắt thông minh ngời sáng của hai cô nữ sinh, anh thấy mình cũng như đang vui niềm vui của họ.
- Xin chào! Chúc một kỳ nghỉ hè tốt đẹp tới hai cô nhé!
- Vâng, chúng em cảm ơn ạ. Hường nhẹ nhàng đáp.
- Nam đã hẹn bọn em rồi, mời cả anh nữa, chiều nay sẽ đi bơi thuyền Hồ Tây, anh Nam sẽ khao bánh tôm! Tuyệt! Anh đồng ý đi nhé. À không, phải "nghiêm khắc" cơ: "Miễn phản đối hay bỏ phiếu trắng". Cô tinh nghịch giơ một tay lên: - "Hoàn toàn thoải mái trên tinh thần anh em, anh không sợ phải làm thầy hướng dẫn chèo thuyền cho tụi em đâu".
Hà liến thoắng. Lễ cùng vờ nghiêm trang:
- Vâng, xin chấp hành ý kiến của cô em họ. - Hường thấy thế nào: bầu Hà làm đoàn trưởng chủ trì, được chứ?
Tất cả cười vui vẻ. Họ như thấy tiếng ve râm ran hơn, hay hơn, hoa phượng dường như tươi thắm hơn dưới ánh nắng chan hòa của những ngày hè thân thiết với tuổi học đường.
Hè 1991
Vũ Huy Thông
-------
Chú thích:
(1) trích từ bài thơ Hoa sữa của Nhà thơ Nguyễn Phan Hách
(2) trích từ lời thoại của nhân vật Hamlet trong vở kịch của nhà thơ và soạn kịch người Anh William Shakespeare: đại ý có thể hiểu như một sự lưỡng lự, băn khoăn trước hoàn cảnh nào đó