- Trang văn
Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi nhiều thêm phần “trẻ”
Thứ hai - 19/12/2022 17:47
(Ảnh: Kim Anh)
MỖI MÙA XUÂN SANG MẸ TÔI NHIỀU THÊM PHẦN “TRẺ”
(Bùi Thị Ngọ)
Mẹ bắt đầu "trẻ" từ khi nào nhỉ? Có lẽ từ khi tuổi cao không còn làm ruộng được nữa. Lúc đó, ông còn sống, các con đi làm xa, ông bà ở nhà tự chăm nhau. Đón ra nhà con thì chỉ một người đi, ở vài ngày là đòi về, "đi tiệt thì ai trông nom nhà cửa vườn tược". Con cái biếu tiền chỉ thích dành dụm để mua vàng. (Vàng đó sau này ông chia cho mỗi đứa cháu nội ngoại hai chỉ với vẻ rất mãn nguyện và tự hào). Bà thỉnh thoảng còn đi chợ mua thịt cá chứ ông rất tiết kiệm. Tới khi được lĩnh tiền cao tuổi, hai người được ba trăm sáu thì ông cất ba trăm để bà giữ sáu chục đi chợ. Biết chuyện, chúng tôi bàn nhau có biếu tiền thì đưa ông một phần để bà giữ một phần đi chợ. Nghe đứa em họ gần nhà kể bà gửi mua một ngàn cà pháo ăn cả ngày, chúng tôi lại bảo nhau sắp xếp thay nhau mua thức ăn về thế là ông bà phải ăn (không ăn đổ đi thì tiếc). Chỉ có hai ông bà thì ăn hẩm hút thế chứ có con cháu về là ông thịt gà hoặc bắt cá nấu nướng rất thịnh soạn. Có khi sáng sớm ông đã đến mấy nhà bán thịt lợn để mua tim, mua sườn về cho con cháu dậy là ăn ngay. Ông nấu ăn rất ngon, có nhiều món bà không nấu được như mọc ếch, bánh đúc… Thấy bà chuẩn bị kho cá, ông xen vào bảo"tao làm là ngon ngay" rồi cầm chai nước mắm đổ vào nồi cá (hồi đó nước mắm cửa hàng hợp tác bán không ngon, mọi người thường gọi đùa là "nước khắm", nước mắm này là chị tôi làm ở xí nghiệp nước mắm Cẩm Phả đem về để dành ăn). Bà vừa xót của vừa ấm ức: "Hoang thế sao chả ngon".
Đứa em lại kể cứ các bác về thì ông nằm ghế, bà ngồi thềm rất thảnh thơi (vì chúng tôi cứ bảo ông bà không được làm vườn nữa sợ ngã). Nhưng xe các bác quay đầu ra ngõ là ông cầm dao bà cầm liềm ra vườn. Ông chặt cây, đào sửa chuối, bà cắt cỏ vừa dọn vườn vừa cho cá ăn. Có lần tôi về, thấy người ta đem cá vào, toàn những con cá trắm cá trôi khoảng hơn nửa cân. Hỏi ông mua cá bé thế toàn xương. Ông bảo tao mua về thả. Tiền cá là hai trăm bảy thì đưa người ta tám chục ngàn (nhầm tờ mười ngàn là tờ hai trăm ngàn, nhầm khôn quá). Tôi liền bảo thôi để con trả cho. Mấy hôm sau cá chết nổi cả lên, bà tiếc của nói vụng với tôi "già còn dại", ông cứ tắc lưỡi tiếc rẻ: "thế là Nghĩa với Long, Vinh, Huy lại không có cá để câu rồi". Sau đó lại tự an ủi "thế nào cũng còn vài con, chả chết hết được”. Tôi buồn cười mà không dám cười.
Có lần buổi trưa ông nằm nghỉ, bà ra vườn một mình lúng túng thế nào làm rơi liềm xuống ao. Bà thò chân xuống mò thì hụt chân rơi xuống nước. May mắn có đứa cháu hàng xóm ở vườn đối diện phát hiện liền la lên, mọi người nhốn nháo chạy sang, một anh hàng xóm nhảy xuống mò vớt được bà lên. Chúng tôi nghe kể đều hết hồn, họp nhau ra "nghị quyết" tuyệt đối không cho ông bà ra vườn nữa, khó là đón ra nhà con cái ở thì ông bà không chịu đi. Chị Tư bảo đứa em dâu họ cứ đưa con sang nhờ bà trông giúp để bà khỏi ra vườn. Anh cả thì chặt bỏ cái thang để ông không còn trèo được nữa. Lưng ông đã còng rạp xuống, mấy đứa cháu họ gọi đùa là "tể tướng" (tể tướng Lưu gù ấy), thế mà vẫn giữ mấy cây tre gác trên mái nhà không cho đứa nào động đến, bảo "để tao chống chuối". Ông nuôi gà, tính ra tiền thuốc tiền cám còn hơn đi mua đắt, mua mười con giống đến lúc ăn được chắc chỉ được một con, nói thì ông bảo để dành các cháu có về thì sẵn đó thịt cho chúng ăn. Tới khi có dịch H5N1, thằng em bảo "Ông bán đàn gà cho con". Nó dúi một nắm tiền vào tay ông rồi bắt hết gà đem cho, san phẳng chuồng luôn. Ông đút tiền vào túi nhưng vẫn ngậm ngùi tiếc rẻ.
Có lần tôi gọt xoài cho ông ăn chợt thấy ngón tay trỏ của ông buộc dây chun tụ máu tím bầm, tôi hoảng hốt tháo chun ra. Hỏi thì ông bảo với vẻ nghiêm trọng " Tao buộc cành chanh bị gai đâm phải garô cầm máu, đấy, bố thằng Côi bị Pháp bắn vào đùi không biết cầm máu mới chết đấy". Hôm đó anh cả cũng có ở nhà, hai anh em lắc đầu cười bó tay.
Ông mất, chúng tôi thay nhau về nhà ở cùng bà hương khói cho ông. Cúng trăm ngày ông xong, chúng tôi lại thay nhau đón bà về nhà mình chăm sóc nhưng bà thích nhất là được ở quê. Vì ở xa, nghỉ hè tôi thường về quê với bà. Một lần, tôi rủ cả chị bạn đồng nghiệp từ Trà Vinh về chơi. Bà quý chị lắm, ngồi kể hết chuyện này tới chuyện khác. Được hai ngày, tôi hỏi đùa "biết hết gia phả nhà em chưa chị". Chị tỉ tê thế nào mà bà đồng ý vào chơi nhà tôi dù trước đó tôi đã mời nhiều lần không được. Lần đầu đi máy bay bà thích lắm, thấy gì cũng hỏi. Vào tới nơi hôm trước, hôm sau bà đi chào khắp lượt hàng xóm. Một hôm tôi đi chợ về không thấy bà đâu vội qua mấy nhà hàng xóm tìm cũng không thấy. Một lát thì bà về, hỏi mẹ đi đâu thế, bà bảo: Tao đi tìm mua cái áo hoa đỏ mà người ta không có, tao chẳng có cái áo hoa đỏ nào. Tôi liền ra chợ mượn một xấp vải hoa đỏ về hỏi: “ Thế hoa này được không ạ?” Bà nhìn nhìn rồi bảo: “Được”.
Tranh thủ ngoài giờ dạy, tôi may mấy ngày chưa xong, bà móc tiền ra bảo:
- Thôi mày tao đưa tiền mày đi thuê người ta may cho xong, cứ xách ra xách vào.
Đến chiều tôi đi dạy về đã thấy bà mặc cái quần ngồi trước cửa (cái áo chưa đơm nút chưa mặc được) làm tôi buồn cười nhớ tới truyện "Lợn cưới áo mới". Khi về quê, chị ba trêu: “Bà có quần áo đẹp thế!” Mẹ cười rất phấn khởi: “Cái Ngọ nó mua vải, nó may đấy”. Chị hai nói riêng với tôi: “Sao may cho bà bộ đồ nhìn kinh thế!” Tôi cười khổ: "tại bà thích, bà chọn đấy". Sau đó, đón bà ra nhà chị, chị giấu biệt bộ đồ đó, bà cũng quên luôn.
Tôi làm cơm rượu bằng nếp lá cẩm, bà hỏi:
- Cái này làm bằng vỏ đỗ à? (Cụ tưởng là vỏ đỗ đãi từ giá đỗ ra)
- Không ạ, làm từ gạo nếp cẩm đây này.
Cho cụ xem tận mắt, hôm sau lại bảo:
- Cơm rượu làm bằng vỏ đỗ đỡ tốn tiền mua gạo mà ăn cũng ngon nhỉ .
Thỉnh thoảng buồn buồn, cụ lại ca cẩm:
- Giá ngày xưa tao được đi học đi ngành thì bây giờ có lương hưu, không phải khổ thế này.
- Thế mẹ có thiếu thốn gì không, mấy chục bộ quần áo đẹp mặc không hết đem cho bớt, các con tranh nhau đón về chăm, có mấy trăm triệu gửi tiết kiệm.
- Tiền đó để sang cát cho thầy mày.
- Việc của thầy cũng không hết số tiền đó. Tóm lại là mẹ sướng hơn nhiều người nhé: được đi máy bay vào Nam này, được đi viếng mộ bác Võ Nguyên Giáp này, mấy bà hàng xóm nhà mình có được đi đến đâu.
Cụ im lặng móc tiền ra đếm, chia thành mấy gói: tiền này để làm giỗ ông, tiền này cho thằng Hiếu đi bộ đội, tiền này cho con thằng Toàn…
Năm nay, mẹ vẫn đếm tiền nhưng không còn chính xác nữa, lúc nhớ lúc quên. Hai đứa cháu con nhà chú ở gần qua thăm biếu tiền, hôm sau mẹ đưa cho tôi bảo:
- Đem giả hai bà ấy.
- Hai bà nào?
- Hai bà hôm qua cho tao tiền ấy.
Hôm tôi mới về, lại gần chào, cụ hỏi: Chị Mùi à? (chị Mùi là hàng xóm). Ngồi nói chuyện một hồi mới nhận ra con gái. Sáng sớm cụ đã giục:
- Không dậy đi gặt rồi lấy thóc đâu mà ăn.
Hai chục năm nay nhà có còn làm ruộng đâu mà gặt. Bị đau lưng, lâu lâu cụ lại chán nản đòi chết. Đứa cháu đến chơi, cụ nhờ nó mua một gói thuốc cỏ. Cô em khéo miệng liền cười vui vẻ:
- Bà ơi, thuốc cỏ chỉ diệt được cỏ thôi chứ người uống cũng không chết, lúa còn không chết mà.
Cụ liền lảng sang chuyện khác:
- Thế cậu có thuốc gì uống mà không phải đi đái không?
Thì ra cụ ngại đi tiểu vì trời rét Có lần tôi ở ngoài bếp cứ nghe tiếng cụ giục giã "đái đi, đái đi", chạy vào nhà vệ sinh thì thấy cụ đang ngồi trên bồn, thấy tôi cụ bảo:
- Sao mãi nó không đái.
Tôi nhìn vào thì "nó" đã xong từ lúc nào. Lấy cơm cho cụ ăn, lúc đầu cụ nhăn nhó "sao bát đầy thế" lúc sau lại bảo "hết cơm rồi".
Mỗi lần về thăm lại thấy mẹ ăn ít hơn, nhiều câu nói, hành động "một già một trẻ như nhau". Mẹ ơi, mẹ cứ "trẻ "mãi như thế nhé, để mỗi năm Tết đến xuân về chúng con lại được mừng tuổi Mẹ.
Bùi Thị Ngọ