- Trang văn
Cha tôi
Thứ hai - 28/10/2019 23:21
Mấy người biết xem tướng bảo rằng cha tôi có tướng tốt, mũi sư tử, tai to, nếu được học hành có thể làm quan. Mẹ kể ông tham gia du kích rất mưu trí, dũng cảm. Hòa bình lập lại ông được cử đi tiếp quản Hải Phòng nhưng rồi do trình độ thấp, ông ở lại làng làm cán bộ xã. Những năm máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, ông làm đội trưởng đội pháo cao xạ bảo vệ cầu Vật trên quốc lộ 10. Năm 1972, tôi mới 5 tuổi, trí óc non nớt của tôi vẫn nhớ mấy lần nghe tiếng báo động máy bay là mấy mẹ con dắt díu nhau vào hầm, đứa em khóc thì mẹ dỗ: “Nín đi, có bố bắn máy bay rồi, không sao đâu”, nó nín ngay. Nghe bà hàng xóm khóc ti tỉ, chúng tôi đều cười. Sau đó, khi bình xét khen thưởng, có người nói: “Ông ấy (tức cha tôi) bắn nhiều, lãng phí đạn pháo”. Cha bác lại: “Bắn thế nó mới không phá được cầu”. Quả thật, qua mấy đợt Mỹ bắn phá ác liệt, cầu Vật không hề suy suyển. Cuối cùng, ông vẫn dược tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì.
Được giới thiệu vào Đảng, ông từ chối, nói rằng: “Ở ngoài Đảng tôi vẫn đóng góp vào việc chung được”. Thực ra, do nhà nghèo, đông con, ông sợ ảnh hưởng đến các con (Thời ấy, cái gì cũng của chung, ai cũng nghèo khổ nên người ta nhòm ngó, soi mói nhau rất ghê, đặc biệt là với Đảng viên. Một cái bờ ruộng tương đối rộng, ông chừa một nửa làm đường đi, nửa còn lại ông trồng khoai lang, nếu ông là Đảng viên sẽ bị kết tội “Tham ô”). Ông bà quyết tâm cho sáu đứa con ăn học dù phải ăn đói mặc rách, dù làng xóm nói ông bà dại “nuôi con gái ăn học sau này gả đi nhà chồng nó hưởng”. Ông bà cực kì tiết kiệm và chăm chỉ. Ngày đi làm đồng, đêm ông đi đơm đó, đặt lờ, đặt ống lươn. Cá tôm bắt được, bà chọn những con to, ngon đem bán, những con cá cua vụn vặt thì kho mặn lên ăn. Quê tôi ngày đó bán cua từng dây: buộc 12 con cua vào dây chuối gọi là 1 dây, nếu ít hơn không đủ bán thì nấu canh, nếu chỉ có 2-3 con thì kho chung với cá vụn. Ai từng ăn cua đồng kho mới biết nó chẳng ngon lành gì, thịt teo đâu hết, vỏ khô khốc chỉ có vị mặn. Nhưng chúng tôi vẫn ăn ngon lành, có khi hết cơm nồi vẫn còn nóng, mẹ thường nói vui “ăn như lợn đàn”. Tiền bán cá tôm, tiền hoa lợi từ vừa chuối vườn chè, ông góp nhặt từng chút để dành. Ông không cho mẹ mua rau vì “Có vườn đất, trồng lấy mà ăn”. Bờ ao, những chỗ đất trống, mùa nào thức nấy ông trồng rau luôn xanh tốt. Dàn bí dàn bầu ông làm vừa đẹp vừa chắc chắn, nhà ăn không hết còn được bán. Từ khi lớn lên, không bao giờ tôi thấy ông ngồi không. Ngày nắng ráo thì ra đồng. Ngày mưa và buổi tối ông lấy nan ra vót để đan rổ đan rá. Rổ rá ông đan cực đẹp và bền chắc, cả xóm đều thích mua. Ngày nào mưa mà chúng tôi ở nhà cả thì ông rang ngô hoặc luộc củ từ cho chúng tôi ăn. Với chúng tôi, đó là một bữa tiệc (chỉ những ai sống vào thời đó mới hiểu điều này). Thường mỗi năm ông nấu bánh đúc một lần. Và hôm đó cả nhà rộn ràng vui vẻ. Nồi bánh đúc to vật vã, phải người khỏe mới có thể đảo được. Ngoài ra ông nấu nhiều món rất ngon như mọc ếch, ba ba nấu chuối,…Thường ông ít nói nhưng đôi khi cũng dí dỏm khôi hài. Đang ăn cơm mà có một đứa “xì hơi”, cãi vã đổ vấy cho nhau, ông cười và bảo :”Này, có cả bài thơ về rắm đấy nhé”. Cả những đứa tham ăn nhất cũng ngừng nhai chăm chú nhìn ông, dỏng tai nghe. Ông thủng thẳng đọc:
Thứ nhất là rắm dạ cương
Thứ nhì rắm ấu, thường thường rắm khoai
Hạt mít mới cậy rằng tài
Hành chua, dưa khú kém ai “tong” đời.
(Quê tôi phát âm “tr” thành “t” kiểu như “Con tâu tắng buộc gốc cây te tụi” ấy mà).
Cả nhà đều cười vui vẻ, quên luôn việc “truy tìm thủ phạm”. Bữa ăn mà có ai chê mặn hay nhạt, ông nói mà mặt tỉnh khô: “Cái giống muối này lạ lắm, cứ cho nhiều là nó nhạt, cho ít là nó mặn”.Mẹ cười tủm tỉm còn tôi cứ tưởng thật vì vẻ mặt cha lúc đó rất nghiêm trang. Sau đó, mẹ giải thích: thường khi bị chê người ta hay chống chế: “sao tôi cho nhiều muối mà nó nhạt thế nhỉ” hoặc “chết thật, cho mỗi tí muối mà cũng mặn”. Trời tháng 6 nắng như đổ lửa, ông cảm khái lẩy Kiều: Bắt phong “tần” phải phong “tần”/Cho thanh cao mới được phần thanh cao. Thật chẳng sai tí nào!
Bậc tiểu học hồi ấy có môn thủ công. Vốn vụng về lại hay làm nũng tôi thường nhờ cha làm. Dù bận mải ông vẫn sắp xếp thời gian làm cho tôi kịp nộp, có khi ông thức đến khuya để làm cho xong. Những que tính ông vót tròn trịa, nhẵn thín, đều tăm tắp, quả bí nặn bằng đất sét, ông còn cẩn thận giã lá chuối vắt lấy nước quét lên, nhìn như quả bí thật. Lần nào chấm thủ công, tôi cũng được điểm cao nhất lớp. Khi ra về có đứa bạn ghen tị nói: “nó nhờ bố nó làm cho mới được thế, nó có làm được khối ấy”. Tôi ấm ức về kể với ông. Ông cười: “lần sau con nói với bạn là sao mày không nhờ bố mày làm cho”. Ừ, mình ngu thật – tôi nghĩ bụng – mà bố nó làm chắc cũng thua điểm tôi thôi.
Ông dạy con cái rất tỉ mỉ, từ cách ăn ở cho phải đạo đến cách ứng phó với những việc có thể xảy ra trong đời. Tuy ít được học nhưng những kinh nghiệm làm ăn, dự đoán thời tiết ông biết khá nhiều. Chúng tôi lớn lên, tự chọn nghề nghiệp, tự quyết định hôn nhân, ông không hề can thiệp. Chị tư thi đại học lần thứ hai vẫn trượt, có người đến hỏi cưới, ông bảo tùy ý chị. Chị định buông xuôi, nhận lời người ta, hai gia đình đã qua lại. Sau đó chị đổi ý, tiếp tục ôn thi tại nhà, ngày đi làm đồng, tối về chong đèn tự học. (Ai sống vào thời những năm tám mươi mới hiểu vào đại học là một vấn đề nan giải chứ không dễ dàng như bây giờ). Chị từ hôn (cũng lại là chuyện ầm ĩ xóm làng), người ta bàn tán nói ra nói vào, mẹ cằn nhằn vài câu còn cha không mắng chị tiếng nào. May là lần thứ ba chị thi đỗ, cha lại chuẩn bị tiền bạc cho chị đi học. Số tiền đó ông đã âm thầm dành dụm từ lâu, đứa nào cũng có phần dù không nhiều. Những chuyện đó mãi sau này chúng tôi mới biết. Cứ thế, cả gia đình chịu cực khổ thiếu thốn nhưng chúng tôi đều được học tới khi có nghề nghiệp. Cha bảo nghèo chẳng có gì cho con thì cố sắm cho mỗi đứa một cái “cần câu cơm”. Lúc rảnh rỗi ông kể chuyện đời mình cho con cái nghe. Năm Ất Dậu(1945), ông nội mất vì đói, lúc đó cha mới 14 tuổi. Sau đó bà nội phài bán cả căn nhà rách nhưng cũng không nuôi nồi bầy con 5 đứa. Ông mất tháng 3 thì đến tháng 9 bà cũng qua đời, 5 chị em dắt díu nhau đi ăn xin nhưng cả làng đều đói thì xin ai. Đến bến đò, ba chị vừa xuống thì đò rời bến, chẳng còn sức mà gọi em chỉ lấy tay vẫy vẫy. Sau đó hai chị cũng chết đói, còn một chị may mắn được người ta nhặt về nuôi, khi có chồng có con cũng về quê tìm các em. Còn cha và chú út quay lại đi xin ăn rồi đi ở đợ, mỗi người ở một nhà, lớn thêm chút nữa thì đi làm thuê. Kể đến đây, từ khóe mắt cha hai giọt nước mắt chầm chậm ứa ra, ông nghẹn lời một lúc rồi mới chậm rãi nói tiếp: “Chúng mày được học nhiều còn tao chỉ nghiệm ra từ đời mình: có quyết tâm thì việc gì cũng làm được”. Cả đời ông phấn đấu vì gia đình vợ con. Có năm mất mùa, nhà thiếu gạo, xót lòng nhìn bầy con đang tuổi ăn tuổi lớn mà không được ăn no, ông thường nhường nhịn đến mức suy kiệt. Một hôm ông ngã gục xuống ruộng, bạn cày chạy đến đỡ, ông nói dối là bị đau bụng. Mọi người đưa ông về nhà . Mẹ rơm rớm nước mắt nói “Bố mày đói quá nên lả đi đấy”. Lúc đó chúng tôi đều buồn và thương ông nhưng đến bữa ăn lại quên tiệt, lại tranh nhau ăn và cha mẹ lại tiếp tục nhường nhịn. Sau này đi làm, chúng tôi biếu tiền nhưng ông bà không ăn mà dồn lại mua vàng cất. Con cháu về thăm thì bà mua thức ăn ngon lành đầy đủ. Một lần về không báo trước thấy ông bà chỉ ăn dưa chua, chị tư cằn nhằn ông bà để tiền làm gì mà không mua thức ăn, ông chống chế: ăn thịt mãi ngán quá mới đổi bữa. Đứa em họ ở gần “tố cáo”: có khi cả ngày ông bà ăn cơm với cà muối. Từ đó chúng tôi phân công nhau thường xuyên về nhà mua thức ăn cho ông bà. Số vàng gom góp được ông chia đều cho các cháu nội ngoại. Nhận từ tay ông tôi rưng rưng: ôi tấm lòng cha mẹ lo cho con cháu đến già đến chết…
Bây giờ ông đã đi xa, mỗi lần tụ họp gia đình,chúng tôi lại nhắc đến ông, nhắc những việc ông làm, những lời ông dạy, những câu đùa vui dí dỏm của ông. Dường như bóng hình Người vẫn hiện diện đâu đây trong ngôi nhà thân thương…
Bùi Ngọ
(Búp & Hoa – Nhà xuất bản Thế giới - 2019)