• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Những chuyện nhóm Búp

Thứ ba - 29/10/2019 23:30

Tôi may mắn và hạnh phúc khi được tham gia lớp học bồi dưỡng năng khiếu sáng tác thơ văn Thiếu nhi của Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh Thái Bình. Tôi học trong 4 năm từ 1977 đến 1980. Đó là những ngày hè vô cùng bổ ích và thực là lí thú với tôi cũng như với một hội lít nhít, lau nhau hơn kém nhau vài ba tuổi. Còn gì sướng bằng khi hè tới, được nghỉ học ở trường, không phải lo gì bài vở, điểm số nữa, chúng tôi lại được về Hội tụ tập bạn bè. Cùng ăn, cùng chơi, cùng học làm thơ, viết văn, được gặp và học các bác, các chú nhà văn, nhà thơ của Tỉnh Thái Bình và của Trung ương nữa… Biết bao kỉ niệm đã in dấu lên những tháng năm tuổi thơ của chúng tôi. Những câu chuyện đời thường nhưng trong veo tiếng cười thú vị của chúng tôi, hoặc lại trở thành những niềm xúc động khôn nguôi mỗi khi nhớ về!


Chuyện về gói hạt mít của chú Lê Bính

Chúng tôi được “Gom về” từ nhiều làng quê, nhiều huyện thị trong toàn Tỉnh Thái Bình, từ nhiều cấp học, từ các lớp chuyên Văn của các trường. Bởi vậy, chúng tôi có chị, có bạn, có em, không một mẹ sinh ra mà yêu quý như trong một gia đình. Đặc biệt, chúng tôi lại có các bác, các chú trong Hội Văn Nghệ Thái Bình đỡ đầu, làm chủ nhiệm lớp. Chú Lê Bính với vai trò như một người cha, người chú trong gia đình đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Câu chuyện về mấy hạt mít không hiểu sao cứ theo tôi mãi những tháng năm khi tôi đã rời xa nơi này.

Tôi, dù gia đình ở ngay thị xã, đi bộ mươi phút cũng về tới nhà, nhưng chẳng bỏ lỡ cơ hội được ở cùng nhau trong mấy căn phòng nhỏ của Hội. Chúng tôi ăn cơm nhà bếp cùng với các bác, các cô chú. Một hôm, chúng tôi vừa xuống nhà bếp, chuẩn bị vào mâm thì chú Lê Bính ở đâu ào về. Vội vã, vui tươi, đôi mắt nhỏ nhưng vô cùng tinh nhanh, luôn lấp lánh của chú càng sáng lên với nụ cười hóm hỉnh. Chú ồn ào với mấy đứa tôi:

- Nào! đứa nào thích ăn hạt mít nướng giơ tay!

- Cháu! Cháu! Cháu!
 
Bếp ăn tập thể bỗng xôn xao hẳn lên vì mấy chú cháu. Đứa nào cũng thích, cũng háo hức. Vì cái thời bé dại của chúng tôi làm gì có nhiều đồ ăn vặt như bây giờ. Chúng tôi đã từng ăn quả mây, quả duối, trái sung xanh, dái mít  hay mút từng lõi hoa dong, ăn trộm cả đòng đòng lúa non… vậy nên hạt mít nướng thì thèm quá đi chứ! Chúng tôi nhao lên, chăm chăm nhìn vào cái gói giấy báo nhỏ trên tay chú. Rồi những bàn tay bé nhỏ, ríu rít chạm vào, lật mở… Oà! Hạt mít thật! Nhưng là hạt mít còn sống, còn đang ướt như vừa mới bóc ra từ các múi vậy. Một hương vị đặc trưng toả ra thơm ấm, cuốn hút vị giác của chúng tôi. Tất nhiên, đứa nào cũng kêu lên:
  • Hạt chưa nướng, chú ơi!
  • Ờ, tất nhiên là chưa nướng, nhưng rồi sẽ nướng ngay bây giờ! Bà Cương nhà bếp đâu, giúp tôi nướng mấy hạt mít này lên. Cho bọn trẻ thưởng thức hạt mít nướng nào!
  • À, nhưng mà, trước khi ăn hạt mít nướng, phải nghe chuyện về nó đã chứ nhỉ!
Chúng tôi lại một phen rào rào lên đòi chú kể. Vậy là vừa ăn cơm, vừa nghe chú kể chuyện về mấy hạt mít mà chúng đang được vùi trong lò than kia. Đúng là nhà văn có khác, chú làm chúng tôi bị cuốn theo câu chuyện, thỉnh thoảng những tiếng cười thích thú lại vang lên. Câu chuyện xảy ra ở chợ Rặng dừa- cầu Kiến Xương- chỗ này gần nhà tôi lắm, nên tôi càng háo hức nghe!

Chẳng là, vì mùa hè đến rồi, nên thứ quả đặc trưng của hè và rất quê kiểng ấy là mít. “Quả gì mà gai chi chít…” đó, ăn vào chẳng những không đau mà còn thơm ngon, bổ dưỡng. Thỉnh thoảng, mẹ mua về thì xúm xít ăn, hít hà khen ngon, rồi ra, phải chà tay,xát  miệng vào vại gạo cho sạch nhựa.

Chúng tôi cứ nghĩ ăn quà vặt thế này thường là con gái, nhất là ra chợ ngồi ăn thì toàn là đàn bà con gái thôi. Ai ngờ chú chúng tôi, chú Lê Bính- nhà văn xịn lúc bấy giờ cũng mê mít và ra chợ, ngồi ăn quà như ai!

Chú kể: Chú thích ăn mít lắm! Nhưng lâu rồi xa nhà, chẳng được vợ mua mít cho ăn (lúc đó nhà chú còn ở tận Diêm Điền). Hôm nay, đi qua chợ Rặng Dừa - gần nhà Minh Hương đó - thấy mùi thơm sực nức. Chao ôi là thèm! thế là chú dừng xe, dắt cái xe đạp đứng đó ngắm mấy bà bán mít đang hì hục bổ. Thưởng thức mùi thơm cho thật đã, cánh mũi chú lúc đó chắc phập phồng ghê lắm! (Chúng tôi cười vang!).  Chẳng biết, chú đứng lâu thế nào, vị trí có sai lệnh ra sao mà bỗng nghe tiếng một bà the thé: Này! Cái nhà chú này mới vô lí làm sao! Sao cứ đứng mãi một chỗ ở đây thế này! Đi đi chứ, để người ta còn bán hàng. Đứng đây mà ám hàng nhà tôi à! Ái chà chà! Một bà đanh đá, ghê gớm đây! Gặp tình thế này các cháu có sợ không? Vội đi không?
 
Bọn tôi nhao nhao: “Sợ chứ, phải xin lỗi ngay mà đi chứ chú”. “Đấy, biết ngay mà, cái bọn nhút nhát chúng mày dễ bị người ta bắt nạt. Nghe đây, chú mày không phải vừa, không dễ mà ăn hiếp được chú nhá. Chú quay lại nhìn thẳng vào mắt người đàn bà vừa to tiếng, nhìn lâu, nhìn thẳng. Cái nhìn ấy làm bà ta hơi chợn thì phải. Rồi chú mới chậm rãi nói:
  • Này chị, chị quát gì tôi? Đây là đường của riêng chị à? (đúng là chợ Rặng dừa họp dọc theo đường ven sông Vĩnh Trà). nếu là của nhà chị, chị mang về nhà mình đi! Còn tôi, thích đứng đâu là việc của tôi. Chợ- thì cũng có người đi, người đứng, người ngồi, ở nhiều vị trí khác nhau. Thế chị bắt được người ta đi hết về phía kia à.
Đúng là “Nói phải - củ cải cũng nghe”, chị ta ậm ừ trong miệng gì đó rồi thôi. Vậy là chú bỗng nổi hứng, thèm thì ăn luôn chứ sợ gì! Ăn mít ở chợ có gì sai, đỡ mất công mang về, nhựa nhiếc cũng đỡ phiền. Vậy là chú dựng xe ven đường, sà ngay vào hàng mít trông ngon nhất. Chú chọn một miếng vừa vừa, chắc mẩm mình ăn hết để mua. Bảo bà bán cắt lõi, quết hết nhựa đi bằng chiếc lá mướp xanh non, thơm mát. Rồi, chú ung dung ngồi ăn thôi. Có bà ngồi cạnh cứ nhìn chú một cách lấm lét, xem ra lạ lắm. Chú hiểu rồi. (bọn cháu cũng hiểu rồi - chú bạo thật, dám ngồi chợ ăn quà, lại ăn mít nữa chứ!). Chú vẫn say sưa: “Đấy, mít ngon thật: thơm, ngọt đậm, mỗi múi lại còn có nước mật nữa cơ, vừa ăn vừa phải mút nước ngọt ấy kẻo rơi mất thì phí nhé”. Ôi, cái miệng chú kể chuyện mới cuốn hút làm sao! Đôi môi mỏng, gọn, rất nét cứ uốn mềm như bún vậy. Hô ứng với từng chi tiết vừa thực vừa hài là đôi mắt hơi nhỏ nhưng sáng lấp lánh của chú đảo khắp lượt xem chúng tôi nghe chuyện thế nào. Đôi mắt ánh lên nụ cười hóm hỉnh của chú! Vậy là chúng tôi biết, vẫn còn chuyện kể tiếp.

Chú miêu tả cái ngon của mít mà chú mới thưởng thức làm chúng tôi phát thèm, đang ăn cơm mà hình như đang nhai múi mít trong miệng vậy. Chú thầm thì, giọng nhỏ hơn một chút: “Mấy đứa biết không, chú ăn múi nào xong, lại bỏ hạt sang một bên, riêng  nhé. Bà bán hàng thấy vậy giơ tay ra nhặt lại. Chú ngăn ngay: Ấy không được! Bà ấy ngạc nhiên lắm: “Tôi dọn hạt cho chú mà, chú cứ ăn tiếp đi!”. “Ồ không - chú giải thích ngay: Bà thông cảm, tôi mua miếng mít này là mua luôn cả hạt. Số hạt mít này là của tôi. Đi ăn quà vụng các con, thì cũng phải có chút gì mang về cho chúng chứ!”. Bà lão tròn mắt nhìn rồi tủm tỉm: “Chú này ghê thật! Chẳng ai bắt nạt được. Chẳng bỏ phí cái gì. Vợ con được nhờ nhỉ!”.

À, hoá ra, chuyện về gói hạt mít chú mang về vừa nãy là như thế. Chúng tôi thú vị nghe cho đến lúc mùi thơm của hạt mít nướng chín đã bay ra…

Ôi! Chú Lê Bính của chúng tôi! Gần gũi thế đấy! Yêu thương giản đơn thế đấy, Hài hước và hóm hỉnh thế đấy! Có cả chút sắc nhọn trong từng lời nói nữa đấy - nhưng mà vì thông minh, sắc sảo chứ không ghê gớm, chẳng bắt nạt ai! Chú nhân hậu lắm mà!

Sau này, tôi có vài dịp về thăm chú. Chú vẫn ở căn phòng nhỏ trong Hội Văn nghệ, và cô sinh viên Văn khoa là tôi vẫn được chú ưu ái mời một cốc nước ấm pha mật ong! Chú lại tranh thủ giảng giải về lợi ích cho sức khoẻ từ loại nước uống này. Có khi, nhiều năm sau, xa đất Thái Bình, tôi vẫn nhận được quà của chú - một tập thơ chú mới in - gửi qua đường Bưu điện. Cảm động lắm!

Vĩ thanh của câu chuyện gói hạt mít này cũng thật thú vị! Năm 2015 - Sau 39 năm tính từ khi Hội Búp trên cành của chúng tôi ra đời, chúng tôi tìm thấy nhau nhờ mạng xã hội facebook, chúng tôi tìm về với nhau, tụ họp, kỉ niệm và tri ân! Chúng tôi gặp lại chú tại ngôi nhà riêng ở Thái Thụy. Cuộc gặp gỡ thật vô cùng cảm động. Chú - cháu đều ngân ngấn giọt lệ trong khi miệng cười rất tươi, tiếng ríu ran xôn xao căn nhà nhỏ! Khoảnh khắc thời gian ấy, chú quên đi bệnh tật, quên vết mổ đang rỉ máu bên sườn, quên luôn nỗi lo lắng về một số mệnh ngắn như đã gọi tên mình! Để chú vui hết mình, vui thật sự, hạnh phúc của chú như cầm nắm được trên tay, như đong đo được trong đôi mắt ướt! Còn chúng tôi, tình thương yêu chú gửi vào tiếng cười ríu rít, cái ôm nồng ấm, mà nỗi se sắt thì nén chặt trong lòng. Hôm đó, chúng tôi được chú chiêu đãi một bữa mít ngon! Lại vẫn là mít nhé, vẫn là mít quê - quà quê. Một bữa mít ngon vô cùng, chúng tôi ăn thoải mái, thích thú. Hương vị ngon ngọt rất thật ngày hôm đó đã làm tôi nhớ ngay về gói quà hạt mít của chú năm xưa. Một cảm giác ấm nóng lan trong tôi bồi hồi mà không nói thành lời, không thể kể lại ngay lúc đó -  và vì chú ngay lập tức sống những giây phút thăng hoa, chú đã bận rộn, rối rít kiểm tra cây đàn, vặn lại giây tơ và đàn, hát cho chúng tôi nghe! Bài hát của một người nghệ sĩ tài hoa, đa đoan, yêu thương nhiều, cho đi nhiều… 

Chú đã mang theo bên mình bao kỉ niệm ấm êm về nhóm Búp phải không?

Còn chúng cháu đã có cho mình biết bao tình yêu, sự nâng niu, những bài học cuộc sống từ các chú, các bác để hành trang cuộc đời mình thêm đẹp, thêm hương!

Kỷ niệm với các nhà thơ, nhà văn lớn

 Những mùa hè thơ văn của chúng tôi từ thập niên 70,80 đã là một sáng tạo vô cùng độc đáo của các bác, các cô chú trong Hội Văn nghệ Thái Bình. Đấy là minh chứng cho chữ Tâm của những nghệ sĩ chân chính, luôn chăm lo ươm trồng, vun xới những tài năng nghệ thuật nhỏ tuổi, là tình yêu nghề, yêu người thật hồn hậu, tự nhiên. Đấy cũng là minh chứng cho chữ Tài của những người cầm lái, chèo thuyền - con thuyền văn chương của miền quê lúa. Vì rằng, phải nhìn xa trông rộng, phải có cái nhìn hướng tới tương lai, người ta mới mạnh dạn tạo dựng một tổ ấm, một mái nhà cho năng khiếu văn chương nhí. Lại cũng không phải chỉ là phong trào bề nổi, không phải là hình thức bên ngoài cho đẹp một cái tên riêng, chung nào đó. Bằng chứng là: cách tổ chức hoạt động, cách bồi dưỡng năng khiếu cho các em thiếu nhi thật bài bản, nghiêm túc. Chúng tôi, các thành viên của Hội Búp trên cành năm xưa, phải có một khoảng lùi thời gian, tức là phải có khoảng cách để thực sự lớn lên, trưởng thành, mới thấu hết cái tình ý, cái ý nghĩa sâu xa của những mùa hè thơ văn mà các bác, các cô chú đã gây dựng, chăm chút cho mình.

 Chúng tôi, mới chỉ là những cô cậu  học trò từ 11, 12 tuổi, nếu lớn nhất, sinh hoạt dài nhất cũng chỉ đến 15, 16 tuổi. Năng khiếu sáng tác thơ văn thực chưa có gì đáng nói. Có chăng, chúng tôi mới chỉ là những bạn nhỏ yêu văn, thơ, viết được những bài văn khá hay trong nhà trường, đã từng tham gia và đạt giải trong các kì thi chọn học sinh Giỏi các cấp. Ấy vậy mà, chúng tôi được quan tâm, được nâng niu, được động viên, được mời gọi về tổ ấm văn chương của tỉnh. Hạnh phúc nào bằng, vinh dự nào bằng, khi những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam mà bao bạn nhỏ khác, thậm chí bạn đọc lớn tuổi cũng chỉ biết trên trang sách, mong ước một lần gặp mặt cũng khó, vậy mà chúng tôi được gặp gỡ, được học tập, được chia sẻ kinh nghiệm viết, được yêu thương, dìu dắt từ họ. Nhà văn Tô Hoài, Phong Thu, Vũ Tú Nam, Nguyễn Văn Bổng… các nhà thơ: Phạm Hổ, Định Hải… đã lần lượt gắn bó với bọn nhỏ chúng tôi những mùa hè dấu yêu như thế. Ý tưởng và việc làm trang trọng ấy đã nhắc nhở chúng tôi học và tập dượt sáng tạo cũng rất nghiêm túc, bài bản. Từ người sáng lập: Nhà văn Bút Ngữ - Chủ tịch Hội lúc bấy giờ, cùng các nhà thơ, nhà văn của tỉnh cho đến các nhà thơ, nhà văn lớn tôi đã kể trên, tất cả chung một nhiệt huyết, đam mê, nghiêm túc, sống và làm việc một cách nhân văn nhất để chăm chút, khích lệ, nuôi dưỡng những mầm non nghệ thuật nhỏ bé.

 Cũng mãi sau này, chúng tôi mới biết công lao to lớn của bác Bút Ngữ, vai trò Chủ tịch Hội, bác Lê Duy Lễ, Phó Chủ tịch. Rồi, chú Kim Chuông, bác Võ Bá Cường, Chánh Văn phòng trong việc chạy vạy kinh phí, lo mời thầy thợ, lo nơi đi thực tế sáng tác ở trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là “Lớp Búp” mời được khá nhiều các nhà văn, nhà thơ lớn từ Hà Nội về tham gia giảng dạy.

Chúng tôi say với bài giảng, với những câu chuyện văn chương của các nhà văn, nhà thơ. Học bác Tô Hoài, chúng tôi mới biết câu chuyện về món quà mà Thiếu nhi Mat-xcơ-va gửi tặng bác. Cái hộp to nhưng nhẹ, bao nhiêu lớp giấy bọc cẩn thận, cuối cùng hồi hộp và bất ngờ: Một chú dế mèn làm bằng thạch cao! Đơn sơ thôi nhưng bác xúc động lắm. Một đời văn, cũng chỉ mong độc giả yêu mến, thú vị với các nhân vật của mình như thế. Tác giả “Dế mèn phưu lưu kí” đã truyền lại cho chúng tôi, chia sẻ với chúng tôi niềm hạnh phúc ấy.

 Chú Phạm Hổ là một nhà thơ nhân hậu của thiếu nhi. Về với nhóm Búp Thái Bình, chú mang đến cho chúng tôi rất nhiều cảm hứng. Chú hiền từ, ân cần, nhẹ nhàng và tế nhị. Chú giản dị, gần gũi với chúng tôi như không hề có khoảng cách giữa một nhà thơ lớn với tụi nhóc mới tập làm thơ. Chú quan tâm đến cả hoàn cảnh riêng của các cháu, với những hỏi han ân cần. Với tôi, tôi có một kỉ niệm không bao giờ quên: chú Phạm Hổ đã tới thăm nhà tôi! Biết được hoàn cảnh riêng của tôi qua lời chú Lê Bính kể, chú rất muốn chứng kiến: một cô cháu nhỏ bé như tôi dệt tua cờ như thế nào? Hồi đó, mẹ tôi là xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp, nhưng mẹ cao tuổi, việc làm nghề thủ công cơ bản lại là tôi. Ngoài giờ học, tôi dệt tua cờ làm hàng xuất khẩu giúp cho mẹ. Buổi trưa hè đó, trời nắng chang chang, vậy mà chú Phạm Hổ vẫn nhiệt thành ngồi sau xe đạp của chú Lê Bính đến chơi nhà tôi, thăm bố mẹ tôi. Rồi chú đề nghị tôi dệt hàng xuất khẩu cho chú xem. Tôi cũng ngại ngùng, có phần xấu hổ, nhưng chú động viên, khích lệ, tôi đã ngồi dệt tua cờ đúng với năng khiếu của mình. Tôi dệt vừa nhanh, vừa có sản phẩm đẹp. Chú Phạm Hổ chăm chú  quan sát tôi với ánh mắt trìu mến,  nâng từng dải tua lụa lên xem và trầm trồ khen tôi khéo tay, ngoan ngoãn, biết phụ giúp gia đình. Tôi xúc động, bàn tay dệt cứ run run, trong lòng thấy xốn xang. Cả nhà tôi vui lắm, bố mẹ tôi trò chuyện vui vẻ với với các chú, kể thêm nhiều chuyện về tôi chăm học , chăm làm như thế nào. Các em tôi thì mắt tròn xoe để ý, ngắm nhà thơ Phạm Hổ từ Hà Nội về, lại đang ở trong nhà mình! Cho đến giờ, các em vẫn còn nhắc lại chuyện này với tình cảm kính trọng các chú và khen chị thật vinh dự. Còn tôi, tôi cảm động vì một lẽ khác: các chú bận bao công việc, nhưng tấm lòng nhân  hậu, quan tâm tới các cháu, sẵn lòng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống với từng đứa trẻ như chúng tôi thì thật là hiếm, đó mới thực là chữ tình, là một lẽ sống nhân văn tự nhiên nhất.

Sau mỗi đợt học các nhà thơ, nhà văn lớn từ Trung ương về như vậy, chúng tôi thường rất sợ các cuộc chia tay. Những bài giảng, những chăm chút cho từng ý tứ, câu chữ trong bài viết của chúng tôi đã làm nên chất gắn kết tuyệt vời giữa các thế hệ. Buổi tối trước hôm các bác, các chú trở về Hà Nội, bao giờ, chúng tôi cũng tập trung, ở riết trong phòng các bác, các chú. Truyện trò, căn dặn, hỏi han, quyến luyến… cho đến khi chú Lê Bính hay các bác trong Hội phải nhắc, phải bắt về đi ngủ, để cả hai đảm bảo sức khoẻ cho ngày hôm sau, chúng tôi mới chịu về phòng mình. Nhưng, chúng tôi đâu có ngủ được, cả bọn lại nằm nói chuyện nhớ nhung, tiếc nuối, lại bàn nhau không ngủ - sợ nếu ngủ quên thì sáng mai, không tiễn được được các bác, các chú ra bến xe, về Hà Nội.

Bao nhiêu kỉ niệm vui tươi, đầm ấm như thế đã đan dệt cuộc đời chúng tôi thành một gia đình độc đáo cho đến bây giờ!

Những gì học được, cảm nhận được, xúc động được từ nơi đây, từ những tấm lòng nhân ái, bao dung, yêu thương, trân trọng đều là nền tảng quan trọng để chúng tôi trở thành những con người giỏi về chuyên  môn, sáng trong về phẩm cách. Chúng tôi có quyền lưu giữ niềm hạnh phúc và tự hào về những năm tháng tuổi thơ của mình!

Hạ Long, ngày nhớ nhóm Búp – 2019
Nguyễn Thị Minh Hương

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.