- Trang văn
Hoa Sen Đồng Tháp Mười
Thứ sáu - 08/11/2019 14:15
Thân tặng T
Nhắc đến Đồng Tháp Mười, người ta thường nghĩ ngay đến loài hoa gần như là biểu tượng, là nét đặc trưng của vùng đất này: Hoa Sen. Có lẽ, không nơi nào dễ dàng bắt gặp được hoa sen như ở đây. Cây sen mọc trong ao, hồ, trong ruộng lúa hay cặp những bờ kênh, cứ nơi nào có nước lấp xấp là sen mọc, nhất là những nơi trũng thấp, nước ngập quanh năm… Dù được trồng, chăm sóc hay mọc tự nhiên, thì nơi nào sen cũng xanh tốt, cành lá vươn cao, hoa tưng bừng khoe sắc… Có những cánh đồng sen rộng bao la, nhìn ngút tầm mắt.
Từ bao đời nay, sen đã như một phần không thể thiếu của người dân miền sông nước, là nỗi nhớ da diết của những người đi xa... Cứ vào mùa nước nổi, từ tháng 8 - 11 âm lịch là sen nở rộ. Khi những tia nắng sớm bắt đầu le lói, nụ sen như thiếu nữ thẹn thùng, e ấp mở cánh đón ánh mặt trời... Những cánh hoa từ từ hé mở, ban đầu hồng nhạt, nhưng càng về trưa, màu hồng càng đậm hơn. Nhiều người cho rằng: khoảng thời gian từ trưa đến 3 giờ chiều là sen đẹp nhất. Trong ánh nắng vàng rực rỡ, những cánh sen hồng tươi kiêu hãnh vươn lên, lay nhè nhẹ trong gió, khoe nhuỵ hoa vàng và mùi hương cũng nồng nàn hơn... Trên nền lá xanh biếc che kín mặt nước, những cánh sen vươn cao như tô điểm sắc màu cho khung cảnh yên bình và thơ mộng, trong mênh mang của nắng gió, thoang thoảng mùi hương sen thơm ngát …
Bên cạnh những bông sen nở, là những nụ hoa chúm chím giấu mình dưới lá xanh, chờ tới lúc vươn lên khoe sắc, như một sự tiếp nối bền bỉ, để đồng sen lúc nào cũng tưng bừng sắc hồng. Và khi những cánh sen mỏng manh từ từ rơi xuống, nhuỵ sen lớn dần lên thành gương sen, ủ trong mình những hạt sen non ngọt lành - là phần kết tinh quý giá nhất của cây sen. Những hạt sen trắng ngần được bọc trong lớp vỏ lụa mỏng, mang trong mình tâm (tim) sen. Đây là phần duy nhất của cây sen mang vị đắng, nhưng là đắng thanh, “đắng nên thuốc” như các cụ già hay nói...
Về với đồng sen, là để hoà quyện, đắm mình vào giữa thiên nhiên mênh mang. Có những ruộng sen trải rộng tới chân trời, màu sen hồng trên nền lá xanh thẫm, tạo nên bức tranh tuyệt đẹp. Có những đoạn kênh, hai bên bờ sen mọc dày, mỗi khi xuồng chạy qua, sóng nước xô đám sen lay động, như đang xôn xao chào đón…Thú vị nhất là được bơi xuồng ra giữa đồng sen, để cảm nhận được cái bao la của đất trời, tận hưởng những phút giây thanh bình, hít thở không khí trong lành và thơm ngát hương sen, thanh thản ngắm những cô gái mặc áo bà ba chống xuồng hái gương sen thoăn thoắt hay lặng lẽ quan sát những người nông dân dầm mình bẻ ngó sen cho kịp chuyến hàng chiều...
Cây sen là nguồn cảm hứng vô tận của thơ ca, hội họa. Bức tranh nào về hoa sen cũng gợi nên vẻ đẹp thánh thiện, tinh khôi Những bài thơ về hoa sen bao giờ cũng đem lại cảm xúc trong lành và yên bình… Không chỉ có nét đẹp làm say lòng người, sen còn là một loài cây quý, tất cả các bộ phận của cây sen đều là vị thuốc, là nguyên liệu cho rất nhiều món ăn bổ dưỡng… Hạt sen ăn sống vừa giòn, vừa ngọt mát. Sen già thêm chút nữa, vỏ ngoài xanh đậm –gọi là sen rám, thì làm sen luộc, sen rang me, sen rang muối ớt, bùi bùi và lạ miệng… Hạt sen lột vỏ, trắng như ngọc trai, làm ra bao nhiêu món: sen sấy, sen rang bơ, cơm sen, xôi sen, chè sen, sữa sen… món nào cũng thật hấp dẫn. Ngó sen làm gỏi với thịt gà, hay nấu canh chua, muối chua, ngó sen xào cũng là món ăn khá… tốn cơm. Lá sen, tim sen là những vị thuốc quý, rất tốt cho cân bằng huyết áp, tim mạch, điều trị mỡ máu và mất ngủ. Còn một bộ phận của cây sen ít người biết đến, đó là củ sen, dùng để hầm xương, nấu chè, làm kim chi, làm mứt… vừa bùi, vừa bổ... Có một thú vui tao nhã, dân dã nhưng cũng khá cầu kỳ của người dân Đồng Tháp Mười là làm trà sen. Không đơn giản chỉ là lấy trà trộn với nhụy sen như trà sen bán nhiều ở chợ… Để có được ấm trà sen đúng điệu, buổi chiều, người ta sẽ chọn những nụ hoa lớn, bỏ vào trong đó một nhúm trà ngon, buộc nhẹ những cánh hoa lại. Qua một ngày, một đêm, trải qua nắng gió và sương đêm, chắt lọc những tinh túy của trời đất, hương sen thấm vào từng cánh trà… Nước pha trà cũng không thể tùy tiện “có gì dùng nấy”, ít nhất phải là nước mưa chứa trong những lu kiệu sành, trong văn vắt và mát ngọt, được nấu sôi sùng sục... Cầu kỳ hơn, có người tranh thủ dậy sớm để hứng lấy những giọt sương sớm như những hạt ngọc long lanh đọng trên lá sen non… Pha ấm trà sen sóng sánh vàng, ngan ngát hương thơm, nhâm nhi thưởng thức tách trà nóng ấm trong mơn man gió đồng, thấy tâm hồn thư thái mà lâng lâng lạ…
Cây sen ngày nay được nhiều địa phương khẳng định hiệu quả trong công cuộc “giảm nghèo - giải quyết việc làm” và làm giàu cho người nông dân Nam Bộ. Diện tích sen ngày càng mở rộng và những sản phẩm từ cây sen ngày càng phong phú, giá trị kinh tế cũng nâng cao. Hoa sen cũng đã được phong tặng là quốc hoa của Việt Nam, được trân trọng dâng lên bàn thờ Phật, thờ tổ tiên trong những dịp lễ trọng đại...
Dù đã lên ngôi vị cao nhất trong các loài hoa ở Việt Nam, nhưng bao đời nay, cây sen vẫn thế, như người nông dân Nam Bộ: mộc mạc, chân chất, chịu thương chịu khó, lặng lẽ góp sức cho đời... Từ cây sen, tôi cũng học được bài học của riêng mình “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, để vượt lên những khó khăn, thử thách của những tháng ngày xa quê, từng bước trưởng thành, khẳng định mình và càng gắn bó, yêu thương hơn mảnh đất này: Đồng Tháp Mười./.
Long An, 09/6/2019
Trần Thu Huê