• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Hành hương về xứ Phật

Thứ hai - 28/10/2019 23:00

Nhân mấy ngày nghỉ lễ, chúng tôi quyết định hành hương về xứ Phật – Myamar, đất nước vạn chùa với vẻ đẹp kì bí, cổ kính và độc đáo.
 
Sân bay quốc tế Yangon rộng, hiện đại và sạch sẽ. Thành phố Yangon bình yên và thân thiện. Rất nhiều cây xanh và cây cổ thụ, đặc biệt là xe máy bị nghiêm cấm chạy trong  thành phố. Rất lâu, tôi mới có dịp được hít thở bầu không khí sạch sẽ như vậy. Chọn ngày cuối cùng của năm 2016, chúng tôi tới chùa Đá Vàng (hay còn gọi là chùa Kyaikhtiyo). Xe ô tô đi tới lưng chừng núi thì khách được chuyển sang xe mui trần của người địa phương – loại xe đủ khỏe để vượt qua những khúc cua tay áo, những cung đường dốc ngược. Mỗi lần xe nghiêng theo khúc lượn, các bạn trẻ lại “o…a..m…”  lên,  thích thú với sự trải nghiệm cảm giác mạnh. Nghe nói, đã từng có đại gia Việt Nam sang đây muốn đầu tư làm cáp treo nhưng chính quyền Myamar không/chưa đồng ý vì họ muốn giữ du lịch thô sơ, muốn tạo cơ hội việc làm cho dân, muốn những tín đồ đi về cõi Phật phải là cuộc hành xác, tâm thành …. Nườm nượp khách tham quan cùng hàng ngàn người đang hành hương về đây khiến con đường chật lại. Người  già, trẻ con dắt díu nhau lầm lũi đi một cách  thành kính. Họ trải chiếu nằm la liệt trên sân chùa - là bãi đất trống rộng mênh mông. Màn trời, chiếu đất. Đêm lạnh, đói và rét dường như không làm họ phải bận tâm. Đến được với Phật là hạnh phúc vô biên của các tín đồ… Chùa được xây trên một  phiến đá phẳng,  đặt chênh vênh trên đỉnh núi Kyaikhtiyo cao hơn 1000 m so với mực nước biển. Tương truyền Đức Phật đã dùng mấy sợi tóc của mình kéo phiến đá lên từ đáy biển. Cả ngôi chùa và phiến đá đều được dát bằng vàng lá; mỗi góc nhìn lại ánh lên những vẻ đẹp mê hoặc, rất khác nhau…
 
Lộng lẫy và bề thế nhất là chùa Shwedagon ở cố đô Yangon. Đây là một kiệt tác với thân và tháp chính cao 99m được dát bởi hơn 60 tấn vàng ròng cùng hàng ngàn viên kim cương và hồng ngọc đính trên đỉnh tháp. Ngoài tháp chính, chùa còn có 1000 tháp nhỏ bao xung quanh. Mỗi ngọn tháp đều chứa trong mình nhiều báu vật và cùng với năm  tháng, nó càng trở nên huyền bí với tầng tầng, lớp lớp huyền thoại… Hàng ngàn  chiếc chuông gió ngày đêm tấu lên những âm thanh vừa vui tai, vừa bí hiểm … Cây Bồ Đề ngàn năm tuổi quanh năm xanh lá, ai tình cờ nhặt được một chiếc lá vàng rơi thì coi như người đó cả đời may mắn ...  Bốn góc chùa có đặt sẵn những ống nhòm để du khách có thể nhìn lên được tới đỉnh tháp chính, chiêm ngưỡng thế giới ngọc bích, rubi lấp lánh sắc mầu như trên cõi Phật… Không một người Myamar nào lại không ao ước trong đời có được một lần hành hương về đây để chiêm bái sự hùng vĩ, tôn nghiêm và sức mạnh của Phật pháp cũng như mong muốn đấng Từ Bi che chở.
 
Cổ nhất là chùa Sule, nằm ở ngã tư sầm uất nhất của Yangon, cạnh quảng trường Trung tâm và tượng đài Độc lập. Chùa được xây theo hình bát giác với những chạm trổ hết sức tinh vi. Mỗi hình chạm là một huyền thoại. Mỗi huyền thoại đều được nâng niu, giữ gìn để mỗi lớp bụi thời gian phủ lên, nó càng thêm sắc mầu huyền bí. Bên cạnh chùa là tòa Thị chính, một kiến trúc cổ đậm dấu ấn Myamar và xế nữa là tòa án tối cao- tác phẩm  kiến trúc  tuyệt đẹp của người Anh càng làm cho ngôi chùa tăng thêm vẻ thâm u. Tương truyền vị sư chủ trì chùa Sule mất trước đức Phật 2  ngày.Sự cổ kính làm cho ngôi chùa càng thêm uy nghi và tràn đầy năng lượng. Người ta hoàn toàn tin tưởng vào sự linh thiêng của nó. Rất nhiều người đến đây để xem tướng số, vận hạn trong đời…
 
Thật khó có thể kể hết những ngôi chùa độc đáo trên đất phật: Chùa có tháp cao nhất, chùa có tượng Phật nằm dài nhất, cao nhất v.v… Nhưng đã tới Myamar thì không thể không kể tới  Bảo tàng Xá lợi Phật. Đây là nơi lưu giữ nhiều xá lợi Phật nhất thế giới. Có cả vài sợi tóc xá lợi của Phật Thích Ca Mầu Ni. Khi chúng tôi tới đây, sư trưởng đang tụng kinh chúc phúc cho một nhóm các  bạn trẻ. Người Myamar  hiền lành, phúc hậu và thân thiện đến khó tin . Dường như tâm Phật đã ăn sâu trong máu thịt, trở thành một nét văn hóa rất đặc trưng của con người nơi đây. Từ cách họ hành hương, niệm Phật tới cách ứng xử và giao tiếp… tất cả đều toát lên sự thành tâm, an nhiên. Họ là những người của xứ Phật!
 
Đúng là một chuyến đi tuyệt vời trên cả mong đợi!
30/12/2016- 5/1/ 2017
Lã Thị Bắc Lý
 

Một thoáng Shìn Hồ

 
Phải bao nhiêu lần lên Điện Biên, tôi mới thực hiện được chuyến đi Shìn hồ. Đó là xứ sở của người H’mông thuộc tỉnh Lai Châu. Sho, một cô học trò người H’mông đã giúp tôi thực hiện kế hoạch này. Từ Điện Biên Phủ lên Shìn hồ cao (thị trấn Shìn hồ) khoảng 150km, Shìn hồ thấp thì phải gần 200km. Đường mới được sửa sang, khá đẹp. Xe chạy bon bon. Núi tiếp núi, rừng tiếp rừng. Khói bếp và sương mù bảng lảng. Đèo Shìn hồ gồm 3 tầng, dài khoảng 30km. Qua đèo là tới Shìn hồ cao. Xe như đi trong mây. Từng cụm mây trắng bồng bềnh, nô giỡn bên sườn núi, có lúc chạy cả ra đường, quấn vào bánh xe. Thời tiết ở đây giống như Sa Pa nhưng quang cảnh thì huyền ảo hơn. Giữa tháng 6 mà trời se lạnh. Nhà cửa, cây cối, núi đồi  mờ mờ ảo ảo trong mây khói. Tầm 3 giờ chiều, sương đã bắt đầu đọng hạt.  Thị trấn nhỏ xíu, “Đi 5 phút đã về chỗ cũ”… Bản Tà Phìn cách thị trấn chừng 4- 5 km. Người H’mông ở đơn giản, nhà cửa không rộng rãi và chắc chắn như người Thái. Họ dùng tre, gỗ quây quanh nhà và lợp mái (giống như nhà cấp 4 đơn giản của người Kinh). Sho cắm cúi bước, tôi lặng lẽ đi bên cạnh. Không gian thật tinh khiết. Văng vẳng bên tai tôi là giọng hát của Trọng Tấn… “Trời chỉ có sao sớm, sao chiều/ Núi chỉ có hai người yêu nhau…”. Tôi bật cười, giữa khung cảnh lãng mạn này, “chỉ có hai người” lại là tôi và Sho – Cô học trò nhỏ bé, giản dị, vừa nhanh nhẹn, hoạt bát; vừa hồn nhiên, hoang dại. Đôi mắt mở to thi thoảng lại nhìn tôi, vừa thân thiện, ấm áp; vừa thăm dò, bí hiểm. Người H’mông ít nói nhưng rất ý thức về việc giữ gìn bản sắc văn hóa. Họ sống kín đáo và thu mình hơn những dân tộc khác nên thường ở tách biệt và cấu kết cộng đồng rất chặt chẽ.  Bản Tà Phìn chỉ có vài chục hộ gia đình, ở rải rác quanh sườn núi… Sho dẫn tôi về nhà. Ngôi nhà hai chái nhỏ nhắn. Hai đứa con lít nhít, tóc cứng queo, thấy người lạ đến tò mò đứng xem. Chồng Sho, cũng một người H’mông đích thực làm công an ngay trong thị trấn đang nhóm củi ở giữa nhà. Bếp lửa tỏa hơi ấm và mùi củi thơm thơm thật dễ chịu. Anh ta đang chuẩn bị đồ ăn để tiếp “khách quý”. Người H’mông ở Shìn hồ cao rất nghèo, mọi thứ đều phải xuống Shìn hồ thấp mới mua được. Bữa cơm của họ thường rất đạm bạc…
 
 Sho đưa tôi xem chiếc váy cưới mà cô đã thêu, dệt không biết bao nhiêu năm cùng với sự trợ giúp của người mẹ. Chiếc váy nặng tới... 7kg. Chất liệu váy là vải chàm dệt, nhuộm thủ công một cách cầu kì, không bao giờ phai mầu. Những đường viền hoa văn đủ hình dáng, màu sắc được thêu bằng tay rất tinh xảo, đầy tính nghệ thuật. Phụ nữ H’mông rèn luyện sự kiên trì và gửi gắm khát vọng yêu đương cả đời trong công việc này…
 
Tôi uống rượu với vợ chồng Sho suýt nữa thì say. Tôi không uống được rượu, nhưng tôi biết, người H’mông chỉ mời rượu ai khi họ thực sự coi là bạn. Không uống, họ sẽ nghĩ mình không thực lòng. Tôi không muốn thế. Tôi muốn vợ chồng Sho hiểu rằng tôi rất quý mến họ. Cũng may, tôi không bị nài ép uống nhiều. Một chén đổ xuống đất và một chén uống cạn, thế là chúng tôi đã trở thành bạn của nhau …
 
Đêm Tà Phìn yên ắng đến lạ lùng!
 
Tôi bỗng rùng mình (không biết vì lạnh hay vì một cảm giác hoang vu mơ hồ…). Mới có 9h đêm mà núi rừng đã khuya vắng quá. Tôi bất chợt đưa ra một đề nghị, mà chính tôi cũng không hiểu vì sao: “Sho, Hát đi!”
 
Tôi không ngờ, một phút yên lặng, rồi cô gái cất tiếng hát. Ánh lửa bập bùng đủ làm mắt cô long lanh. Hai đứa trẻ nằm lăn lóc như hai củ khoai. Chúng đã ngủ từ lúc nào không biết. Người chồng ngồi bên cạnh, gương mặt của núi rừng trầm tư theo câu hát. Tiếng hát vọng trong âm u, vừa hoang sơ, vừa tràn trề khát vọng…
 
Tôi chợt nhớ tới câu nói của một người bạn – Một nhà toán học - “Anh thích dân ca H’mông, nó vừa u uẩn, vừa bi tráng”…
 
Tiếc là bạn tôi chưa bao giờ tới xứ sở của người H’mông!
 
Tây Bắc 2010-  2011  
Lã Thị Bắc Lý 

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.