- Lý luận - Phê bình
NHẶT Ở BỜ RÀO - Khúc đồng dao ấm áp cho trẻ em
Thứ tư - 20/11/2019 12:10
Năm 1986, cái tên Phạm Công Trứ đã nổi như cồn với Lời thề cỏ may, rồi từ đó, ông liên tục viết, viết nhiều, hay và độc đáo. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ bề thế như Cỏ may thi tập, Phồn thi (3 tập), Làng phố giao duyên …
Hơn 30 năm sau, ở cái tuổi ngoại lục tuần, “Gã nhà quê tinh quái” bỗng nhiên trở nên hiền lành, tỉ mẩn, cặm cụi đi …. Nhặt thơ ở bờ rào.
Ông đi chơi với trẻ thơ, chơi với thơ ấu của chính mình:
“Kéo cưa lừa xẻ
Chẳng hám cơm vua
Chỉ mong được thua
Về bú tí mẹ…
“Chi chi chành chành
Quả ổi quả chanh
Gốc nhãn gốc mít
Ríu ra ríu rít…
“Đi trốn
Đi tìm
Đống rơm, đống rạ
Góc bếp, cánh cửa
He hé mắt nhìn ….
“Nào thuyền gấp giấy
Nào trâu lá đa…
“Lăn tăn cỏ chỉ
Rung cỏ gà…
Ông say tìm về tuổi thơ, về với Ngày xưa cùng những trò chơi mê đắm, những khúc đồng dao ấm áp nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ. Dường như càng xa tuổi thơ thì những kí ức về tuổi thơ càng sáng rõ; càng ở nơi phố thị, càng xa quê hương thì những kỉ niệm về quê càng trong veo một miền nhớ:
Trong veo một vại nước mưa
Thân quen một chiếc gáo dừa úp lên
(Nước mưa)
Phạm Công Trứ đã dịch chuyển khắp nơi, trải hết nỗi đời lại muốn quay về với mảnh vườn nhà, với bờ rào, ngõ nhỏ nghèo khó thân thương để cảm nhận cái ấm áp, giản dị của tết quê: “Ngan ngát hương trầm/ Sáng trưng đèn nến …”; không gian tinh tế lúc Chuyển mùa, Giã biệt giêng hai, Tháng ba, Tháng tư đôi nửa, Mới hôm qua còn hạ, Sang thu, Thu tàn…” Mỗi mùa đều có/ Chút riêng của mình”; một nét Chấm phá thú vị trên bầu trời: “Cầu vồng không uốn mà cong/ Trăng liềm không vuốt mà cong lưỡi liềm…”; rồi Lượm ở góc vườn vài bông hoa dại, mấy nải chuối tiêu cùng bướm, cùng ong hít hà hương quê vừa quen vừa lạ; vừa lạ vừa quen rồi giật mình, thảng thốt:
Ngày xưa rất sâu
Ngày xưa rất xa
Quanh quanh bể nước
Mon men thềm nhà…
Câu thơ giản dị nhưng sâu một triết lí và chất chứa một nỗi buồn!
Trở về với ấu thơ là trở về với những gì giản dị, tinh khôi, hồn nhiên và ngây thơ nhất. Đây chính là Khúc đồng dao ấm áp ông dâng tặng tuổi thơ và công ty TNHH Linh Tâm là “bà đỡ” hết sức cảm thông, chia sẻ. Sự trân quý đó được thể hiện cẩn thận, tinh tế trên từng nét vẽ minh họa phóng khoáng, hiện đại mà vẫn giữ được hồn cốt Việt. Chất dân gian trong ý thơ, lời thơ hòa quyện cùng sắc màu, đường nét của tranh vẽ, chắc chắn tập sách sẽ làm hài lòng các bé thơ. Nào, các bé, hãy cùng chạy thật nhanh đến Nhặt ở bờ rào một món quà quý giá cho mình:
“Một lập lòe
Hai lập lòe…
“Một lá sen
Hai lá sen…
“Một tiếng ve
Hai tiếng ve…
“Kem! Kem! Kem!
Kem! Kem! Kem!...
Lã Thị Bắc Lý
--------
(*) Nhặt ở bờ rào – Phạm Công Trứ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019