• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Cảm thức thời gian với thân phận con người trong truyện ngắn Văn Giá

Thứ sáu - 08/11/2019 10:35


                                    

Vào cuối những năm 90 của thế kỉ XX, Văn Giá thường viết những mẩu truyện ngắn cho trẻ con đăng tải trên các báo. Có lần anh nói là sẽ tập hợp thành một tập truyện thiếu nhi  xinh xinh. Thế rồi bẵng đi đến … gần 20 năm, vẫn không thấy có tập Truyện thiếu nhi nào của anh ra đời, chỉ thấy hai tập truyện ngắn Một ngày nát vụn (Nxb Hội Nhà văn, 2010) và Một ngày lưng lửng (Nxb Văn học 2015). Có lần, tôi gợi lại câu chuyện trước, Văn Giá thoáng chút buồn rồi nói: “Mình không viết được cho thiếu nhi, phải là người có tâm hồn vô nhiễm, nhìn đời bằng cặp mắt trong veo mới có thể viết được cho các em …”


Tôi lặng người. Hóa ra là như vậy!

Hai tập truyện ngắn, không phải là nhiều trong sự nghiệp của một nhà văn. Anh viết chính là phê bình và lý luận. Nghề dạy học cho anh nhiều cơ hội để đi nhiều, để trải nghiệm những ngóc ngách của cuộc đời. Nhưng dù viết phê bình, lý luận hay sáng tác thì cái “tạng” của anh cũng đều nhất quán là đi tìm và hướng tới nét đẹp của văn chương và cuộc sống.Văn Giá trải lòng với chuyện đời, chuyện người; buồn vui với những số phận, những kiếp người bé nhỏ, lạc loài, mong manh. Chính vì thế mà cảm thức về thời gian với thân phận con người là điều ám ảnh nhất trong những trang viết của anh. 

Thời gian gắn với những suy ngẫm về nhân thế. Những nghịch lý của cuộc đời được tác giả phô diễn, có khi “thẳng ruột ngựa”, cũng có khi chỉ là một ẩn dụ về số phận con người. Trong Mưa ở Bình Dương, thời gian đồng hiện xuất hiện ba gương mặt, ba số phận khác nhau: Gương mặt bỉ ổi của gã chủ tịch phường, gương mặt nhẫn nhịn cam chịu của người bác sĩ, gương mặt bất lực của ông thầy dạy học - cả ba đều rất đáng thương. Chỉ vài nét chấm phá, chân dung gã Chủ tịch phường dốt nát, tiện nhân đã hiện lên rõ mồn một. Là hàng quan chức nhưng cách cư xử của gã thì giống kẻ du côn vô học. Đi xe trời mưa, hắn rú ga để cho nước “hắt trùm lên người đẩy xe bán hàng rong”; vào phòng khám nha khoa, bất chấp mọi thứ sáng bong, sạch đến mát lạnh, gã ngang nhiên “mang giày bê bết đất, nước mưa ướt nhẹp đi lại trong phòng”; giao tiếp với thầy thì vô nhân xưng, kẻ cả, hợm hĩnh, khoe mẽ…. Gã ý thức về một thứ quyền lực ma mãnh  nhưng không ý thức được sự khinh bỉ của người đời đối với mình. Gã đáng thương vì phải gồng mình lên, dùng mọi thủ đoạn để khẳng định “quyền lực”. Chính vì thế, gã đã nổi điên trước thái độ lạnh tanh, không khúm núm, xun xoe, không nịnh bợ của ông bác sĩ. Càng điên, càng nuôi mối thâm thù sâu sắc. Đó là cái thâm thù của kẻ thấy rõ người ta hơn mình mà sinh lòng đố kỵ. Hắn quẫy đạp để ra oai, lúc thì gầm gừ, đe dọa “sẽ bóp chết liền”; lúc thì dùng thủ đoạn đê tiện như cúp điện khi nhà ông bác sĩ đang có tiệc… nhưng đáp lại cũng chỉ là sự im lặng của người bác sĩ – một sự im lặng nhẫn nhịn và khinh bỉ đến tột cùng. Kết cục là ông bác sĩ, con người “thuộc chế độ cũ”, “cặn bã”, “không có tác phong quần chúng”, “rất có thể còn dính dáng đến phản động” (theo quy kết của Chủ tịch phường) đã “được” ông Chủ tịch “cho biết điều” bằng cách “tịch thu giấy phép hành nghề…. mà “không há mõm nói được câu nào”. Một ông thầy đi dạy tại chức, tận mắt chứng kiến học trò của mình như  Chủ tịch phường, trái tim ông quặn đau, “… thời nay trong chốn học đường, nhất là học đường tại chức, cứ vay vay trả trả ma mãnh như thế đấy.” Ông dạy cái lũ này có khác nào tiếp tay cho kẻ dốt, kẻ ác làm càn. Ông cố co mình lại để không mắc vào cái sự “nợ nần ma mãnh” nhưng xã hội đang như một mớ hỗn độn, đang biến dạng như vậy, cái cơ chế nó như vậy, một mình ông chống sao nổi? Ông bất lực, và chính ông cũng là một số phận đáng thương. Cái gớm ghiếc nhất của thể chế này là đã sử dụng bọn ngu dốt và vô văn hóa lên nắm quyền cai trị nhân dân. Còn nhan nhản những chủ tịch phường và cao hơn những chủ tịch phường đó đang ra sức lộng hành, tàn phá, làm đảo lộn những giá trị của cuộc sống. Và cũng chính vì thế, Mưa ở Bình Dương gợi cho người đọc rất nhiều suy ngẫm về sự ngu dốt, bẩn thỉu đang hoành hành xã hội, về số phận mong manh của con người. Ví như ông bác sĩ già trong truyện, mặc dù “tay nghề cao, chữa cẩn thận lắm” nhưng bị thu giấy phép hành nghề chỉ vì không chịu sống quỵ lụy. Ông như “lạc giữa cõi người”, sống lạc loài trong xã hội. Chủ tịch phường đã nhân danh chính quyền, nhân danh pháp luật để thu hồi giấy phép hành nghề của ông, không chỉ đơn giản là tước đi miếng cơm, manh áo của ông mà thực chất là tước mất quyền làm người lương thiện của ông. Rõ ràng, trong cái xã hội với những lãnh đạo như vậy, làm người lương thiện cũng thật là khó! Cùng với cảm hứng thế sự như Mưa ở Bình Dương còn có Giở chứng, Về Trời, Cú sốc, Thị trấn trên núi cao, Bản phố… 

Nhìn sâu vào nhân thế, thời thế, nhưng Văn Giá không đưa người đọc đến với những cảm xúc bi lụy mà ngòi bút của anh luôn hướng về sự sống. Ý thức về thời gian gắn với cái đẹp, khát vọng hướng tới cái đẹp đã đem đến cho anh một cái nhìn thật nhân văn về thân phận con người: Từ Sơn sen, Hạt gạo, Bé Ngân, Hạnh, Gió thơm, Gặp nhau bên ấy… đã đạt tới vẻ đẹp của cái chân, thiện. Cảm nhận về thời gian của anh rất gần với kinh Phật. Thời gian vô thường, tinh khiết, cho dù đôi khi biểu hiện bên ngoài là sự úa tàn, đổ vỡ nhưng thẳm sâu bên trong vẫn là sự sống, là kiếp luân hồi. Từ Sơn sen là một tác phẩm đẹp đến độ tinh tế. Đẹp từ ý tứ đến ngôn từ; từ cách cảm nhận đến miêu tả. Không biết câu thơ của nhà thơ tài hoa Trần Hòa Bình “Sen ngủ trong bình em thức trong ta” hay một nguyên mẫu nào đó  đã gợi cho anh viết tác phẩm này. Anh miêu tả đầm sen bốn mùa như một bức tranh tứ bình, nhưng không phải là tứ bình truyền thống Xuân, Hạ, Thu, Đông (bắt đầu từ sức sống và kết thúc là héo tàn) mà là Hạ, Thu, Đông, Xuân (khởi đầu là sự sống và kết thúc là sự sinh sôi). Mùa Hạ, “cả một đầm tràn lan sen, mỡ màng sen … không gian thơm tho, tinh khiết…”, rồi tiếp đến Thu, “đầm sen nhất loạt ngả sang nâu. … ủ rũ một khung cảnh đổ gãy, khô xác, tàn tạ… Một ý niệm về thời gian. Hơn thế, một ý niệm về sự đổ vỡ dội đến…”. Mùa Đông, “đầm sen như thể xóa hẳn dấu vết. Như phi tang … như chứng tích của một thời xa lắm…”. Vậy mà sang Xuân, “lạ thay, từ mặt đầm đột ngột nhô lên mấy chiếc lá non … Chỉ dăm hôm quay lại … một đầm sen lá non thơm tho, nõn biếc óng ánh còn nguyên bụi phấn … đã nhất loạt trổ mã vẫy chào trong gió …”. Một bức tranh tứ bình mới mẻ và hoàn hảo, đậm chất nhân văn. Sen nâu… héo tàn…, tưởng như là chấm dứt, hóa ra nó đang ấp ủ một cuộc đời mới,  một sự sống mới, tinh khôi và mãnh liệt. Thời gian gắn với cái đẹp, cuộc sống cũng vô thường, luân hồi chuyển hóa! “Phải chăng, con người ta vẫn không tránh được những đợi chờ….” (Phật Chỉ).

Cảm thức tiếc nuối thời gian gắn với những mất mát của con người được thể hiện rõ trong Hạnh, ý niệm về thời gian được hiện hữu qua cây đàn Piano. Cây đàn được mẹ Hạnh mua về cho con gái là cây đàn của bà giáo cũ từng dạy cô, bà giáo đã mất nhưng nhà không ai nối nghiệp nên bán đi. “Xoa nhẹ tay lên bàn phím, thoáng thấy bóng của mình trên hộp bàn gỗ bóng, mẹ Hạnh rùng mình. Cơ hồ bóng hình bà giáo chìm trong thân đàn….”; rồi đến lượt Hạnh, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, về lại căn nhà xưa, “Hạnh mở nắp đàn, lướt các ngón tay lên bàn phím…. Một hình bóng chập chờn trên mặt thân đàn bóng loáng. Bóng của Hạnh? Của lọ hoa hồng phấn? Của mẹ Hạnh? Hay của bà giáo thuở nào?...”. Sự nuối tiếc thời gian gắn với những mất mát của con người cũng được thể hiện đậm nét trong Cấm Song, Bến Mom, Về trời, Gió thơm, Từ Sơn sen… Những mất mát có khi không gọi được tên, nhưng nó cứa vào trong tim người ta. Đau lắm: “ Có lần, hơn chục em gái nhà nghèo của một ấp nọ rủ nhau lên thành phố để thi tuyển lấy chồng ngoại quốc, các em gái thì ra mặt hân hoan, các ông bố bà mẹ cũng háo hức không kém …” nhưng “một đám trai cùng thôn ấp có bao nhiêu tiền rủ nhau ra quán uống rượu, càng uống càng tỉnh, không đứa nào nói với nhau câu nào, đến khi không chịu được nữa, chúng khóc rống lên như những cây tràm bị bão dông quật ngã…” (Gió thơm).

Văn Giá luôn phát hiện ra và nâng niu, trân quý nét đẹp giản dị, thanh sạch trong những con người. những sự việc rất đỗi bình thường. Bé Ngân trong Bé Ngân, bất chấp sinh ra và lớn lên trong một gia đình bố “dính nghiện, giết người, đi tù”, mẹ “nghe nói là gái làm tiền”; bất chấp sống trong một ngõ phố “toàn dân thợ thuyền, buôn thúng bán mẹt. Con cái không học hành, hư hỏng hết” vẫn giữ tâm hồn hồn nhiên, trong trẻo, Mẹ con Lan trong Gặp nhau ở bên ấy tuy nghèo nhưng quyết không hèn, không muốn ai thương hại mình. Lan trưởng thành trong sự tần tảo và tình yêu vô bờ bến của người mẹ. Ở bên trời Tây, biết tin bác hàng xóm tốt bụng thuở nào sang công tác, Lan  đã tìm mời bằng được bác đến nhà chơi, để cho mẹ có cơ hội được thể hiện sự “biết ơn” tấm lòng thơm thảo của bác: “Trong khi cả khu tập thể, người ta khinh em nghèo, chả ai chơi với vợ chồng em, ngoài anh chị. Em vẫn nhớ cái ơn ấy mãi….”. Ông bác sĩ trong Mưa ở Bình Dương sống cô đơn giữa bốn bề là người, khát khao một tri kỉ nhưng quyết không chơi tạp, không đối thoại xô bồ. Gặp ông thầy ngoài Bắc vào dạy, biết thầy là người hiểu chuyện, ông mới mở lời tâm sự... Đọc Văn Giá càng thấy thấm một điều, hạnh phúc là những gì mình mong muốn và có được, cho dù đó là chỉ là những thứ vô cùng nhỏ. Người chị cho được em mớ cá tát ở ao nhà, thế là hạnh phúc (Đêm ở làng); mời bác hàng xóm thuở xa xưa đến nhà ăn một bữa cơm quê, thế cũng là hạnh phúc (Gặp nhau bên ấy) ….

Thời gian chiều hay được tác giả nhắc tới trong cảm nhận về thân phận con người, mơ hồ một nỗi lo âu, một sự bất an: 


“U tôi ngồi làm gạo giữa sân. Trời đã xâm xẩm tối….” (Hạt gạo)
“Bữa nay tranh thủ về thăm nhà. Thấy chị dâu tôi đang làm gạo….U tôi đang ngồi bên cạnh chị… Lưng Người đã hơi còng. Tóc Người đã ngả màu bụi cám… Chỉ mới xế chiều mà chỗ u tôi ngồi như đã xâm xẩm tối…” (Hạt gạo)


 “Chiều nay em chờ anh…” (Tìm em)
“Sợ nhất những đêm không ngủ được…” (Tìm em)
“Cuối chiều, trời hay mưa… Trời nặng một màu chì…” (Mưa ở Bình Dương)
“Ở quê, đêm đến sớm hơn… Tiếng chó sủa từ mấy nhà láng giềng vọng lại…” (Đêm ở làng)…
“Trong đêm, Tuấn ghìm lại tiếng thở dài. Tuấn sợ bố cứ luẩn quẩn câu chuyện buồn….” (Đêm ở làng).

Cái câu chuyện buồn ấy cũng là loanh quanh những số phận buồn ở làng quê. Đó là ông Hảo, kém bố tới ba tuổi mà “đang ốm nặng lắm”; là “thằng bé con chú Mộc, đi làm ăn ở Quảng Ninh Móng Cái rồi mang bệnh ết về, vừa mới chết…” v.v…


Có gì như chênh vênh, như hồi hộp âu lo! Thời gian chiều nhuốm không gian buồn, u ám. Thân phận con người dường như cũng mong manh, chòng chành, chao đảo. Dường như thời gian chiều hay gợi cho người ta những nỗi lo, lo đêm xuống, lo ngày mai tới, lo những việc chưa làm xong, những món nợ …

Thời gian bị xé vụn trong sự dày vò cùng những ăn năn, hối tiếc. Con người bất lực và hữu hạn trong sự xô giạt của cuộc sống mưu sinh mà hóa ra công việc cũng chẳng đâu vào đâu. Đọc Một ngày nát vụn, Câm sóng, Đám viết….cứ thấy bàng hoàng, hụt hẫng, thương nhớ một thuở đã qua. Cuộc sống hiện tại với những mối quan hệ/ quan tâm quá rộng nhưng ngẫm ra lại chẳng thấy có gì thực lòng gắn bó, thực sự quan tâm. Một ngày nát vụn khái quát lối sống bí bích đến ngạt thở của số đông trí thức thời hiện đại. Họ luôn vội vàng, bận rộn. Bận vì công việc nhưng cũng bận vì la cà quán xá. Thời gian của họ bị xé vụn ra chia sẻ cho nhiều người, nhiều việc khiến vợ chồng sống chung dưới một mái nhà cũng phải dùng tới tin nhắn, thư điện tử để trao đổi với nhau… Trung trong Câm sóng là tiêu biểu của một loại công chức gốc nhà quê bị đô thị hóa, bị guồng quay của xã hội với lối sống cấp tập, vội vàng cuốn hút dẫn tới vô tâm, vô cảm với  quê hương, làng xóm; với những con người nặng tình nặng nghĩa suốt một thời thơ ấu, thậm chí chính họ đã chắt chiu, gom góp làm nên sự nghiệp của mình. “Trung đi tối ngày. … Chắc cũng có bận thật, nhưng làm gì mà bận ghê gớm đến nỗi hai ba tháng nay không về quê lấy một lần. Bảo có trèo đèo lội suối gì cho cam. Có già ba chục cây số chứ mấy.…” Thời gian của anh bị băm nát, những hội thảo hội nghị, những dạy dỗ nghiên cứu, viết lách, chả khi nào hết , mà thực ra cũng “chả đâu vào đâu”. Người anh họ, cũng là bạn, là ân nhân ốm lay lắt mấy tháng trời, Trung nghe tin rồi cứ tặc lưỡi dần…, rồi quên…, cho tới khi về được quê thì người anh họ đã mất. Những day dứt, những hối tiếc của Trung bị át đi bởi tiếng kèn tò tí te nghe đến rợn người. Dường như tác giả đang muốn “vãn hồi lại những cái đẹp, những cái nhân văn thuộc về văn hóa của dân tộc đang bị đời sống đương đại “vấy bẩn”, bị bào mòn từng ngày, từng giờ…”.

Có thể nói, Văn Giá đã chạm tới cõi hư vô của cuộc đời, của số phận con người, đó chính là điều làm nên độ rung của tác phẩm. Truyện của anh gợi nhiều hơn nói. Chính bởi vậy mà càng đọc càng thấy buồn. Một nỗi buồn lặng lẽ, kín đáo và tinh tế. Như làn gió thơm, như hương sen lan tỏa (Gió thơm, Từ Sơn sen…); như một cuộc tình thánh thiện mà vô vọng (Hạnh, Tìm em…); như dáng người chị gái “đang nhoai trên chiếc xe đạp cũ” ở triền đê (Đêm ở làng) hay người chị dâu cặm cụi đúng cái chỗ của mẹ chồng “vẫn thường giần sàng nong nia mấy chục năm về trước” (Hạt gạo) … Họ tiếp nối nỗi buồn của nhau, tiếp nối những thua thiệt của những kiếp người bé mọn. Dường như những rung động của tác giả trước mỗi thân phận con người đã làm rung lên nỗi niềm cảm thương trong lòng bạn đọc, để cho họ nghĩ tiếp, nghĩ mãi về những câu chuyện còn đang “lung lửng” của anh!


Chớm thu Hà Nội, tháng Tám, 2018

Lã Thị Bắc Lý
 

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.