- Lý luận - Phê bình
Cảm hứng thiền trong thơ của Trần Huyền Tâm
Thứ tư - 23/10/2019 10:54
1. Đã từng xuất hiện trên mặt báo khoảng 40 năm trước, khi còn ở tuổi thiếu thời, rồi im ắng, rồi đột ngột bừng sáng với Giọt nắng vô thường, Trần Huyền Tâm làm tôi ngạc nhiên quá đỗi. Ngạc nhiên vì công việc ở Bộ Ngoại giao vô cùng bận rộn, chị vẫn dành thời gian để viết, viết mỗi ngày và lặng lẽ tích lũy mấy chục năm để có được một tập thơ dầy dặn với hơn 100 bài. Ngạc nhiên vì công việc hướng ngoại, quanh năm thường phải xuất ngoại, để giải quyết các việc của ngành ngoại giao; đã đặt chân tới nhiều miền đất lạ của khắp các châu lục, trải nghiệm đủ những hỉ, nộ, ái, ố của cõi nhân sinh nhưng chị vẫn giữ được tâm hồn tĩnh tại, an nhiên. Dường như chị đã vượt lên cái đời thường, đã vươn tới cái vô biên, “minh triết” của “một cao xanh” “tâm cảnh giao hòa”; bình thản gạt bỏ những tầm thường, thô bẩn để chắt lọc trong xô bồ của cuộc sống những gì tinh túy nhất và nâng niu, trân quý, cất giữ trong khoảng sáng tâm linh của mình. Không phải là chị tìm đến thơ mà chính là thơ tìm đến chị. Những vần thơ tự hát bởi nhu cầu tri âm, chia sẻ và giải thoát. Thơ Trần Huyền Tâm vì thế mà dường như chỉ thuần túy một giọng: giọng an nhiên, yêu thương, hòa ái. êm đềm và trong trẻo. Chính điều đó đã tạo nên dáng vẻ riêng, gương mặt riêng của chị; tạo nên nét đẹp thánh thiện của một áng thơ thiền. Có thể nói, cảm hứng thiền là mạch nguồn xuyên suốt thơ Trần Huyền Tâm: thiền trong cách cảm nhận thiên nhiên và thiền trong những suy ngẫm về con người và cuộc sống.
2. Đến với thơ Trần Huyền Tâm là đến với một thế giới thiên nhiên phong phú, đa dạng và thực sự phóng khoáng. Thiên nhiên qua cái nhìn Thiền định hết sức nhạy cảm và tinh tế của một tâm hồn đa cảm. Một chút “lạ” của Khúc giao mùa, một chút Thu xa, một Chiều cuối đông, một chút Khói sóng Tây hồ, một Chiều sông La….Những vẻ đẹp, cho dù rất mong manh, thoang thoảng cũng luôn chạm vào tâm hồn chị để rung lên thành những vần thơ:
Sương mơ hồ quẩn quanh vòm lá
Nắng ẩn mình trên vách đá rêu phong
Bên sườn núi mây dềnh lên như sóng
Gió đung đưa cánh võng sương mù.
(Sa Pa, riêng nẻo thu này)
Huyền Tâm luôn nhìn thiên nhiên trong sự hòa hợp, hòa đồng với con người; một sự giao cảm hết sức tự nhiên như đó là máu thịt của mình vậy:
Bờ liễu xanh tơ, nghiêng nghiêng mặt hồ
Gió bung biêng sóng nước xa mờ.
Cõi nhân gian
Như tan trong hương sữa nồng nàn
(Đi thuyền trên hồ Tây)
Ý thơ mang đầy cảm quan thiền học. Nhẹ nhàng, tinh tế cảm nhận vẻ đẹp mơ hồ, huyền ảo của sóng nước hồ Tây. Không gian hồ, không gian gió, không gian liễu, không gian hương sữa nồng nàn, bao la, vô cực, và con người như cũng hòa lẫn, tan chảy trong cõi nhân gian . Trong Thơ mới, đôi khi ta cũng gặp những vần thơ phảng phất vị thiền kiểu này:
Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền…
(Xuân Diệu)
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay…
(Hàn Mặc Tử)
Với trường mĩ cảm đặc thù, tác giả thực sự trải lòng với thiên nhiên, sống giữa thiên nhiên, hòa đồng với thiên nhiên để thấy tâm hồn mình Chân Như thanh sạch, với những cảm xúc hồn nhiên không gợi niềm trần tục. Thơ Huyền Tâm có nhiều bài, nhiều câu như vậy:
Vô tư ru mình bằng những giấc mơ
Hoa nở bốn mùa, đỏ, vàng, xanh, tím
Mây, gió, trăng, sao, ngẫu nhiên ẩn hiện
Vũ trụ bao la, cao thấp khôn cùng.
(Không phải ngẫu nhiên)
Thiên nhiên qua cái nhìn thiền định thật giản dị nhưng tràn đầy mĩ cảm. Tác giả tiếp xúc với thiên nhiên ngoại cảnh, với núi cao, sông dài, biển rộng, cánh đồng, đường làng, ngõ xóm bằng một cảm quan thiền học, tĩnh lặng, tĩnh tâm, và tinh tế:
Thấy mình về giữa lặng thinh
Nghe trong sâu thẳm biết mình biết ta
Thấy trong mỗi cõi gần xa
Ta mình đang nối bao la đất trời
(Tìm về giữa những lặng thinh)
Thiên nhiên, đất trời xuất hiện trong thơ Huyền Tâm như là biểu tượng của lẽ thiền. Cảm nhận thiên nhiên bằng cái nhìn thiền định, tâm đạt tới độ tĩnh tại, trong suốt, vắng lặng, hòa nhập vào bản thể vũ trụ vạn vật. Câu thơ rất gần với nghệ thuật biểu diễn cái không lời của thơ thiền thời Lý - Trần:
Ngẫm trông trời đất sao mà mênh mông
Chống gậy nhởn nhơ ngoài thế gian….
(Phóng cuồng ngâm - Tuệ Trung Thượng Sĩ) (*)
Con người dường như đã đạt tới độ “vi diệu” trước thiên nhiên để biết mình đang ở đâu trong bao la đất trời. Thơ Huyền Tâm luôn hướng tới một thiên nhiên, một không gian khoáng đạt, tĩnh lặng và trong trẻo. Có thể nói, tâm cảnh và ngoại cảnh đã có sự tương thông đồng điệu, sự hòa nhập một cách tinh tế để hướng tới và cảm nhận cái đẹp vô thường.
3. Thiền quan, thiền cảm đã tạo cho thơ Trần Huyền Tâm sự tinh tế của tâm hồn ngộ đạo, ngộ lẽ Thiền không chỉ trong cách chị cảm nhận thiên nhiên mà còn trong những suy ngẫm về con người và cuộc sống. Những suy ngẫm của một trí tuệ minh triết, đọc nhiều, học nhiều, hiểu đời và hiểu người. Dường như chị luôn muốn thanh lọc, làm trong sạch mình cả về thể chất lẫn tinh thần:
“Tôi hòa vào ngàn mây ngàn gió lộng
Hóa thành mưa xóa sạch mọi ưu phiền…
“Tôi an nhiên hóa nụ cười tinh khiết…
(Tôi thấy)
Bỏ lại nơi đây dâu bể cuộc đời
Nỗi đớn đau nhân tình thế thái
Con thuyền mình đầy niềm tin hòa ái
Thân tâm tĩnh tại, an nhiên.
(Đi thuyền trên hồ Tây)
Dù trong hoàn cảnh nào, thơ Tâm cũng hướng bạn đọc về phần sáng tươi của cuộc sống, kiểu như Sau cơn mưa là bình yên. Thơ chị cũng nhắc tới những nỗi buồn đau, những số phận, những cảnh đời đầy vất vả, gian truân: Về thăm mẹ, Lời nào cho lá diêu bông, Nói với người xưa…
Vai mẹ gầy gánh một đời góa phụ
Cha đi xa…. Cha nằm lại rừng xanh
Mẹ liêu xiêu với gánh nặng trần gian
Trong tảo tần gió sương…
(Về thăm mẹ)
nhưng hầu như không bi lụy, sầu thương. Về thăm mẹ chị viết về chính người mẹ của mình, người mẹ góa phụ, liêu xiêu với gánh nặng trần gian. Người mẹ của Tâm không đau thương hóa đá vọng phu mà hiện hữu, xót xa Trong tảo tần gió sương/ Gánh năm mảnh đời con lên phố/ Bên lúa bên khoai/ Bên rau bên cỏ… Câu thơ gợi nhiều hơn tả. Nó chạm tới sự cảm thương của con người nhiều hơn là gợi nỗi sầu bi. Thậm chí cả khi viết về sự mất mát, chị cũng không bao giờ đem đến cho người đọc cảm giác nặng nề:
Con thắp nhang trong nỗi tái tê
Mẹ ở đâu giữa mênh mông hư ảo?
Bông lúa vàng, cánh cò thơm thảo
Nắng xa rồi, mưa có bớt vô tư…
(Về thăm mẹ)
Quan niệm về cuộc sống và hạnh phúc của chị thật giản đơn mà vô cùng sâu sắc:
Hạnh phúc cuối cùng, hạnh phúc đâu xa
Là được an hòa bên nhau, như tuyết
Bao người ngu ngơ mải miết
Vô tình tìm hạnh phúc đâu đâu…
(Hạnh phúc)
Rời xa cái Vô minh, rũ bỏ tham, sân, si; rũ bỏ mọi hoài nghi, hờn giận; rũ bỏ Bến mê để tìm về Bến giác, tìm đến cái thanh cao của trí huệ, minh triết, con người ta sẽ được tịnh tâm:
Thấy mình nhẹ bẫng nỗi đời
Thang mây tọa giữa đất trời an nhiên
Bão dông thôi rắc ưu phiền
Bước về đã rạng nắng miền thiên thai
(Tìm về giữa những lặng thinh)
Rời xa nhân thế vô thường
Thang mây đã rạng bước đường về quê…
(Nói với người xưa)
Phải chăng đây chính là sự sâu sắc khi con người ta Ngộ ra Chân tâm soi sáng đường trần/Hành nhẫn nhịn, thiện giải phần sầu đau ... Trở đi trở lại trong thơ Trần Huyền Tâm là những chữ Chân - Thiện - Nhẫn:
Nắng vô vi và mưa gió vô vi
Bao ưu phiền tan theo cánh thiên di
Chân Thiện Nhẫn đón đưa về bờ Giác
(Viết cho không chỉ riêng mình)
Chân Thiện Nhẫn
Những mảng màu
Không đợi mùa vẫn thắm…
(Đi thuyền trên hồ Tây)
Thơ Tâm “khuyến cáo” con người ta buông bỏ danh vọng, quyền lực, không ham hố, bon chen, vật lộn với những cám dỗ vật chất tầm thường, không có nghĩa là chị mang những suy nghĩ tiêu cực, trái lại, Huyền Tâm luôn gieo vào người đọc những suy nghĩ tích cực khi nhìn cuộc sống. Thơ chị tràn ngập tình yêu hòa ái, con người cùng nhau vui tới tương lai đầy ánh sáng, và niềm tin: Tôi đi tìm mặt trời, Bài ca đất, Kìa xuân đang tới, Đêm chợ tình Sa Pa, Hạnh phúc….
Tôi thấy mùa về rực sáng cả trời quê
Hoa phượng nở
Thắp lung linh màu nhớ
(Tôi đi tìm mặt trời)
Rồi mai này con đi tới tương lai
Đồng đất quê mình đưa con vào vũ trụ
Con sẽ chẳng quên những bàn tay đã xoay mùa chuyển vụ
Nuôi con lớn khôn
(Bài ca đất)
Thơ Trần Huyền Tâm vì thế mà đậm chất nhân văn. Những vần thơ đẹp được viết ra từ một tâm hồn đẹp, với cái nhìn rất đẹp về thiên nhiên, con người và cuộc sống. Chị đem cái nhìn ngộ đạo, đầy lẽ thiền thanh tẩy những bụi bặm của cuộc đời để vươn tới vẻ đẹp cao sang, thánh thiện.
Cái đẹp ấy cần thiết vô cùng để “cứu rỗi thế giới”!
---------------------
- Đọc Giọt nắng vô thường - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2018
- Nguồn Thơ văn Lý - Trần tập 2, Nxb Khoa học xã hội, 1988
Hà Nội, tháng 8/2018