• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Kiểu nhân vật bi kịch trong truyện ngắn (*) Kim Chuông

Thứ tư - 23/10/2019 11:38

Từ những năm 80 của thế kỉ XX, Kim Chuông đã là một nhà thơ “có tiếng” ở vùng quê lúa Thái Bình với liên tiếp các tập thơ được xuất bản: Tình yêu mùa găt (1975), Hoa nở ngày em đến (1986), Mặt trăng em (1988), Trăng cửa rừng (1989), Mặt trời của ba cửa sông (1989)… Rồi tiếp theo, ông “thử nghiệm” ngòi bút của mình thêm nhiều thể loại khác nữa như Trường ca (Về một người mẹ - Về một người con và dòng sông Trà Lý - 2017, Độc thoại về chùm số thống kê trên một vùng quê lúa, Con số hẹn chờ v.v…); Tiểu thuyết (Nửa khuất mặt người - 2005); Truyện dài (Miền tấn phong chúa đảo - 2013); Truyện ngắn (Dưới đám mây xa – 2009, Trong bóng ngày đi - 2018); Tiểu luận và phê bình (Văn chương và bạn văn - 2019) v.v… Ở lĩnh vực nào Kim Chuông cũng để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc với những phát hiện tinh tế/ lạ/ mới.

Mảng truyện ngắn của Kim Chuông tuy không đồ sộ như thơ (22 tập) nhưng thực sự đó là những vấn đề đặt ra trong xã hội mà ông quan tâm, day dứt, và đây cũng là những trang văn đã để lại những nỗi ám ảnh cho người đọc. Kim Chuông dường như không đi vào những vấn đề mang tầm vĩ mô, ông quan tâm những cái nhỏ nhặt thường ngày, những thân phận bé mọn của cuộc sống. Với cảm hứng bi kịch thế sự- đời tư, Kim Chuông đã dựng nên những nhân vật mang nỗi đau thế sự - Nhân vật bi kịch. Có thể khái quát bốn loại nhân vật bi kịch trong truyện ngắn của ông:

1. Nhân vật bi kịch do đói nghèo, “áo cơm ghì sát đất”

Loại nhân vật này chủ yếu xuất hiện trong những truyện ngắn lấy bối cảnh không gian làng quê vào quãng những năm 50 (XX) trở về trước. Đó là những kiếp người cùng khổ, quanh năm lầm than vì miếng cơm manh áo. Ông Kéng, bà Mẽ (Nẻo khuất), ông Sắn, Vách, Hin (Người viết lời thơ điếu) … Họ mang hình hài đau khổ, gương mặt đau khổ và lối sống đau khổ. Ông Kéng (Nẻo khuất) chưa đầy bốn mươi tuổi nhưng gương mặt ông “lầm lì như tạc”, “nhìn vào đấy, sự nặng nề đầy lên, giống như mảng tối loang ra, cơ hồ sắp sập xuống”… Và không biết từ khi nào, ông đã trở thành nỗi khiếp sợ của bọn trẻ con xóm Râu: “Chúng thường chạy ré lên khi thấy bóng ông xuất hiện… Mày chết, ông Kéng đấy…” Và, cũng không biết từ khi nào, ông đã tự tách mình ra khỏi cộng đồng làng Râu. Ông ngại tiếp xúc, ông không bao giờ lui tới chỗ đông người, ông sống gần như câm lặng, câm lặng với cả người thân. Cuộc sống của ông, niềm vui của ông là quanh năm mò mẫm ở cánh bãi, ngày cũng như đêm, “vẫn cái nón lá đội đầu, chiếc quần đùi và đoạn rợ thắt ngang lung…”. “ông lầm lũi như bóng ma đi khắp xứ đồng …” Sương đêm, gió đồng và sự yên tĩnh của đêm dài làm ông tỉnh táo; tiếng cá đớp ròn đều, tiếng cào cào dãy mình trong bụi cỏ trong khuya khoắt làm ông yêu say cuộc sống, Những đêm ở đồng, ông thực sự cảm thấy sợ phải “chui vào xóm nhỏ và ngủ thiếp đi…” Cuộc sống cứ như thế, ông lấy ruộng đồng, tôm cá làm vui, kể cả những đêm mưa, “đường ướt nhẫy, gió rét tái tê, ông vẫn đội nón, khoác áo ra đi”, như một thói quen không thể từ bỏ, như một đam mê, như một lẽ sống. Đời ông rơi trong đầm lầy và chìm trong đêm dài của đồng Rộc và bãi Dạt …

Có thể nói, vấn đề đặt ra qua nhân vật ông Kéng mang tính khái quát, đó là bi kịch của những thân phận người, những kiếp người cùng khổ ở làng quê trước năm 1945. Đây cũng chính là “loại” nhân vật điển hình của văn học hiện thực phê phán 1930 - 1945.

2. Nhân vật bi kịch do lạc thời

Đây là kiểu nhân vật/ con người không hợp thời. Họ quá chậm trong việc thay đổi tư duy/ lối sống, trở nên “lập dị” trong con mắt thức thời của mọi người xung quanh. Họ không phù hợp với những thay đổi của xã hội. Nhân vật ông Phác (Trong bóng ngày đi) là một điển hình. Ông là bí thư xã An Thắng, một con người hiền lành, tốt bụng “quanh năm bận chiếc áo nâu nhạt. Quần đã cộc nhưng bao giờ cũng xắn lên một gấu. Ông là người hiền lành đến nỗi không bao giờ hại đến ai…”, có công việc gì, “ông đều vội vàng cướp về mình phần khó khăn hơn”. Ông lấy công việc làm niềm vui; lấy tinh thần trách nhiệm và sự hi sinh, thua thiệt của bản thân để thể hiện sự gương mẫu. Ông làm bí thư xã, không ghét bỏ, trù úm ai nhưng cũng chẳng thiên vị, bênh vực được cho ai. Thậm chí trong những cuộc họp, ông cũng không đủ ngôn ngữ, đủ bản lĩnh để có thể mở lời nói được điều gì cho ra hồn. Thực tình, người ta đưa ông lên chức bí thư chỉ để “làm vì”, còn bao nhiêu quyền lực đều bị chủ nhiệm Nhiêu thâu tóm, nhưng ông không hiểu, trong lòng ông vẫn “sáng trong như bầu trời sau cơn mưa bước vào ngày nắng” với niềm tin ngây thơ “nếu anh em không yêu quý ông thực sự thì ai còn cất nhắc ông làm gì”. Mặc cho các phe cánh đánh nhau, mặc cho những người tử tế phải than trời: “Chán ông Phác lắm. Con người không có bản lĩnh…”, ông vẫn nhìn An Thắng bằng cặp mắt “xanh non, tươi mát đến tận cùng”. Ông ngủ ít hơn, “Ngày, ông đi nhiều. Tối, ông về muộn. Ông xách túi xuống từng đội sản xuất, … Ông ngồi ở ngoài đồng xem tổ cày, … Ông xắn quần lội xuống tận ruộng với các bà thợ cấy,… Ông cởi trần bốc cói với cánh thanh niên ở mãi cửa sông…” Ông lăn lộn với công việc và hi vọng việc làm của ông sẽ cảm hóa được tinh thần lao động tích cực của mọi người. Nhưng khốn nỗi, người làm tốt và người không hoàn thành nhiệm vụ cũng đều được ông đối xử bằng một thái độ đẹp đẽ. “Đối với những người đang mắc khuyết điểm, ông đem lòng kiên nhẫn chờ đợi sự tiến bộ của họ…”. Mọi người quý mến ông nhưng không ai trọng ông. Nhất là khi, cái làng quê nhỏ nhoi, xa khuất bỗng chốc bị cơn lốc của thời cuộc bị phá vỡ, bong ra từng mảng thì bí thư Phác thực sự không còn phù hợp với cái “Nhà nước An Thắng” này nữa. Kim Chuông thật có lí khi đưa ra vấn đề mang tầm thời đại: “Phải vứt đi. Phải phế br những con người ấy… Ông Phác tốt thật đấy, nhưng cổ lỗ rồi. Quá khứ là gì? Truyền thống là gì? Truyền thống tốt đẹp thật nhưng không phải bất cứ lúc nào, chỗ nào cũng bê nguyên si cái truyền thống sù sì như thế đặt lên con đường trước mặt. Tai hại thật. Vô tình nó đã hóa thành vật cản của con đường chúng ta đang đi tới…”

Bí thư Phác thực sự là con người của một thời và bởi vậy mà ông đã sống lạc thời.

3. Nhân vật bi kịch do những ham muốn cá nhân cực đoan


Những ham cá nhân cực đoan được nhắc đến trong truyện ngắn Kim Chuông chủ yếu là ham muốn quyền lực, địa vị. Loại nhân vật này thường mang trong mình bản chất láu cá, lì lợm. Ít/ không học nhưng luôn tìm mọi mánh khóe lấy lòng cấp trên để được cất nhắc, được ngoi lên hàng “có máu mặt”. Hịu trong Quán chiều được tác giả vẽ lên chân dung ngay từ khi vào truyện: “Ở đâu, bất cứ lúc nào, hễ đặt đít ngồi xuống, ý rằng Hịu lại giở bài nịnh. Hịu nịnh thốc vào mặt người nghe, đưa họ lên chin tầng mây…” Mặc cho người nghe ngượng chin mặt, nói lảng đi; mặc cho mọi người khinh bỉ, thậm chỉ chửi thẳng vào mặt là “loại gian hùng, ăn người, múa lưỡi”, Hịu vẫn lì lợm, trơ trẽn “chỉ một bài quen nhàm, bất biến”, ấy là nịnh. Nịnh để được sà vào đám đông, để được đè họ ra “bắt họ cho chơi với”, “để được đớp, được hít, được theo đuôi mọi người hóng chuyện…” Và, cuối cùng, với bản mặt dầy thô, bản tính gian xảo, “thuật võ miệng” đã giúp Hịu trình độ văn hóa chưa hết lớp bảy cùng với cái bằng trung cấp kinh tế tại chức mua bằng “quả đấm thép” là tiền đã lọt được vào một cơ quan nhà nước. Nhờ có “tài” bỏ qua sự khinh bỉ của mọi người, có “tài” quỳ gối lia lưỡi liếm đất van xin, có “tài” chai mặt, chịu nhục và cả dã tâm, “giết” người thân, Hịu đã chiếm được lòng tin của Trưởng ty Duy và leo chức Chánh văn phòng quyền sinh quyền sát. Nhưng bản chất lưu manh và lòng tham vô độ đã khiến Hịu không biết điểm dừng. Anh ta âm mưu “giết” luôn cả Thủ trưởng của mình. Sự việc bại lộ, bị lật tẩy, Hịu bị kỉ luật, trở thành công nhân chăn bò… kết cục cuộc đời bi thảm, bị tâm thần, “lẩn thẩn, suốt ngày ngồi bên Quán chiều … ôm chiếc bàn cờ một mình bày bày, đánh đánh…” Đây là bi kịch của những kẻ vô học, vô văn hóa nhưng lại háo danh, ảo tưởng về sức mạnh của đồng tiền và sự nịnh hót trắng trợn. Loại nhân vật này cũng gián tiếp tố cáo một loại người trong xã hội, loại người ưa nịnh bợ và dễ bị sa ngã bởi cám dỗ của đồng tiền.


4. Nhân vật bi kịch do hệ lụy của đạo đức suy đồi, con người tha hóa


Loại nhân vật này được Kim Chuông nhắc tới nhiều trong những truyện ngắn lấy bối cảnh làng quê thời kì đổi mới, con người bị tha hóa, mọi giá trị bị đảo lộn (Bóng ngày, Gió độc, Bi kịch của Huê…). Bi kịch của Hạ, của ông Hỵ, của Khánh Liên (Bóng ngày) là hệ lụy của đạo đức suy đồi trầm trọng. Khi Hạ đưa người yêu là Khánh Liên (đã mang thai) về ra mắt bố mẹ và định ngày tổ chức hôn lễ thì mới vỡ ra, ba năm trước, chính Khánh Liên, lúc đó đang là sinh viên năm thứ nhất, bị chúng bạn lừa đã phải dâng hiến phần trinh bạch, tơ non nhất đời mình cho ông Hỵ trong một vụ “bán mua” giữa ông Hỵ và Bá. Ông Hỵ tiếp nhận con trai của Bá vào làm việc ở chi cục thuế, đổi lại, ông được ba mươi ngàn đô và một cô thiếu nữ cực xinh, cực “zin”, chính là Khánh Liên, giờ sẽ là con dâu ông, và đang mang thai cháu nội ông. Ấy thế mà khi gặp lại Khánh Liên, nỗi khát thèm của cuộc tình chớp nhoáng như điên say trong cái đêm ở Sầm Sơn ba năm trước lại bùng lên. Vừa lúc con trai ra ngoài, ông Hy nhoài người lên với cái nhìn lúng liếng: “Nhớ Lắm. Rất nhớ…”. Rõ ràng, trong truyện ngắn Bóng ngày, Kim Chuông đã chạm đến một vấn đề hết sức nan giải của cuộc sống xô bồ thời kinh tế thị trường, mọi việc như đều có thể bán/ mua và gia đình “như một kết cấu rời” , bố mẹ, con cái cũng chỉ là cái “nút buộc hờ” mà thôi.


Khi đạo đức xã hội suy đồi, con người tha hóa thì người phụ nữ là đối tượng chịu nhiều bất hạnh, đau khổ nhất bởi sự suy đồi của con người thường gắn với những ham muốn dục vọng bản năng. Để có tiền uống rượu mà Chuật đã lừa vợ ra Móng Cái bán lấy mười triệu đồng (Gió độc); Để xin được việc làm cho con mà Bá đã lừa cô nữ sinh trinh non phải bán mình cho “đối tác” (Bóng ngày); Vì ham muốn dục vọng mà Hạnh đã lừa cả bạn vợ đem vào nhà nghỉ để hành hạ thân xác , đồng thời cướp luôn số tiền còm cõi Huê vay mang theo lo việc làm (Bi kịch của Huê) v.v… Xây dựng những nhân vật này, Kim Chuông như muốn gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về sự tha hóa của con người, về những hệ lụy của xã hội hiện đại như những cơn Gió độc tràn về khuấy động làng quê bình yên. Những thân phận người, đặc biệt người phụ nữ, vốn đã khốn khổ càng bị nhấn đến tận cùng nỗi khổ.


Nhìn chung, là nhà thơ viết truyện ngắn, Kim Chuông mang rất nhiều chất thơ vào truyện, nhưng không vì thế mà ông bớt đi cái nhìn tỉnh táo về thế sự. Ông thấy và thấu hết những hỉ, nộ, ái, ố về cuộc đời, đặc biệt là hiểu rõ con người bi kịch trong cõi nhân sinh. Ông đồng cảm với mỗi số phận, và ở loại nhân vật nào, ông cũng thấy họ đáng thương nhiều hơn là đáng trách. Đó chính là giá trị nhân văn để truyện của Kim Chuông có thể được lưu giữ lại trong lòng bạn đọc.

An Bình 9/2019
Lã Thị Bắc Lý

(*) Trong bóng ngày qua – Nxb Hội Nhà văn, 2018

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.