• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Cảm nhận về những tiếng lòng miền tịnh độ qua cuốn “Diệu khúc Sen”

Thứ năm - 07/11/2019 06:52

 
Tôi là một Búp thuộc về “Búp trên cành” năm xưa. Một Búp lười nhác và theo thời gian, ngày càng ngơ ngác với sáng tác thơ & văn.
 
Cho đến tối 11/7, tôi vẫn chưa thực sự chắc mình có duyên có mặt hôm nay, cho đến khi tôi nhận được Email bản thảo Diệu Khúc Sen từ bạn Trần Huyền Tâm gửi đến.
 
Tập thơ gợi nhớ những kỉ niệm thời ấu thơ nghe mẹ hát: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng…”.
 
Sen mọc trong bùn, sống trong nước, vươn lên dưới ánh mặt trời để nở hoa, kết hạt. Sen là biểu tượng của sự tự thích nghi và vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
 
“Diệu khúc Sen” cũng gợi tôi nghĩ về sự tôn quý, về biểu trưng của sự thuần khiết và thánh thiện; duy trì và phát triển.
 
Sen không vì Xuân khoe sắc, không vì thu mà tàn. Mỗi năm, Sen mang một thân mới, một hoa mới cũng như mỗi chúng ta luôn tinh tấn.
 
Tôi ngẫm về sự độc đáo khác biệt của Hoa Sen. Nó không giống như đa số loài hoa “sớm nở tối tàn” mà “sớm nở (để) đêm lại búp”.
 
Và cứ thế, tôi lần giở từng trang, từng trang, cảm nhận hình ảnh và âm nhạc trong Diệu Khúc Sen và nghĩ về những người cùng nhau làm nên Diệu khúc ấy.
 
Các bạn đã có trên tay tập thơ văn “Diệu khúc Sen”. Tôi sẽ không làm mất thời gian của các bạn bằng cách đọc lại những câu văn, vần thơ ấy.
 


Nhưng cái mà tôi không thể không bày tỏ là sự ngưỡng mộ của tôi trước cách các nghệ sĩ cảm nhận về Sen.
 
Trước hết, tôi xin phép dành ít phút nói về Sen của các Búp trên cành năm xưa
 
- Đó là cách nhà thơ Biên Linh – mà chúng tôi quen gọi Búp Sóng nhìn gương Sen no hạt, gương Sen ngời ngời sức sống; là cách chị trân quý “nâng từng bông sen vươn lên nõn nà hồng tím”. Cách chị thưởng thức mùi hương thanh tao “lan tỏa cho tan hết mọi ưu phiền” (Sen ở vườn vua).
 
- Đó là cách Trần Thu Huê – (mà chúng tôi quen gọi là Búp Sen) nhìn Sen, ngẫm về mình, nguyện học theo Sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, bình thản vượt lên mọi cám dỗ, thử thách, từng bước trưởng thành, gắn bó yêu thương hơn khi chọn mảnh đất Đồng Tháp Mười, xứ sở Hoa Sen làm quê hương thứ hai.
 
- Là cách Phạm Hồng Oanh – Búp Dưa, thấy mùa Sen hẹn đợi – Sen tháng 4 “chờ đợi những cơn mưa đầu mùa hạ bắt nhịp sẽ bung lụa, sẽ bừng nở lung linh… - Sen Vườn Vua mùa hè 2018, Sen của những nàng Sen bung biêng sắc màu cảm xúc khi các Búp hội tụ về đây mặc cho những yêu thương, xúc cảm tràn về.
 
- Là Thúy Hằng – Chị yêu sen đến độ muốn hóa thân thành “Giọt nắng hồng” – “Vấn vương đọng lại giữa đồng Sen xanh”. Thúy Hằng đã có những bước nhảy vọt trong nhận thức và cảm xúc khi nghĩ về Sen.
 
Ban Mai còn đẫm sương đêm
Nghiêng vai sen trút nỗi niềm vô vi
Cánh hồng chắp cánh thiên di
Bỏ buông trong gió những gì đã xa…
 
- Và đó là Trần Huyền Tâm, một trong những tác giả lớn của Búp Trên Cành năm xưa và năm nay. Thơ văn của Tâm luôn có xu hướng khai mở tâm trí cho người đọc (dù Tâm không định thế), có lẽ là do cách Tâm nhìn mọi sự tự nhiên, an nhiên và trân quý. Trong khi tôi, có lẽ còn đang lơ lửng ở tầng thân, lá của Sen, Tâm đã ở tầng của Hạt, và Hoa Sen rồi. Những câu thơ Tâm viết về Sen vừa rất sâu sắc, trí tuệ, vừa giàu cảm xúc, vừa lướt diện, vừa xoáy điểm, có tầng, có lớp, mà mỗi lớp nghĩa trong thơ Tâm như vầng cầu vồng mới sau cơn mưa.
 
Diệu huyền sắc nước màu mây
Thắp Thanh Tân tầng tầng hoa lá
Vầng gió thơm mở ánh vàng sáng tỏa
Ngọt ngào, trong mát, tịnh nguyên
Ngón Sen hồng ươm sắc nắng thần tiên
Thức ngàn hoa bằng lời thơm dẫn lối
Lập lánh ánh ngày tươi mới
Lá, cành, cánh, nhụy tỏa hương.
 
Tâm nói với tôi, nàng ấy viết bài thơ này vào Buổi sáng ở Đầm Sen Vườn Vua. Và tôi, theo những vần thơ của nàng ấy, nhìn theo những gì nàng ấy thấy, lung linh, lung linh, tầng tầng hoa lá; lung linh lung linh từ lá, cành, cánh, ngụy và bao trùm tất cả là sự ngọt ngào, trong mát với sự dẫn lối của hương Sen! Làm sao có thể không yêu Sen và không yêu nàng ấy được.
 
Những áng văn của Tâm về Sen là cách nói khác về Sen - về những điều nàng ấy đã đạt được. Văn xuôi có thế mạnh riêng, những tinh tế, ngọt ngào, tươi mới được gọi lên cụ thể hơn, chi tiết hơn, kĩ lưỡng hơn. Đó là: “Tiếng giọt sương khẽ tan mềm”. Từng tia nắng nhẹ xoay gót bước ra từ mật ngọt ấm nồng của chân mây. Đó là Tiếng của gió đưa hương Sen len lỏi hương thơm từng hơi thở…
 
Mỗi lời văn là sự thức dậy, theo về của tinh khôi, tịnh nguyên và trong vắt.
 
Trong Diệu Khúc Sen, bên cạnh các bài viết của các Búp năm xưa, có tranh Sen của họa sỹ Đặng Phương Việt và thơ văn của nhiều nghệ sỹ nữa.
 
Cảm ơn Ban Biên tập đã cho tôi có duyên được xem tranh - những bức tranh đẹp thánh khiết; được đọc, được gặp các anh/chị qua những trang viết đẹp cho một loài hoa đẹp và trong cuộc hội ngộ này:
 
- Tôi thích cách chị Ánh Tuyết nghĩ về Sen – Loài hoa mang vẻ đẹp toàn mỹ cứu thế giới. Chị đã đem đến hay là phát hiện ra ở Sen một sứ mệnh đặc biệt – sẻ chia là an ủi. Chị yêu Sen đến đê mê, chị cảm nhận hương thơm của Sen “Sen thơm từ lá, thơm đến nụ, đến hoa cả rễ cây”.
 
- Tôi thích cách Thái Thanh Long, Nguyễn Quốc Văn, Nhị Nguyên, Anh Vũ… cảm nhận, cũng là hương Sen ấy, thứ Hương thơm ngát 9 tầng trời đất…Và hương thơm ấy tỏa lòng thương yêu để bớt những phù vân.
 
- Sen Thái Thanh Long gắn với ngộ cảm của nhà thơ “bên cửa Phật”, có: “Tiếng mõ dạy, bồng bềnh thương nhớ/ Nước mắt cay khi xa bóng cửa chùa”, đầy ẩn ức và lưu luyến (một chiều hoa Sen).
 
- Sen Nguyễn Quốc Văn:
Thơm vàng từ nhụy thơm ra
Thơm trong, vắt nước thơm qua lớp bùn
Thơm xanh lên mặt lá tròn
Thơm trắng dọc ngó, ngọt ngon cho đời
(Hương Sen)
 
Hương và sắc quyện vào nhau, cùng thức dậy và lan tỏa, lan tỏa và dậy hương đến cả mỗi người bên Sen: “Thoảng hương cây nối hương trời/ Nồng nàn hương của những người yêu nhau”(Hương Sen).
 
- Sen của Nhị Nguyên là “Những thơm tho/Lặn vào cả linh hồn”.
 
- Và Sen của Anh Vũ, “Hương Sắc hoa Sen” lại mang vẻ đẹp mới, đẹp trong mối liên hệ chung với vũ trụ: “Trôi giữa dòng sông Giác/Những đóa Sen cùng xoay/ Địa cầu cùng vũ trụ/ Cùng hoa Sen sum vầy” (Hương sắc hoa Sen).
 
- Tôi cũng ngưỡng mộ cách nhà thơ Kim Danh Phương liên tưởng:
 
Trời đầy sao thắp lặng thầm
Những ngôi sao giữa tay cầm ngát hương
.................
Diệu kì sao giữa ngày thường
Vườn Vua nở một thiên đường hoa Sen
(Bên Sen hoa đã thành nôi ru mình)
 
Và cái cách Kim Danh Phương nói về sự cảm, ngộ của mình trước Sen thật giản dị, chân thành: “Mới gần Sen một lần thôi/Hình như ta đã khác rồi, ta xưa”. Ta bên Sen, ta biến đổi, ta trưởng thành lên một tầng mới: “Ta từ Sen nhuộm mà xanh/Ta từ tinh khiết mà thành ngát hương”.
 
- Với Minh Ngọc, “Hoa Sen nở” có sức mạnh diệu kì:
 
Những đóa Sen vươn lên
Thức tia nắng đầu tiên
Thức tháng Năm an nhiên
Vào mùa Giác
Những ngón Sen
Lớp lớp
Bên nhau
Ôm càn khôn
Thắp bình minh
 


Cùng với Kim Danh Phương, Minh Ngọc, Minh Huyền cũng thấy:
 
“Sen tinh khôi thức tia nắng đầu tiên
Sen thanh thoát trong dáng ngồi đả tọa
(Đóa Sen ngời)
 
Ở một mức độ khác, góc nhìn khác, Vũ Minh Anh thấy Sen Hồng Vô Ưu: “Vô ưu nở, Vô ưu rơi”.
 
Với Sen, các nghệ sĩ có cả một chặng đường tiếp cận từ lúc “Gặp Sen” (La Vinh) đến “Ngày về” (Ánh Dương); từ Sen Đồng Tháp Mười đến Sen Vườn Vua; từ Sen mùa Hạ đến “Sen Bốn mùa” (Quang Vinh). Diệu Khúc Sen khởi phát từ Vườn Vua hè 2018, ngân lên tại Vườn Vua hè 2019, sau một năm trở lại. Có vẻ như mô hình trại hè Búp trên cành năm xưa đang sống lại nơi Vườn Vua với sự tham gia không chỉ của các Búp của vườn ươm Văn học nghệ thuật Thái Bình, mà hơn thế, là sự gặp gỡ của các tài năng, những nghệ sĩ ở nhiều vùng đất nước, của những nghệ sĩ có chung tình yêu với Sen và với Vườn Vua.
 
Và ở đó, có một người Thầy của Búp trên cành, và có lẽ với tuổi đời, sự trải nghiệm và khối lượng tác phẩm đồ sộ, Thầy là bậc tiền bối đặc biệt có mặt hôm nay, tại khán phòng này – Thầy Kim Chuông – Nhà thơ Kim Chuông. Tôi muốn dành những lời trân quý này cho Thầy – người đã chốt Diệu Khúc Sen bằng những khởi sắc và những tươi mới như thời trai trẻ, trong tâm hồn nghệ sĩ hơn 70 năm tuổi đời và có lẽ 50 năm tuổi nghề và hơn thế.
 
Tôi đã lạm dụng thời gian của các bạn, nhưng tôi tin các bạn sẽ độ lượng cho tôi và các bạn Búp, những học trò của Thầy năm xưa và năm nay. Tôi nghĩ, từ bài thơ của Thầy, mỗi chúng ta, với sự nhạy cảm của tâm hồn nghệ sĩ sẽ nhận ra và mang theo được điều gì đó, khung cảnh nào đó, âm thanh nào đó khi cùng Thầy tôi hóa thân thành ngọn lửa hồng, lấp lánh Búp Sen Tơ.
 
Tôi chưa đọc hết các tập thơ, văn ra mắt hôm nay, vì một lý do nào đó, từ trong tim, toàn bộ thời gian có thể của mình, tôi đã để tâm hồn ngân lên mỗi lời ca, nhịp phách của Diệu Khúc Sen. Vườn Vua thật hạnh phúc vì đã có trại viết đầu tiên về Sen (tôi cứ gọi thế dù biết nó chưa phải thế) vào mùa hè 2018, nhân cuộc hội ngộ của các Búp. Hè 2020 sau cuộc hội ngộ ngày 13, 14/7/2019 này, có lẽ sẽ có thêm nhiều sáng tác nữa, về Sen, về Vườn Vua, về sự gặp gỡ và chia tay, về sự tái hợp và về nhiều điều tinh khôi, tỉnh thức nữa.
 

Tiến sĩ Đào Thanh Bình tại Buổi ra mắt Tập thơ văn Diệu khúc Sen và các sáng tác của Nhà Búp – Vườn Vua Resort & Villa ngày 14/7/2019

Là Búp trên cành của Hội VHNT Thái Bình, khi đọc “Diệu khúc Sen”, tôi bỗng chạnh lòng nghĩ về những Diệu khúc riêng cho Chùa Keo hay khu di tích Đền Trần Thái Bình. Tôi hi vọng, các văn nghệ sĩ chúng ta, có duyên gặp gỡ, có duyên hòa chung Diệu Khúc Sen, có thể gắn bó, mỗi năm hoặc mỗi hai năm/một lần có thêm những Diệu Khúc đặc biệt cho Thái Bình và nhiều hơn thế cho các tỉnh thành khác.Khi thơ – văn gắn với các di tích văn hóa, di tích lịch sử, sẽ là sự hòa quyện tuyệt với của các di sản văn hóa vật thể & phi vật thể để tất cả đều được thăng hoa trong vi diệu.
 
Và tôi, cứ xin làm Búp cùng Sen, lại trở về đây cùng các nghệ sĩ, giống như năm xưa, dẫu hết tuổi Búp rồi, tôi vẫn cứ theo yêu thương rủ về với Búp trên cành hết hè này lại hè khác.
 
 
Đào Thanh Bình - “Búp Hát” của “Búp trên cành những năm 1978 – 1982”
 

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.