- Lý luận - Phê bình
Trần Huyền Tâm - Những khoảng sáng sau "Tản mạn miền sương khói"
Thứ tư - 13/11/2019 06:43
(Đọc Tản mạn miền sương khói” Tàn văn của Trần Huyền Tâm – NXB Hội Nhà văn, 2019)
Nhà văn KIM CHUÔNG
Mùa thu năm 2018, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cho ra mắt tập thơ “Giọt nắng vô thường” của Trần Huyền Tâm. Với 216 trang in, 105 bài viết, tập thơ khẳng định: “Thơ Trần Huyền Tâm nồng say, da diết. Thơ làm nên vệt đậm ở cảm thức, ở khuynh hướng tư tưởng nghệ thuật. Thơ đẹp về ngôn thi, hình thi. Thơ bồi đắp niềm tin, niềm yêu thương, hòa ái. Thơ với nguồn mở chủ đạo luôn hướng về cái “Tịnh”, cái “Minh triết” đời người.
Mùa Hạ năm 2019 này, cùng với tập thơ mới nữa đang được biên tập, xuất bản, “Tản mạn miền sương khói” là tập Tản văn, là sáng tác mà Trần Huyền Tâm muốn tìm mình, đổi mới và khám phá mình ở một hướng tìm khác.
Có thể nói, “Tản mạn miền sương khói” là những dòng văn xuôi? Hay đấy là “Thơ – Văn xuôi”? Mà Trần Huyền Tâm đã đắp dầy? Đã nối dài một giọng điệu tâm hồn trong một lối khai sáng?
Dễ nhìn thấy, ở hai phía làm nên trang viết: “Một hiện thực đời sống. Một chuyển vận mạnh mẽ của năng lượng tâm hồn của chủ thể tư duy”. Hai đối tượng này làm nên “sự cưới nhau” cho trang văn ngân vọng. Và, bằng lợi thế của tâm hồn thi sĩ, “Tản mạn miền sương khói” là một trầm tích mới được đánh thức và tuôn chảy từ vía hồn Trần Huyền Tâm, khá phong lưu, trường sức.
Với “tự thức”, nơi “Nơi Quán trọ - Miền sương khói đời người” là gì? Đấy phải chăng, là cõi “vô biên độ” khói sương? Là cả một đại giác mà ta “ngộ” ra cái sân si, ái ố, dục ...? Là tất cả những bóng hình cuộc đời với bao nhiêu dáng vẻ mịt mùng mà ta đang bước đi, đang gặp, đang thấm trải, đang vật vã để hướng về cái Minh triết, Trí huệ, cái Cao Đẹp vô thường? ...
Bám vào trục lớn này, từ bao nhiêu những vòng đồng tâm được hội tụ, Tản văn của Trần Huyền Tâm đã đem lại từ bao nhiêu tản mạn, cái phong phú, cái nhất quán, của tư duy trang viết.
Giữa hai phía “Ta” và phía “Ngoài Ta”, ở “Tản mạn miền sương khói”, Trần Huyền Tâm không níu tựa, không cậy nhờ phần lớn vào hiện thực bên ngoài. Mà, Tâm đi từ thế giới tâm tưởng hồn mình, đi từ con tim ắp đầy ngọn lửa, ngõ hầu làm câu chữ cháy lên.
Thử đọc, “Đất trời tấu khúc hoan ca”, hay “Khi chạm vào nỗi nhớ”, rồi “Sự lựa chọn”, “Hẹn hò với tháng Ba”, “Khúc giao mùa màu tím” ... Người đọc gặp ở những trang viết này, một Trần Huyền Tâm, một gan ruột “dãi ra cùng tuế nguyệt”. Cũng nắng đấy. Mưa đấy. Gió đấy. Xuân về đấy. Thu đến đấy ... Song, đố ai có thể nhớ và kể lại đấy là những việc gì? Sự gì? Người nào? Cảnh huống nào ... Vậy mà, sức cuốn say luôn có từ tâm hồn sáng trong, mát lành, nồng hậu... Đã làm nên ánh lửa. Đã quyến rũ. Đã để lại cái vệt loang trong lòng người chia sẻ ...
Rõ ràng, “Văn và Đời”... thì phần Văn ở đây là “Gốc lớn” làm nên Trần Huyền Tâm, một Nhà văn viết bằng tâm tưởng, bằng tài năng, bằng nguồn chảy từ chiều sâu nội lực.
Ở “Tản mạn miền sương khói” bên cạnh phần đậm, biểu hiện “Người viết có Văn” có sức cứu cánh của Văn chương. Phần khác, Trần Huyền Tâm cũng có không ít Tản văn viết từ “cái Có” ở phía Biển đời sinh động. Những chuyện gặp từ hiện thực đời sống. Những chiêm nghiệm, trải nghiệm. Những tri thức, kiến văn được đọc, được sống, được va đập, chứng kiến ... Đã chín muồi. Đã lặn vào tích lũy. Đã đem đến cho Trần Huyền Tâm vốn liếng nén dồn. Để rồi, khi tái hiện. Khi sự kiện được mô tả. Khi ý tưởng trang viết được vang dậy ... Người đọc lại ngỡ rằng, cái thế giới thẳm sâu vẫn bắt đầu, vẫn từ nơi cõi hồn Tâm, “có trước”. Đấy là thế mạnh, là cái riêng Tâm có. Là cái nền bảo đảm cho mỗi bước bền bỉ, say mê khi Trần Huyền Tâm cầm bút.
Trên cái trục hướng về cái Đẹp, ở Tản văn “Tản mạn miền sương khói”, Trần Huyền Tâm quan tâm đến khá nhiều khía cạnh đời sống. Khi là nét tươi xanh, hồn hậu của thiên nhiên. Khi là chất thi vị của cảnh vật con người. Khi là sự tỉnh thức từ ý nghĩa vạn vật. Khi là câu tự vấn. Khi là câu triết luận, hay đó là “lời giáo dưỡng cho người đời thêm những lần gặp bình minh nơi phương trời soi rọi”.... Có điều, sau bao nhiêu “tạp cảm”, cái khép lại đã thăng hoa, đã kết tinh ở giá trị hữu ích, ở cái quý, cái đáng nâng niu ở ý nghĩa vang sâu nào đó.
Với lối nhập đề linh hoạt, biến ảo, Tản văn của Trần Huyền Tâm là những lát cắt đẹp. Ở đó là những khoảnh khắc thần diệu, khi người đọc nhìn rõ từ tâm hồn thi nhân với cảm xúc dào dạt, chân thực.
Ví như, đây là nét chấm phá, nét quan sát tinh tế về một thoáng mưa xuân:
... “Cũng chẳng ai nhận ra Mưa Xuân đến từ lúc nào. Nó nhẹ quá, nhẹ hơn cả hơi thở. Nó thoáng vương lên mái tóc, trên những mảng tơ nhện giăng vội từ chiều hôm. Người ta chợt nhận ra dấu vết của nó khi thấy cái khoảng đất trống trước nhà, nơi các hạt gieo đang chờ nảy mầm, đột nhiên xuất hiện những mảng màu sẫm lại. Nó chỉ đủ mướt mát lớp lá bên ngoài của các vòm cây ... Nó quá nhẹ nên hầu như không để lại dấu vết gì thật khác biệt ở những nơi nó đã ghé qua ...”
Hoặc, đây là đoạn văn mượn chuyện người nuôi bò để nói về chuyện đời, chuyện luân hồi, nhân quả. Chuyện sinh hóa, biến hóa, vô thường? Hay chuyện gợi nhiều khía cạnh để người đọc có thể liên tưởng xa, khác.
Ví như:
... “Con người biết được họ nuôi dưỡng đàn bò và đám cỏ. Họ chăm sóc bò, chăm sóc cỏ. Họ quyết định được ngày nào họ sẽ cho đám bò ăn cỏ, tức là cho bò tiếp tục sống và kết thúc cuộc sống của cỏ. Rồi, ngày nào nữa, họ sẽ giết bò để làm thức ăn cho họ. Họ biết được cuộc sống của cỏ và của bò sẽ được kéo dài đến lúc nào, nhưng lại không biết được lúc nào họ cũng sẽ phải chết.
Sinh có hạn, tử bất kì mà.
Chỉ có những sinh mạng ở tầng cao hơn con người mới biết được những gì sẽ xảy ra ở tầng thấp hơn, xảy ra với con người, với con bò và đám cỏ.
Nhưng chính các sinh mạng ở tầng cao hơn con người ấy cũng chẳng biết được những gì đang và sẽ xảy ra với họ ở trên tầng cao hơn họ nữa ...”
Hoặc, đây là sự sâu sắc trong “cái Ngộ” ở Tản văn “Thất tình”:
... “Người vướng vào chữ tình là khổ nhất. Bởi nợ tình qua bao kiếp luân hồi là chồng chất, kiếp này không trả được, kiếp sau phải trả nhiều hơn. Có lúc tưởng đã trả được rồi nhưng hóa ra không phải, thậm chí còn đang tạo ra nghiệp mới.
... Con người bị buộc vào chữ tình, sống vì tình. Họ đau khổ hay hạnh phúc, nhàn nhã hay vất vả, ngụp lặn loay hoay trong cuộc đời cũng do chữ tình nó cuốn xoay cả. Chữ tình là của riêng mỗi người và cũng chẳng của riêng ai”...
Hoặc, đây nữa. Một ý nghĩa của vai trò “tự nhận thức” trong tản văn “Đường đi dưới chân ta”:
... “ Con đường đẹp nhất, hạnh phúc nhất, đáng đi nhất là con đường do chính bạn đã chọn. Nếu bạn dang tay đón nó, chính là bạn đã tin tưởng và trân quý sự lựa chọn của mình. Đường đi ở dưới chân bạn, cho dù đó là một trong những ngã 5 hay ngã 7 của cuộc hành trình cuộc đời. Và bạn cũng có thể dừng chân ở một bến đỗ nào đó trong hành trình để tìm chút bình yên cho riêng mình, nhưng nên nhớ rằng, bến đỗ cuối cùng mới là cái đích mà bạn cần phải đến. Và vì vậy, cần phải giữ vững niềm tin, đánh giá đúng bản thân mình và nỗ lực tinh tấn để bước tiếp cho đến lúc cán đích ...”
Có thể trích dẫn khá nhiều những câu, những đoạn, những ý trong Tản văn “Tản mạn miền sương khói” của Trần Huyền Tâm với nhiều cách tái hiện. Đấy là, cảm rung mà viết. Gặp cái nhỡn tiền đang sống giữa góc lòng, không thể bỏ qua, mà viết. Thấy cái Hay, cái sâu xa mà soi mình, ngẫm mình mà viết…
Đằng sau mỗi trang văn, Trần Huyền Tâm không dừng lại ở việc mô tả, hay giãi bày cảm xúc thuần túy, mà luôn gửi gắm một nhận biết, một ý tưởng trước ý nghĩa vạn vật.
Ví như, đây là giá trị và ý nghĩa của sự an nhiên, tự tại. Đây là, thuyết tương đối của cái Được, cái Mất. Của cái Nhận và Cho. Của Niềm tin. Hay, cái “vô thường” rồi “cái lý của sự phản đảo”...
Trần Huyền Tâm viết bằng lối tự sự giản dị. Người đọc thú vị với vốn sống, vốn hiểu biết, với kiến văn được lặn vào văn chương, sự kiện. Từ vẻ đẹp, lạ của một vùng Nam cực đến truyền thuyết về Hoa Loa kèn. Rồi chuyện kể về “Chạch và Sáo”, chuyện “Trò chơi trốn tìm”, chuyện đàn chim di cư bay theo hình chữ V, về một Võ sĩ Sumurai, nào đó.v.v...
Điều hệ trọng là, phía sau mỗi trang viết khép mở, Trần Huyền Tâm đã để lại chút dư vang, chút động của tia nắng hồn người, của “cái Biết” sau những bước chân hành trình của cái Đi và Gặp.
Ở “Tản mạn miền sương khói” Trần Huyền Tâm trích dẫn và đăng tải khá nhiều thơ. Tác giả còn bộc lộ khả năng thẩm định và phẩm bình nhiều trang thơ của thi huynh, thi hữu. Lối phẩm bình của Trần Huyền Tâm dễ đem lại sức thuyết phục ở tâm lý sẻ chia, ở nét tinh tế trong nhập hòa, khơi gợi, ở tình cảm và thái độ nâng niu, ngưỡng mộ và ấm áp, nhân tình…
Với Tản văn, kể từ thời Tần, ở đất nước Trung Hoa, những tác phẩm danh tiếng đã có ở Tả truyện, Luận ngữ, Mạnh Tử, Nam Hoa kinh ... Văn học Việt Nam, từ Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan và ở không ít những tác giả đương đại…
Tản văn là thể loại văn học đã làm nên vẻ đẹp riêng với thế mạnh riêng của nó ở thể cách, phẩm cách. Ở giá trị riêng rẽ, khác biệt trước vai trò góp phần phản ánh và cải tạo lịch sử, đời sống xã hội con người.
Sau tập thơ “Giọt nắng vô thường”, “Tản mạn miền sương khói” là những trang Tản văn mà Trần Huyền Tâm đã làm nên thành công mới, ở một thể loại mới, trên con đường lao động, sáng tạo nghệ thuật mới, của một Nữ “Văn - Thi sĩ” đang vào độ dồi dào bút lực.
Hải Phòng, những Ngày Xuân – 2019
Kim Chuông