• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

BÙI THỊ BIÊN LINH - NỮ VĂN SĨ NƠI “MIỀN ĐÔNG ĐẤT ĐỎ”

Thứ hai - 28/10/2019 22:43

Đầu Hè năm 1976, tôi có kỷ niệm khó quên với Bùi Thị Biên Linh, khi đạp xe về tận nhà tìm gặp và chọn Linh về lớp đào tạo, bồi dưỡng các em học sinh có năng khiếu sáng tác văn học của tỉnh. Đây là trại viết do Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tổ chức, mang ý nghĩa đầu tiên trên cả nước. 
 
Bùi Thị Biên Linh, quê Đồng Vi, Đông La, Đông Hưng, Thái Bình, cô học sinh từng làm nên tiếng vang ở đội tuyển văn với nhiều lần đoạt giải cao trong các cuộc thi trên phạm vi toàn quốc. 
 
Từ 1976, có tới, bốn mùa hè về tập trung ở cơ quan Hội, “làm” nhóm các “nhà văn nhí” theo đuổi công việc “văn chương bếp núc,” Bùi Thị Biên Linh là một trong số những “cây bút” tốp đầu, có khá nhiều sáng tác được in trên Tạp chí Văn nghệ của Hội Văn học Nghệ thuật, của Nguyệt san Báo Thái Bình. Của Báo Thiếu niên Tiền Phong, của “Buổi Phát thanh Văn nghệ” - Đài Tiếng nói Việt Nam … từ khi mới mười một tuổi. 
 
Nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Phạm Hổ được mời về Thái Bình làm thầy giảng dạy từng viết, ngợi khen Linh, ngợi khen một giọng điệu tâm hồn với cái duyên văn chương, chữ nghĩa …  
 
Năm 1988, Thái Bình có phong trào đi xây dựng các vùng kinh tế mới, Bùi Thị Biên Linh đã ly quê, theo cha mẹ vào Bình Phước, xứ sở của “miền Đông, đất đỏ. ” Khi tốt nghiệp hai trường Đại học Sư phạm và Đại học Kinh tế, Chính trị. Với hai tấm bằng Cử nhân, Bùi Thị Biên Linh đã trở thành một cán bộ quản lý của ngành giáo dục, rồi về trường cấp Ba, làm thầy dạy Văn trong niềm yêu, trong nguyện vọng của con tim tuổi trẻ. 
 
Đúng như đại thi hào Nguyễn Du từng viết : “Đã mang lấy nghiệp vào thân…” Quả vậy. Với Bùi Thị Biên Linh, dẫu đã buộc chặt đời mình vào sự nghiệp trồng người, sự nghiệp cao quý của một người dạy dỗ đàn em dưới mái trường yêu dấu. Nhưng, ngọn lửa văn chương, có lúc nào nguôi cháy, nguôi đeo đẳng trong cõi lòng bão bùng, vật vã ?
 
Kể từ buổi lên mười, tới mấy chục năm sau nữa, với văn chương, Bùi Thị Biên Linh đâu có “tắt lửa lòng?” Linh vẫn bền bỉ viết Thơ. Viết Tiểu thuyết. Viết những bài “tiểu luận” ...
 
Thật không ngờ. Bùi Thị Biên Linh, tác giả của những trang văn thật diết da ngày nào lại có hàng trăm bài thơ ra đời. Thơ Biên Linh đã được trao giải tại các cuộc thi viết “về Nhà giáo.” Về “Đất và Người miền Nam sau 10 năm giải phóng.” Về “Cách mạng tháng Mười Nga – Xô viết”… 
 
Thơ Bùi Thị Biên Linh xuất hiện trên thi đàn được những nhà nghiên cứu, những bạn đọc, bạn viết bình phẩm, giới thiệu. Biên Linh được giới văn nghệ sĩ Bình Phước – Bình Dương gọi là “Xuân Quỳnh của Sông Bé.” Được lớp lớp những thế hệ học trò coi là “thi sĩ” trong sự yêu quý và ngưỡng mộ của các em.
 
Liệu có cẩn trọng và chậm đến quá không? Khi, từ năm 1976, “Cây bồ kết” một sáng tác đầu tay in trên mặt báo, và qua đi 39 năm, Bùi Thị Biên Linh mới đắn đo, chọn và cho in tập thơ, mang tên “Ý nghĩ ban mai?” 
 
Ba năm sau nữa, “Khoảng xanh miền nắng,” tập thơ thứ hai được tiếp tục ra đời.
 
Có thể nói, từ “Ý nghĩ ban mai,” đến “Khoảng xanh miền nắng,” người đọc gặp Biên Linh với tình yêu thiên nhiên đầy mộng mơ, thi vị. Một tấm lòng nâng niu, thương cảm luôn đeo nặng ơn sâu trước bao nhiêu bao dung, cao cả và nhân ái cuộc đời. Một cõi lòng thương cha, kính mẹ. Một tình yêu với sân trường, mùa phượng, với tâm tình dào dạt, nồng sâu trước bao lứa học trò ... 
 
Thơ Biên Linh luôn mở toang cánh cửa hồn mình trước cái tươi xanh, cái đẹp. 
 
Không khổ đau, vò xé trước thân phận, tình đời. Không bi ai trong tình riêng trắc trở. Không tự mình tố lên những muộn sầu, phiền lụy…Thơ Biên Linh là cõi hồn tan hòa trong mát lành, trong dạt dào, sóng sánh. 
 
… Nghe thì thầm trong đêm
Rừng cây mùa thay lá
Vườn ươm đang trở dạ
Sinh sôi ngàn chồi non…
 
 Rồi:
 
Trưa… 
 Ngủ im như đếm được
 Tiếng nước lùa xa xa…   
 
Hoặc
 
Khoảng trời trước khi vào tối
Tím mềm như chiếc khăn voan …  
 
Rõ ràng, không có con tim tinh nhạy, Bùi Thị Biên Linh không có cái nghe, cái nhìn, dễ bâng khuâng, ngơ ngác trước cõi khói sương rộng lớn quanh mình là vậy. Bởi, cõi mung lung vô định ấy đã đem lại cho Linh nhiều cảm hứng thế này :
            
Tôi ngỡ ngàng khi mới sớm mai nay
Bóc tờ lịch khi mùa hè đã đến
         
Hoặc :
 
Tiếng con chim hót sau vườn
 Giục nhành mai nở vàng hơn mọi lần …
 
Quả tình, cảm xúc là “cái Gốc” của thơ. Lấy cảm xúc để đốt mình, để tìm lấy sức nổ. Thơ Bùi Thị Biên Linh tìm lấy cái hay ở sức cảm, ở cái duyên của giọng điệu ngọt mềm. Ở năng lực khai sáng, có từ nhiều góc khuất. Ví như, ở “cái chân, cái mộc” đây là câu thơ hay ở cái thật của tình đời:
 
          Nhà mình ở lưng chừng dốc
          Đất cao mạch nước khó tìm
          Bố đào đá bằng cuốc chim
           Mái tóc dính đầy bụi đất
          …
          Bây giờ đã tròn một năm
          Con về mùa khô rát bỏng
          Giếng bố đã đào xong rồi
           ….
          Con đã lớn thêm một tuổi
          Niềm vui làm con bối rối
          Trước giàn mướp vừa trổ hoa 
 
          Có thể, những câu thơ trên còn ít cái chênh bong, nhưng thơ Biên Linh vẫn quyến rũ  ở cái hồn, cái vía của người viết.
 
         Ở “Ý nghĩ ban mai” và “Khoảng xanh miền nắng,” Bùi Thị Biên Linh viết nhiều về thiên nhiên, về mùa thu, về mùa xuân. Viết nhiều về cha, về mẹ. Nhưng, dường như, nhà giáo, nhà thơ này giành nhiều hơn cho tình yêu vào trường lớp, vào khoảng xanh của lứa tuổi học trò. 
       
Bùi Thị Biên Linh tựa vững vào thế mạnh của thi ca truyền thống, nhà thơ  gắng tìm để có được cái mới, cái hay, khi thì ở “thi trung hữu ảnh”:
 
         Ví như:
 
Hè ơi, muốn nói bao điều
Sao hoa phượng đỏ, nở nhiều như mây
 
 Hoặc:
Hoa phượng có từ bao giờ
Em cũng không biết nữa
Chắc vì yêu học trò
Nên hè nào cũng nở  
 
 Hoặc, khi cái hay có được ở cái thật của cái tình, của cách ví von khác lạ :
         
Mùa mưa đã về rồi đấy
Mong ba như mong mưa vậy
Mưa với ba là … của con
 
 “Mưa với ba là của con...” thì thật hay. Vì cách cảm ở đây, nó thật riêng, thật lạ. Hoặc đây nữa, cái hay của tâm trạng khi đứng trước trước tình yêu:
 
Em như chiếc nón chòng chành
Muốn che mát nửa phần anh trong đời
 
Hoặc : 
 
Tôi không nói nổi một lời
Để ai cơn cớ đầy vơi chẳng lành
 
Hoặc, rốt cuộc là cái hay cốt lõi của thơ, của cảm xúc chiều sâu tâm tưởng:
 
Anh không như cánh chim bỏ lại cánh đồng
Anh trở về trong em lúc em buồn khổ nhất 
Và em hiểu ra những điều chân thật
 
Rồi:
 
… Hạnh phúc dịu dàng, bé bỏng
Mà sâu nặng, mà dạt dào như sóng 
 
Và :
Nhìn trời tầm tã mưa bay
Ứơc mai mốt, có một ngày nắng lên …v.v…và v.v… 
 
Năm 2018, sau hai tập thơ “Ý nghĩ ban mai” và “Khoảng xanh miền nắng” ra mắt bạn đọc, Bùi Thị Biên Linh tiếp tục công bố tập Bút ký “Gửi lại dấu yêu.
 
Không bất ngờ, nhưng tôi nghĩ: Cách đây 42 năm, sau hàng loạt tác phẩm văn xuôi của Biên Linh được giới thiệu, Nhà văn Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ những người thầy được mời về lớp giảng dạy, đều có chung đánh giá về năng lực văn xuôi nổi trội của một cây bút trẻ.  
 
Vậy mà, khi công bố tác phẩm đầu tay của mình, Bùi Thị Biên Linh lại cho ra mắt hai tập thơ rồi mới in văn. Có lẽ, Bùi Thị Biên Linh đã đắn đo trước lao động văn xuôi còn cần phải được đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn nữa.  
 
Nhất là, năm 2017, sau khi đoạt Giải Nhất chùm Bút ký Cuộc thi viết về người thầy do báo Sinh viên và Trung ương Đoàn tổ chức. Chùm văn xuôi của Linh đã vượt qua hàng vạn bài thi, vượt qua không ít các tác giả có tên tuổi, có nhiều thành công, mà giành về mình ngôi vị cao. Linh đã tự tin và cho cho ra đời tập văn xuôi từ niềm tin ấy. 
 
Bút ký của Bùi Thị Biên Linh là “tiếng lòng rờn xanh” của “người trong cuộc.” Của một cô giáo, gần trọn đời mình, gắn bó với học sinh, trường lớp từ những năm mới ở tuổi đôi mươi, mười tám.
 
Ở hầu hết các trang Bút ký của Bùi Thị Biên Linh, những truyện kể đều khá sinh động. Bằng lối tự sự có duyên, người viết biết mô tả, biết “dựng” khi cần gây được “sức động” ở cảnh, ở việc, ở người.
 
Từ truyện kể về nhà văn Tô Hoài, trang viết làm người đọc rơi nước mắt ở những cư xử thật tận tụy của người thầy, của một nhà văn lớn, với tấm lòng và nhân cách lớn, trước “lũ trẻ nhà quê cầm bút” như Linh, trong “Lò luyện văn chương” một thuở.
 
Bút ký của Biên Linh là không gian đậm của trường lớp, của thầy giáo, học trò. Của một phạm vi cuộc sống được Biên Linh tập trung khai thác.
 
Phải nói, có biết bao câu chuyện cảm động. Từ hình ảnh người thầy chân trần, lội qua bao đèo cao, dốc thẳm. Vượt qua mưa lũ, đường xa, tìm về một học trò nơi vùng sâu, nghèo khó. Khi cơm không đủ ăn. Áo rách. Tiền không có để mua sắm giấy bút. Một chỗ trống của “ghế ngồi thiếu vắng trong lớp” là nỗi niềm quặn thắt, lo mất ăn mất ngủ trong trái tim nhân hậu, người thầy.
 
Rồi, hình ảnh người thầy lặn lội, đi hàng trăm cây số tìm gặp lại trò xưa, trân trọng nâng niu, tặng bài viết của mình được đăng trên báo về thành tựu của người mình từng dìu dắt.
 
Từ cái “phông” lớn “nhà trường,” ở đấy Biên Linh đã biểu hiện sự quan sát tinh tế. Tất cả sự vận động của biểu hiện, biểu cảm đều có từ sức nén của nhiều tình huống, cảnh ngộ. Trang viết đã sống dậy một cách cuốn hút tất cả bóng hình đời thực với khá nhiều lấp lánh của cách chọn lựa “chi tiết điển hình” làm sống dậy một thế giới tâm tình, thế giới của những nghĩa cử sáng trong, cao Đẹp của người thầy, của học trò, trường lớp.
 
Không ai có thể quên, hình ảnh người thầy lo đến rạc người trong trở trăn câu hỏi: khi học trò của mình, vì đâu chưa giỏi, chưa ngoan? Rồi, kỳ thi sắp tới này, liệu các em có đạt điểm khá?
 
Rồi, hình ảnh một củ khoai, học trò “dúi” cho cô khi thương cô trễ giờ, lúc đường xa trở về đói bụng. Rồi, một học sinh yêu thương, kính trọng thầy đến nỗi, phút nằm trên giường bệnh trong cơn đau, trong nhớ trường, nhớ bạn cứ chứa chan nước mắt và khóc gọi tên thầy. Rồi, những nặng sâu hiếm có của đạo đức, của giá trị lớn lao trong ý nghĩa “Làm Người!”
 
Sẽ có rất nhiều những liên tưởng, khát khao trong ngước nhìn của người đọc với câu hỏi: “Liệu bây giờ, thời này, trong nhiễu nhương học đường, trong đạo đức xuống cấp, trong “đồng tiền quay quắt, lên ngôi”... Xã hội rộng lớn kia, còn ở đâu, nơi nào, giữ được cái vẻ đẹp trong trường lớp, trong tình thầy trò như thế nữa hay không?”
Thật quý, khi đằng sau mỗi trang viết, nhà văn đã đem lại cho người đọc cái giá trị nhận biết ấy.
 
Thực ra, những trang viết thuộc về thể “Ký,” cái Hay thường nhìn rõ ở hiện thực sinh động. Ở chi tiết độc đáo, và lạ. Ở vấn đề người viết phát hiện mang ý nghĩa tư tưởng, với giá trị hữu ích trước đời sống nhân sinh.
 
Với thế mạnh của giọng văn có từ một tâm hồn thi sĩ, Bùi Thị Biên Linh đã mở rộng biên độ khai thác ở những trang miêu tả sống động những nét đẹp thôn làng. Những trang viết thật cảm kích về tinh mẹ, tình cha. Về các nhà văn. Các bầu bạn văn chương. Về người chị. Về đứa con rất mực yêu thương, quý mến trên đời..
Bằng lối dẫn dắt cuốn hút và gợi. Những câu chuyện thật điển hình, riêng biệt của mỗi vùng quê, của mỗi giai đoạn, cái gọi là “chuyện của một thời” (Mà ngày nay đã qua đi, mất bóng). Qua tái dựng, sáng tạo, từ ký ức, hoặc từ chứng kiến, trải nghiêm, người đọc thật lý thú, ở cái vui, cái xót xa, cái cười ra nước mắt mà Biên Linh còn chép ghi và nhớ... Ví như, chuyện nông dân vào hợp tác xã. Chuyện phân phối thời bao cấp. Chuyện Tết xưa. Chuyện nuôi lợn, giết chui để cúng giỗ ông bà. Chuyện trường lớp một thời nghèo nàn, gian khó....
 
Với hai tập thơ và một tập văn xuôi. Với khá nhiều giải thưởng đã giành được. (Đáng lưu ý là cả hai tập thơ và văn xuôi của Bùi Thị Biên Linh đều vinh dự được cơ quan Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam chọn lọc và trao tặng Giải thưởng : Năm 2006 cho Tập thơ “Ý nghĩ ban mai.” Năm 2018 cho tập Bút ký “Gửi lại dấu yêu.” Thành tựu ấy đã khẳng định, Bùi Thị Biên Linh một Nữ Văn Thi sĩ hàng đầu, thật quý hiếm của Bình Phước, của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ đang sống, gắn bó và viết nơi xứ sở miền Đông, đất đỏ.” 
 
Thơ và văn xuôi của Bùi Thị Biên Linh đẹp ở tâm hồn sáng trong, nồng hậu, nó  thực sự mang lại giá trị hữu ích và ý nghĩa nhân văn cao đẹp.
 
Người đọc tin và đón đợi ở Bùi Thị Biên Linh. Ở chặng đường mới mẻ. 
 
Hải Phòng, mùa Thu, 2018.
Kim Chuông

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.