• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Chút ngẫu hứng với giọt nắng vô thường của Trần Huyền Tâm

Thứ tư - 23/10/2019 10:49

(Nhà thơ Ánh Tuyết)


 
Đọc “Giọt nắng vô thường” của Trần Huyền Tâm, một trong những tác giả thành đạt của nhóm các em thiếu nhi đã từng được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình phát hiện, bồi dưỡng ươm trồng mầm tài năng văn học từ nhiều thập niên trước, tôi có cảm giác lòng hết sức thư thái an nhiên. Một GIỌT NẮNG VÔ THƯỜNG đang bừng sáng, những tia ấm áp dịu dàng đang truyền cảm hứng cho tôi. Tập thơ chững chạc, giàu chất nhân văn, trữ tình, dịu dàng trong trẻo như điệu hồn của Trần Huyền Tâm.
 
Tôi ấn tượng từ bài mở đầu, chị viết về nguồn cội của mình:
 
“Con sinh ra
Đêm tháng Tám nực trời
Gầu nước mát lao xao vầng trăng khuyết
Nhà mình nghèo mái tranh mòn vách liếp
Mảnh mo cau quạt không hết mồ hôi.
 
Qua những câu thơ, tôi hình dung ra tuổi thơ đầy nhọc nhằn khốn khó của chị. Cha chị là liệt sỹ. Một mình mẹ chị chèo chống nuôi 5 đứa con như chùm sung chát đeo bám cành. Tôi đã sống ở vùng quê ấy 4 năm, đã làm chủ nhiệm một lớp học sinh mà tất cả các em đều là con liệt sỹ. Tôi thấy lại những cặp mắt ngơ ngác buồn vì côi cút, những tấm áo vá bạc màu, những bữa cơm độn toàn khoai sắn của học trò tôi và hình dung ra tuổi thơ của Trần Huyền Tâm mà xa xót. Ôi bà mẹ của Trần Huyền Tâm, những bà mẹ Việt Nam và nỗi nhọc nhằn, đau đớn, cơ cực khi một mình nuôi con trong cảnh nhà neo người, neo của, đất nước đang có chiến tranh. Là một bà mẹ, tôi rất hiểu với nỗi vất vả của mẹ chị. May thay cô bé Trần Huyền Tâm và tất cả 5 chị em của Trần Huyền Tâm đều thành đạt. Chỉ tiếc mẹ không còn để tận hưởng niềm hạnh phúc vì đàn con sung chát của mẹ đã lớn khôn đem lại niềm tự hào cho cha mẹ.
 
Bài thơ “Về thăm mẹ” của Trần Huyền Tâm đọng lại trong tôi nhiều trăn trở. Đây là bài thơ hay, thể hiện nét tài hoa của một người có năng khiếu về văn chương và rất giàu vốn sống, còn là tấm chân tình của người con hiếu thảo. Bức phác họa về mẹ mang tính khái quát cao. Hình ảnh nghệ thuật dùng khá đắt và độc đáo. Mẹ của chị rất riêng trong vẻ đẹp và nỗi đau góa phụ. Từ bà tỏa ra vẻ đẹp chung đáng kính trọng và tự hào của người vợ liệt sỹ, người phụ nữ Việt Nam:
 
Bông Mẫu đơn của một thời xa xưa
Mái tóc xanh chợt một chiều sương phủ
Vai mẹ gầy gánh một đời góa phụ 
Cha đi xa … cha nằm lại rừng xanh
Mẹ liêu xiêu với gánh nặng trần gian
Trong tảo tần gió sương 
gánh 5 mảnh đời con lên phố”. 
 
Câu thơ “Mẹ liêu xiêu với gánh nặng trần gian” rất giàu chất tạo hình, truyền đến người đọc những xúc động bất ngờ.  “Mái tóc xanh chợt một chiều sương phủ”. Người đàn bà trẻ, đẹp nhận nỗi đau tang chồng được viết bằng câu thơ thật tinh tế nhẹ nhàng mà khắc sâu được nỗi đau không gì bù đắp nổi. Tinh tế, sâu lắng cũng là lối thơ làm nên vẻ đẹp của “Giọt nắng vô thường”.
 
Tôi cũng rất ấn tượng cái cách chị diễn tả sự trưởng thành của mình, từ cô bé con nay đã thành thiếu nữ: Dấu gạch nối là những xao xuyến rung động thiêng liêng đầu đời từ trái tim dành cho một người con trai.
 
“Khi bắt gặp cái nhìn chan chứa từ anh
Đốt ánh mắt em cháy thành ngọn lửa 
Em hiểu rằng tuổi thơ em không còn nữa
Và những gì ai biết được sẽ mất đi…”
(Khi tuổi thơ qua đi). 
 
Cả bài thơ là tâm trạng buồn tiếc nuối đến nao lòng một thời thơ ấu. Bài thơ trong trẻo đáng yêu và lấy được cảm tình của người đọc bởi chị nói rất đúng cái khoảnh khắc thần tiên không thể nào quên mà người nào cũng trải qua. Bài thơ buồn nhưng đẹp và đáng yêu biết bao.
 
Bài “Về thăm trường cũ” Trần Huyền Tâm đem đến một cảm xúc rất tinh khôi, trong trẻo về một thuở học trò và mái trường thân yêu. Bằng đôi mắt trong veo, thánh thiện chị nhìn về quá khứ, về bao kỉ niệm với thái độ nâng niu trân trọng, một miền cổ tích của tuổi thơ. Ai biết đó là những năm tháng vô cùng khó khăn của những đứa trẻ miền quê nghèo. 
 
Ngôi trường xưa còn đó những dòng tên
Buổi trưa hè phượng thắp vầng hoa đỏ
….
Chốn bể dâu đua tranh lời trái nghiệt
Riêng nơi đây vẫn trong veo thuần khiết. 
Dìu dắt thiện lành nâng cánh ước mơ xanh”
 
Không có một tình yêu sâu đậm thuỷ chung với quê hương, một lối nhìn rất nhân hậu, Trần Huyền Tâm không thể viết ra được những câu thơ gan ruột về miền quê “nơi cất giữ ngày xưa” của chị đẹp như trong cõi mơ. Quê nghèo trong đôi mắt đứa con xa luôn nặng lòng với quê đã thành miền cổ tích. 
 
“Cánh diều thênh thênh bay giữa trời xanh
Lung linh nắng mướt xanh vàng đồng lúa
Cánh buồm nâu lướt trên dòng sông lụa
Con đường làng sóng sánh những mùa trăng.” 
 
Bài “Chiều sông La” Trần Huyền Tâm viết khi về quê chồng. Phải yêu chồng thế nào chị mới viết được những câu thơ dung dị tự nhiên như viết về chính quê mình.  Dấu ấn của vùng miền Trung Bắc bộ đi vào câu thơ tạo nên cái duyên riêng, trữ tình đằm thắm. Từ bờ ngô xanh, điệu ví dặm với câu ca gừng cay muối mặn, giọng nói người quê chồng nặng chất phương ngữ miền Trung. Chị lắng nghe, thu vào hồn mình tất cả, yêu tất cả vẻ riêng quê chồng như chị đã dành cả cuộc đời trao tặng cho anh. Da diết đằm thắm hồn người con gái nơi cuối Sông Hồng! “Mãi thương về duyên dáng xưa”  người trai sông La anh có biết chăng? 
 
Phải chiều nay anh có em
Đom đớm thôi trốn tìm ngoài bãi
Bờ ngô xanh, con thuyền trễ lái. 
Ngọt ngào điệu ví trên môi.
 
Nghe như toàn âm trắc thôi
Giọng nói quê mình lạ lắm. 
Em hiểu lời ca gừng cay muối mặn.
Mãi thương về duyên dáng xưa”. 
 
Có cô con dâu ngoan hiền như thế bọ mạ sao nỏ thương con thật nhiều! Có người vợ yêu mình như thế anh nỏ yêu em hết lòng cho đặng.!
 
Người đàn bà trong Sợi nắng vô thường thật biết yêu. Cái cách mà chị yêu cũng đầy da diết, sâu sắc, thuỷ chung, Tôi thích cách dùng hình ảnh ấn tượng “Lòng em rêu phong” khi diễn tả tâm trạng trống rỗng, mọi thứ dường như vô nghĩa của Tâm khi vắng người mình yêu:
 
“Lòng em rêu phong trong nỗi nhớ anh
Thơ cạn nguồn trơ mòn như bờ đá
Những điều thân quen chợt như xa lạ. 
Đắp nửa chăn nào cũng thiếu lạnh một bên”. 
 
Câu thơ rất gợi và ám ảnh, có chất riêng của Trần Huyền Tâm cho dù thơ viết về tình yêu quá nhiều và quá hay.
 
Trần Huyền Tâm viết về mùa, về Hà Nội, Hồ Tây, về Sa Pa hay một địa danh nào đó chị đi qua đều rất có hồn. Bức tranh chị vẽ rất sáng, mơ mơ thực thực nhưng đều gợi nên trong ta một niềm lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống.
 
“Những chùm hoa sấu li ti
Hát nốt nhạc trầm mùa hạ
Qua xuân hoa tàn héo cả
Riêng hoa sấu đợi sang hè” 
(Hoa sấu). 
 
Hoa sen, loài hoa chị yêu quý nhất (tôi nghĩ thế vì thường thấy chị chụp ảnh với sen rất đẹp). Tôi đã viết hai câu tặng chị: 
 
Tay hồng nâng búp sen hồng
Không gian một khoảng sáng bừng vì em
 
Yêu sen, thần tượng loài hoa cao quý như cốt cách con người, có lẽ vì thế câu thơ tả sen của chị rất hay. 
 
“Từng đóa sen vươn lên, vươn lên
Sáng lấp lánh diệu kỳ thanh thoát
Hương sen toả dịu dàng ngan ngát
Sớm trong lành, thơm thảo, tinh khôi.”
(Hoa sen nở)
Trần Huyền Tâm viết về những người đồng nghiệp, những người cán bộ ngành ngoại giao của mình đầy chân tình thân mến. Phải là những người cùng chung chí hướng, vì nhiệm vụ mà họ luôn phải sống xa nhà, mang màu cờ sắc áo của tổ quốc để thực thi những nhiệm vụ vô cùng khó khăn ở nơi đất khách quê người; con đường của họ trải đầy gian nan vất vả, mồ hôi nước mắt, có cả máu của những cán bộ ngoại giao, mới thấy được sự thiêng liêng của tình đồng nghiệp, tình bạn nơi họ. Bởi thế đọc câu thơ viết tặng Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến và các cán bộ ngoại giao khác mới thấy hết tấm chân tình của chị.
 
”Thêm một lần thu cho tròn sáu mùa xuân
Bớt một mùa đông để ấm nồng nắng hạ
Người đến, người đi… nơi bờ bến lạ. 
Khúc tâm tình người đi sứ xa quê
(Sáu mùa thu D.C)
 
i nghĩ hiện nay các bài văn, bài thơ viết về ngành ngoại giao, về “binh chủng đặc biệt” này, còn rất khiêm tốn. Sẽ thật thiếu sót nếu trong trang viết của chúng tôi không đầy đủ về các chị, các anh, trong đó có Trần Huyền Tâm. 
 
Trong “Giọt nắng vô thường”, có nhiều bài thơ chị viết về hành trình hướng tới điều vi diệu nhất của vũ trụ, cuộc đời con người. Vô thường là kết quả cao nhất của quá trình phấn đấu ấy. Con đường chị chọn thênh thang bừng sáng ánh sáng của sự Vô thường. Trần Huyền Tâm có một so sánh rất thành công khi chị chọn hình ảnh tuyết trắng để nói về hạnh phúc. Đó là quá trình tu để đạt tới sự an nhiên vô thường… Đó chính là hạnh phúc bình dị nhất, phúc đức viên mãn, hạnh phúc tròn đầy: 
 
“Hạnh phúc cuối cùng, hạnh phúc đâu xa
là được an hoà bên nhau như tuyết
Bao người ngu ngơ mải miết 
Vô tình tìm hạnh phúc đâu đâu” 
 
Tuyết hay sự “Vô thường” là cảm xúc chủ đạo của tập “Giọt nắng vô thường” hay nói khác đi một tâm hồn Sen, Đóa Sen đời Trần Huyền Tâm 
 
Sáng lấp lánh diệu kì thanh thoát
Hương sen toả dịu dàng ngan ngát
Sớm trong lành, thơm thảo, tinh khôi.”
(Hoa sen nở)  
 
Trần Huyền Tâm đã tặng cho đời “Giọt nắng vô thường” đáng trân quý biết bao.
 
Ánh Tuyết
-------------------
 
Nhà thơ Ánh Tuyết hiện là Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Chị là tác giả của 8 tập thơ, 5 tập truyện ngắn và là chủ biên 7 tuyển tập thơ về Nguyễn Du với truyện Kiều, Nguyễn Bỉnh Khiêm.... Đã có 13 giải thưởng văn học của Trung ương và của tỉnh Thái Bình.

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.