• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Phạm Hổ và khu vườn cổ tích của tuổi thơ

Thứ tư - 13/11/2019 14:19

 

Phạm Hổ là nhà văn yêu quý của nhiều thế hệ trẻ thơ Việt Nam. Ông viết từ những năm 60 của thế kỉ XX, cùng với thế hệ các nhà văn Tô Hoài, Võ Quảng, Huy Cận, Nhược Thủy, Phương Hoa … Sự nghiệp sáng tác cho trẻ em của ông khá đồ sộ, bao gồm hơn 20 tập thơ, 9 bộ truyện và 4 vở kịch. Đây là sự đóng góp đáng kể cho nền văn học thiếu nhi nước nhà. Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch giới thiệu ở nước ngoài như: Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức... Phạm Hổ được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, đợt I (2001).

Mảng văn xuôi Phạm Hổ viết cho các em bao gồm cả tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện đồng thoại … nhưng tiêu biểu nhất là bộ truyện Chuyện hoa, chuyện quả gồm 6 tập với tròn 50 câu chuyện kể về sự tích của 50 loại cây, hoa, quả. Đây thực sự là một khu vườn cổ tích đầy hương thơm, sắc màu và những điều kì thú hấp dẫn thế giới trẻ thơ. Bộ truyện được viết theo thể loại truyện cổ tích hiện đại.

Truyện cổ tích hiện đại là một thể loại văn học có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố dân gian và yếu tố hiện đại. Các tác giả đã dùng hình thức dân gian để trình bày một vấn đề, một nội dung mới, hiện đại. Cổ tích dân gian là một dạng loại Folklore, là những sáng tác tập thể, thể hiện sự hiểu biết của nhân dân, trí tuệ của nhân dân. Cổ tích hiện đại là tác phẩm của một cá nhân trong quá trình tìm tòi, sáng tạo, thể hiện mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, sự kế thừa và cách tân.

Truyện cổ tích là một nhu cầu không thể thiếu đối với trẻ thơ của mỗi một dân tộc. Đó cũng là cả một kho tàng vô tận cho đề tài, cho sự tưởng tượng và sáng tạo của mỗi nhà văn. Từ kho tàng vô giá ấy, có nhà văn dựa nội dung để viết lại, có nhà văn dựa vào hình thức để đưa ra những sáng tác mới.

Ở Việt Nam, trước đây có một số nhà văn đã viết lại truyện cổ tích dân gian, như Tú Mỡ viết Tấm Cám, Nguyễn Huy Tưởng viết Chiếc bánh chưng, Con cóc là cậu ông trời, Tìm mẹ... Xu hướng này, sau năm 1975 (có người gọi là giả cổ tích) được Tô Hoài thể hiện rất thành công trong Đảo hoang, Chuyện nỏ thần, Nhà Chử.101 truyện ngày xưa … Đây là một hướng đi cần thiết, bổ ích đối với bạn đọc, nhất là bạn đọc lứa tuổi thiếu niên, đang khao khát muốn vén tấm màn huyền thoại để biết sự thật cuộc sống và con người thuở xa xưa...

Vấn đề sáng tác cổ tích mới được nhiều nhà văn quan tâm hơn, trong đó, Phạm Hổ là người đặc biệt thành công với bộ Chuyện hoa chuyện quả, kể về sự tích của các loài cây, hoa, quả; tìm hiểu nguồn gốc và lí giải tại sao lại có các thứ cây, thứ quả, cũng như  tên gọi mà hiện những cây, quả đó đang có.

Lí giải nguyên nhân và mục đích của việc viết truyện về cây cối, hoa quả, Phạm Hổ tâm sự:

“Hồi kháng chiến chống Pháp, tôi có dịp được đi từ Nghĩa Bình ra Việt Bắc, chủ yếu là đi bộ.Luồn rừng, lội suối, trèo đèo.Cây rừng Trường Sơn đã làm tôi ngơ ngẩn. Có những cây to cao nhìn phát ngợp, có những cây lại bé bỏng như rêu mà cũng có đủ cả rễ và ngọn. Cây đứng, cây bò... cây leo, cây cuộn... Và hoa quả trăm nghìn sắc hình... Cây rừng gợi nhớ đến cây nhà... tôi dần dần cảm thấy có thể viết được về cây, về hoa quả của cây để nói về người, về tình cảm giữa mẹ và con, anh và em, vợ và chồng, thầy với trò, dân với nước... về những gì tốt đẹp của những con người Việt Nam...”.

Chính vì lí do đó mà Chuyện hoa, chuyện quả đã ra đời. Như vậy, trong mỗi câu chuyện, bạn đọc sẽ gặp cùng một lúc hai câu chuyện mà tác giả muốn thể hiện, đó là chuyện về cây, hoa, quả và chuyện về con người.Thế giới hoa quả phong phú không chỉ gợi cho các em lòng yêu thiên nhiên mà còn kích thích các em sự trân trọng, bảo vệ thiên nhiên và tìm hiểu thiên nhiên như một kho báu vô tận. Mỗi câu chuyện kể về một thứ cây. Tác giả cố gắng quan sát những đặc điểm bề ngoài dễ nhận biết và gọi đúng tên chúng bằng một hình ảnh thật cụ thể và ấn tượng nhưng cũng hết sức lãng mạn, ví dụ: Những bàn tay nhiều ngón (hay là Sự tích cây chuối); Quả tim bằngngọc (hay là Sự tích quả loòng boong); Những con ốc kỳ lạ (hay là Sự tích quả roi); Cái ô đỏ (hay là Sự tích hoa râm bụt); Ruột vàng hạt lắm (hay là Sự tích cây mít và cây bí ngô)v.v... Tác giả đã giải thích nguồn gốc xuất hiện, lý do của mỗi một cái tên mà chúng mang, cũng như tính chất, tác dụng của mỗi một thứ cây, hoa, quả trong cuộc sống. Điều đáng nói là từ mỗi giống cây quả ấy, tác giả đã nhìn ra số phận con người. Theo quan niệm của ông, sự tích hoa quả bao giờ cũng được gắn với một phương diện nào đó trong đời sống lao động, chiến đấu và tình cảm của con người. Qua đó, tác giả khẳng định rằng hoa quả thường là kết tinh của những tình cảm cao quý như tình mẹ con, tình anh em, tình bè bạn, tình thầy trò, tình yêu đôi lứa hoặc tình cảm vợ chồng... và vì vậy, chúng luôn có ích cho con người, cần được nâng niu, trân trọng. Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét:

“Dường như tác giả Chuyện hoa, chuyện quả đang muốn đưa ra một lý thuyết khác về nguồn gốc của muôn loài: Tất cả thế giới quanh ta đều do con người làm ra cả. Nguồn gốc của muôn loài chính là ở tình yêu, tình thương và lòng tốt của con người... ở cuộc đấu tranh gian nan..., và mỗi lần con người chiến thắng, cái thiện thắng cái ác, lòng trung hiếu thắng sự bạc nghĩa, vô ơn, tình thương thắng hận thù, sự quên mình thắng thói ích kỉ, sự siêng năng thắng thói lười nhác... thì sẽ có một loài hoa đẹp, một thứ quả lạ ra đời!”

Trong năm mươi câu chuyện kể về sự tích của năm mươi loài cây, hoa, quả, tác giả đã cố gắng tìm tòi những cách thể hiện khác nhau để không chuyện nào giống chuyện nào, để mỗi chuyện là một mới lạ, một hấp dẫn. Thế giới tự nhiên qua cái nhìn của ông bỗng nhiên bừng sáng, và cũng qua những câu chuyện này, ông đã góp phần tích cực mở rộng trí tưởng tượng và sự hiểu biết của các em.

Truyện Tiếng sáo và con rắn (hay là Sự tích hoa thiên lý) đem đến cho người đọc một cảm giác thật hồi hộp. Một con rắn vì mê tiếng sáo của một chàng trai nên đã biến thành một người phụ nữ giống hệt vợ anh ta khiến chàng trai không thể nào nhận ra được. Chàng trai phải nhờ một cụ già nổi tiếng trong vùng về sự phân biệt phải trái xử lí giúp. Qua ba lần thử thách tinh tế của cụ già, cô vợ giả đã phải “hiện nguyên hình là con rắn lục, bò nhanh vào bụi cây trốn mất”, vợ chồng chàng trai thổi sáo tài giỏi được đoàn tụ. “Một buổi chiều, người vợ đang gội đầu, người chồng đang thổi sáo thì bỗng có con chim gì thả rơi ở bên chân người vợ một chùm hoa mầu xanh phớt vàng hình giống như ông sao năm cánh, hương thơm dịu ngọt...”. Người ta đã lấy tên thiên lý để đặt cho hoa để kỷ niệm cô gái có tên là Lý, vì tình yêu mà có thể cách xa “trăm dặm, nghìn dặm vẫn nhận ra được chồng mình”.

Truyện Bài thi nhập học (hay là Sự tích cây nhân sâm) đưa ra một tình huống giải đố, khêu gợi trí tò mò và tác động tích cực vào trí não của trẻ em. Để được nhận vào học, trò phải tìm ra được những chữ thích hợp để điền vào bốn bức tranh: bức thứ nhất vẽ đôi đũa, bức thứ hai vẽ cái nhà, bức thứ ba vẽ vườn rau và bức thứ tư vẽ cây nến đang cháy. Mỗi học trò tìm ra được một cách giải riêng tuỳ thuộc vào nhận thức và tâm tính của mình... Người học trò nghèo giải đáp bằng một chữ Người vì theo cậu “ăn bằng đũa thì chỉ có con người..., cất nhà mà ở chỉ có con người..., trồng thành vườn rau vườn quả chỉ có con người..., và biết học hành cũng chỉ có con người”.... Vì vậy, bài của thầy ra tóm lại chỉ có một chữ Người và ý của thầy là muốn dạy bảo học trò phải nhớ mình là Người, và học trước hết là học làm Người. Sau này, cậu bé nghèo trở thành người học trò giỏi nhất và có hiếu nhất. Đây là một câu chuyện cảm động về tình thầy trò, nói lên một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam về truyền thống tôn sư trọng đạo...

Phạm Hổ tỏ ra rất tinh tế khi lựa chọn từ thiên nhiên phong phú những chất liệu gợi hình, gợi cảm, giàu ý nghĩa xã hội. Đây là cách đặc tả trái loòng boong của ông: “Chỉ lớn hơn quả hồng bì một tí. Da nó vàng mát. Cùi nó nhìn trong trong như ngọc và đặc biệt quả nào cũng có mang một cái dấu như dấu móng tay của ai đó bấm vào” (Quả tim bằng ngọc hay là Sự tích quả loòng boong). Những chi tiết mà tác giả miêu tả trái loòng boong chính là sự lựa chọn chất liệu, từ dấu hiệu đặc biệt trong cây quả của thiên nhiên “quả nào cũng có mang một cái dấu... cùi nó nhìn trong trong như ngọc”, tác giả đã tưởng tượng ra cái “dấu móng tay” chính là dấu mũi mác của tên nhà giàu độc ác, đâm vào trái tim người mẹ, nhưng đúng vào lúc người mẹ bị mũi mác đâm trúng tim, thì cũng là lúc đứa con yêu quý của bà - bé Mộc “ngực cũng bị mũi mác đâm vào và máu cũng trào ra như suối”. Chi tiết huyền thoại của câu chuyện về mối liên hệ kì lạ giữa hai mẹ con, đánh con ở đâu, mẹ đau ở đó để dẫn đến kết cục người mẹ bị giết, đứa con cũng chết theo là sự triển khai hết sức táo bạo, nhưng câu chuyện vẫn “đứng” được vì nó cắm rễ từ một hiện thực, đó là tình cảm mẹ con vô cùng sâu sắc, cảm động. Phạm Hổ đã diễn tả thứ tình cảm đặc biệt này bằng một thiên huyền thoại sống động, xuất phát từ dấu hiệu độc đáo, cá biệt của một loại quả.Và cũng qua đó, ông kín đáo nhắc nhở các em thái độ trân trọng đối với thiên nhiên, ngay cả với những chi tiết, dấu hiệu tưởng như không có gì.

Rõ ràng, chuyện về hoa, về quả nhưng lại chính là chuyện về con người. Qua mỗi câu chuyện, tác giả đều cố gắng gắn nối những chi tiết đẹp của cây với những tình cảm và phẩm chất tốt đẹp của con người. Hoa phượng đỏ rực giống như nong xôi gấc mà ông thầy dạy võ đã giấu năm người học trò yêu của mình trong đó, đội lên đồi cao để giết tên tướng giặc, còn quả phượng thì giống như những thanh gươm xanh của các tráng sĩ (Sự tích hoa phượng). Thân cây ngô đồng là hình ảnh của bầu rượu, còn lá cây là hình ảnh còn lại của cây đàn – những kỷ vật còn lại của người thầy dạy đàn tài hoa mà bất hạnh (Sự tích cây ngô đồng).Hoa sen trắng, sen hồng có cánh giống như những chiếc hài thêu chỉ vàng của hai chị em người vũ nữ (Sự tích hoa sen). Củ nhân sâm có dáng vẻ rất giống hình người và đó cũng chính là điều nhắc lại với người đời sau câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò (Sự tích cây nhân sâm)...

Nhìn chung, với lối kết thúc “có hậu”, phù hợp với tâm lí trẻ thơ, những câu chuyện này đã gây ấn tượng sâu sắc và có sức hấp dẫn đối với các em, khơi mở trong các em những suy ngẫm về tình yêu, tình thương, lòng nhân đạo và khả năng hướng thiện của con người.
Lã Thị Bắc Lý

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.