- Trang văn
Quy Nhơn du ký
Thứ ba - 26/11/2019 17:24
1.Ngẫu hứng
Trước khi chia tay, Phạm Hồng Thủy hỏi chúng tôi: “Hãy dùng một từ để nói về ấn tượng Quy Nhơn?”, thế là tất cả cùng bật ngay ra, như thể cái từ đó đã ám ảnh mọi người trong suốt chuyến đi: “Bình yên”, “Tuyệt vời”, “Quyến rũ”…. Nói vậy, nhưng ai cũng hiểu rằng thật khó có thể diễn tả hết những cảm xúc về Quy Nhơn!
Khác với các thành phố biển miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang… với du lịch thương trường ồn ào, Quy Nhơn lặng lẽ, hoang sơ theo cách của riêng mình. Khách cứ đến, cứ đi, không ồn ào náo nhiệt. Quy Nhơn như một cô gái mới lớn, hồn nhiên, vô tư. Quy Nhơn cũng giống như một ông già trải đời, trầm tư, cất giữ trong mình tầng tầng giá trị…
Chúng tôi đến với Quy Nhơn cũng là một sự ngẫu hứng. Đúng ngày mùng 5 Tết- Ngày hội Vua Quang Trung đại phá quân Thanh:
Đống Đa xưa bãi chiến trường
Ngổn ngang giặc chết vùi xương thành gò….
nhân lúc “trà dư tửu hậu”, Hạnh Mai nổi hứng “Hay là ta đi Quy Nhơn!” Thế là điện thoại rổn rảng: Hà Nội, Quy Nhơn, Thái Bình, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh … Như một lời hiệu triệu, trống Tây Sơn đã nổi, tất cả cùng đồng lòng hô “Tiến!” - Vui biết bao! Nhộn nhịp người lên kế hoạch, người đi đặt vé, người sắp xếp lịch trình tour v.v… cứ như là trẻ con sắp được trốn mẹ đi chơi. Mà đúng vậy. Từ lúc ra trường đến giờ (1985), cứ mê mải làm ăn, nay gần đến lúc cầm sổ hưu trong tay mới thấy giật mình. Còn bao lần được tụ bạ các bạn học xưa. Ôi thèm gặp lại nhau. Thèm được ôm vai bá cổ.Thèm được chí chóe. Thèm được nghe tiếng gọi “mày”/“tao” ….
Ơi ời các bạn V5C. Ta tụ hội Quy Nhơn. Biển xanh, cát trắng. Núi non trùng điệp – Một vùng “địa linh nhân kiệt”. Ở đấy có Phạm Hồng Thủy và “các chiến hữu” Đại học Quy Nhơn đang chờ đón chúng ta.
Ngày 23/2/2017 tất cả lên đường. Bữa ấy nhằm ngày 27 tháng giêng năm Đinh Dậu.
2. “Và Sông Côn thầm lặng chảy bên trời”
Sông Côn (sông Kôn) là con sông lớn nhất chảy qua Bình Định. Lúc này, đang mùa nước cạn, không phải là “Sông Côn mùa lũ” (Nguyễn Mộng Giác), quang cảnh hai bên bờ thật bình yên:
“Ai có về sông Côn
Hỏi dòng sông xanh biếc từ bao giờ….”
Chính dọc triền sông này, những người con ưu tú đã sinh ra, và tên tuổi họ rạng mãi với non sông. Người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, Ngô Mây…; các nhà thơ Xuân Diệu, Phạm Hổ và Nhóm thơ Bình Định (Bàn thành tứ hữu): Quách Tấn- Hàn Mặc Tử, Yến Lan- Chế Lan Viên… từng uống nước sông Côn, tắm nước sông Côn… Ôi, nước sông Côn, một trong những “nguyên liệu” làm nên món ăn cổ truyền mộc mạc mà nức tiếng thơm ngon: Bún Song thằn. Loại bún làm bằng đậu xanh, nước dùng để lắng bột phải trong và mát. Người Quy Nhơn khẳng định chỉ dùng nước sông Côn mới xay được bột tốt. Mà sông Côn cũng phải là đoạn chảy qua vùng An Thái, lòng sông toàn cát trắng, không có bùn.
Sông Côn làm nên món ăn xứ sở; sông Côn cũng đi vào những kiệt tác văn chương, trở thành nỗi ám ảnh biết bao người…
Ám ảnh tới mức mà khi xe đi qua sông Côn, Hạnh Mai cứ dứt khoát đòi lái xe phải dừng để cho Nàng chụp một kiểu ảnh:
“Chiều bên bờ sông Côn
Có ai quay sợi tơ vàng…”
Hạnh Mai ơi ời, hãy post ảnh lên, ráng chiều đỏ thắm hay bình đạm tiêu sơ vẫn có tơ vàng… tơ vàng….vương…vương….
3. “Cây Me xanh vòm lá chở che đời”
Nơi đây là xứ sở của me. Từ me non đến me cổ thụ, cây to, cây nhỏ, điệp trùng nối tiếp nhau. Khu vườn bên tả, bên hữu của di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn cũng được trồng đầy me. Trên me, dưới cỏ, mướt mát một màu xanh. Biết bao thế hệ, biết bao sự trồng cấy, giữ gìn, chăm nom để có được khu vườn đẹp đến mê hồn như vậy!
Cạnh nhà Bảo tàng Tây Sơn là cây me cổ thụ - “Cây me sống cuộc đời ba thế kỉ”, lá xanh quanh năm . Tương truyền, cây được trồng bởi thân mẫu của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Thời nhỏ, ba anh em vẫn thường chơi dưới gốc me này. Lớn lên, học hành võ nghệ, tán me lại là chỗ cho ba anh em nghỉ ngơi, luận bàn việc nước. Kể cũng lạ, trải bao thăng trầm lịch sử, chiến tranh, đốt phá, cây vẫn không nguôi tỏa bóng. Những vinh, những nhục trải ở nơi này, cây là nhân chứng, để đến hôm nay, mỗi lượt người đến, vòm lá xanh lại rì rào kể chuyện xưa kia …
Cùng với cây me cổ là giếng đá cổ. Tương truyền, giếng đá cũng có từ thời gia tộc Tây Sơn tam kiệt sinh sống ở đây. Nước giếng trong vắt, mát rượi và đặc biệt là không bao giờ cạn, kể cả khi trời hạn hán, xung quanh ao hồ khô kiệt. Ai đến đây cũng mong uống một ngụm nước giếng linh với hi vọng cho người được khỏe mạnh, anh minh.
Cây me, giếng nước, bến Trầu gắn bó với tuổi thơ của ba anh em nhà Tây Sơn cùng với biết bao huyền thoại. Nó cũng gắn với cuộc đời của mỗi con người nơi đây cùng với hoài niệm về một thời vàng son gia tộc Tây Sơn tam kiệt:
Cây me cũ bến Trầu xưa
Dẫu không tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm…
(Ca dao)
4. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”
Tôi gọi điện cho Nguyễn Nhật Ánh, anh ngậm ngùi: “Anh chưa đến đó bao giờ…”
Ôi Phú Yên!
Ánh đang ở Sài Gòn, cặm cụi viết tiếp bản trường ca “Ngày xưa có một chuyện tình”. Xung quanh anh là bản hòa tấu của những người bạn thân: Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Ngồi khóc trên cây….
Victor Vũ thì sau khi hoàn thành xong bản tình ca trên đất Phú Yên đã trở về Hoa Kỳ.
Quang cảnh phim trường đẹp mộc mạc và thuần khiết. Đồng lúa, làng quê, gò bãi…gần gụi, thân quen. Đồi cỏ trải dài ngút ngát. Mênh mông là gió! Không ai bận rộn. Tất cả đang cùng đáp chuyến tàu về tuổi thơ. Trên sân ga có khá nhiều người. Họ từ muôn phương tới nhưng tất cả đều giống nhau. Không lo toan. Không buồn phiền. Gương mặt ai cũng sáng niềm vui, rạng ngời hạnh phúc. Ước gì đâu đâu cũng bình yên như thế!
Mai, Xuân, Lan, Hương, Liên…ơi… ơi…
Nào, ta cùng lăn trên cỏ, tận hưởng những phút giây thần tiên….
Cỏ ấm và thật êm!
5. Ghềnh đá đĩa
Tạo hóa thật tuyệt vời!
Những tảng đá hình lăng trụ được sắp xếp vô cùng gọn gàng, ngay ngắn, tầng tầng, lớp lớp như bát úp lên nhau. Một kiệt tác của thiên nhiên!
Chỉ có người là lộn xộn. Các tay máy cự phách của V5C đã “chộp” được những tấm hình có một không hai trong lịch sử.
6. “Thương tiếc nước non hời”
Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ
Quay về xem non nước giống dân Chàm
(Chế Lan Viên)
7. “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó…”
Kể cũng lạ, suốt trong chuyến đi, ngày nào cũng nắng đẹp, vậy mà khi chúng tôi đến Quy Hòa, trời cứ phất phất mưa, kiểu mưa xuân ngoài Bắc tạo nên lớp khói bụi cùng với tiết trời se lạnh rất hiếm thấy ở nơi này.
Hàn đang ở đâu…
Khói nhang thơm thơm trong thinh không…
Ngôi nhà nhỏ vẫn ấm người chăm sóc…
Tiếng chuông nhà thờ vẫn vang lời cầu nguyện…
Hàn đã chịu bao đau đớn ở nơi này. Những câu thơ viết bằng máu, viết từ máu, quẫy đạp.
Trăng. Gió. Biển cả…
8. Vĩ thanh
Người Quy Nhơn hỏi:
- Có trở lại Quy Nhơn nữa không?
- Ơ, sao lại không!
Quy nhơn- Bình Định còn rất nhiều điểm để đến, rất nhiều chỗ để thương…
Những món ngon Bình Định đã đi vào huyền thoại. Bún Song thằn, loại bún làm bằng đậu xanh, nước dùng để lắng bột phải rất trong và mát. Người Quy Nhơn khẳng định chỉ dùng nước sông Côn - mà phải là đoạn chảy qua vùng An Thái, lòng sông toàn cát trắng, không có bùnmới được bột tốt, bún ngon . Bánh ít lá gai nhỏ bé, hình kim tự tháp (tháp Chàm cổ) là món ăn ngon mang đầy tinh hoa nghệ thuật với hương vị làm say lòng người:
Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi
Rồi những bánh hỏi Diêu Trì, cua Huỳnh Đế, rượu Bàu Đá v.v…Nhớ hôm người Quy Nhơn chiêu đãi các món quà quê, cả lũ vừa ăn vừa cố nhớ tên từng món. Thế mà, ăn xong nhắc lại vẫn bị nhầm …
Giờ đã về Hà Nội. Vẫn nhớ nhà thơ Mằng Lăng cổ kính, linh thiêng. Nhớ eo gió hoang sơ và đẹp ngỡ ngàng. Nhớ hoa vàng, cỏ xanh. Nhớ đường thơ Xuân Diệu. Nhớ hòn Khô, vũng Tô, đầm Thị Nại - những bức tranh sơn thủy hữu tình….
“Ai có về Bình Định, gió mát trăng thanh Sa huỳnh
Dập dìu mơn man cành liễu, chạnh lòng lữ khách cô liêu….”
Hẹn gặp lại Quy Nhơn!
Hà Nội, tháng 3/2017
Lã Thị Bắc Lý
Từ khóa:
quy nhơn