- Trang văn
Những ngày tươi đẹp
Thứ tư - 20/11/2019 14:21
Năm 1976, tôi dự kỳ thi học sinh giỏi văn toàn quốc lớp 4 được giải nhì. Đây là kỳ thi học sinh giỏi đầu tiên tổ chức trên quy mô cả nước. Bài văn ấy là câu chuyện đồng thoại về cuộc sống của một chú gà trống, phần thưởng là chiếc áo dệt kim dày, rộng thùng thình mà mấy năm sau tôi mới mặc vừa và 20 cuốn truyện. Tôi nhanh chóng quên đi chiếc áo ấm mà say sưa với những cuốn truyện – món quà quý với những đứa trẻ nông thôn hồi đó và mơ ước khi lớn lên, mình cũng sẽ viết được những câu chuyện in thành sách cho thiếu nhi…
Nhưng điều quan trọng hơn, ý nghĩa hơn, là từ giải thưởng ấy, đã đem đến cho tôi điều lớn lao hơn, tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Đó là 6 mùa hè (từ 1977 -1982), tôi được tham dự lớp bồi dưỡng viết văn, làm thơ – Lớp “Búp trên cành” - do Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình (chúng tôi thường gọi là Hội Văn nghệ) tổ chức. Sáu mùa hè được về học ở Hội đã để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp một thời niên thiếu thật ý nghĩa và những dấu ấn ấy tác động sâu sắc suốt cuộc đời tôi trong hơn 40 năm qua.
Tôi còn nhớ, một ngày cuối năm học lớp 5, từ trường về nhà, tôi thấy chiếc xe đạp lạ dựng ở ngõ, trong nhà, bố mẹ tôi đang tiếp một người khách lạ… Lúc ấy, tôi còn nhát lắm, thấy người lạ nên sợ. Mẹ tôi bảo: có thầy giáo ở tỉnh tìm con này…. Tôi hoảng quá chạy vội ra bờ ao, trốn sau bụi cây, tim đập thình thịch, nước mắt chảy ròng ròng, mà chả biết vì sao lại khóc thế. “Thầy giáo”ấy là chú Lê Bính – người đã lặn lội, đạp xe hơn 20km trong cái nắng đổ lửa tháng 5 để tìm về nhà tôi. Chú và mẹ ra gọi tôi về, chú nói về việc phải phát huy giải thưởng học sinh giỏi, về lớp BÚP TRÊN CÀNH ở Hội Văn nghệ dạy viết văn làm thơ…Tôi nghe và thấy háo hức quá…
(Lớp bồi dưỡng sáng tác văn thơ thiếu nhi Hội VHNT Thái Bình - 1977)
Và thế là mùa hè năm 1977, tôi bắt đầu được tham dự lớp học ở Hội Văn Nghệ Thái Bình, một môi trường đầy mới mẻ đã mở ra cho tôi một chân trời mới…Lần đầu tiên, tôi được học ở một “lớp” mà học viên có nhiều lứa tuổi khác nhau. Các chị: Lã Thị Bắc Lý, Đỗ Mai Hương, Bùi Thanh Huyền…đã học từ khóa trước, có nhiều tác phẩm được đăng ở báo của tỉnh, báo Thiếu niên Tiền phong và được một số ở báo Trung ương nữa. “Lính mới” lứa chúng tôi lại chiếm khá đông: Nguyễn Thị Toán, Trương Minh Hiếu, Phạm Lan Anh, Bùi Lan Anh, Nguyễn Tuân, Lê Quang Đôn…được tuyển chọn từ các đội tuyển dự thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh và toàn quốc, đa số ở độ 11, 12 tuổi, đầy bỡ ngỡ và ngơ ngác.
Hội Văn nghệ khuôn viên không rộng lắm, là những dãy nhà cấp bốn đơn sơ…Từ ngoài cổng đi vào, bên tay trái sau hội trường có cây táo rất sai quả, Sau giờ học chiều, chúng tôi tranh nhau đứa vít cành, đứa hái quả, gai táo cào rớm máu tay, dù chả mấy khi tìm thấy quả to… Chênh chếch bên phải hội trường là cây hoa đại, cây sung gắn liền với bao kỷ niệm tuổi học trò. Khi chiều và tối, chúng tôi thường leo lên cây đọc thơ cho nhau nghe, cứ như là đọc ở đó thì thơ sẽ hay hơn. Tôi thì thích hái hoa đại cài lên tóc…
Cây sung ở Hội rất cao, trái sai và ngọt. Khi tôi bị bệnh quai bị, một bên má sưng to, đau nhức lắm, chú Lê Bính đã cắt nhựa cây đắp vào má tôi. Nhựa đen dính rất khó chịu, nhưng kỳ lạ, sáng hôm sau, hai má tôi bớt sưng, bớt đau dần và khỏi hẳn. Sau này, chúng tôi mới biết, không chỉ là nhà thơ, nhà văn, mà chú Lê Bính còn rất nhiều tài khác: ngâm thơ, chơi đàn, kể chuyện tiếu lâm và rất có duyên ăn nói, đặc biệt chú còn là một thầy thuốc nam giỏi nữa….Gốc sung ấy đã lưu lại kỷ niệm giữa tôi với Toán, chúng tôi ngồi bên nhau dưới ánh trăng, chia sẻ nỗi nhớ nhà. Cứ mỗi lần hết một khóa bồi dưỡng, chia tay nhau để về chuẩn bị cho năm học mới, 2 đứa lại khắc chữ cái đầu của tên 2 đứa lên gốc cây, hè sang năm trở lại, công việc đầu tiên là chạy ra để kiểm tra và mừng lắm khi vết khắc vẫn còn…
Phía trước hội trường và trước dãy phòng làm việc của các cô chú trong Hội là một hàng cây liễu xanh mướt, cành lá buông xuống thướt tha. Rất nhiều lần tôi mê mẩn ngồi ngắm những cây liễu đu đưa theo gió, như đang múa, thấy rộn ràng.. Sau này, khi đi đến Đà Lạt, ra Hà Nội…gặp những cành liễu rũ, tôi lại bầng khuâng nhớ về hàng liễu ở Hội Văn nghệ ngày nào…
Lớp học của chúng tôi “lau nhau lóc nhóc”, chủ yếu là vừa từ cấp 1 lên cấp 2, đa số là con nông dân, như bầy gà con ngơ ngác, bắt đầu làm quen với nề nếp sinh hoạt của cơ quan “người lớn”. Những bữa ăn thời bao cấp đạm bạc. Khác hẳn ở nhà, sáng và chiều ăn cơm, còn trưa thì mỗi người được một cái bánh mỳ hoặc là bát mỳ tôm nấu với rau muống…nhưng chúng tôi ăn rất ngon lành, sau khóa học, đứa nào cũng như lớn hẳn lên, có lẽ vì ăn uống điều độ, vui vẻ và luôn được sống trong tình yêu thương của các cô chú, các bác trong Hội và các anh chị lớn trong lớp. Sau này, tôi mới biết, để duy trì được lớp học của chúng tôi trong nhiều năm liền, các bác, các cô chú ở Hội, nhất là bác Bút Ngữ –Chủ tịch Hội đã phải vất vả thế nào để được lãnh đạo tỉnh cấp kinh phí…Tôi còn nhớ cô Oanh văn thư suốt ngày lạch cạch bên máy đánh chữ. Ngay mùa hè đầu tiên nhập học, tôi bị nổi mụn nhọt rất nhiều, nhất là trán có cục mụn rất to, mà chú Bính trêu “Huê có đèn pin ở trán”, ngực cũng có một cái nhọt to lắm, cô Oanh đã lai tôi ra bệnh viện tỉnh để làm phẫu thuật và đã chăm sóc vết thương cho tôi những ngày sau đó…Cô Điểm kế toán cao gầy luôn cặm cụi với những con số, cứ đến cuối khóa thích nhất là được cô gọi lên trả tiền những bữa không ăn, hay là nhuận bút cho những bài đăng báo, có khi nhận lại cả gạo nữa, thường chúng tôi hay đổi gạo để lấy bánh mỳ mang về nhà làm quà. Bà Đào nhà bếp luôn tất bật lo cơm dẻo, canh ngọt, lúc rảnh, tôi hay xuống nhà bếp phụ nhặt rau, dọn bát đũa và được bà ưu ái tặng cho miếng cơm cháy vàng rụm…
Cũng ở hội, những đứa trẻ nhà quê quen với tắm giặt ở ao hồ hay giếng, thì nay được biết đến nước máy…Cả Hội dùng chung một hồ nước trong vắt, nhưng nhà tắm thì chỉ có vài ngăn, nên mọi người thường phải đợi nhau. Chị Biển hay rủ chị Huyền, chị Hương tắm chung, cứ nghe tiếng cười của các chị rúc rích sau cánh cửa…
Dấu ấn sâu sắc nhất chính là những người thầy dạy viết văn, làm thơ luôn ân cần uốn nắn từng câu, từng chữ, động viên, khích lệ, gợi mở cho chúng tôi tìm những từ thơ hay, những đề tài mới, những cốt truyện hay. Tôi ở lớp văn do bác Hoa Văn phụ trách. Bác có mái tóc điểm bạc, nước da đỏ hồng như người miền biển, nụ cười hiền và ấm áp. Chú Bùi Công Bình dáng vóc thư sinh, với nhiều bài thơ được giải thưởng cao, làm chúng tôi rất ngưỡng mộ…Bác Bút Ngữ - Chủ tịch Hội là người chăm lo cho các lớp “Búp trên Cành” duy trì trong nhiều năm, với nhiều chuyến đi thực tế để tạo cho chúng tôi cảm hứng và vốn sống để sáng tác. Còn chú Lê Bính, là người trực tiếp phụ trách lớp, như người anh, người thầy, vừa viết văn, vừa làm thơ, vừa chăm sóc chúng tôi những lúc buồn vui, những chuyến đi thực tế ở xa…cùng nhiều cô chú khác….
Chuyên về mảng thơ thì có chú Kim Chuông - nhà thơ thường viết thơ tình, nhiều nhất là thể lục bát, câu thơ mướt rượt, mà tốc độ sáng tác thì cực kỳ nhanh. Mọi người hay đùa: cứ đọc bài thơ mà miệng rộng rộng thì đó là thơ của Kim Chuông. Chú là người “nâng niu, chăm bẵm” cho nhiều bài thơ của thiếu nhi Thái Bình đạt nhiều giải thưởng cấp quốc gia và hơn 40 năm sau, chính chú là người động viên, khích lệ cho các Búp tiếp tục sáng tác và làm bà đỡ mát tay cho nhiều những tác phẩm của chị Sóng Biển, của em Thúy Hằng, Phạm Hồng Oanh, chị Trần Thị Huyền Tâm…được in thành sách và được giải thưởng cấp Trung ương.
Hàng năm, cứ sau một năm học, là tôi háo hức chờ đợi đến ngày được về Hội. Thời gian các khóa bồi dưỡng không giống nhau, dài nhất là 2 tháng, 01 tháng rưỡi sau rồi rút ngắn lại còn khoảng 20 ngày. Các Búp nhớn sẽ học hè cuối cùng là năm lớp 11 vì sang năm 12 sẽ phải tập trung cho kỳ thi đại học và một lứa Búp em nữa lại được bổ sung…Trong những đợt học tập trung ấy, chúng tôi được đi thực tế ở nhiều nơi, và nơi nào cũng để lại trong tâm trí non nớt nhưng đầy cảm xúc của chúng tôi những kỷ niệm đẹp.
Tôi nhớ chuyến đi thực tế về HTX Thuận Vi, với làng vườn Bách Thuận nằm ven sông Hồng, cứ vào 3 tháng cuối năm là có mùa nước nổi, mang phù sa bồi đắp cho đất đai thêm trù phú, màu mỡ, những rặng ngâu tỏa hương thơm ngào ngạt, những vườn cây ổi, cây quất , bưởi trĩu cành, những ruộng dâu xanh mơn mởn mà Lê Quang Đôn đã viết nên những câu thơ như “xuất thần”, mà cả lớp hầu như ai cũng thuộc:
Qua vườn gió hóa màu xanh
Xuống vườn cái nắng biến thành tươi non
Ví không có một mảnh vườn
Thì ôi nắng gió cũng thường mà thôi…
Chúng tôi cũng được đến thăm Hợp tác xã Quỳnh Trang – một HTX nông nghiệp có năng suất lúa cao nhất nhì tỉnh Thái Bình lúc bấy giờ. Quỳnh Trang, trong ký ức của tôi là cánh đồng lúa rộng mênh mông, hút tầm mắt…Lúa vừa trổ cờ, những bông lúa non lay nhè nhẹ, tỏa hương thơm dìu dịu…Buổi trưa không ngủ, ngồi giữa mênh mang nắng và gió, tôi đã viết bài về “Cây lúa Quỳnh Trang” trong nguồn cảm hứng dâng trào, như một lời cám ơn những người nông dân một nắng hai sương vất vả làm nên những mùa vàng bội thu. Sau đó là bài “Mưa ở Quảng Nạp”, là kết quả của hơn một giờ đồng hồ ngồi ngắm mưa rơi trắng trời trắng đất, nhận thấy trong mưa, cảnh vật trở nên mới mẻ hơn, kiên cường hơn…Chúng tôi cũng được đi đến nhiều nơi khác trong tỉnh: những di tích lịch sử như Đền thờ Bác Hồ ở xã Tân Hòa (Vũ Thư), khu di tích Nguyễn Đức Cảnh ở Thái Thụy… và một số HTX tiểu thủ công nghiệp nổi tiếng của tỉnh về đồ gốm, dệt thảm, để có thêm vốn sống thực tế, càng thêm yêu quý quê hương Thái Bình…Chuyến đi thực tế ở biển Đồng Châu cũng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc…Đồng Châu khi đó là một điểm nghỉ dưỡng của cả tỉnh. Chúng tôi được sắp xếp ăn nghỉ ngay trong trại an dưỡng của các chú Thương binh, được nghe kể về những trận đánh và chiến công của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trong niềm xúc động vô bờ, những câu chuyện chưa có trong sách báo có sức cuốn hút kỳ lạ…Các bạn trong lớp đã viết được rất nhiều bài thơ, câu chuyện đầy cảm xúc về các chú Thương binh, một số bài sau đó đã giành được giải thưởng trong các cuộc thi viết nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, về ngày Thương binh liệt sỹ…. Tôi không có bài viết nào ở Đông Châu, nhưng sau này, công việc chuyên môn của tôi lại gắn liền với công tác “Đền ơn, Đáp nghĩa”, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công. Dù hơn 40 năm qua, trong tôi vẫn nguyên vẹn mạch cảm xúc đầy xúc động và biết ơn như lần đầu nghe câu chuyện chiến đấu của những người lính anh hùng, quả cảm năm xưa.
Là đứa trẻ ở vùng nông thôn nghèo, nhờ có lớp “Búp trên cành”, tôi mới biết tới biển thực sự, chứ trước đây, chỉ là qua sách vở. Tôi thích lắm cái cảm giác để chân trần chạy trên cát mịn và mát lạnh, đua nhau lượm nhặt vỏ sò, vỏ ốc, mai mực, có lúc mơ màng áp vỏ ốc vào tai, tưởng tượng như đang nghe lời thủ thỉ của nàng tiên ốc trong câu chuyện cổ tích…Với tôi, biển đẹp nhất khi bình minh mới ló và những lúc sáng trăng, sóng nước lấp lánh như dát bạc, mặt biển lung linh…Tôi và Bùi Lan Anh thường hay dậy sớm chạy ù ra biển. Biển buổi sáng dịu êm, hiền hòa hơn, những con sóng từ xa xa dập dềnh tiến vào bờ. Chúng tôi ngồi bên nhau trước biển và tưởng tượng về tương lai của mình. Tôi mơ ước sẽ làm cô giáo dạy văn, để đem đến cho các em học sinh của mình niềm say mê văn chương đã ngấm vào máu thịt…Lan Anh thì thích làm nhà thơ. Nàng bảo: “tớ sẽ viết 100 bài thơ tình, nhưng chỉ cần 10 bài đăng thôi, còn 90 bài thà cho gió bay ra biển lớn”...Tôi không được làm cô giáo, nhưng niềm say mê văn chương thì chẳng thể phai mờ. Bạn tôi bây giờ là Trưởng phòng Biên tập một cơ quan truyền thông lớn của tỉnh, một cây bút viết báo sắc sảo và đầy nhiệt huyết, thơ viết không nhiều, nhưng bài nào cũng đắm đuối lắm. Tôi không biết đến giờ, bạn đã viết đủ 100 bài thơ chưa, nhưng thơ hay chắc vượt quá số 10 rất nhiều……
Chuyến đi thực tế ở Quảng Ninh là chuyến đi xa nhất của tôi trong những tháng năm học ở Hội Văn nghệ. Vịnh Bái tử Long với dãy núi mọc lên từ biển, chắn bão giông cho đất liền…Xa xa, là những cánh buồm như những nốt nhạc trên mặt biển xanh hiền hòa…Tôi còn nhớ, đêm đầu tiên được ngủ lều trại ở bờ biển Hạ Long, đứa nào cũng háo hức. Ai ngờ, nửa đêm mưa như trút nước, gió ầm ào, nước ngập vào các nhà bạt, cả bọn ngồi thu lu chờ trời sáng.
Chúng tôi được thăm những mỏ than lộ thiên – “vàng đen” quý giá, gặp những người công nhân mỏ da đen sạm và nụ cười tươi trên những công trường ầm ào tiếng máy xúc và bụi than phủ đen cả những chùm hoa mua; nhìn xuống thị xã Hạ Long xinh xắn, cả xe đồng thanh hát bài “Phố núi…”, ngắm núi Bài thơ với 4 câu thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt…Trên đường từ Quảng Ninh và Thái Bình, đoàn ghé thăm thành phố Hải Phòng, với những tuyến phố đỏ màu hoa phượng, cầu sông Cấm cong như chiếc lược, di tích chiến thắng Bạch Đằng giang với những cọc gỗ đã trải qua hàng trăm năm lịch sử…
Sau mỗi chuyến đi, lớp cũng thu hoạch được nhiều sáng tác mới. Tôi viết không giỏi như các anh chị, nhưng những chuyến đi thực tế đã cho tôi mở mang tầm mắt, cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống xung quanh, góp phần làm phong phú thêm vốn sống, hành trang vào cuộc đời của tôi sau này…
Điều ý nghĩa hơn, là qua các khóa học, qua những chuyến đi, các thành viên trong lớp ngày càng gắn bó, yêu thương nhau hơn, và chúng tôi cũng cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm các cô chú ở Hội Văn Nghệ dành cho những đứa học trò…
Từ những khóa học tiếp nối qua mỗi mùa hè đã gắn bó các thế hệ học viên Búp thân thiết như anh chị em trong một gia đình, nhường nhịn nhau, động viên nhau những lúc nhớ nhà, chia sẻ góp ý nhau những khi “bí” về tứ thơ, cốt truyện, hay từng câu, từng chữ, chuyền tay đọc và thuộc những bài thơ của nhau…Tôi bé nhỏ nhất lớp nhưng lại tinh nghịch như “quỷ sứ”, luôn tìm cách nghịch phá mọi người, đổ nước lên mùng, bôi mực màu vào mặt người ngủ dậy muộn, đôi lúc bị bắt quả tang, véo đỏ mũi. Chị Minh Hương hay rủ tôi về nhà chị với Nga và Phong (em chị), cho đỡ nhớ nhà, dạy tôi làm những con búp bê nhỏ xinh bằng mút. Chị Bình có lúc làm quản ca, dạy các em hát…tình ca nữa, dù lúc đó, nhiều đứa còn ngơ ngác, còn lâu lắm mới biết đến cảm giác rung động đầu đời…
Mỗi khi ai có bài được đăng hay đạt giải, chúng tôi đều rất vui sướng và tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn. Những ngày không đi thực tế, được học tại hội trường với những cây bút viết cho thiếu nhi nổi tiếng: nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Phạm Hổ, nhạc sỹ Hoàng Vân, nhà thơ Định Hải, nhà văn Phong Thu… – Những cây “đại thụ” trong văn học dành cho thiếu nhi. Cũng như những người thầy ở Hội Văn nghệ, các nhà thơ, nhà văn không chỉ dạy kỹ năng mà truyền cho chúng tôi cảm hứng sáng tác, tình yêu văn học…Khoảng thời gian nhiều nhất là tự do sáng tác. Thôi thì mạnh ai người đó tìm chỗ ngồi. Lớp thơ thì mơ màng ngắm mây, đón gió, ngậm bút ở miệng rồi cắn vỡ hồi nào, mực lem như chú hề. Lớp văn thì bò ra trên hội trường, cắm cắm cúi cúi, bản thảo rơi trắng xung quanh …Chả ai nói chuyện với ai, cứ như là lơ đãng chút, tứ thơ nó bay đi mất, hành văn trở nên lộn xộn…Đúng là sáng tác….lăn lóc. Tới giờ ăn cơm mà chả ai chịu buông bút…ai cũng có vẻ đăm chiêu, trông già hơn tuổi…Hoàn thành một tác phẩm, chúng tôi lại đem nộp cho các chú, bác phụ trách lớp và hồi hộp chờ đợi. Văn thì gởi bác Hoa Văn, chú Đức Hậu, Lê Bính, Nguyễn Khoa Đăng. Thơ thì chú Bùi Công Bính, Đức Hậu và cả chú Lê Bính…Các chú bác xem rất kỹ, góp ý tận tình từng câu, từng chữ. Góp ý thôi, rồi của ai, người ấy đem về sửa. Có những lúc sửa không được, tự thấy viết không hay, lại bỏ đi, viết lại, nhưng không hề nản, mà say mê lắm…
Sau mỗi khóa học như vậy, Hội Văn nghệ lại tổng hợp sáng tác của cả lớp, bổ sung thêm 1 số bài của các bạn thiếu nhi bên ngoài sáng tác, in chung tập “Búp trên cành”. Những tuyển tập ấy chủ yếu do chú Hà Trí Dũng trang trí bìa và vẽ minh họa. Họa sỹ Hà Trí Dũng hồi ấy là người trẻ nhất hội, là người bạn vui tính, đã lặng lẽ đồng hành cùng các thế hệ “Búp Trên Cành” chúng tôi suốt thời gian dài qua những nét vẽ phóng khoáng…
Tôi đã có 6 mùa hè được tham gia “Búp Trên Cành” như thế. Khi lớp học kết thúc, chúng tôi bịn rịn chia tay nhau. Có những người sang năm lại học tiếp, có những bạn vì nhiều lý do nên phải xa lớp.
Mỗi năm lại có thêm những người bạn mới. Buổi tối, trước khi chia tay, mọi người như lặng lẽ hơn, không gian như ngưng đọng lại, trầm lắng hơn. Mỗi đứa một góc ngồi viết lưu bút. Ngày thường, nghịch ngợm trêu đùa có lúc bị phê bình, giờ như người lớn hơn, gởi nỗi nhớ, gợi lại những kỷ niệm cho nhau qua từng câu, từng chữ. Có cả những giọt nước mắt rơi và cả những tiếng sụt sịt không cần kìm nén…Nhất là khi hè năm học lớp 11, thì biết chắc là sẽ ra trường, sẽ xa “Búp Trên Cành” mãi mãi. Tôi nhớ buổi tối hôm đó, tôi và Toán đi ra nhà Thông chơi, lúc về ngang hội trường thấy đèn vẫn sáng. Cậu bạn trai hiền lành nhất lớp, khi bị trêu hay đỏ mặt đang ngồi trước cuốn lưu bút của tôi, với những dòng chữ viết dở và những giọt nước mắt rơi trên má. Lần đầu tiên, tôi thấy giọt nước mắt của người bạn trai, cứ lặng đi…Hình ảnh ấy đã in đậm trong tâm trí tôi cho tới bây giờ…
6 mùa hè ở Búp Trên Cành gắn với với biết bao kỷ niệm. Năm 1982, chúng tôi “tạm” chia tay nhau để sang năm học mới tập trung cho lớp 12 với kỳ thi Đại học. Các mùa hè sau đó, Hội Văn nghệ tỉnh vẫn tiếp tục duy trì các lớp Búp Trên Cành, thế hệ các em sau này cũng có rất nhiều người tài giỏi, sáng tác rất thành công, đạt nhiều giải thưởng như: Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thúy Hằng, Bùi Thái Phúc…
Năm 2015, với sự nỗ lực của chị Trần Thị Huyền Tâm và sự hỗ trợ của các Búp ở Hà Nội, Thái Bình, lần đầu tiên, các thế hệ Búp Trên Cành tụ họp lại. Gần 40 năm, như những cánh chim trời, các “Búp Trên Cành” ngày ấy giờ đã trưởng thành, như những cánh chim bay đi muôn nơi, đa số có nghề nghiệp ổn định và thành đạt. Có người làm ở cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương, có người làm giáo viên, nhà quản lý doanh nghiệp…Đa số, chọn nghề giáo, dạy môn Văn, có bạn trở thành Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình như Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thúy Hằng… Từ lần gặp đầu tiên ấy, những thành viên Búp Trên Cành chúng tôi đã thực sự gắn bó như một đại gia đình, luôn liên hệ thường xuyên với nhau, chia sẻ vui buồn, động viên nhau trong cuộc sống, đặc biệt là khích lệ nhau tiếp tục sáng tác sau một thời gian dài có nhiều người “tạm gác bút nghiên”…
Giờ đây, khi đã xa quê hơm 35 năm, đã trưởng thành lên nhiều, nhưng với tôi, những tháng ngày được học tập ở Hội Văn nghệ Thái Bình là khoảng thời gian đẹp nhất, trong trẻo và hồn nhiên nhất, cho tôi những vốn sống và bồi đắp tình yêu văn thơ ngay từ thuở ấu thơ…Mãi mãi trong tôi là lòng biết ơn bác Bút Ngữ - người đã tâm huyết, nỗ lực để duy trì cho các lớp Búp Trên Cành trong suốt thời gian dài, và những người thầy không bục giảng: Nguyễn Văn, Lê Bính, Bùi Công Bính, Kim Chuông…đã chăm chút, vun trồng cho những mầm non văn học của tỉnh. Dù cho cuộc đời xô đẩy, nhiều người trong chúng tôi không thể trở thành nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng những vốn liếng được bồi đắp qua những ngày tháng ở Hội Văn nghệ cho chúng tôi sự nhạy cảm trong tư duy, sâu sắc trong tâm hồn, biết rung động trước cái hay, cái đẹp của cuộc sống. Và thêm nữa, chúng tôi đã có một ngôi nhà rất đặc biệt – “nhà Búp Trên Cành” đầy ắp yêu thương, để những đứa con đi xa như tôi luôn da diết hướng về, mỗi lần về bên nhau lại thấy thêm ấm áp và hạnh phúc…
Long An, tháng 6/2019.
Trần Thu Huê