- Lý luận - Phê bình
Thơ Bùi Thanh Huyền
Thứ ba - 09/03/2021 10:24
THƠ BÙI THANH HUYỀN
(Nxb Hội Nhà văn, 2021)
1. Một hồn thơ thuần khiết đam mê niềm yêu cuộc sống
Ngỡ như Bùi Thanh Huyền sinh ra để làm thơ, đề hồn nhiên yêu, hồn nhiên sống, hồn nhiên cảm nhận hết thảy những nâng niu, yêu chiều của cuộc sống và người thân. Vừa tốt nghiệp phổ thông, đất nước Liên Xô hiền hòa, tươi đẹp đã dang tay đón đợi, và kể từ đó, Chisinau - Moldova trở thành quê hương thứ hai của chị. Từ không gian nhỏ bé, nghèo khó của làng quê Việt Nam, Huyền đến với không gian rộng lớn, rực rỡ sắc mầu của một nền văn hóa, văn minh vào loại bậc nhất thế giới; choáng ngợp nhưng vẫn khiêm nhường nhận ra sự bé bỏng của mình; nhận ra sự hữu hạn trong cái mênh mang vô hạn để vẫn giữ mình trong sự thô ráp bản địa với những tươi non, thơ dại:
Em thấy mình bay trong mênh mang
Là chiếc lá vàng, là con chuồn chuồn nhỏ
Là điệu hát buồn, là mơ màng hạt cỏ
Là dải mây chiều chớp mắt mùa thu….
Trong trẻo, đam mê, ngập tràn tình yêu là những vần thơ nồng nàn viết về cuộc sống ở vùng quê xa mà rất đỗi ngọt ngào, thân thương (Nơi ấy mùa xuân, Nơi em vừa đi qua, Cổ tích mùa thu ….)
Có một mùa xuân vừa tách vỏ bước ra
Tháng Mười xanh ngơ ngác
Những xôn xao dịu dàng kết hạt
Cài lên tóc mùa xuân
Vẻ đẹp mát tươi của tâm hồn hòa cùng vẻ đẹp mát tươi của cuộc sống tạo nên những câu thơ đầy sức sống, quyến rũ như thế giới của cổ tích.
Huyền đã truyền cho người đọc cái mê say tình đời, tình người; khát khao cuộc sống, khát khao tình yêu:
Chỉ có thể là em
Tinh khôi từng hơi thở
Hạt sương trong veo mắt cỏ
Mùa Xuân đọng giọt trên cành…
Trái tim thơ ngây run rẩy khám phá tình yêu, run rẩy bóc gỡ từng lớp vỏ tinh khôi, trong trẻo với tất cả nồng nàn, tất cả đam mê, tất cả yêu say: “Anh là đồng cỏ xanh/ Em đi hoài không hết….”
Khát mãi, càng say càng khát. Nhưng Bùi Thanh Huyền không phá cách. Dù bùng lên nỗi khát, thơ chị vẫn mang nét dịu dàng, kín đáo như chính con người Huyền vậy. Luôn nâng niu, gìn giữ nét tinh khôi của mình:
Yếm đào ơi buộc dây
Giấu một miền khao khát
Này là nắng mới lên,
Này là hương vừa thức,
Bình yên và rạo rực
Dệt trong dải lụa mềm…
Trong sự thuần khiết nhất của mình, Bùi Thanh Huyền luôn nhớ về tuổi thơ. Nhớ về một góc thân thương đầy kỉ niệm. Nơi ấy có gian khó, có nhọc nhằn, có những bữa ăn chưa đủ, có đầy nỗi âu lo… nhưng lúc nào cũng khắc khoải mong chờ ngày gặp lại. Chị viết về ba, về mẹ, về dòng sông, mảnh ao, cánh cò, về những kỉ niệm, dẫu xa mà cảm xúc lúc nào cũng tươi non (Mẹ ơi, Thời gian cho ba, Vầng trăng tuổi thơ, Đôi hài của em…)
Con muốn trở về mảnh ao nhà ta,
Hoa súng nở lung linh mùa hạ,
Hương thiên lý hôn lên đôi má,
Hương đi lẫn vào ánh trăng…
Cửa sổ nhà mình có mở hay không?
Tan học về, biết mẹ không đi vắng
Thấy trong lòng điều gì yên tâm lắm,
Dẫu ngoài đường tàn khốc nắng và mưa.
Con muốn trở về bỏng dại, ngây thơ….
Đây là những vần thơ thật giản dị, không trau chuốt, hoa mĩ nhưng mẫn cảm với tất thảy đồ vật thân thuộc, bao bọc tuổi thơ- những thứ bé bỏng, bình thường, dễ bị quên lãng cùng năm tháng. Giọng mộc mà cuốn hút bởi nó chạm tới miền sâu thẳm trong mỗi con người. Mà quả thật, Bùi Thanh Huyền dường như cũng rất sợ sự lãng quên ở chính mình. Chị viết về miền trong trẻo ấy với tất cả sự trân trọng, bởi đó chính là hành trang mang theo; là một phần đời quan trọng của chị. Viết như một sự sám hối, như tự dặn lòng mình:
“Con sợ mất đi một góc nhỏ riêng tư….
“Con bận lòng với những vần thơ nơi đâu,
Truyện Kiều bỏ quên trong góc nhỏ…
Thậm chí nỗi sợ còn “khủng khiếp” hơn:
“Mẹ ơi. Con sợ lúc nào có một chàng trai đến với con
Con sẽ nhớ người ta nhiều hơn nhớ mẹ…
Trong ý niệm của Huyền, tình yêu luôn thánh thiện. Yêu là dâng hiến, cả trái tim, cả quá khứ, cả hiện tại… Đó phải là “Một tình yêu ngoan ngoãn”, tất cả đều thuộc về nhau, là của nhau:
Bây giờ anh đã có em
Quá khứ ấy thuộc về anh tất cả
Tóc có bay muôn chiều muôn ngả
Đã trở về ngoan ngoãn ngủ trong anh…
2. Trái tim thức với Khung trời rộng, cạn dần cơn gió
Bắt đầu yêu cũng là bắt đầu buồn, bắt đầu lo lắng. Âu đó cũng là quy luật của muôn đời. Huyền yêu với tất cả bản năng, tất cả ngọt ngào, vun vén nên quá nhạy cảm:
Tình yêu vào giấc mơ
Đôi mắt buồn đẫm ướt
Mắt tình yêu ngơ ngác
Mắt tình yêu giận hờn
Nhưng bao giờ cũng thật
Xa rồi mới thương hơn.
Buồn cả trong giấc ngủ. Lo lắng cả những lúc đang ở bên nhau. Người đàn bà nâng niu, chăm chút “nuôi tình yêu bé bỏng” với tất cả sự khao khát, tất cả niềm vui và nỗi buồn:
Nơi làn khói chiều ngập ngừng không muốn bay nhanh
Ô cửa sáng đèn giữa mênh mông tuyết
Em rót cho anh nồng nàn ánh mắt
Em trong ly rượu vang tinh khiết
Vị tình yêu ngọt chát trên môi
Cảm nhận “vị ngọt chát” trong “ly rượu vang tinh khiết” đầy ẩn ý. Có cái gì đó thật mong manh mà quyết liệt trong thơ của Bùi Thanh Huyền. Thiết tha yêu và nâng giữ tình yêu, nhưng dường như chị càng nâng niu, càng gìn giữ thì “khung trời rộng” càng “cạn dần cơn gió”:
Em chạy dọc mùa thu tìm anh
Chạy tức tưởi, chạy âm thầm, trong lá rụng…
“Tức tưởi”, “âm thầm”…. “trong lá rụng”…. Câu thơ day dứt và đầy ám ảnh.
Thơ Huyền đặc biệt nhạy cảm với những dự báo, dự cảm lo âu về những mất mát rủi ro, cô đơn tìm sự che chở: “Em cô đơn/ Mà mùa thu quá rộng/ Chạm vào đâu cũng là khoảng trống…”; “Gọi em, gọi em cánh chim lẻ loi/ Cứ đập mãi vào chiều một âm thanh rất mỏng”… Có thể thấy tứ này trong phần lớn các bài thơ của Huyền. Đó là Âm thanh của lặng im, Lời, Chia tay mùa hạ, Thu cạn, Đợi em mùa thu, Trái tim thức, Trải tim mỏi, Vắng yêu, Xóa, Không đề 1, 2, 3, 4, 5…
“Anh không nghe thấy em
Bến sông chiều vắng lịm….
Càng nắn nót, gìn giữ bao nhiêu, càng nơm nớp lo sợ bấy nhiêu. Gắng gỏi, kiệt sức để cố níu giữ cái mình hằng tôn thờ đang có nguy cơ bị tuột mất, bị hủy diệt:
Anh không nhìn xuống lòng sâu sao biết được
Ở nơi nào tình yêu của em?
Những sôi nổi, nông nổi, đắm say và tin tưởng đã trở thành nỗi lo âu, bất an. Tình yêu là sức mạnh chở che, gắn bó nhưng cũng thật mong manh, khắc nghiệt vô cùng:
“Anh bây giờ ở bên
Trái tim không gọi nữa…
“Anh trở về bỏng dại
Đất bỗng lạ dưới chân….
Là anh đấy, mà dường như không phải. Cái điều chị lờ mờ đoán định trong những dự cảm đang hiện ra hình hài rõ rệt:
“Bàn tay anh lại run rẩy đưa lên
Anh hoạ bức chân dung người đàn bà khác…
(Ảnh: Nhà thơ Bùi Thanh Huyền)
Huyền cũng giống như nữ thi sĩ Xuân Quỳnh: “Anh chờ em cho em vị bàn tay”, nhưng bàn tay ấy đã “bóc tờ lịch hôm qua” để “xoá trong lòng dấu vết thời gian”, để “có một ngày rơi đi, không ai còn nhớ nữa….” Những bình yên, những ngọt ngào mà Người Thơ ấy chắt chiu dành dụm trong cuộc sống bỗng chốc vỡ òa:
Em đã yêu, đã chờ đợi, ngẩn ngơ,
Đã một thời mùa thu là hạnh phúc
Để bây giờ em không còn biết khóc
Những kiếm tìm rơi dọc mùa thu…
Chơ vơ, khao khát một sự chia sẻ, một sự che chở, một kì vọng ở tình yêu nhưng trái tim hiền lành, đa cảm, đơn côi không dễ gì ai hiểu được:
Khung trời rộng, cạn dần cơn gió
Cạn dần thao thác cánh chim Thu….
3. Thảo nguyên xanh và dòng sông còn hát
Người ơi, về đây!
Ngày hao gầy trong nhớ…
Đã từng chờ mong, đã từng hi vọng:
Tìm những ngón tay run
Em níu vào một kiếp
Tìm lại da thịt khát
Uống cạn đáy hương nhau…
Nhưng vẫn vô tình, Người đi không nuối tiếc:
Bao lâu rồi Lời bỏ tôi đi.
Một thế giới không âm thanh màu sắc
Tôi mò mẫm tìm tôi,
Chạm vào nước mắt
Chạm vào tiếng nấc
Chạm vào nỗi đau lặng câm.
Chị dằn vặt trong đơn côi, vô vọng, “Tìm anh trong biển đêm/ Trong ánh ngày ồn ã/ Một rừng người xa lạ/ Em tìm anh, tìm anh!”.
“Những âm thanh của lặng im” cào xé “trái tim mỏi” nhưng rồi, bền bỉ, mãnh liệt, người đàn bà Thơ ôm “nỗi đau lặng câm” đã tìm về sự dịu dàng bản chất, nguyên vẹn của mình:
Thôi, đừng cố nữa anh
Trái tim em đã mỏi
Thoi thóp niềm mong đợi
Từng giọt yêu mỗi ngày…
Hiểu rằng, những ngày tháng tiếp theo trong nỗi đau chia lìa sẽ vô cùng chênh chao:
Đường em đi về đâu?
Chênh chao và xa ngắt
Em như giọt nước mắt
Cõng một trái tim đau…
Nhưng tuyệt nhiên không bi lụy. Dường như thơ Bùi Thanh Huyền không có chỗ cho sự cay nghiệt, phá phách. Trái tim lớn, tình yêu lớn đã vượt lên nỗi đau, hiền hòa, bao dung trong mỗi nghĩ suy về “người ấy”; vẫn lo lắng, vẫn mong mỏi Người được hạnh phúc như đã từng hạnh phúc trong những tháng ngày được chị chăm lo, nâng giấc:
“Sẽ là những ngày tháng không em
Làn gió mới của một ban mai khác…
“Hãy bay đi chú ngựa nhỏ của em!
Bay về phía miền khao khát mới…
Chị kiêu hãnh nuôi giữ kỉ niệm, nuôi giữ những ước mơ, cũng chính là giữ cho lòng mình luôn thanh sạch; giữ cho Người được thanh thản ở một “miền khao khát mới”:
Nuôi Tình yêu như nuôi đứa con hoang
Không hề đợi ngày Người trở lại
Kiêu hãnh giữ cho mình những năm tháng ấy…
Tôi quý Huyền ở chỗ đó!
Thích thơ Huyền cũng vì vậy!
Với Bùi Thanh Huyền, cho dù viết về điều gì, từ khi còn là một thiếu nữ ngây thơ cho đến khi trưởng thành, là một thiếu phụ đã trải nghiệm đến tận cùng nỗi đau thế sự thì vẫn nhất quán một giọng thơ thiết tha, say đắm. Từ hồn nhiên yêu người tình đang tới đến yêu đau đớn người tình đã bỏ đi. Từ đắm say, tươi mát trong chở che đến đắm say, tươi mát trong sự bao dung, tha thứ. Từ rạo rực đón đợi đến âm thầm cô đơn, Huyền cũng không bao giờ ngã lòng. Chị vẫn yêu. Yêu những cái đã có, đang có, và yêu cả những gì đã mất. Trái tim chị vẫn luôn thức đập:
Vẫn có dáng người ngồi trong chiếc ghế bỏ không
Vẫn còn bản tình ca ngân lên từ phim đàn nín lặng…
Câu thơ sâu nỗi đau của một tình yêu lớn!
Vắng yêu!
Huyền vẫn viết. Viết để đam mê mỗi sớm mai, mỗi hoàng hôn, mỗi trăng đơn lẻ… Viết để “Tìm rất xa, rất sâu” những “Âm thanh của lặng im”…
Viết cùng Trái tim thức!
Đọc Huyền, khó có thể đọc nhanh, đọc vội. Đọc rồi gấp lại. Rồi chiêm nghiệm, nghĩ suy, lắng nghe tiếng lòng, tiếng nhạc. Lắng nghe Âm thanh của lặng im; lắng nghe Tim thức… của người đàn bà đa đoan, mà ngây thơ; khát khao niềm yêu cuộc sống nhưng không đánh đổi tất cả; cứ chầm chậm cảm nhận, chầm chậm “ngộ” ra cái mình đang thiếu, đang mất để giữ cho lòng thanh thản, an nhiên:
Trong ban mai biêng biếc ngọt xanh
Đôi cảnh nhỏ lung linh giọt nắng
Rưng rưng đất trời tràn trên đôi cánh
Cả nhân gian bỗng hóa mật ngọt ngào…
Tôi biết, với Huyền, “Thảo nguyên xanh và dòng sông còn hát”, nên vẫn đợi em một ngày mai!
An Bình, Ngày Thơ Việt Nam
Lã Thị Bắc Lý