• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Nơi “Cánh hạc bay về”

Thứ hai - 07/12/2020 18:57

 

Chợt nhớ một nhạc phẩm của Trịnh:

 

”Vai em gầy guộc nhỏ

Như cánh hạc về chốn xa xăm”

 

Nhớ ngày xưa thời sinh viên ngồi một mình say mê khúc: “Nắng có gầy bằng...”

 

Nhạc Trịnh mê hoặc như cánh bướm Trang Chu. Càng không giải mã được càng hát như để khoe bản sự của mình. Sau này, đi vào Đại Đạo, trở thành một lạp tử trong nó thì thấy những lời Lão Trang nghiêm túc phi thường, thực tế có thể mở con đường tìm chân lý. Thấy mình bị lừa mị bởi những xác bướm không hồn.

 

Thực ra, có những thế giới những con đường những chân lý đã từng hé mở cho nhân loại đi. 

 

Những con đường độc đạo ấy ít ai đi; ít người dám bước. Vì vậy, thế nhân coi đó như những thế giới truyền thuyết và nhìn nó bằng lăng kính nghệ thuật.

 

Hầu như ai đã sống cùng Đạo, thì cảm nhận về nó bình dị và cho ta gần gũi tự nhiên.

 

Tựa đề là “Cánh hạc bay về” nghe như là ước lệ một hình tượng văn chương thoát tục. Nhưng đọc khổ đầu thì ta bỗng thấy nhẹ nhàng và chẳng cầu kỳ gây sốc như nhạc Trịnh:

 

“Ta đến bên đời như sợi nắng mai

Thoáng bối rối trước nụ cười thuở ấy

Ánh mắt xưa thức yêu thương bừng dậy

Phút chạnh lòng, ta chợt nhớ... rồi quên...”

 

Tự bạch mà là đối thoại.

 

Ừ, thì ai mà chẳng sống trong dòng đời này tuỳ theo mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi mà người ta có thể so sánh mình như nắng như sương. Nhân vật “Ta” thấy mình đến cuộc đời này không phải là ghé thăm quán trọ trần gian này như Phạm Duy từng thổ lộ:

 

“Từ cõi xa xôi muôn nghìn thế giới; 

anh đã vui chơi ghé qua cuộc đời...”

 

Trần Huyền Tâm đến với đời giản dị như như một sợi nắng. Có một tập thơ trước đây nhà thơ chẳng đã đặt tên cho nó là “Giọt nắng vô thường”.

 

Hình như giọt nắng thì đã ly thể các tầng trời. Còn sợi nắng thì vẫn còn những liên đới với các tầng không gian mà mình đi tới. Cái sợi nắng ấy là nhân thể của hiện tại thấy được chính mình, thấy được tự ngã của mình trong quá khứ:

 

“Thoáng bối rối trước nụ cười thuở ấy

Ánh mắt xưa thức yêu thương bừng dậy”

 

Sợi nắng ấy bối rối trước nụ cười thanh tân thuở xa xưa ấy. Nó bồi hồi nhớ rằng ngày xưa ánh mắt cùng nụ cười ấy đã đánh thức những yêu thương vốn ngủ mê bừng sự sống.

 

Như vậy, nhân vật “Ta” đã ghé cuộc đời này ít nhất một lần trong tiền kiếp. Sự tái hồi hôm nay, cái thời Mạt thế này, nhìn mình ngày xưa mà thấy:

 

“Phút chạnh lòng, ta chợt nhớ... rồi quên...”

 

Ta quên ta vốn trên kia. Ta sống hạnh phúc với những giá trị của người cõi thế. Cái cõi Mê mà Thích Ca Mâu Ni từng giảng.

 

Tháng Giêng, Hai, Ba rồi đến tháng Tư như một sự đối ứng của kiếp người Sinh Lão Bệnh Tử; như quy luật vũ trụ Thành Trụ Hoại Diệt.

 

Mang theo cái tâm thái của người đã phát hiện ra những năm tháng đến bên đời chẳng thanh khiết vẹn toàn, nhân vật “ta” đi qua tháng Giêng:

 

“Ta đi qua bung biêng tháng Giêng”

 

Mà chỉ thấy:

 

“Cơn gió lạnh thoảng mặt hồ hiu quạnh

Bàn chân vô vi thả bước về tĩnh lặng

Mặc bụi đường nhòe mí ướt ưu tư.”

 

Hiu quạnh, tĩnh lặng, ưu tư dù có chút vô vi không thực chất.

 

Tháng Hai, cho ta cảm giác những hạnh phúc của con người. Một trần thế thật đáng sống với sắc màu, hương thơm, âm nhạc…

 

“Tháng Hai dịu dàng đơm giọt nắng ban trưa

Rót ngân nga trải thảm vàng trên phố”

 

Nhưng tháng Ba, nó đã với thường rồi:

 

“Hoa Tháng Ba chênh chao từng ô cửa

Hương mùa nào còn thắm cánh đào phai.”

 

Tháng Tư đã cho ta một cảnh tượng khác khi “ta” nhìn thấy một cảnh giới khác:

 

“Ta thấy cỏ mềm sóng sánh giọt ban mai

Hoa vàng nở tưng bừng quê xa đó

Ánh mắt yêu thương xin đừng gây dông tố

Để Tháng Tư nhẹ lòng từng nhịp bước tinh khôi.”

 

Có lẽ sợi nắng kia đã lên trên ấy và đã gặp cảnh giới khác. Cũng có lẽ Tiên Thiên mách bảo “ta” như vậy!

 

Giọt ban mai”, “bước tinh khôi” đều cho ta cảm giác trở về nguồn!

 

Và bây giờ thì chắc ai cũng hiểu:

 

“Tự soi mình, sẽ đắc, tự nhiên thôi

Sóng cuốn cát đi, chỉ còn vàng ở lại

Có duyên lành, người ơi đừng mê mãi

Hãy cùng ta theo cánh hạc bay về!”

 

Có duyên lành, có nhập cuộc, có hướng nội soi mình... thì ngày theo cánh hạc không xa, ngày trở về của sợi nắng ấy cũng rất gần:

 

“Ta mong tới ngày chúng mình trở về quê...”

 

Sài Gòn 16/7/2019

Anh Vũ

----------

* Tên bài thơ in trong tập thơ "Diệu khúc thời gian" của Trần Huyền Tâm - NXB Hội Nhà văn 2019

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.