- Lý luận - Phê bình
Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ
Thứ sáu - 15/01/2021 09:58
(Ảnh: Trần Bảo Toàn)
Ngẫm đi ngẫm lại, thấy cha ông ngày xưa nói thật đúng rằng, về tâm tính, con người dường như trẻ nít lại. Hình như qua bao bể dâu tang điền, chuyến tàu Sinh, Lão, Bệnh, Tử đang chậm dần đều để cho hành khách có thời gian suy ngẫm mà bước xuống sân ga vĩnh cửu của vòng quay ba vạn sáu ngàn ngày ngắn ngủi.
Thửa còn nhỏ, tôi được những “Tấm Cám”, “Cây khế” và những câu ca dao như dòng sữa thiêng liêng nuôi lớn linh hồn. Rồi biền biệt vào Nam kiếm sống, khi mẹ bệnh nặng, tôi mới được gần bà. Thật thú vị được nghe Mẹ kể những câu chuyện của thời con gái xa lắc lơ trong ký ức. Vậy mà tôi tin. Tin hơn thời còn nằm khoanh tròn như con mèo ốm trong lòng Mẹ.
Nhà ngoại có bốn người con gái. Mẹ tôi lấy tên của ông ngoại là Đào; dì kế là Lựu nhưng người dì đẹp nhất, thăng trầm nhất, có cá tính kỳ lạ nhất là dì Trúc.
Mẹ kể, gần được đầy năm thì dì khóc ngặt khóc nghẽo. Bé gái ấy không uống sữa. Khóc ngày này qua ngày khác. Dùng mọi phương cách đều bất lực. Ông ngoại vốn là thầy thuốc, đã từng kinh lịch Bắc - Nam mà cũng đành chịu.
Các thầy cúng đã phán ngày ra đi của bé. Hôm ấy, người ta mài dao, người ta dẫn bà ngoại sơ tán, người ta đốt cả một rừng hương nhang để làm cái việc giết người đuổi vong.
Đúng ngọ khai đao với linh hồn bé nhỏ thì trước đó một chút, có một nhà Sư mặc áo nâu sồng từ bên kia sông chèo xuồng nhỏ sang. Sư điềm tĩnh bước vào cái gia đình đầy âm khí ghê rợn đó. Mọi người đảnh lễ cung kính. Sư lại gần bé gái đang thoi thóp và khóc nấc từng đợt.
Không hiểu ông làm gì mà đứa bé im bặt, thiêm thiếp trong tay ông. Mọi người dìu bà ngoại về. Thật hạnh phúc mẹ con đoàn tụ. Bú căng bụng. Bé ngủ.
Và sau đó cái tên Hòe khai sinh của bé đã được thay đổi. Dì mình mang tên ông Sư ấy. Đó là Dì Trúc kính yêu của mình.
Sau bao nhiêu biến đổi của dòng đời, dì làm đủ nghề, lấy chồng làm quan lớn, con cái thành đạt.. Dì bỗng xin lên thiền viện Trúc Lâm hơn chục năm. Và giờ đây gì là Sư cai quản một ngôi chùa lớn...
Mẹ còn kể rất nhiều chuyện nữa. Mẹ tin và tôi cũng rất tin vào những thế giới bên kia chi phối con người hiện hữu bên này...
Khi trẻ con người tin vào bản sự của cá nhân mình. Để có danh làm ông này bà nọ; để có chức quyền chân chính, người ta thường lấy tiêu chí trình độ chuyên môn và trình độ học vấn, văn hóa làm thước đo.
Bụng đầy kinh luân trong thế giới hôm nay phải là khoa học. Chỉ có khoa học mới làm nên một tiến sỹ ,một giáo sư, một trí thức....
Hiển nhiên, thế giới tâm linh và những câu chuyện kể trên được gọi là Mê Tín, là do trình độ thấp kém về khoa học mà người ta mới tin vào nhảm nhí. Người ta tin khoa học chưa bước tới đó chứ không có gì là khoa học không lý giải được!
Nhưng, càng gần cái thời kỳ cuối của thời Mạt Pháp, thời Tận Thế mà Đức Phật, Đức Chúa nói thì những ai có trí tuệ bắt đầu nhìn thấy những mặt trái của khoa học.
Các hiện tượng tâm linh ngày xưa ấy đã xuất hiện dày đặc và làm cho các nhà khoa học hoang mang. Họ đành phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về xác tín của Newton của Eisenstein là có Thượng Đế, có những thế giới khác đang chi phối thế giới nhỏ bé như hạt bụi là Trái Đất và Hệ Ngân Hà này...
Nếu ai nghiên cứu và chứng thực nhiều hiện tượng "hồn nhập" "chiếm xác" thông qua trải nghiệm bản thân hoặc được kể lại và lý giải theo quan điểm của Phật Gia và Đạo Gia thì điều này không có gì lạ!
Truyện cổ tích Việt Nam có một câu chuyện khá độc đáo. Nó đã cố định làm một thành ngữ với cách sử dụng chứa nhiều sắc thái ý nghĩa hơn. Câu chuyện "chiếm xác, hồn nhập" của hồn ông Trương Ba đầu thai vào xác thân của kẻ đồ tể mổ heo chính là nguồn gốc xuất xứ của thành ngữ: "Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt".
Theo Vũ Nguyên Hanh, trong sách "Sử Nam chí dị" thì chép: "Hồn phách Trương Ba, xương da hàng thịt".
Có lẽ xu hướng của thành ngữ là 4 tiếng nên chúng ta đã dần định hình lại như vậy cho gọn. Thực ra, với người xưa "hồn phách, xương da" không giản đơn như hồn và da!
Chúng ta hãy dành chút thời gian để đọc câu chuyện này trong "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" của Nguyễn Đổng Chi.
HỒN TRƯƠNG BA DA HÀNG THỊT
Ngày xưa, có một người tên là Trương Ba, còn trẻ tuổi nhưng đánh cờ tướng rất cao. Nước cờ của anh chàng không mấy ai trong thiên hạ địch nổi. Bao nhiêu giải cờ trong những hội hè mùa xuân đều về tay anh. Tiếng đồn vang khắp nước, sang đến tận Trung-quốc. Buổi ấy ở Trung-quốc có ông Kỵ Như cũng nổi tiếng cao cờ. Khi nghe tiếng Trương Ba, Kỵ Như liền xách khăn gói sang Nam tìm đến tận nhà tỉ thí. Hai người đọ tài nhau mấy ván liền không phân thua được. Nhưng đến ván thứ ba, Trương Ba dồn Kỵ Như vào thế bí. Thấy đối phương vò đầu suy nghĩ, Trương Ba kiêu hãnh bảo:
- Nước cờ này dù có Đế Thích xuống đây cũng đừng có hòng gỡ nổi.
Bấy giờ Đế Thích là thần cờ đang ngồi trên thiên đình, bỗng nghe câu nói hỗn xược của Trương Ba xúc phạm đến mình, liền cưỡi mây xuống trần định cho y biết tay. Trương Ba và Kỵ Như đang đánh, chợt có một ông cụ già đến ngồi cạnh bàn cờ. Ông cụ thủng thỉnh mách cho Kỵ Như mấy nước. Phút chốc bên Kỵ Như chuyển bại thành thắng. Trương Ba cau có, trong bụng tức giận ông già ở đâu đến làm cho mình lâm vào thế bí. Nhưng nhìn thấy ông cụ râu tóc trắng xóa, mặt mũi không có vẻ là người trần, chàng chợt hiểu, liền sụp xuống lạy mà rằng:
- Ngài hẳn là thần Đế Thích đây rồi, tôi người trần mắt thịt không biết, xin thứ lỗi.
Đế Thích cười bảo:
- Ta nghe nhà ngươi tự phụ là cao cờ nên xuống xem cho biết.
Trương Ba liền giữ Đế Thích lại mua rượu, giết gà khoản đãi rất chu tất. Đế Thích tuy mới gặp cũng rất yêu mến Trương Ba. Thấy anh chàng khẩn khoản muốn học nước cờ của mình, Đế Thích bảo: “Ta thấy nhà ngươi có bụng chân thành. Vậy ta cho một nén hương này, mỗi lần cần đến ta thì thắp lên một cây, ta sẽ xuống”. Nói đoạn, cưỡi mây bay về trời.
Từ đó, Trương Ba thỉnh thoảng lại dọn cỗ mời thần Đế Thích xuống chơi. Hai bên rất tương đắc. Nhưng một hôm Trương Ba bị cái chết mang đi một cách đột ngột. Sau khi chôn cất chồng, người vợ dọn dẹp nhà cửa. Thấy có nén nhang dắt ở mái nhà, chị ta vô tình lấy xuống đốt lên cắm trước bàn thờ chồng. Ở thiên đình, thần Đế Thích nhận được tin bằng mùi hương bèn xuống ngay. Thấy vắng mặt Trương Ba, Đế Thích ngạc nhiên:
- Trương Ba đâu?
Vợ Trương Ba sụt sùi:
- Nhà tôi chết đã gần một tháng nay rồi!
- Chết nỗi, sao lúc mới tắt nghỉ không gọi ta xuống liền, để đến bây giờ còn làm thế nào được nữa.
Suy nghĩ một chốc, Đế Thích lại hỏi thêm:
- Trong xóm hiện nay có ai mới chết không?
Vợ Trương Ba đáp:
- Có một người hàng thịt mới chết tối hôm qua. Thần Đế Thích bảo chị ta dẫn mình đến nhà người hàng thịt rồi bảo nhỏ với chị: - "Ta sẽ kiếm cách làm cho chồng nhà ngươi sống lại". Nói xong thần hóa phép rồi trở về Trời.
Nói chuyện trong nhà người hàng thịt lúc đó, mọi người đang xúm quanh linh sàng khóc lóc kể lể thì tự nhiên thấy người chết ngồi nhỏm dậy. Hắn ta vất tất cả mọi đồ khâm liệm rồi chẳng nói chẳng rằng đi thẳng một mạch về nhà Trương Ba. Vợ Trương Ba thấy người hàng thịt biết là thần Đế Thích đã làm cho chồng mình sống lại, mừng rỡ đón vào. Giữa lúc đó thì vợ con người hàng thịt cũng chạy theo níu lấy chồng. Nhưng không những họ bị vợ Trương Ba giằng lại, mà ngay chính chồng họ cũng nhất định không chịu về. Đôi bên cãi cọ nhau cuối cùng biến thành một cuộc đấu khẩu rất kịch liệt. Xóm làng không biết phân xử ra sao, đành đem việc đó lên quan.
Quan cho đòi các nhà hàng xóm tới hỏi cung thì ai cũng bảo người sống lại đó là anh hàng thịt. Nhưng chỉ có vợ Trương Ba thì nhất định nhận là chồng mình. Quan hỏi: - "Chồng chị ngày thường làm nghề gì?". Đáp: - "Chồng tôi chỉ thạo đánh cờ mà thôi". Quan lại hỏi vợ người hàng thịt: - "Chồng chị ngày thường làm nghề gì?". Đáp: - "Chồng tôi chỉ thạo nghề mổ lợn".
Nghe đoạn, quan sai đem một con lợn vào công đường cho anh hàng thịt mổ, nhưng anh ta lúng túng không biết làm thế nào cả. Quan lại sai mấy người giỏi cờ vào tỷ thí với người hàng thịt thì không ngờ con người đó đi những nước cờ rất cao không ai địch nổi. Quan bèn phán cho về nhà Trương Ba.
Vì thế mới có câu "Hồn Trương Ba, da hàng thịt".
(Còn nữa)
La Vinh