• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Ấm áp khi đọc tác phẩm “Sống vì người đã chết” của nhà văn Hoàng Dự

Thứ sáu - 30/10/2020 17:56


(Ảnh: Trần Bảo Toàn)


Đọc truyện ngắn Sống Vì Người Đã Chết của nhà văn Hoàng Dự in trong tập sách cùng tên do nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2005, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về câu nói của một danh họa: “không có gì đẹp hơn bản thân lòng yêu quý con người”.


Hoàng Dự là một tác giả viết không nhiều do phần lớn thời gian của anh dành cho công tác quản lý: Trưởng ban biên tập “Phát Thanh Thanh Niên”, giám đốc “Trung Tâm Truyền Hình Thanh Niên”, Tổng biên tập báo “ Thanh Niên Thời Đại”, rồi Tổng biên tập báo “Thể Thao Việt Nam”.... Nhưng tác phẩm nào của anh cũng đều để lại ấn tượng đẹp và sâu sắc cho người đọc. Nếu tiểu thuyết “Nợ Đời” là quả núi trong sự nghiệp văn chương của Hoàng Dự với gần chục lần tái bản, khi được chuyển thể thành phim truyền hình đã trở thành phim “làm mưa làm gió” suốt những năm 2004 – 2005 thì “ Sống Vì Người Đã Chết” lại là một bếp lửa nồng nàn ấm áp tình người, tình phụ tử, tình thân. Nhà văn Võ Khắc Nghiên đã viết: “Sống Vì Người Đã Chết” gồm những truyện ngắn mang một chủ đề rõ rệt: dù chiến tranh đã lùi xa 30 năm, những con người Việt Nam vẫn còn phải chịu di chấn nặng nề mà hồi ức thương nhớ, hoài niệm và tự hào về một quá khứ hào hùng luôn thôi thúc nhắc nhở những người đang sống phải nỗ lực hết mình để xứng đáng với người đã khuất”.


Trong các loại hình văn học, truyện ngắn có thế mạnh riêng của nó. Đó là sự súc tích với những hàm lượng thông tin phong phú nhưng được chắt lọc tinh túy nhất. Những chuỗi sự kiện được dồn nén nối tiếp nhau tạo nên một dòng chảy liên tục quanh một tình huống truyện làm nổi bật cốt truyện ,ý tưởng,ý nghĩa của truyện. Hoàng Dự đã khai thác thế mạnh này của truyện ngắn đem đến cho người đọc một tác phẩm bộn bề hiện thực nhưng cũng thấm đẫm giá trị nhân văn cao đẹp.


Chuyện mở ra trong một tình huống éo le: bố của Hoàng Vũ (người kể chuyện) là anh nuôi của cô Thái con cụ lang Thành – một thầy lang giỏi nghề, nhân ái được nhiều người quý trọng. Cô Thái có người anh trai tên là Tân đi bộ đội đã hy sinh. Cụ lang Thành đổ bệnh ( bệnh tinh thần) do thương nhớ và đau xót vì mất con. Bà lo lắng cho ông cũng đổ bệnh theo. Bệnh của cụ không bệnh viện nào chữa khỏi. Thương cha mẹ, cô Thái tìm đến nhà nhờ Hoàng Vũ giúp. Hoàng Vũ đã sửng sốt kinh ngạc khi nghe cô Thái bảo “ chỉ có cách là làm cho bác Tân sống lại, tức là cô và cháu phải làm cho ông bà có được một niềm hi vọng là bác Tân không chết”. Vũ “dựng tóc gáy” khi nghe sáng kiến táo bạo của cô Thái. Nhưng cuối cùng anh bị thuyết phục bởi quyết tâm của cô và chính tình thương của anh dành cho ông bà lang Thành.


Thế là Hoàng Vũ bị cuốn vào một chuỗi kế hoạch diễn ra. Lúc đầu có sự chuẩn bị kỹ của cô Thái. Vũ phải tập viết bắt chước chữ bác Tân để gửi thư về cho ông bà. Nhận được thư, ông bà không cần thuốc mà khỏe lại. Vũ “ đã thở phào nhẹ nhõm … chắc ở suối vàng bác Tân không nỡ trách anh và cô Thái”. Hoàng Dự đã xây dựng tác phẩm đầy kịch tính khi tình huống oái oăm và những thử thách, những đòi hỏi khao khát được gặp con của ông bà lang càng lúc càng tăng khiến cho Vũ và cô Thái càng phải vắt óc ra mà tìm giải pháp.


“Vũ cảm thấy như xỉu đi khi ông bà yêu cầu xin một tấm ảnh của bác Tân cho đỡ nhớ”. Một chiến dịch làm ảnh bận rộn suốt gần 3 tháng với sự trợ giúp của nhiều nhiếp ảnh có uy tín làm Báo Ảnh, Thông Tấn Xã dựa trên tấm ảnh cũ của bác Tân. Có ảnh ông bà sung sướng chuyền tay nhau xem đi xem lại “ánh mắt lấp lánh, da mặt rạng rỡ, nụ cười và những giọt nước mắt rơm rớm vì hạnh phúc”. Nhưng chiến dịch chưa kết thúc ở đó, Hoàng Dự đưa người đọc đến với những tình tiết oái oăm hơn,nan giải hơn vì thế cũng hấp dẫn hơn, đó là: ông bà lại đòi xin phép lãnh đạo để được gặp bác Tân. “ Ảnh có thể tạo,người thật thì phải làm sao?”. Cùng đường, hai cô cháu lại phải hội thảo tìm phương án đối phó... cứ như thế, có khi bế tắc Hoàng Vũ phải bịa ra “một câu chuyện rất linh tinh” nhưng không thể khác: rằng bác Tân đã được tổ chức cho phép xây dựng gia đình bí mật với một bác sĩ và có 2 đứa con một trai một gái…, để động viên khi ông bà sợ mang tội bất hiếu với tổ tiên vì không có cháu nội nối dõi tông đường.


Đỉnh điểm của khó khăn thách thức, cũng là cao trào của kịch tính là tình huống ông bà khao khát được gặp mặt con dâu và cháu đích tôn một lần trước khi nhắm mắt (sau khi Hoàng Vũ và cô Thái bịa ra chi tiết bác Tân bị thương đang điều trị tại Liên Xô chờ khỏi mới được về nước). Mong muốn của ông bà lang Thành đúng vào thời kỳ Hoàng Vũ đang ôn thi tốt nghiệp lớp đào tạo cán bộ quản lý. Hàng ngày anh phải bù đầu óc vì bài vở nhưng vẫn phải tìm người đóng giả con dâu và cháu nội cho các cụ. Vũ cảm thấy mệt mỏi khổ sở nhưng cô Thái bảo “thôi thì vì người đang sống, cô cháu mình đã làm người chết sống lại. Nhìn ông bà héo mòn thế này… thôi thì chúng ta hãy đem lại cho các cụ một niềm vui cuối cùng”. Thương ông bà và cô Thái, Hoàng Vũ lại phải quyết tâm tìm diễn viên cho vở kịch mà khi bịa ra để an ủi ông bà anh cũng không lường hết được sự phức tạp của nó. Nhưng lòng nhân quả có sức lay động và cộng hưởng lớn lao! Qua nhiều lần nhờ vả, cuối cùng có một cặp vợ chồng ở bệnh viện quân đội đồng ý giúp Vũ thực hiện màn kịch này. Điều thú vị là: “ như có trời phật giúp cháu bé trai của anh chị Thuận có khuôn mặt giống bác Tân như đúc”. “Đây là một vở kịch khó nhất trong lịch sử sân khấu nước ta thời hiện tại”. Là một vở kịch không có thật nhưng phải diễn cho thật không được phép sai sót... “ai cũng là diễn viên, ai cũng căng thẳng đến nghẹt thở”. Vũ và cô Thái đã đón ông bà lên Hà Nội, làm cho ông bà cảm thấy thực sự ở nhà con dâu được sống vui vẻ với hai cháu. Đó là những ngày hạnh phúc của ông bà.


Rồi sự ra đi thanh thản của ông bà lang Thành sau khi tin rằng họ đã có cô con dâu hiếu thảo, có cháu đích tôn và một cháu gái dễ thương.... Cái kết của truyện nhẹ nhàng nhưng ấm áp. Nhà văn Hoàng Dự đã từ hiện thực cuộc sống của hàng triệu gia đình Việt Nam vừa trải qua chiến tranh mất mát để khái quát thành một truyện ngắn thật hay thật hấp dẫn đầy kịch tính và thấm đẫm giá trị nhân văn cao cả. Tác phẩm gợi liên tưởng đến sự hy sinh thầm lặng nhân ái của những nhân vật trong một bộ phim nổi tiếng “Bao Giờ Cho Đến Tháng 10” của đạo diễn Đặng Nhật Minh.


Sống Vì Người Đã Chết như một vở bi kịch nhưng vở bi kịch ấy có cái kết bất ngờ và hoàn hảo “có lẽ tình yêu con cái,khát vọng sống để hy vọng có ngày đoàn tụ của ông bà đã làm lay động tình cảm của tất cả những người tham gia vào câu chuyện li kì này. Đó là sức mạnh của một niềm tin thật lớn lao thật thiêng liêng thật kiên cường” – nhà văn Hoàng Dự đã từng tâm sự như vậy về các nhân vật của mình.


Câu chuyện không dài nhưng sức lay động và thông điệp sâu lắng ấm áp mà nó gửi đến cho người đọc, gửi đến với mai sau thật dạt dào, bền bỉ. Những trang văn như thế sẽ như những dòng sông ký ức lưu lại những yêu thương đau khổ nhưng vẫn đẹp đẽ ân tình như một bản tình ca qua đạn lửa gửi đến mai sau. Khép lại tác phẩm một chân lý bình dị mà sâu sắc được mở ra “ cả ông bà đều không biết được rằng trong suốt một thập kỷ… bao người như cô Thái, Hoàng Vũ, vợ chồng anh Thuận- hai cháu Thành và Trang con của anh chị và biết bao người khác nữa đã “sống cùng người đã chết” làm sống lại một con người, làm sống lại một tình yêu và niềm tin vào sự trường tồn của tình cha con, tình mẫu tử”.


22/07/2020

Sóng Biển

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.