• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Ngẫm về thời gian trong thơ Trần Huyền Tâm

Thứ ba - 03/12/2019 23:42

Cầm trên tay tập thơ của chị Trần Huyền Tâm, cứ lật giở thêm từng trang, ngân nga thêm từng bài, nghĩ dài nghĩ xa về những năm tháng đã qua, những ngày giờ chưa tới, tôi thấy mình có lỗi với thời gian.

 

Nói có lỗi với thời gian, bởi cũng từng bước qua những tháng năm đời người với mỗi năm bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhưng những xô bồ hối hả khiến tôi bước vội qua những phút giây đáng nhớ - những khoảnh khắc quý trọng. Còn Huyền Tâm, lúc nào tôi cũng cảm thấy chị có được tâm thế tĩnh lặng mà nhìn thời gian, ngắm thời gian và giữ thời gian lại trong thơ một cách dịu dàng, trìu mến.

 

Dễ nhận ra chị vốn rất nhạy cảm với thời gian. Nhìn thấy bốn mùa Xuân - Hạ- Thu - Đông trong thơ chị. 

 

Đó mùa Xuân được chị ghi lại bằng những thanh âm trong trẻo của sự sinh sôi nảy nở. Tôi nhìn thấy chị, đứng ở một góc xuân nào đó, tĩnh tâm lắng nghe mùa Xuân, tĩnh tâm tận hưởng từng phút giây mùa Xuân của riêng mình.

 

Có tiếng mầm non lách tách dâng lên

Có tiếng chim ca, tươi vàng sợi nắng

Lòng người tĩnh còn hoa thì tươi thắm

Mùa đang sang theo phác thảo riêng mình

(Mùa xuân về)

 

Ở một mùa Xuân khác, tôi lại thấy cô gái xuân thì Huyền Tâm với tâm tư nữ tính, trữ tình ùa vào ngày mới với biết bao háo hức và say mê nhưng vẫn đủ tinh tế và bình tĩnh.

 

Giọt xuân bay nhè nhẹ

Mắt lá ngời long lanh

Tơ trời xanh thật xanh 

Lời hoa thơm mật nắng 

(Xuân nay đến độ)

 

Ngay cả mùa hè oi bức chúng ta vội đi qua. Mấy ai đủ chậm mà ngắm nhìn oi bức. Vậy mà chị vẫn dừng chân ở tháng Năm. Từng màu sắc của mùa hè in dấu, cho tôi thấy đâu đó một tâm hồn thi nhân giàu rung cảm và rất đỗi bao dung. Từng sắc màu mùa hè chị giữ lại trong thơ đã khiến tôi giật mình vì đã có một hôm nào đấy, trong một mùa hè nào đấy, tôi đã từng choáng ngợp trước những sắc màu sực nức hương mùa hè như thế:

 

Lấp lánh ngàn đoá sen dâng hương

Hàng hoàng điệp dệt sắc vàng trên cỏ

Muôn cánh phượng thắm hết mình trước gió

Viên dung mùa qua nét chữ vần thơ

(Sắc màu tháng năm)

 

Thơ chị đi qua các vùng thời gian bằng nhịp bước của thiên tính nữ. Chất nữ tính của thơ Trần Huyền Tâm ẩn giấu trong mỗi bài thơ, thấm nhuần trong tư tưởng, tình cảm, hình ảnh, ngôn ngữ và giọng điệu. Tính nữ ấy vừa kín đáo vừa rõ nét, vừa vô hình vừa hữu hình, vừa bắt buộc vừa tự nhiên. Dù ở dạng thức nào, tôi cũng nhìn thấy một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, giàu lòng trắc ẩn… Sự trắc ẩn ấy thể hiện rõ nhất ở việc chị luôn ưu ái dành nhiều thi hứng cho những khoảng khó ở của các mốc thời gian trong năm. Ấy là những lúc chuyển mùa.

 

Đó là tháng Tư gió nồm giao mùa Xuân Hạ, Riêng tháng Tư thôi, chị đã viết nhiều bài với nhiều sắc thái khác nhau. Cũng có khi chị nhìn tháng Tư từ gió, bằng cái chao nghiêng rơi rụng của các loài hoa. Ấy là khi tháng Tư thuộc về nửa lưu luyến cuối Xuân.

 

Bâng quơ ngọn gió Tháng Tư

Rơi rơi đôi bông gạo đỏ

Hoa sưa buông mình xuống cỏ

Hoa xoan rụng tím vườn nhà.

(Bài thơ tháng Tư)

 

Ở một góc nhìn khác, chị lại cho tôi thấy tháng Tư trong cái cao xanh, háo hức của những ngày đầu hè.

 

Tự khi nào 

Xanh đưa mây lên cao

Tháng Tư thanh tao nẻo về trên ấy

Lối ta đi xênh xênh tơ nắng chảy

Xanh ngút ngàn, xanh biếc đường mây

(Tháng Tư về)

 

Bước cùng những trang thơ của chị bằng nhịp chảy của thời gian, tôi thấy chị thẫn thờ xao lòng với mùa Thu nhiều nhất. Ngót nghét gần chục bài thơ về mùa Thu.

 

Năm nào cũng thế, khi tờ lịch cuối cùng rơi xuống, tự nhiên tôi cứ buột miệng: Lại hết một năm rồi! Nhưng hình như không chỉ riêng tôi mà hầu hết mọi người đều như thế. Chúng ta bao nhiêu tuổi thì câu cảm thán này sẽ lặp lại bấy nhiêu lần. Và như thế nghĩa là chẳng có gì mới, cũng chẳng có gì cũ cả. Ấy thế mà mỗi mùa Thu đi qua, tôi đều nhìn thấy trong từng mùa Thu ấy một tiếng thu tha thiết thiết với cuộc đời.

 

Trân quý vô cùng phút cuối ngày an nhiên

Ta thảnh thơi ngắm khung trời thần thoại

Bao lo toan buông theo ngày bận mải

Trong diệu huyền

Thu ngân khúc bình yên

(Chiều Thu vàng)

 

Đi cùng thơ chị về tận với mùa Đông, càng thấy cách tính toán thời gian theo lối khoa học chỉ là ý niệm cứng nhắc. Nếu thời gian trong khoa học là một đại lượng có thể đo được, chia nhỏ được thì thời gian nghệ thuật trong thơ chị Tâm là khác. Vì tĩnh lặng khi hiểu được cái tất yếu mà ranh giới giữa bốn mùa trở nên mờ nhoè. Tâm hồn nghệ sỹ đã nhìn 4 mùa trong một sự giao thoa:

 

Nắng gửi vào đông

Chút náo nức thanh xuân

Chút nồng nàn 

Đắm say trưa ngày hạ

(Diệu huyền lời ru mùa đông)

 

Phân nửa số bài thơ trong tập thơ “Giọt nắng vô thường” là viết về thời gian. Ấy vậy mà tôi không thấy chị vội vàng hối hả. Cách mà chị dừng lại ân cần bên mỗi mùa, mỗi tháng, mỗi buổi sáng buổi chiều, cho tôi trân quý hơn từng phút giây đang sống. Phải khi khép trang thơ lại tôi mới cắt nghĩa được, sở dĩ cảm thức thời gian như mạch nguồn chảy suốt tập thơ là vì bởi dòng chảy ấy được khơi nguồn từ cảm hứng thiền của Trần Huyền Tâm. Thi ca vốn muôn màu muôn vẻ, biến ảo nhưng khi Thi ca bắt gặp nhịp thở của Thiền thì bỗng nhiên trở thành cao thượng và phóng khoáng, vô thường:

 

Xuân vẫn biếc xanh mướt nụ non chồi

Hạ, Thu, Đông cũng hết mình tươi thắm

Muôn sắc màu cứ ngời ngời , thù nhắng

Hoa lá bời bời 

không tính đợi mùa qua

(Sắc thời gian)

 

Cuộc sống và vạn vật quanh tôi và Trần Huyền Tâm vẫn đang từng giờ từng phút luôn luôn biến đổi theo không gian và thời gian, không có gì tồn tại vĩnh viễn. Đó là vô thường. Nhưng cách mà Trần Huyền Tâm yêu mến, cắt nghĩa sự vô thường đó, cho tôi một niềm tin: DÙ CUỘC ĐỜI LÀ VÔ THƯỜNG, CUỘC ĐỜI VẪN PHẢI ĐẸP!

 

Tháng 6/2019

Trịnh Thị Hà

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.