• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Tình thầy trò sâu nặng và những hồi ức đẹp đẽ trong tập bút ký "Gửi lại dấu yêu"

Thứ bảy - 07/12/2019 09:49

"Gửi lại dấu yêu" – (Bùi Thị Biên Linh)- Tập bút ký hay hồi ức của một tâm hồn đầy ắp yêu thương - một dòng sông tràn bờ nỗi nhớ!


Từ câu chuyện giản dị mà vô cùng cảm động của "cô bé nhà quê" ở trại sáng tác văn học thiếu nhi Thái Bình hơn 40 năm trước, được nhà văn lớn Tô Hoài - "Người thầy đặc biệt" ân cần chỉ dạy đến những cảm xúc miên man, nghẹn ngào trong một lần về thăm lại miền quê nghèo khó với bao kỷ niệm thời thơ ấu, rồi những ký ức về những người thầy thời thơ ấu, về người cha, người mẹ, người chị cả, về nhà văn Lê Bính, về lứa học trò đầu tiên, về một mảnh đời có số phận nghiệt ngã với ước mơ dang dở, câu hỏi xót xa còn bỏ ngỏ: "Phải làm sao bây giờ"...Biên Linh cứ dẫn dắt người đọc đi mãi, đi mãi vào những ngõ ngách thẳm sâu trong miền ký ức trĩu nặng yêu thương của chị.

Tôi đã đọc một mạch, một hơi không ngừng nghỉ, suốt đêm Tây nguyên mưa tầm tã những trang viết bộn bề cảm xúc ấy. Tôi đã đọc trong nước mắt, trong sự thổn thức của con tim, của sự đồng cảm và ngưỡng mộ một Nhà giáo đầy tâm huyết - người bạn - người chị - người đồng nghiệp và trên tất cả là người cầm bút với tấm lòng vô cùng vị tha, nhân hậu.


Mùa hè năm 1981, khi tôi may mắn được nhà văn Lê Bính "phát hiện", đưa về bồi dưỡng tại trại hè sáng tác thiếu nhi của Hội Văn học, Nghệ thuật Thái Bình (cùng lứa với Thu Huê, Bùi Lan Anh, Phạm Lan Anh, Vũ Huy Thông, Nhã Lê, Minh Hiếu, Đỗ Thị Huệ, Lê Kim Hạnh, Hạnh Trần, Bùi Thị Ngọ, Phạm Thị Minh Châu, Phạm Kim Chung vv...) thì chị đã lặng lẽ theo gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở tận phương Nam xa xôi. Không được học cùng nhưng tôi được nghe chị Trần Huyền Tâm, Thu Huê (tham gia trại hè sáng tác từ mấy mùa hè trước) kể rất nhiều về chị, được đọc những truyện ngắn chị viết đăng trên tập san "Búp trên cành" như "Bà tôi", " Cây bồ kết". Và đặc biệt cái tên Biên Linh với bút danh "Sóng Biển" mãnh liệt, đầy ấn tượng đã in đậm vào ký ức của tôi cùng với những cái tên của lớp đàn chị tài hoa có nhiều sáng tác hay mà chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ như: Lã Thị Bắc Lý, Bùi Thanh Huyền, Minh Hương, Trần Huyền Tâm, Đào Thị Thanh Bình vv…


Hè 2015 với sự liên lạc tích cực của các " Búp quê" và "Búp Hà Nội", chúng tôi đã tổ chức được một cuộc trở về sau gần 40 năm kể từ trại hè sáng tác đầu tiên, được sum họp cùng các bác, các cô chú thân thương ở Hội Văn Nghệ Thái Bình thưở ấy (mặc dù đã người còn, người mất). Chúng tôi được gặp lại những người thầy đã dạy cho chúng tôi biết sáng tác thơ văn bằng cả tấm lòng, tài năng và nhiệt huyết, đã mở ra cho chúng tôi cánh cửa tâm hồn đầy mộng mơ và cả chân trời xanh bao la mơ ước: Nhà văn Bút Ngữ, Lê Bính, nhà thơ Kim Chuông, Đức Hậu, Nhà điêu khắc, họa sĩ Hà Trí Dũng vv... Cuộc gặp gỡ thật cảm động và khá đông đủ nhưng vắng chị và chúng tôi luôn tự hỏi chị đang ở đâu, chị sống ra sao, chị có còn cầm bút để viết những áng văn, thơ ngọt ngào như ngày còn ở Hội? 


Rồi chúng tôi cùng vỡ òa niềm vui khi có bạn đã liên lạc được với chị. Và thế là những cuộc điện thoại ríu rít, những “cơn mưa hạt điều” thơm ngậy (chị gửi về cho chúng tôi từ mảnh đất Bình Phước xa xôi đầy nắng gió).


Rồi một ngày cuối năm Đinh Dậu 2017 các bạn “Búp trên cành” ở quê bất ngờ được đón chị trở về như đón một “nguyên thủ quốc gia”, một người con xa quê lâu ngày trở lại. Cuộc gặp gỡ vội vàng, ngắn ngủi nhưng vui mừng khôn xiết vì chị trở về cũng là để nhận giải thưởng cao quý: giải thưởng văn chương của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng cho tập thơ “Ý nghĩ ban mai”. Niềm vui gặp gỡ vẫn còn xôn xao mãi trên những trang facebook các thành viên “Búp trên cành” mùa đông năm trước. Chỉ có tôi và một số bạn xa quê là vẫn chưa được gặp chị, chưa được chị ôm chặt bằng vòng tay rộng mở, ấm áp, nồng nàn và ánh mắt luôn chan chứa ngọn lửa yêu thương.


Sau “ Ý nghĩ ban mai” là “Khoảng xanh miền nắng” và đặc biệt là tập bút ký “Gửi lại dấu yêu” của chị liên tục được xuất bản và đạt những giải thưởng lớn đã khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, ngỡ ngàng, cảm phục, yêu thương…


“Gửi lại dấu yêu” là tiếng nói tri âm của Bùi Thị Biên Linh với những người thầy lớn trong cuộc đời nhiều biến động; Là những hồi ức đẹp đẽ đầy xúc động về những người thân trong gia đình, những học trò nghèo nhưng giàu tình nghĩa– những con người cuộc đời đầy vất vả, sóng gió, đớn đau nhưng không bao giờ gục ngã, luôn vươn lên bằng sự cần cù, chịu thương, chịu khó, lấy tấm lòng bao dung đối đãi với sự phản bội, lọc lừa; Là nỗi niềm xót xa, trăn trở, day dứt khôn nguôi của người cô giáo luôn coi học trò như máu thịt của mình…vào cái thời mà “căn bệnh vô cảm” trở thành căn bệnh trầm kha, khó chữa, lây nhiễm ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực, ngành nghề.


Đọc “Gửi lại dấu yêu” của Bùi Thị Biên Linh, tôi chợt nhận ra: cái hay, cái cuốn hút của văn chương không phải ở sự ly kỳ của cốt truyện, sự bề thế của hiện thực phản ánh, sự cầu kỳ của câu chữ hay nghệ thuật kiến tạo… mà bởi chính cái thực của những trải nghiệm trong cuộc đời, cái chất chứa, sâu đằm của cảm xúc và vẻ đẹp nhân văn toát lên từ tâm tư, tấm lòng của người cầm bút. Bằng lối kể nhỏ nhẹ, sự xuất hiện với tần số cao của các từ: “nhớ”, “ thương”, những hồi ức đầy sức ám ảnh, những câu chuyện vô cùng cảm động về tình thầy trò, về “ngày xưa yêu dấu” của chị đã lay động đến tận nơi sâu thẳm nhất của trái tim người đọc. Ta gặp ở đó một tâm hồn biếc xanh, trong trẻo mà đầy ắp yêu thương. 


Với tập bút ký “Gửi lại dấu yêu” đầy xúc động - Nhà giáo – Nhà thơ Bùi Thị Biên Linh đã gửi lại cho bạn, cho tôi, cho đời một DẤU YÊU nồng nàn, sâu đậm, không dễ phôi pha…


Đắk Lắk, tháng 8/2019

Nguyễn Thị Toán

 

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.