• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Cổng trường xưa

Thứ tư - 19/10/2022 14:59





CỔNG TRƯỜNG XƯA
(Trần Anh Chiến)


Ngày xửa ngày xưa, đã lâu lắm rồi. . .


. . . Thuở ấy, cả xứ Đông Lào chỉ duy nhất có mỗi 1 cơ sở đào tạo trình độ Đại học Luật. Điều kì lạ là tuy mang tên Trường Đại học Pháp lý Hà Nội, nhưng khu Hiệu bộ ở số 87 đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) thì giảng đường cùng khu Ký túc xá lại đặt tít ngoài huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Nghe đâu, chính từ "sự lạ" này mà 1 "thầy địa lý" nổi tiếng là cao tay đã phán rằng: sang thế kỷ 21, mảnh đất Hà Tây sẽ trở thành Hà Nội 2(!). Nhờ địa điểm "đồn trú" thuộc xã Duyên Thái mà khu này hội đủ 2 tiêu chí "nhà không số, phố không tên₫"!!! Tuy nhiên, với trí thông minh và nguồn cảm hứng vô tận, sinh viên Pháp lý đã sáng tạo cho mình 1 danh xưng: DÂN QUÁN GÁNH. [Cũng như danh xưng của sinh viên (SV) Tổng hợp là DÂN MỄ TRÌ, SV Cảnh sát là DÂN SUỐI HAI, SV Xây dựng là DÂN HƯƠNG CANH . . . ]. Nhưng tính sáng tạo trong danh xưng của SV Pháp lý được thể hiện ở chỗ: Trường thì đóng trên đất của xã Duyên Thái, còn Quán Gánh lại là 1 địa danh nằm cạnh QL1A và thuộc địa phận của xã Nhị Khê (quê của Nguyễn Trãi). Đã có nhiều "Luận văn" (LV) về tính sáng tạo trong danh xưng này. Có LV (do ông bác họ ở Học viện Chính trị hướng dẫn) đã khẳng định: việc lấy danh xưng từ quê hương của vị anh hùng dân tộc đã thể hiện chí hướng của SV Pháp lý là phấn đấu trở thành "rường cột quốc gia"! 1 LV (có ông anh họ của bà chị dâu làm trong ngành quản lý đô thị) lý giải: đó là sự bày tỏ khát vọng có 1 ngày được "tiến về Thủ đô", bởi cái tên Quán Gánh nghe sao mà gần gũi với những phố phường Hà Nội như Quán Thánh, Quán Sứ. Lại có LV được các chị nhà bếp "gà" cho thì quả quyết: Quán Gánh có bánh dày nức tiếng cho nên mỗi lần nhắc đến sẽ mang lại cho SV cảm giác được . . . Giảm đói!!! Đáng chú ý, 1 SV đã thuê thằng bạn là SV Giao thông viết hẳn cái LV về đề tài này. Qua khảo sát thực tế, tay SV Giao thông (chuyên ngành Xe buýt) đã khám phá ra "cái đinh" của sự sáng tạo trong danh xưng chính là: trên tuyến xe buýt Kim Liên - Thường Tín có 1 điểm đỗ mang tên Quán Gánh. Cứ chiều thứ 7 thì SV Pháp lý ào ào chen lấn lên xe mà về Hà Nội; đến chiều Chúa nhật lại chen chúc trở lại với "làng quê" yêu dấu. Xuống Quán Gánh chỉ bách bộ chừng cây số là đã tới CỔNG TRƯỜNG!


Nếu như ngày nay chúng ta đang trong tiến trình "phổ cập giáo dục đại học" thì những thập niên cuối của thế kỉ XX việc lọt vào cổng Đại học là niềm tự hào của cả họ hàng làng xã. Chẳng thế mà sĩ tử thời đó có câu:


   Cổng trường Đại học cao vời vợi

   Mười thằng leo thử 9 thằng rơi


Cầm giấy báo vào Trường Đại học Pháp lý, xuống ga Hàng Cỏ - đi bộ ngược về bến xe Kim Liên - leo lên chiếc xe buýt hiệu Labốp màu cháo lòng - hỏi chắc cú điểm đỗ Quán Gánh - lòng rộn ràng và chân mau bước. . . Có chút gì đó như là hẫng hụt: Cổng trường Đại học không "cao vời vợi" mà trông đơn sơ và khiêm nhường làm sao! Sau này mới biết rằng Trường chỉ mới được thành lập vào năm 1979 nên nhà nước chưa kịp xây dựng cơ sở vật chất ở Hà Nội mà phải sử dụng tạm thời cơ sở cũ của 1 đơn vị bộ đội. Cũng sau này, mình đã đến chơi tất cả các trường Đại học ở Thủ đô hồi đó (trừ ĐH Quân Y và ĐH An ninh không được vào, nhưng cổng thì đi qua hoài). Nhờ thế mà mình mới "mục kích sở thị" . . . cổng trường nhà người ta!!! Đầu bảng thì "chắc như bắp" là cổng parabol hoành tráng của ĐH Bách khoa. Kế tiếp là cổng ĐH Thủy lợi, rồi đến ĐH Dược. . . Thế nhưng, ông bà ta đã dạy: "Con không chê cha mẹ khó" hay:


Chồng em áo rách em thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người!


Cổng Trường ĐH Pháp lý (Quán Gánh) vẫn luôn là chốn đi về suốt 4 năm của bao thế hệ sinh viên! [Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại hay là công bằng mà nói, cổng của không ít trường ĐH ở HN ngày ấy cũng chẳng "bề thế" hơn cổng Pháp lý là bao. Đơn cử như Trường Tổng hợp. Là "cây đa cây đề" trong làng Đại học VN nhưng cổng ở Mễ Trì so với cổng của Pháp lý thì cũng . . . thường thôi. Chả thế mà mỗi lần xách xe đạp vượt cổng Mễ Trì vào đêm khuya thì mình thấy cũng chẳng khó khăn hơn so với leo cổng ở Quán Gánh]].


Hôm trước, mình định dành 1 số dòng để tả lại cổng trường xưa qua kí ức sau 35 năm rời xa mái trường. Nhưng thật may mắn, "lãng tử" Đặng Thế Luân (Khoa Hành chính 11) đã tặng ngay 1 tấm ảnh để "thay cho lời muốn nói"! 


Bây giờ mà nhớ lại hình ảnh cuộc sống phía trong cánh cổng trường  của cả ngàn sinh viên cùng cán bộ, giảng viên thì quả là . . . 4 mùa ngồi kể! Thôi, chỉ xin điểm xuyết vài nét phía trước cổng trường vậy.


Đi từ trong ra, ngay phía trái cổng phụ là sạp thực phẩm Em Hường. Sạp trải ngay dưới đất và bày bán rau củ quả theo mùa cùng đậu phụ, chả cá luôn sẵn có quanh năm. Không hiểu có phải do bố mẹ đặt cho cái tên "Hường" mà 2 má của em tứ mùa đều ửng màu cà chua chín tới. Em lại có "đôi mắt biết nói" cùng giọng líu ríu đúng "chuẩn Duyên Thái" nên rất thu hút các chàng SV (vốn chẳng thích đi vào chợ Giường cách chừng cây số như các nàng SV). Đáng chú ý là trong túi đựng tiền của em luôn có quyển vở cho mấy chàng "lưu bút" mà theo cách nói thông dụng là "cắm". Còn nhớ mãi 1 lần đi qua dãy Kí túc nam của Khoa Hành chính, mình thấy em đứng trước cửa 1 phòng (xin được giấu tên lớp). Loáng thoáng hình như em đang "giải trình" về khả năng . . . âm vốn chủ sở hữu!!! Khi đó, 2 má em chuyển sang màu cà chua chín nẫu; còn giọng của em thì chuyển từ líu ríu sang nghèn nghẹn nghe cứ . . . thương thương là!!!


Bên cạnh quày em Hường là quán "Cờ tây Nhâm". Thật ra, anh Nhâm không có điểm nào đặc biệt để miêu tả. Mình chỉ ngạc nhiên là ở đó có nguyên cả chú cầy luộc, điều không hề có ở bất cứ quán nào ở xứ Nghệ. Hơn nữa, dẫu nhận thức được rằng cái món "Vitamin gâu gâu" là 1 nguồn dưỡng chất quý giá đối với cơ thể luôn thiếu hụt cả lượng và chất, nhưng suốt 4 năm mình may ra có đôi lần ghé anh Nhâm vì không có "điều kiện".


Cùng là dân Duyên Thái với em Hường, anh Nhâm là cặp "tiểu quỷ" Trê, Cóc. 2 anh em này trông rất giống nhau, từ cái dáng cao gầy, chân tay lêu nghêu, da đen nhẻm, đầu trọc lốc. Hồi đó 2 đứa chừng đâu 13-14 tuổi. Chúng hay ra trước cổng trường đùa nghịch, thỉnh thoảng trêu chọc vài anh chị SV. Điều này khiến không ít SV e dè (tương tự như SV 1 số trường ĐH vẫn xảy ra mâu thuẫn với dân địa phương). Thật ra, mình thỉnh thoảng có chơi với 2 đứa thì thấy chúng chỉ đùa nghịch thôi, cũng rất dễ gần. Nhất là hồi đó 2 đứa cũng đã biết lo toan phụ giúp gia đình.


Đối diện với cổng trường là 2 vị trí trọng yếu, đó là quán ông Thành, ông Thủy. Hai quán này dựa lưng vào tường rào của Cty Thủy lợi. Nghe đâu 2 ông là nhân viên Thủy lợi về nghỉ mất sức. Ông Thành có khuôn mặt lớn, trán cao, mắt sáng, răng trắng đều. Nếu không gặp ông trên cương vị chủ quán, mà gặp ông com lê, cà vạt trong đám ăn hỏi thì ối người nghĩ đó là "cán bộ cấp cục"!!! Ông Thủy thì hình dung có chiều tương phản. Nước da của ông hơi mai mái, nhất là nét mặt luôn nhăn nhó. Về sau mới biết ông bị đau dạ dày. Quán 2 ông nằm sát nhau theo kiểu nhà liên kế nhưng lại không có vách ngăn. Hàng họ thì cũng như mọi quán nước ở HN ngày ấy. Cũng bánh kẹo, lạc rang, thuốc lá thuốc lào cùng chai cuốc lủi. Dĩ nhiên là không thể thiếu món nước chè chén. Cao cấp nhất là bánh gai. Với giá bằng 3 cái bánh rán. Nhưng thật tình là mình chưa ăn bánh gai ở quán bao giờ. Chẳng lẽ mua 1 cái bánh gai rồi bóc ra cho 3 thằng, mỗi đứa gặm 1 miếng? Sao không mỗi thằng thảnh thơi xơi 1 cái bánh rán?!!! Khi xơi cũng phải đúng bài. Nếu tay trái cầm bánh đưa lên miệng thì lòng tay phải khum khum hứng phía dưới nhằm không để cho miếng đường nào rơi xuống đất. Năng lượng cả đấy! Ngay cả lạc rang cũng nên cân nhắc. Lạc rang húng lìu tuy là đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực, nhưng 1 chén lạc do chủ quán tự rang lại nhiều hơn gói lạc húng lìu từ 4 đến 5 hạt, dù chúng ngang giá. Trao đổi vậy là chỉ để đúc rút kinh nghiệm thôi. Điều cốt yếu trước khi bước vào quán liên kế này là phải tiên đoán được hôm nay ông Thành hay ông Thủy sẽ cho cắm tiếp. Nếu ông Thành đã tuyên bố "đóng băng tài khoản" thì cứ thản nhiên ngồi phía ông Thủy và ngược lại. Nếu bạn hỏi: trường hợp cả 2 tài khoản đều bị khóa thì làm sao? Khi ấy cứ thản nhiên bước vô quán mô cũng được. Khi vừa an tọa thì nhìn thẳng vào đối thủ mà rằng: cháu sắp về quê (hoặc: mai mốt bố người yêu cháu sẽ đến chơi). Suy cho cùng thì ông Thành hay ông Thủy đều coi trọng "công tác nuôi dưỡng nguồn thu"!!!


35 năm rồi. "Sông kia rày đã nên đồng", Trường Pháp lý ngày ấy nay là Nhà máy Coca Cola . . .


VĨ THANH:

   35 năm đã trôi qua

Cổng trường ngày ấy vẫn chưa phai mờ

   Em Hường nay đã lên bà

Anh Nhâm bảo vệ ở nhà máy kia

   Nỗi niềm hiu hắt chú Trê

Tai biến ập đến, ai về cũng thương

   Chú Cóc nguồn lực vững vàng

Con đi du học vẻ vang cuộc đời

   Ông Thành, ông Thủy còn ai

Hay đã mây trắng nhẹ bay về trời?


Ngày   tháng 10 năm 1984
TAC


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.