• dau-title
  • Trang thơ
  • cuoi-title

Về một người mẹ - Về một người con trai - Và dòng sông Trà Lý

Chủ nhật - 28/07/2024 19:33



(Ảnh: Trần Bảo Toàn)



VỀ MỘT NGƯỜI MẸ - VỀ MỘT NGƯỜI CON

                                         VÀ DÒNG SÔNG TRÀ LÝ                                              

                                                                                     

               Làng quê nào chả từ một dòng sông bồi đắp  

               Trái cây nào chả chín lên từ mao mạch đất    

                                         Kim Chuông                         

                                   ----------------------

1/NGƯỜI MẸ


Người Mẹ ấy

Chưa già lắm

Mái tóc đã thưa dần

Hai đuôi mắt nét hoa văn dằng dịt.

Một sớm mùa thu hai mươi năm về trước

Mẹ sinh đứa con trai

Chưa xa lắm -  Sớm nay

Mẹ không muốn nói nhiều về khoảng giữa

Người tiễn con ra chiến trường sớm nay cũng chính là mẹ đó. Khi phía trước cuộc đời tiếng gọi lớn lao hơn.


Mẹ nắm tay con. 

Vuốt lên mái tóc con. 

Cái tay áo nâu có miếng vá khác màu vẫy vẫy. Mẹ thấy

thân thể mình xẻ đôi, gửi vào người con tới những 

phương trời bừng bừng lửa cháy. Mẹ nối góc sân nhà 

với Đất nước trăm miền qua những bước chân con .

      

Chú bé cò hương!               

Chú bé ham ăn nhai tướp hai đầu vú. Mẹ như bóng cò 

bên dòng sông Trà Lý. Đời xưa buồn như những ngày

nước cầm  ngồi trước hiên nhà nhìn ra biển nước 

mênh mông. Lặn lội sớm chiều nước ăn loét kẽ chân. 

Cáu chua  bám vàng tay áo. Bắt cáy, mò cua, cuộc đời

 tần tảo. Niềm vui trông vào chiếc giỏ thắt ngang lưng ...

Những tháng năm này như thế

Mẹ nuôi con                              


Bàn tay mẹ là chiếc nôi đong đầy gió mát.

Đời nghèo nhưng vẫn dành tiếng ru ngọt ngào

đủ để cho con chợp mắt. Mẹ phải mớm con bằng 

củ khoai lang mót dưới rãnh cày, vẫn thức đủ mười 

đêm ròng khi trán con đổ mồ hôi hạt.


Chỗ khô đặt con, mẹ nằm chỗ ướt

Con là khúc lòng của mẹ dứt ra

Lòng mẹ như tia nắng ngày xa

Đời con là tâm trạng mẹ

Không có nỗi vui buồn nào xung quanh Đất nước -  

Cuộc đời không ngấm qua lồng ngực mẹ. Con đã

uống vào dòng sữa ấy con ơi !  


Khi con lọt lòng ra đã bắt gặp niềm vui. Đất nước 

như liều thuốc an thần sống lại bao cơ thể. Căn nhà 

gianh mẹ đang nằm, cả đứa con mẹ đẻ ra đã thực sự 

là của mẹ. Những gì đất nước mang về lại có cả

phần con. 

         

Với Mẹ -  con không còn hoàn toàn là một đứa 

con riêng. Khi ngọn rau khoai lang mẹ hái ven đê 

sông Trà, hạt lúa gieo trên đồng Dô, đồng Khuốc …

cũng là của Việt Nam giành được, thì chúng ta là 

những tế bào. Đất Nước -  Con người là cơ thể lớn lao.


Đất nước đi như quả ngọt chuyền tay. 

Niềm vui đang chín lên, nhưng niềm vui chưa tròn trặn. 

Từ buổi con nằm trong nôi đến lúc lớn lên, mười năm,

hai mươi năm… đất nước vẫn nối nhau tiếng súng. 

Bao giặc thù không đội trời chung. 

Đất nước Việt Nam ở trong máu, trong tim. 

Ở trong tay cha truyền sang tay con, ở thân thể con 

sẻ ra từ thân thể mẹ...

Và, sớm nay -  như thế

Người mẹ gửi đi đứa con máu thịt của mình

Khi tiếng súng diệt thù sôi lửa khắp non sông. 

                 

2/NGƯỜI  CON TRAI


Người con trai

Nhập vào một đoàn quân

Quân hàm binh nhì. 

Tên bình dị anh là người chiến sĩ.

Đáng lẽ, thế hệ anh hoàn toàn là thế hệ tình yêu. 

Lứa tuổi anh là những nhịp cầu, Đất nước trông chờ

bắc qua nhiều mơ ước. Ví như, một sớm nắng mặt 

trời nhô lên cũng của nền khoa học.


Nhưng anh phải đi

Một con đường vòng rất hệ trọng đến đời ta

Cuộc hành trình vai một chiếc ba lô, khẩu tiểu liên 

vươn dài trước ngực. Anh giống như trăm ngàn đồng 

đội khác, nhưng vẫn có riêng gia tài của đời người 

chiến sĩ mang theo. 


Anh sinh ra ở một làng có cái tên hơi cổ: Khai Lai. 

Cây đào trước cửa nhà cùng tuổi anh, những đêm 

ngắm vầng trăng tan trong vòm lá. 

     

Anh ngồi xem vết sên bò với cô gái trẻ, nghe mẹ kể 

về chiếc hầm ngầm dưới gốc cây đào ngày kháng 

chiến đánh Tây.

      

Tiếng đại bác kẻ thù đã giết chết người cha. Cuộc chia 

ly dội lên đầu anh khi anh còn nằm trong bào thai của mẹ. 

Khi biết mở mắt nhìn đời mẹ anh lại kể, con từ nôi Đất Mẹ  

lớn lên. Mẹ nghe nhiều người đã khéo ví von:

Mẹ là Đất Nước. 

Con như Nhân quần…

Hay ví gần một chút. 

Gia đình ta là một biểu tượng này.


Người con trai còn mang đi hôm nay

Con ngòi cạn ròng, những chiều quên mặt trời câu cá 

loi choi bằng lông đuôi bò bên rạch nước. Đêm cày 

đồng, một đêm mưa rốc két. Tiếng đại bác từ hạm tàu 

địch câu lên ran ran bờ biển Thái Bình. Ngôi trường 

cháy lan vào lòng tuổi nhỏ. Những cuộc chia tay bạn 

bè ra đi thắp lòng anh rực lửa.

Và lượt anh lên đường!


Anh đã đi qua khắp nẻo chiến trường. Sóc Bom Bo, 

A Vầu, Cổng Trời, Dốc ngựa… Anh tìm giặc qua bãi

bom, khu mìn vướng… Những hàng rào thép gai như mắt 

lưới chặn đường.


Anh thường mơ một ngày không xa lắm. 

Khi ngõ hẻm, đường quê bóng quân thù tắt ngấm. Anh sẽ 

trở về giữa dòng người chiến thắng. Rồi, sau một chuyến

tàu nào vui lắm. Anh qua phà Tân Đệ, đi dọc đê sông 

Hồng, sông Trà Lý… lối quen xưa. 

   

Câu đầu tiên anh gọi mẹ rất ngây thơ. 

Anh nhìn rất lâu mái tóc mẹ bạc phơ. 

Anh tìm gặp bà con thân thương đầu làng, cuối xóm. 

Lúc ấy, anh muốn hát to lên như ngày nào đi dọc đường 

làng hô vang khẩu hiệu. Anh chạy ra bãi nổi xem bóng 

mình ngày xưa trát phù sa lên người nằm phơi nắng thả 

lờ đơm. Anh xuống đồng gặt lúa với xã viên. Anh tìm gặp 

cô gái ghi nhật ký về anh trong đêm xi-nê phố huyện… 

Bao ước mơ có gương mặt, dáng hình cứ dồn anh vượt 

lên đầu trận tuyến. Bởi đánh quân thù là sự nghiệp 

tình yêu.


Ngày tháng này, ngày tháng bao nhiêu?  

Tuổi trẻ có bao giờ đẹp thế ! 

Và, đẹp nhất là cuộc đời chiến sĩ. 

Mang quê hương -  Đất nước giữa tim mình, tìm diệt 

quân thù khắp đầu núi ngọn sông …     


Đừng tính đầu trận đánh kể chiến công Đã mấy 

chục lần anh trở thành dũng sĩ, và mấy trăm lần những  

bốt đồn boongke đắp bằng đô la Mỹ, anh đã  cùng 

đồng đội xoá tan!

Rồi, một đêm trên điểm chốt 800

Tiểu đội anh chỉ còn ba chiến sĩ, mà trước mặt là tiểu 

đoàn lính Mỹ. Thế trận giao tranh trên một sườn đồi. 

Ba ngày đêm cơm vắt đã hết rồi. Bi đông cạn không 

còn giọt nước, cả khuôn mặt cũng sạm đen màu đất … 

Chỉ có trái tim mang ngọn lửa rực hồng, 

Và lời thề 

Lời thề trước Non sông.


Phút bình yên giữa hai đợt tấn công. 

Anh bất chợt nhớ về quê mẹ. Những kỷ niệm bên 

sông Trà thuở bé, khi đứng trước chiến trường rực lửa. 

Có một điều rất lạ. Anh cảm thấy lòng mình thanh 

thản thế. Điều anh lo hơn là Tuổi Mẹ -  Quê nhà, 

những cánh đồng mưa đông, nắng hạ. Giữa đồng đội 

anh thấy mình vui quá, dẫu biết tuổi trẻ phải đi đầu 

mọi thử thách, hy sinh …


Tiếng súng nổ thình

Kỷ niệm vụt hoá thành tiếng gọi. Điểm chốt giống như 

hòn than đỏ chói. Tình huống dồn căng. Tiểu đội ngã rồi 

chỉ còn lại mình anh. “Một thắng hai mươi, một thắng 

một trăm”… Anh là người phải trả lời cái yếu tố giành 

về phần thắng. Anh bắn tỉa, bắn dồn. Ném lựu đạn. Đứng, 

quỳ và bắn!  Linh hoạt mà dùng lối đánh nghi binh.

Quân giặc bủa giăng.

Dàn hàng ngang chúng lấn dần từng bước. 

Tình huống thứ bao nhiêu không nhớ được. 

Chỉ biết, Quả đạn cuối cùng trong tay anh  đã mở 

màn đúng lúc, khi Sư đoàn xông lên

Và anh đã bị thương!


Nằm điều trị anh cồn cào nhớ về mặt trận, nhưng 

đơn vị anh đã đi xa, quả đồi này đã mở đường cho 

lớp lớp binh đoàn chiến thắng đi qua. 

     

Họ gọi tên quả đồi, tên chiến công bằng tên anh, 

người chiến sĩ chưa một lần biết mặt. Họ nghiêng mũ 

chào anh, cái tên đã hoá thành bài hát. 

       

Nhưng anh đang nghĩ gì người chiến sĩ thân yêu?

Khi quê nhà một buổi chiều vui. Mẹ già nhận ra anh 

trên một tờ báo Đảng. Mẹ cười, nhưng nước mắt cứ chảy 

qua những nếp nhăn trên khuôn mặt gầy giữ bao 

năm tháng. Mẹ đọc chiến công và ngắm bóng hình anh.        


Một sớm thu xa không thể nào quên. Tuổi anh sinh 

cùng đất nước. Chiếc đòn gánh quẩy anh chạy tản cư 

đêm nào nghe kẽo kẹt. Từ đó ư?  Anh đã bước vào đời ! 

       

Thời gian và chiến công là tấm gương giữ đẹp nhất 

mặt người.


Anh chiến sĩ trên đường đi cứu nước. Vì chân lý “Tự do, 

độc lập”…Anh vẫn đi trong bão táp chuyển rung. 

Vào một sớm xuân trên thành phố anh hùng. 

Thành phố Sài Gòn, 

Thành phố mang tên Bác. 

Nơi cả nước bước lên điểm chốt. 

Nơi non sông chờ đợi phút đổi đời

      

Chiến dịch Hồ Chí Minh, phút lịch sử đến rồi. 


Anh nhập giữa cuộc hành quân thần tốc. Ý  thơ cuối cùng 

trong lời Di chúc, đang bay lên như những cánh sao vàng.

Chào Sài Gòn ! 


Anh là người trong những binh đoàn  đang tiến về giành 

tuyệt đỉnh vinh quang !


                        


3/VÀ DÒNG SÔNG TRÀ LÝ


Dòng sông Trà

Hay muôn nghìn dòng sông nào đó không tên.

Những dòng sông chảy qua những ngôi nhà, phù sa mang 

chất ka li về nuôi bến bãi. Khúc sông này không có 

tên riêng, cũng giống như người mẹ và người con trai kia 

sao quá thân thương, gần gũi. 


Chỉ biết:

Truyền thuyết dòng sông Trà là truyền thuyết cuộc đời 

người có thực. Người mẹ và người con trai đã soi nhìn 

tất cả những gì qua sông Trà - bóng nước. Họ uống 

nước sông Trà, đuổi cáy, câu tôm trên bãi vắng. 

Bà mẹ chở đò đi lấy huyện, người con trai tòng quân 

cũng qua sông Trà ra tiền tuyến. 

Họ đứng đấy nhìn về bốn hướng. Nghe dòng sông 

tải sóng vỗ vào lòng.


Và, người con trai ra đi, đã lớn lên với đất nước

anh hùng. Tháng năm ấy họ nhìn ra tất cả.

Dòng sông Trà vẫn ngày đêm cần cù mang phù sa đắp 

bồi lên đôi bờ xa mãi.

      

Và dòng sông Trà vẫn là nơi bắt đầu và nơi dẫn tới. 

Từ bến nhỏ -  Nơi có những ngôi nhà đến những con 

sóng dài biển cả lớn lao kia !

                                   

Kim Chuông

Kỷ niệm 30/4, ngày giải phóng Sài Gòn

Quê Trạng Trình, Vĩnh Bảo, Tháng  4-/ 1975 - 4/2015

 
-----------------------
* Bài đã in trên tuần báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, 2015

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.