• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Bông Sen Trắng

Thứ hai - 29/06/2020 16:08

 



Một giọng nữ dịu dàng nhưng cũng đủ làm cho mọi người cứng chặt trong xe mềm lại:    

- Bác lái xe ơi, quán Gội kia rồi, cho tôi xin xuống nhé!                                     

Bình chững người vì chợt tiếng nói quen quen đã từng nghe nhiều lần ở đâu đó. Giảm ga, xe chậm lại, dừng. Ni cô khoác đôi tay nải lên vai, toàn thân được phủ một lượt phục trang màu nâu cánh gián trang trọng và trầm huyền chỉ để hở khuôn mặt trắng trẻo. Bình giật thót: "ô, ni cô Bạch Liên!"

- Mô Phật, bác sĩ cũng xuống vùng này? 

- Vâng. Tôi về viếng thân nhân anh bạn ở làng Riệc. Còn Bạch Liên"?                                                                                - Bần ni trụ cùng sư cụ Đàm Lương trong chùa Dớn gần đây. Bác sĩ xuống bến Bàng, bến cuối cùng, đi một đoạn tới đường rẽ vào làng Riệc! 

Hai người chia tay tạm biệt. 

Cửa khép lại, xe đi tiếp. Bầu không khí trong xe được phả mùi thơm từ nguyên liệu làm hương chứa trong túi tay nải ni cô vừa mang đi vẫn còn vương vấn mùi hương trầm gần gũi đặc trưng sắc thái Phật chùa. Giọng nói nhẹ nhàng, dáng người thanh nhã, khuôn mặt xinh tươi của ni cô như không có chủ ý gì khơi gợi nhưng đã làm cho khách đồng hành trên chuyến xe chở mỗi người một cảm nghĩ riêng theo tâm thức của mình. Dù sao thì trên xe cũng có một quãng thời gian khá dài im ắng. Sau khi ni cô xuống xe, mỗi người, nhất là cánh đàn ông đã tự giảm bớt những câu nói tục tĩu, không biết sự nhẹ nhàng, thanh nhã của ni cô đã để lại điều gì mà bỗng dưng người trên xe thay đổi nhanh làm vậy! Mặc dù lúc này ni cô đâu còn có mặt, chỉ phảng phất mùi thơm nguyên liệu hương trầm? Gió lùa qua khe kính, mùi thơm cũng loãng dần. Tốp đàn ông, hình như đi làm xa về, họ bắt đầu tán dóc với nhau, họ nói không có ý cho mọi người cùng nghe. Nhưng  trong một xe, biết tránh thế nào? Mặt khác, tiếng người lao động chân tay, nhất là người vùng biển quen ăn sóng nói gió nên dù không muốn nghe nhưng Bình vẫn cứ phải hứng rõ mồn một.

 - Phí thế, đẹp gái như tiên mà đi tu!

 - Chắc lại thất tình đó thôi.

 - Kiểu này không khéo mắc chứng bệnh nguy hiểm rồi cũng nên. Càng đẹp gái càng khó giữ sạch thân mình.

- Cũng có thể, cùng đường, đi tu để giấu mặt, giấu tung tích. Bây giờ sư hổ mang thiếu gì.

- Chẳng qua cũng dạng trốn chúa lộn chồng.

- Chưa biết thì đừng có đoán mò, suy diễn linh tinh, báng bổ người tu hành, Phật bà về vặn cổ, bóp méo mồm cho mới biết thân.

- Tớ không cho rằng nhà sư này như vậy. Nếu có bệnh, chơi bời trác táng… thì làm sao giữ được dáng vóc thon thả, giọng nói ngon như thế? Các ông chưa biết gì thì đừng có nghĩ oan cho ni cô mà phải tội đấy.                                                    

-Thôi, tối nay về viết đơn li dị vợ, lên chùa Dớn xin làm chân quét lá đa để còn được ngắm ni cô cũng đủ sướng cái phần đời còn lại. Con mẹ xề nhà mình không đáng xách dép, không bằng một phần trăm sư nữ cả về thanh lẫn sắc. Giọng nói như lệnh vỡ, gắt gỏng, đi thì chớ, hễ về đến nhà là y như bị tra tấn.                                   

- Thôi đi ông, dân tứ chi phát triển mà còn hão huyền. Tôi đây này, học xong cao đẳng hẳn hoi, chưa vợ, đẹp trai như Sác lơ mà không dám mơ tới, mình phải biết xấu hổ, chẳng lẽ mang đũa mốc đòi chòi mâm son à? Người thanh niên quay sang phía Bình, ông anh nhỉ, ông là người sướng nhất đấy, chỗ quen cũ của ni cô à? Bọn chúng tôi bộp chộp, có gì không phải bỏ qua cho nhé! 

- Không sao. Bình đáp. Chuyện phiếm trên đường mà, thực ra tôi cũng chỉ quen sơ qua việc hợp tác với nhau mà thôi. Biết đến đâu thì ông kể đến đó, đường ô tô về bến không còn dài, ông đừng để chúng tôi nghe dở dang là được. Bình thật thà. Đoạn đầu tôi chỉ nghe các tăng ni nói lại, đoạn sau thì tôi được chứng kiến. Nhưng trước hết khẳng định với các anh rằng tất cả những gì các anh nói ban rồi chỉ có một điều đúng, còn lại là sai hết về nhà sư nữ vừa cùng chúng ta trên xe. 

- Đúng sai thế nào? Ông kể luôn đi! 

- Thế này nhé. Bình nói. Ni cô Đàm Bạch Liên là một người có sắc đẹp đã từng làm mất ăn mất ngủ của nhiều chàng trai kén vợ, chả thế mà đã có một vài người sau khi gặp Bạch Liên rồi thì thề sẽ không lấy vợ nữa, bởi lẽ cô gái nào được so sánh đều bị Bạch Liên làm lu mờ đi. Chả thế mà hồi Bạch Liên hơn hai mươi tuổi, đang học năm cuối Học viện Phật giáo, đã lọt vào mắt xanh của Ban tổ chức cuộc thi người đẹp toàn quốc, họ đã có ý kiến với Phật viện, với chùa Phúc Viên, nơi quản trụ xin cho Bạch Liên nuôi tóc, chuẩn bị cuối năm tham dự vòng chung kết chọn hoa hậu quốc gia. Viện và chùa đồng ý, cho phép, nhưng, Bạch Liên từ chối, với lý do người tu hành không nên phô diễn thân thể nơi tục trần. Nói như vậy để các anh thấy được ni cô Bạch Liên có các tố chất trí và sắc ở tầm nào rồi chứ? Thật đáng tiếc, ngoài đời không được ngắm một gương mặt, một thân hình khả ái! 

Ngừng một lát, Bình tiếp: Tiểu sử Bạch Liên tôi cũng chỉ nghe tăng ni kể, phận của vị sư này tôi nói ra hẳn nhiều người bái phục. 

- Thế nào? Ông anh kể tiếp đi! 

- Vâng. Cách đây hai mươi năm năm, một ngày đông lạnh giá, ngày giáp tết nguyên đán, mới sáng sớm, nhà sư chùa Phúc viên vừa mở tam quan, thấy một hài nhi độ hai, ba ngày tuổi, chưa rụng rốn. Môi, da mặt thâm tím vì rét buốt đang ngọ ngoạy trong cái áo phao cũ kỹ. Đàn kiến lửa – kiến đỏ - loài kiến đốt rất đau, nếu trẻ nhỏ mà bị nhiều con đốt một lúc là tử vong, vì nọc độc của chúng rất mạnh – hàng vạn con đang bu kín bình sữa mà thân nhân đặt bên cạnh đứa con trứng nước vô tội bị bỏ rơi  trước cổng chùa! Các sư sãi chùa Phúc Viên từ bi đại lượng dang rộng vòng tay đón về dưỡng dục, cho ăn mày cháo sữa, tọa sinh dưới bóng Phật chở che, đặt tên Đàm Bạch Liên. Chẳng hiểu có được chiếu vận, linh ứng bởi cái tên chùa đặt cho mình không, mà Bạch Liên qua các đốt hài nhi đến nữ nhi, gương mặt, vóc dáng đang độ trưởng thành tỏa sắc hương như một đóa hoa sen bạch ngọc mâng mâng đang hé nở mỗi sớm mai ngày, khát khao đầy quyến rũ! Bạch Liên kín đáo, tinh tế, ít khi bộc lộ nội tâm ra mặt. Các tăng ni không những ở Phúc Viên mà các chùa quanh vùng ai cũng đều kỳ vọng sự chân tu của Bạch Liên. Đặc biệt, từ ngày đi học phổ thông ngoài trường thành phố, trong một lần thi chọn học sinh giỏi Bạch Liên đã đạt giải nhì toàn quốc. Bên cạnh học văn hóa, ngày ngày Bạch Liên vẫn cùng các tăng ni phật tử tụng kinh niệm Phật, rất ít thấy vắng mặt, cho dù ở các thời khắc bài vở cuối năm chồng chất. Tiếng chuông ngân vang, tiếng mõ cốc cốc ,tiếng thỉnh kinh đều đều… cùng mùi hương trầm thơm ngào ngạt đã thấm vào máu thịt cho nên, ngày ngày, đã ngồi vào sàn, mắt ngước lên tam bảo, Bạch Liên thấy mình không còn hoàn toàn là mình nữa, trong tâm trí mênh mang một khoảng trời của Đức Phật đang mở rộng tầm tay cứu vớt những linh hồn khổ hạnh. 

- Thời tôi còn là sinh viên y khoa, Bình nói tiếp, nhiều lần đi làm tình nguyện, tới chùa Phúc viên cùng tăng ni phật tử nấu cháo biếu tặng những người bệnh nghèo, người bệnh không nơi nương tựa, chùa Phúc Viên cử đặc trách Đàm Bạch Liên chủ trì cùng sinh viên chúng tôi. Từ độ Bạch Liên đủ mười tám tuổi đến khi tôi không gặp nữa, chắc chắn tôi được chứng kiến ni cô đã tình nguyện hiến máu cứu người chín lần. Có một lần tôi nhớ rất rõ. Hồi ấy vào cuối tháng hai âm lịch, đang mùa lễ hội, ngày mai, chùa Phúc Viên khai hội, hội mở ba ngày. Ngay từ ngày hôm trước, Bạch Liên xin phép cao tăng trụ trì, lên văn phòng hội chữ thập đỏ, ban vận động hiến máu, đề nghị xin một phòng tiếp nhận máu đặt trong ngày khai lễ hội chùa, tăng ni phật tử, nam thanh nữ tú thập phương về vãn cảnh, lễ hội rất đông. Với tâm phúc đại chúng, sẽ nhận được những tấm lòng cao thượng. Các anh biết không, đúng như nhận định của ni cô, ngày đầu, trạm thu nhận máu lưu động phải điện về ban thường trực xin bổ xung dụng cụ tiếp nhận, vì số người đăng ký hiến máu lên cao bất ngờ. Tôi hỏi Bạch Liên, sau khi đã hiến máu xong, ni cô là người thực hiện số một mà, không ngờ cái dáng mảnh mai ấy lại tỉnh táo, nhanh nhẹn và khỏe khoắn như thường, ni cô quanh năm ăn chay, tặng máu thế này liệu có quá sức không? Bạch Liên nhìn thẳng vào mắt tôi như cô giáo nhìn một học trò ngớ ngẩn, sắp thành bác sĩ rồi mà chẳng hiểu gì cả! Hiểu chứ, cho máu hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe người cho, tôi biết mà, nhưng… Thân hữu ơi là thân hữu, thân hữu lại càng không hiểu rồi. Thế là thế nào? Ở đây không phải là chuyên môn của ngành y mà là tâm nguyện của người tu hành chúng tôi, nhất là bản ngã Bạch Liên, một hài nhi bé bỏng bị bỏ rơi, được tăng ni khất sữa thập phương dưỡng dục nơi cửa Phật … thì tất cả những cái gì của người tu hành có, tất cả những cái gì Bạch Liên có đều thuộc về Đức Phật, đều thuộc về đồng loại, đại chúng ban cho, nên, đối với Bạch Liên chỉ có gọi là trả máu chứ không nói là hiến máu như thân hữu vừa nói. Bác sĩ Bình ngừng lại, như một người ân hận, khẽ gật đầu. Người ngồi ghế bên cạnh, hỏi, một nhà sư tài sắc và cao thượng như vậy làm sao lại phải về trụ tại ngôi chùa nghèo, vắng vẻ tận nơi khỉ ho cò gáy, ông anh có biết không? Vâng. Chính tôi cũng đang muốn hỏi câu ấy đây …

Xe vào bến Bàng.

Viếng xong thân nhân anh bạn ở làng Riệc, như bị ma đưa chân, bác sĩ Nguyễn Thanh Bình ra bến ngược xe, xuống quán Gội. Chẳng cần phải hỏi, thẳng một mạch, quốc bộ về chùa Dớn. Ni cô Bạch Liên dẫn Bình lên gặp sư cụ Đàm Lương. Cụ dừng đọc sách dưới tam bảo, về nhà tổ tiếp khách. Sau khi nghe giới thiệu làm quen ban đầu, sư cụ bảo: "Thôi, khỏi cần đưa bằng bác sĩ đông y ra làm gì, ta tin ở thí chủ, tin ở con. Người tu hành mà không có đức tin thì làm sao tu được. Con có những năm tháng sinh viên từng cộng thiện với ni cô Bạch Liên trên chùa Phúc Viên thì ta càng hiểu con thêm. Nhưng hiện nay con đang bế tắc trong cuộc sống mà nương tựa cửa thiền thì không nên. Đến với Đức Phật là phải thành tâm con ạ, trong lòng thật thanh thản thì đường tu mới dễ khang thục!  
- Dạ, vâng ạ! Thưa cụ, con chưa nói rõ để cụ hiểu. Nguyễn Thanh Bình nói thêm: Bẩm cụ, con là đứa trẻ mồ côi cha từ nhỏ, sống với mẹ. Năm con lên mười, hai mẹ con mắc chứng thương hàn, quắt queo như đôi lá héo, trăm phần những tưởng là bỏ đi, nhưng nhờ phúc đức cụ lang già ở quê cứu sống, đưa hai mẹ con từ cõi chết trở về, cụ không lấy một đồng công, đồng thuốc nào, cụ bảo người bệnh nghèo khó, việc của người thầy thuốc là cứu người chứ có phải kiếm tiền từ người bệnh đâu! Bài học làm người của con bắt nguồn từ chính cái thật gia đình con, con thấm thía mà nguyện đem theo suốt cả cuộc đời! Lớn lên, con cố học, thi đậu vào trường y, mong sau có chút gì nhỏ bé để trả nợ đời, bằng cách cứu giúp đồng loại gặp khó khăn mà con có thể. Mặt khác, Bình thưa tiếp: khi cầm tấm bằng bác sĩ trong tay, con nộp đơn xin vào làm các cơ sở chữa bệnh công lập, nhưng tất cả đều không được thu nhận, mặc dù những đơn vị đó đều đang rất cần những bác sĩ như con! Chắc là con nghèo quá, không đủ cái gọi là điều kiện để làm thủ tục “đầu tiên’’. Con tới các phòng chấn trị tư nhân, họ nhận con ngay, nhưng với một yêu cầu phải làm việc theo ý của họ chứ không làm theo chuyên môn thầy thuốc, bắt mạch kê đơn bốc thuốc, có nghĩa là khám bệnh, bán thuốc gian dối để moi tiền của người bệnh đem về cho chủ càng nhiều càng tốt! Với tâm thế của con, con không thể phù hợp với loại cơ chế thị trường vô đức này được. Con đang bơ vơ, nhân chuyến về Riệc viếng thân nhân anh bạn, trên xe gặp lại ni cô Bạch Liên, chỗ biết nhau cũ, phúc cho con gặp cụ, con mạo muội thưa cùng, xin cụ mở rộng cửa chùa, cho con được núp dưới bóng Phật làm điều mà con hằng mong ước… 

Sư cụ im lặng một hồi lâu. Mãi sau, người bấm đốt ngón tay, chậm rãi nói: 

- Hôm nay ngày hoàng đạo, khởi sự dễ hanh thông. Ta mạn phép Đức Phật, tin vào con, tin ở tâm thiện của con. Sau này việc nguyện ước đạt đến đâu là do con tự tu luyện lấy, chẳng có ai tu hộ, chẳng có Đức Phật cầm tay chỉ việc cho đâu. Người chỉ vạch hướng để các nhà tu hành đến cái đích thiện mà thôi. Người đời, người tu hành chỉ có tự tu mới đắc đạo. Ngừng một lát, con sẽ nhập Đạo hữu, làm thuốc trong chùa Dớn đây. Sau này thuần thục kinh sử, hông tuệ Phật pháp đến độ, các cao tăng, hòa thượng, chuẩn theo giáo lý Phật viện sẽ tiến cử con lên tăng, lúc đó mới được xuống tóc để nhập Đạo tràng. Ta nghĩ, con có vốn học ắt không khó lắm đâu, cái khó vẫn là cái tâm có thiện mà thôi! Vùng này, người dân xa nhà thương bệnh viện, quê còn nghèo, chùa chiền heo hút, có được hộc thuốc ở chùa, ta cho rằng hợp lẽ. Ngày mai, ta với con mang mấy thứ giấy tờ cần thiết vào chính quyền sở tại trình báo, xin phép hẳn hoi, mình làm việc nghĩa, việc chính đại quang minh phải đàng hoàng con ạ! Công việc ban đầu cần gì, con cứ khoát ra, nhà chùa cùng làm để con hành nghệ, con đừng lo!

- Vâng! Bác sĩ Bình nói: đóng tủ thuốc bao nhiêu ô kéo, cần bao nhiêu bồ nan, dao cầu, thuyền tán, cân tiểu ly… việc chuyên y con sẽ dự liệu và bẩm lên cụ. Sư cụ Đàm Lương khẽ ho ba tiếng như thể chuyển giọng chứ không tỏ là mình già yếu, cụ nói nhỏ, ấy đấy, tí nữa lại quên, ta nay đã ngót chín mươi năm tọa thế, chân chậm mắt mờ, chùa thêm con, lại là nam tử những công việc nặng nhọc, đêm hôm gió máy tuy có Bạch Liên nhưng dù sao thì ni cô cũng là nhi nữ. Thêm con ta càng thấy vững lòng. Con sẽ trụ lại chùa Dớn này, có một chuyện, trước sau rồi cũng  hay, chi bằng ngay giờ ta nói luôn. Việc cao tăng hòa thượng bổ ni cô Đàm Bạch Liên về Dớn bởi hai nhẽ, một là ta nay tuổi cao, sức yếu cần có tăng ni trẻ ngày đêm bên cạnh cùng lo việc đèn hương và đỡ đần ta khi trái gió trở trời. Khi ta viên tịch về cõi u mê có người thay thế! Con người chẳng ai tránh được ngày tận cùng của kiếp sống tạm trên trần thế. Người tu hành hay không tu hành cũng vậy mà thôi, chết đâu  phải là đã hết. Con người hạnh phúc là được chết trong bốn chiêu kiện, một không đau đớn, hai nhanh chóng, ba người thân kề bên, bốn trong thanh tịnh. Ba chiêu đầu chủ yếu do trời Phật chỉ định, còn chiêu thứ bốn, chết trong thanh tịnh là do chính mỗi con người tự tu dưỡng lấy mà thôi. Chỉ cần có được chiêu kiện thứ bốn đã là hồng phúc rồi, con ạ. Có phúc, linh hồn sẽ về cõi Phật, cõi Bồng lai thanh thản. Sư cụ khẽ ho, đổi giọng . "Hôm nay, tiện đây ta nói thêm nhẽ thứ hai để con khỏi phải tự hỏi lòng mình mà phải tội, điều này tuy nhỏ nhưng con cần biết rồi còn cư đãi. Việc một ni cô thông tuệ kinh sử, Phật pháp, học cao biết rộng, đức độ khác thường… lại bổ về ngôi chùa nghèo vùng sâu vắng vẻ. Không phải Bạch Liên có khiếm khuyết gì đâu, cái mà cao tăng lo xa cho ni cô  lại bắt nguồn từ chính ở Bạch Liên cơ đấy. Ni cô đang độ xuân thì, nhan sắc hiếm hoi có người bằng vậy, không cần tỉa tót điểm trang, nguyên mộc mạc nhưng cũng làm nghiêng ngả bao đấng nam nhi. Nếu để Bạch Liên trụ ở Phúc Viên hoặc những chùa trong đô thị đông đúc phồn hoa, cận kề thói đời trăng hoa… e rằng khó bề tu trọn vẹn được. Nên, chùa Dớn tọa lạc vùng sâu, vùng xa, vắng vẻ và biệt lập thế này là điểm đến với ni cô là đúng, là lẽ thường tình cho dù Bạch Liên không có mảy may nhỏ gì biểu hiện! Đây chỉ là một sự lo xa mà thôi. Con người, quả kiếp nó nặng lắm, nên đường tu, tưởng như bằng phẳng, người nào muốn tu trọn kiếp phải có tâm, có chí mới thành, phải thắng được chính mình. Tự nguyện, Phật tổ chẳng bắt ép ai cả, cho nên, Phật dạy tu tại tâm, tu từ tâm là như vậy !..."

**

(Sen trong lửa - Họa sĩ Đặng Phương Việt)



Không khí chùa Dớn sáng nay có chút thay đổi. Ở nơi khác thì chẳng nói  làm gì, nhưng nơi tĩnh vắng thế này,  có chiếc xe con cắm cờ nhà Phật về đón ni cô Đàm Bạch Liên đi lễ, nghe đâu mãi tận bên Ấn, bên đất Phật! Tin dù không có loa phóng, nhưng rỉ tai, truyền miệng phong thanh đi rất nhanh khắp các mọi ngả .

Khoác tay nải lên vai, Bạch Liên gọn gàng trong bộ đồ tu hành mầu nâu cánh gián tới cổng tam quan. Đạo hữu Nguyễn Thanh Bình ra tiễn. Tam quan ngoại mở. Bình nắm tay Bạch Liên khẽ lắc lắc:

- Ni cô thượng lộ bình an, nhớ bảo trọng nhé!    

- Vâng! Bạch Liên bóng gió - bảo trọng để trong chiêm bao còn được gặp đạo hữu gọi Bạch Liên, Bạch Liên… chứ suốt ngày toàn nghe thầy thuốc nhắc cúc hoa, tang diệp quế chi, nhục liên… thì Bạch Liên buồn lắm đấy! À, đạo hữu nhớ luôn trông cụ trong những ngày Bạch Liên vắng chùa nhé!

- Được rồi, đừng lo. Chiếc xe lao đi chở cả cõi lòng rung động lần đầu tiên mà đáng ra đã có hàng chục năm rồi trong người con gái mải mê với việc tu hành tạm trầm xuống, hôm nay, đôi bàn tay khác giới tính, lần đầu đã nắm chặt lấy nhau, bàn tay bác sĩ Bình vừa ấm vừa chắc càng làm cho ni cô trỗi dậy một cái gì rất khó nói mà bao ngày tụng kinh niệm Phật tạm quên đi!

***

 

Được hỗ trợ rất nhiều, nhờ cơ giới, đoàn tăng ni đã hành hương trên đất Phật. Chiều nay, sau bao ngày rong ruổi trên đường, Bạch Liên cùng đoàn nghỉ trong một khách sạn thượng hạng. Biết Bạch Liên là người Việt Nam, nên tất cả những bảng chỉ dẫn đều được dịch ra tiếng Việt đính kèm, các vị sư người Đông Nam Á cũng vậy. Cho nên, trú trong khách sạn lạ mà cứ như sống ở nhà mình, mỗi người một phòng khép kín, rất tiện lợi! Chốt trái cửa, Bạch Liên vào phòng tắm. Phòng kín, rộng rãi như càng rộng thêm gấp đôi bởi trong phòng gắn hai tấm gương soi rộng, cao quá đầu người đối diện nhau, khi soi phía trước thấy cả phía lưng, rõ mồn một từ đỉnh đầu tới tận gót. Chà! Chưa bao giờ Bạch Liên được ngắm mình như vậy! Ni cô lấy khăn bông thấm khô những giọt nước trên cơ thể rồi nhưng vẫn chưa muốn mặc quần áo mà cứ tần ngần kéo dài thêm chút nữa cái giây phút hiếm hoi được ngắm toàn thân mình thoát y từ các phía. Ôi, đôi nhũ tròn còn săn chắc gọn gàng vồng cao trên ngực có bao giờ mặc áo treo nịt đâu, toàn tự do buông thõng trong tấm áo rộng thùng thình của người tu hành, thế mà chẳng chảy xệ! Ơ kìa, phải chăng, hay là, đúng rồi đôi núm nhũ còn đỏ hồng hồng nữa, tất cả đã nói lên chưa từng có một bàn tay đàn ông lần nào xoa nắn. Nguyên trinh này, ừ, mai về sẽ dành tặng cho một người mà chỉ một lần thôi đấy nhé, để có cái trải nghiệm cảm giác diệu kỳ qua sự mơn chạm khác giới. Bạch Liên không nắn đôi nhũ của mình nữa, coi như để lại dành cho đôi bàn tay ấm áp rắn chắc đã nắm tay mình sáng tạm biệt dưới mái tam quan! Bạch Liên ngắm nhanh qua gương thấy mình dỏng cao, tròn lẳn chứ không lụng thụng trong bộ nâu cánh gián tu hành. Bụng thắt, quả mông nở, cặp đùi thon phinh phính, khu ngã ba, nụ đào sơ khai hé nở… tất cả như muốn nói một điều Bạch Liên đang sẵn sàng và đủ bản ngãi sinh con, làm mẹ lắm! Ni cô đột nhiên thấy tim mình đập rộn lên, hồi hộp có vẻ ngượng ngùng như đã trót để cho ai đó ngắm nghía cơ thể nõn nà của mình. Bạch Liên tự xấu hổ với chính khát khao đáng lẽ nếu như không phải là người tu hành… Ni cô ngắm kỹ khuôn mặt mình. Ôi, sao mà giống nữ diễn viên Trần Hiểu Phúc sắm vai Lâm Đại Ngọc trong phim truyền hình Hồng Lâu Mộng của Trung Quốc mà Bạch Liên đã từng được xem hồi trụ chùa Phúc Viên. Cái cô diễn viên mà người nào đã xem qua tivi, dù nam hay nữ cũng đều tấm tắc khen là xinh đẹp! Quả thật, hơn một tỷ người chọn được Trần Hiểu Phúc không phải là dễ. Buồn cảnh của Lâm Đại Ngọc và cả của Trần Hiểu Phúc nữa đừng vận vào Bạch Liên nhé! Từ ngày xa chùa Dớn cũng lâu lâu, nhìn gương, ni cô thấy tóc đã dài gần một thốn. Hay là để dài? Bác sĩ Bình có thích không? Vớ vẩn, vớ vẩn! Sư cụ mà biết nghĩ vậy thì có mà … Nhớ lại, có đôi lần ngồi sau sư cụ tụng kinh, không thể khống chế được tình cảm, Bạch Liên cứ tự trôi sát vào Bình, thể như có đôi mắt sau gáy, sư cụ đã nhận ra, và tiếng mõ gắt lên cốc cốc cốc cốc cốc cốc dệt vào Nam mô a di đà Phật, dứt khoát, mạch lạc muốn nhắc bảo với Bạch Liên một điều cấm kỵ một cách quyết liệt!


… Tẩy trần bằng tắm nước sông Hằng, lễ Phật xong xuôi, ban tổ chức tặng mỗi tăng ni nước ngoài một cây giống nhân chiết từ cây bồ đề cổ thụ mà đức Phật Thích ca đã ngồi tu dưới bóng tới ngày thành Phật, để các tăng ni đem về trồng trong các chùa bản xứ. Đàm Bạch Liên ôm cây bồ đề giống đựng trong sọt nan cùng các nhà sư Đông Nam Á, lên xe, tạm biệt đất Phật, ra về. Xe vừa đi hết đất Phật hơn mười phút , đang bon bon trên đường biên giới nước bạn. Nhận ra trên xe có mang cờ hiệu Phật giáo trắng vàng, từ trong rừng, một người đàn ông, xô ra, đứng giữa đường ngăn xe. Xe dừng. Lập tức, một người nữa lao ra, chĩa súng vào, nhà sư áo vàng hoảng hốt, định né tránh. Bạch Liên kêu lên, đừng bắn ! Và, rất bản năng, đua người ra, che cho nhà sư áo vàng nước bạn ngồi ghế trong. Nhưng, súng đã nổ. Sư bạn bị thương. Bạch Liên gục xuống. Máu từ lòng ngực tuôn ra, đỏ nhức nhối đôi bàn tay vẫn ôm cây giống bồ đề … Tin ni cô Đàm Bạch Liên bị bọn xung đột giáo phái sát hại, bác sĩ Nguyễn Thanh Bình bỏ ăn mấy ngày liền. Chùa Dớn u tịch, không khí càng nặng nề. Chiều ngày thứ ba, Bình lên tam bảo:
- Bẩm cụ, con xin được xuống tóc đi tu, nhập Đạo tràng, nguyện suốt đời ăn mày cửa Phật! 
Sư cụ Đàm Lương chưa nói gì, hai tay chắp trước ngực, mắt vẫn đăm đắm nhìn lên tam bảo …


Thái Bình tháng Bảy cầu siêu 

Nguyễn Đình Bầu

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.