- Trang văn
Giàn trầu không của mẹ
Chủ nhật - 18/07/2021 22:25
GÓI QUÀ QUÊ VÀ GIÀN TRẦU CỦA MẸ
(Tác giả: Lương Duyên Thắng)
Ngày ấy, khi chúng tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường ăn trầu. Nhà ở nông thôn ngày ấy thường là nhà ba gian, năm gian với bậc thềm tam cấp lên hiên nhìn khoảng sân rộng. Trước nhà hay bên hiên nhà thường có bể nước lớn chứa nước mưa hay nước từ sông gánh về để nấu ăn vài cây cau vài sợi dây trầu không leo giàn dành cho các bà các mẹ ăn trầu. Nhà tôi cũng thế, nhưng nhà nghèo nên chỉ có ba gian nền đất thấp lè tè. Mùa hè thì nóng kinh khủng còn mùa đông thì lạnh thấu ruột gan. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ những lời mẹ tôi nói, trồng trầu phải có tay (nghĩa là không nhiều nhà trồng được mà sau này tôi mới hiểu là nó dễ bị nấm thối rễ rụng lá và chết).
Tôi luôn biết ơn cái giàn trầu của mẹ ngày ấy và cả cây chay mà tôi chắc nhiều bạn ngày nay không còn nhớ ra nó nữa.
Giàn trầu của mẹ ngày ấy luôn xanh tốt và được bố mẹ tôi chăm chút rất cẩn thận. Tôi nhớ cạnh cái bình với từ cái lu sành đựng vôi đã vỡ là những tảng đất bùn khô mẹ để dành đập vỡ vụn rồi tỉ mỉ chăm bón cho cây mỗi khi nó bị vàng lá. Rồi những ngày mùa đông bố tôi thì chăm chỉ nghe dự báo thời tiết còn mẹ thì khẩn trương khéo léo che giàn trầu bằng những lá và bẹ cau khô trong những ngày sương muối.
Còn cây chay trong vườn nhà cũng lặng lẽ âm thầm vươn cao như chứng tích của một thời gian khó. Nó ở phía sau nhà cứ vươn lên lặng lẽ âm thầm. Tôi không thể quên mùi vị chua mà thanh thoát của nó trong những bát canh cá mẹ nấu hay màu Hồng nhạt của trái chay già trong nước rau muống luộc ngày nào. Chỉ là nắm rau muống nhỏ vài nhành rau nhút luộc hái từ ao nhà thêm vài ngọn rau cà cuống, kinh giới cùng với trái chanh mọng nước vườn nhà là cả gia đình đã có một bữa ăn đầm ấm hạnh phúc trong những ngày hè. Chỉ như thế thôi mà đến tận giờ mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy ấm lòng.
Những ngày chợ phiên khi công việc đồng áng không nhiều mẹ tôi thường đi chợ. Chiều hôm trước mẹ tranh thủ hái hai ba nón chè, chục trái chanh và đặc biệt là hái những lá trầu đẹp nhất trên giàn trầu của mẹ. Lặng lẽ và cẩn thận mẹ xếp thành từng xấp nhỏ chừng 10 hay 20 lá gọn gàng cột bằng Lạt tre cùng vài miếng vỏ cây chay trong vườn. Ăn tối xong mẹ sắp tất cả vào cái thúng nhỏ đội đi buổi chợ sớm mai. Chợ phiên ngày ấy có chợ Khô, chợ An Bình còn chợ Giắng thì hình như ngày nào cũng họp. Mẹ đi chợ thường về sớm vì chả có bao nhiêu đồ để bán lại thêm trầu không của mẹ vừa tươi vừa đẹp, lại có thêm miếng vỏ chay nhỏ ăn cho chắc răng nên vừa lòng mấy bạn hàng thân thiết nên mẹ bán rất nhanh. Tranh thủ mua vài mớ cá mớ tôm và không quên phần quà cho chúng tôi rồi mẹ lại tất tả trở về. Quà cho bọn trẻ ngày ấy thường ít và rất đơn giản. Chỉ là hai hay ba cái bánh rán hoặc miếng bánh đúc hay cái bánh đa vừng nhưng là những thứ mà đến bây giờ tôi cũng chẳng thể quên cũng bởi vì đó là quà của mẹ. Mong như mong mẹ về chợ là như thế.
Cũng từ những phiên chợ đó tôi học được tính cẩn thận, chắt chiu từng đồng tiền hạt gạo làm ra từ sức lao động hai sương một nắng của mẹ. Nhiều năm đã qua, mẹ giờ đã thành người thiên cổ nhưng ký ức của tôi về giàn trầu, cây chay những gói quà quê nho nhỏ ngày nào của Mẹ vẫn đậm sâu trong ký ức. Cảm ơn Mẹ cảm ơn giàn trầu, cây chay và những gói quà quê của những ngày thơ ấu. Cảm ơn bởi những điều rất nhỏ ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn nhân cách không chỉ của riêng tôi mà tôi biết còn của rất nhiều người như chúng tôi ngày ấy!