- Trang văn
Món quà thơm thảo
Thứ ba - 07/01/2020 22:54
Không ít lần trong đời, tôi đã phải trải qua những ngày đói quay đói quắt. Lẻ gạo, bắp ngô, củ khoai, củ sắn, nắm rau xanh, ngọn cỏ lành lúc ấy quý ngang vàng. Bữa đói, chúng vỗ về, dằn cái cồn cào trong dạ xuống. Khi no, chúng xoa dịu, làm cho nỗi nhớ đồng quê phần nào được nguôi ngoai. Bởi vậy, vào những lúc trời đất chuyển mùa, đổi tiết, tôi thường bâng khuâng vin vào các loài cỏ, hi vọng qua một sắc xanh có thể tìm thấy một chút hơi ấm của quê nhà. Ví như cây cỏ khúc.
Khúc chưa được gọi là rau mà chỉ là một loài cỏ dại. Thân khúc cằn cỗi, thấp bé. Lá tròn, dẹp, hai mặt lá phủ một lớp lông mịn li ti màu nhũ. Hoa cỏ khúc phơn phớt trắng, nhụy vàng mơ, lúc nào cũng như còn chúm chím nụ. Thứ cỏ này mọc hoang, chen lẫn vào trăm ngàn loài cỏ dại trên những vạt đất ẩm nơi chân đê sông Đuống, sông Hồng, sông Ninh, sông Đáy hoặc ven những bờ cừ, bờ mương ngang dọc khắp bề mặt ruộng đồng bằng Bắc bộ. Nhưng có lẽ, nơi khúc ưa phủ xanh nhất lại chính là các diệc mạ sau vụ cấy lúa chiêm.
Trong cái lạnh hun hút suốt mùa đông, cỏ khúc buộc phải thu nhỏ lại, dồn nhựa sống xuống thân, ủ sâu vào trong rễ. Tới độ xuân về, bén hơi ấm gió nồm, nhờ mưa phùn, khúc trở nên mỡ màng, ánh lên sắc bạc dưới nắng hoe. Vào thời điểm này, nhổ cây cỏ khúc, bấm nhẹ vào thân rễ, người ta bất giác được thưởng một vị hương hơi ngai ngái, nồng nồng. Đấy là thứ hương dại khờ man mác chứ không nồng đậm như mùi thơm của các loài hoa cúc trồng trong vườn nhà, được bàn tay con người tỉa tót, chăm sóc đến nơi đến chốn. Có thể đấy còn là một lời mời gọi kín đáo, khe khẽ...
Tôi biết có rất nhiều người, đặc biệt là những người làm bánh tinh đời, cảm nhận được tiếng gọi vô thanh kia. Vì chẳng phải ngẫu nhiên, chỉ riêng trong trường hợp này thôi, người ta bỗng ưu ái gọi tên cỏ khúc là rau khúc! Việc thay đổi cách thức gọi tên muôn loài, thực ra đã diễn ra từ hàng ngàn hàng vạn năm trước, kể từ khi con người biết hòa đồng vào tự nhiên, chọn cỏ cây hoang dã làm thức ăn, làm thuốc chữa bệnh, làm đẹp cho đời. Nhưng chỉ đến khi người nông dân Bắc bộ gọi cỏ khúc là rau khúc, loài cỏ dại này mới tạm được coi như một thứ rau đặc dụng. Dĩ nhiên, cho tới thời điểm ấy, vẫn chưa hề thấy ai trồng khúc trong vườn. Khúc vẫn mọc tự nhiên ở những nơi nó có thể mọc. Nói khác đi, khúc vẫn chỉ do trời gieo cấy. Mặc dù thế, khúc vẫn là thứ rau của trần thế, dành cho cõi tục. Vì sao lại như vậy ư? Câu trả lời sẽ hết sức đơn giản là, ấy là do ý của con người muốn vậy. Đồ vật, thức ăn đặt ở chỗ này thì sang, chuyển đến nơi chốn khác có thể gọi là hèn; đưa lên bàn thờ thì thành vật dâng cúng, còn bày ra chợ để bán thì lại hóa một món quà!
Chuyện cỏ cây cũng lạ, nhiều khi hao hao, hoặc gợi liên tưởng tới số phận của con người. Từ giàu tới nghèo, từ sang đến hèn, nhiều khi cũng chỉ do hoàn cảnh, chỗ đứng trong cuộc đời? Thảng hoặc, trong một vài chuyện hi hữu, giữa con người và vật vô tri còn có một mối dây liên lạc vô hình nhưng gắn bó với nhau rất chặt chẽ. Ví như câu chuyện bạn bè của tôi thuở thiếu thời chẳng hạn. Ngày ấy, do hiểu lầm một người bạn mà tôi cho là xấu chơi, tôi đã định cắt đứt hoàn toàn quan hệ với anh ta. Chẳng biết do ai kể lại, bố tôi phong thanh biết chuyện. Người hỏi tôi khá cặn kẽ về anh bạn và đưa ra một lời khuyên rất lạ lùng: “Con nên tới nhà bà Huyên, hỏi ông bà ấy làm bánh khúc như thế nào đã. Rồi thì có bỏ bạn cũng chưa muộn đâu!”. Tôi đã nghe theo lời khuyên đầy ẩn ý ấy và lẳng lặng đến nhà người chuyên làm bánh khúc. Nhìn đôi vợ chồng già gò lưng, lóc cóc giã những nắm cỏ khúc, vắt lấy nước trong, bỏ bã, tôi bỗng giật mình. Làm bánh mà cũng công phu, vất vả đến thế sao! Nhưng đó là công việc sinh nhai, là một nghề để sống, nên ông bà Huyên đã hầu như không biết đến nỗi vất vả của mình, họ chỉ thấy niềm vui trong công việc tạo ra những cái bánh thơm ngon, bán rất chạy trong những phiên chợ Thượng trong cả tiết đông xuân. Riêng bài học muốn luôn được vui trong cuộc đời dằng dặc song cũng không hiếm những nỗi buồn này, mỗi người nên mở rộng lòng, bỏ qua cho nhau những cái mình chưa được ưng ý, gạn đục khơi trong mà nhận lấy những phần tốt của người khác, thì phải rất lâu sau tôi mới nhận ra! Tôi nghĩ, cũng như cỏ khúc hữu ích cho con người chỉ nhờ vào lá và thứ nước chắt ra từ rễ, thân của nó, mỗi người bạn chỉ thích hợp với ta ở từng mặt nào đó, đòi hỏi sự toàn diện e là điều không tưởng. Không có hương vị riêng trời cho ấy, làm sao bánh khúc hấp dẫn được người đời? Không biết neo vào những mặt tốt của người, làm sao ta có bạn trong đời?
Mang trong lòng bài học vỡ lòng từ bánh khúc, lớn lên, tôi hay tự vấn chính mình và thường chủ quan nghĩ rằng, ai đã từng được thưởng bánh khúc ở dốc Lò Trâu, Nam Định, ở đầu làng Nghi Tàm, Hà Nội, ở cổng chợ Sắt, Hải Phòng, hay ở một góc chợ quê xa xăm nào đó vào một sớm gió rét trở mùa, hẳn khó mà quên được hương vị của món quà dân dã ấy. Nhờ bánh khúc bắc cầu, nối nhịp, hồn tôi vẫn còn tơ vương mãi về những nơi chốn mà mình đã từng dừng chân ghé lại dẫu chỉ một đôi lần. Cho đến hôm nay, sau nhiều mùa cỏ khúc mọc rồi tàn, tôi vẫn nhớ như in nét mặt rạng rỡ của bà Minh, người bán bánh khúc ở dốc Lò Trâu, khi bà sung sướng ngồi nhìn đám khách lạ, khách quen của mình đang túm năm tụm ba vây quanh chõ bánh, vừa xuýt xoa thổi, vừa cắn từng miếng bánh khúc nhỏ ngon lành. Tôi cũng không quên được dáng cây đa xòa xuống đất, rễ đa như những cánh tay với xuống chõ bánh khúc đang nghi ngút khói thơm của cô hàng bánh Thu Hương ở đầu làng Nghi Tàm. Tay cô thoăn thoắt đơm xới bánh; miệng, môi, mắt cô tươi cười khi trao gói bánh khúc còn nóng hôi hổi vào tận tay từng người. Trong số thực khách đều đặn vào các buổi sớm, tôi biết nhiều chàng trai ghé qua hàng bánh khúc cốt chỉ để được ngắm nhan sắc mặn mà của cô Thu Hương. Họ phải lòng người rồi phải lòng bánh khúc, hay nhờ hương bánh khúc mai mối mà đến được với người, điều này tôi chưa được tỏ. Nhưng mỗi sáng ghé qua đây, tôi thấy trong lòng thơ thới lạ. Vào những ngày không có việc phải ngang qua làng Nghi Tàm, tôi cứ cảm thấy hẫng hụt, trống vắng thế nào ấy. Nhưng, không hiểu vì lẽ gì, ngày ấy tôi đã cố ép lòng, tìm ra đủ mọi lí do để lẩn trốn mình, không dám thừa nhận cảm giác này chính là một mối tương tư...
Ngược dòng cùng nỗi nhớ, năm nay, đúng vào một ngày gió bấc trở mùa, tôi đã lần tìm về chốn cũ. Và lòng tôi không khỏi nao nao khi hay tin người già đã khuất, người trẻ đã sang sông. Chỉ có hương quê thì vẫn còn đâu đó, ngan ngát vị nếp cái hoa vàng từ cái bánh khúc mà tôi mua vội của một bà lão bán quà sáng cạnh đình làng Khương Trung gần Ngã tư Sở cũ. Tôi đã cầm cái bánh gói tạm bằng lá chuối mật hong sơ lửa trên tay, để cho mùi thơm của gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh, hạt tiêu, hành mỡ, nhất là của hương khúc, lan tỏa theo làn khói mỏng manh. Lúc ấy, tự nhiên tôi lại nhớ tới lời bố tôi nói năm xưa. Rồi nghĩ thầm, những suy ngẫm của người về cái bánh khúc quả thật là rất chí lý!
Theo bố tôi, dựa vào những chiêm nghiệm trong đời, những con chữ trong bộ sách chữ Nôm bìa phết cậy đen mà ông nội tôi truyền lại, thì bánh khúc cũng chỉ là một món ăn mô phỏng, kết hợp hài hòa, sáng tạo ba thứ bánh chưng, bánh dày và xôi của những lớp người đi trước mà thôi. Từ thượng cổ, xôi, bánh chưng, bánh dày đã được liệt vào hạng phẩm vật dùng để dâng cúng các bậc tiên hiền tiên liệt trong các dịp nghi lễ. Riêng bánh khúc, miếng ngon được tạo nên từ những sản vật dung dị của đồng quê, chỉ được người xưa gọi là quà kẻ chợ, dùng để ăn chơi, ăn lấy hương, lấy hoa, lấy thơm, lấy thảo...
Là một thứ thời trân kết hợp nhưng nghiêng về thế tục, cái bánh khúc có đủ cả ba phần. Ngoài cùng là áo bánh. Đó là một lớp gạo nếp mỏng, khi chín gạo sẽ bám vào vỏ bánh. Phía trong là vỏ bánh được nặn bằng hai phần bột gạo nếp pha với một phần bột gạo tẻ. Trong cùng là nhân bánh, gồm đậu xanh giã nhuyễn, hai miếng thịt mỡ quân cờ, điểm thêm một vài nhánh khúc xanh (hoặc đã được giã nhuyễn). Người ta còn có thể gia giảm thêm hạt tiêu, hành củ để tăng hương vị cho nhân. Cách thức làm bánh, đồ bánh khúc cũng rất đặc biệt. Như đã nói qua ở trên, trước khi làm bánh khúc, người ta hái cỏ khúc ngoài đồng về, rửa sạch rồi giã nhỏ, vắt và lọc lấy nước cốt. Đem thứ nước khúc ấy mà nhào với hai phần bột gạo nếp pha một phần bột gạo tẻ, ta được một thứ bột dẻo dùng làm vỏ bao bọc lấy đậu xanh, rau khúc và thịt mỡ. Xong việc, người làm bánh rải một lớp gạo nếp cái hoa vàng dưới đáy chõ, xếp một lớp nhân bánh lên trên và lại rải một lớp gạo nếp, xếp nhân. Chõ bánh được đặt trên một nồi nước, đem đồ chín như đồ xôi vậy. Muốn bánh thơm hơn, có người còn cầu kì dùng nước chắt của cỏ khúc để đồ bánh.
Tôi nhớ, có một lần tôi đem việc này ra hỏi bố tôi. Người chỉ khẽ mỉm cười, rồi buông lửng: “ Con hỏi vì sao người ta lấy nước chắt ra từ một loài cỏ dại để nhào nhân và đồ bánh ư? Trước hết là để cho bánh được thơm ngon”. Tôi gặng: “ Còn sau đó, bố?”. Bố tôi hướng mắt về phía xanh xa, chậm rãi cắt nghĩa: “ Cái bánh khúc cũng có thể là vật tượng trời và đất nhưng không lẫn với bánh chưng, bánh dày; bởi nó gói trọn tấm lòng người thảo dân chốn thôn dã nữa!”. Nghe thì biết vậy thôi, chứ cho tới hôm nay, tôi vẫn chưa đủ khôn để tỏ tường mọi ý nghĩa thâm sâu trong lời nói của người già. Mặc dầu vậy, mỗi khi được tận mắt nhìn những hạt mưa phùn vương trên mặt lá khúc màu nhũ bạc lóng lánh, tôi hay nghĩ thầm, đối với người Việt Nam ta, cho tới hôm nay, bánh khúc vẫn là một trong những món quà xuân thơm thảo của quê nhà! Là cái tình người thôn dã cho nhau…
Nguyễn Quốc Văn