- Trang văn
Chợ Sapa cổ
Thứ năm - 09/01/2020 22:16
Sapa Thác Bạc Cầu Mây
Cô Đào Bích Nhị ngất ngây lòng người
Tôi được may mắn biết Sapa từ những năm 1990. Lúc đó Sapa quả thật là rất hoang sơ mà đẹp lạ lùng. Chắc chắn tôi chỉ là một trong số nhiều người bị Sapa quyến rũ, nên thứ bảy hàng tuần lại bắt xe từ Lào Cai lên Sapa. Đường đi hồi đó thật khủng: đi xe ô tô cũng mất khoảng 3 tiếng, nếu gặp lũ ống hoặc đất lở, đá lở thì lại quay về. Nhưng nếu lên được thì giống như được lên thiên đường vậy. Núi rừng, thị trấn và con người nơi đây chả giống gì với cuộc sống ở dưới núi. Mỗi lần lên được Sapa thực sự là một giấc mơ đối với tôi lúc đó, và thậm chí ngay cả bây giờ khi tôi viết lại những kỷ niệm này. Những bụi hồng leo trên vách đá chìa ra những chùm hoa tinh khiết đẫm sương. Rồi thảm hoa lay ơn thóc màu đỏ phủ kín núi rừng lúc đầu mùa hạ. Cả đất trời mây núi đều làm cho con người nơi đây thật yên bình và đẹp đẽ mà đến giờ đây tôi mới hiểu đó là cuộc sống thật của thiên nhiên.
Đây là Thác Bạc hoang sơ lúc đó. Nước tuôn về từ đâu đó trong mây. Nhiều lần tôi cũng định thử trèo ngược dòng lên núi để xem nước ở đâu ra mà nhiều thế nhưng không thể lên được. Người Mèo ở đây bảo phải đi mất mấy ngày mới tới đỉnh núi. Ở trên đó có một cái hồ không bao giờ cạn. Vậy thôi, đành quay về mà chả biết thực hư thế nào.
Gọi là Cầu Mây vì cầu được làm từ dây mây và ván gỗ Pơ mu, bắc qua dòng suối chảy từ khe núi chia Sapa và dãy núi Hoàng Liên Sơn. Cầu này ngày xưa được làm ở địa phận bản Tà Chải và bản Tả Van. Vì làm bằng dây mây nên cầu chỉ chịu được mấy năm thôi rồi lại phải làm cái khác, có thể chính chỗ cũ hay ở gần đấy, tùy thuộc vào dòng nước lũ và cây đá có sẵn ở đó. Cầu do dân làm ra, người Mèo người Mán người Dao ai ai cũng được đi cả. Khoảng mười mấy năm gần đây, một tổ chức từ thiện nước ngoài đã giúp đỡ xây một cây cầu treo bằng cáp, nên chắc Cầu Mây của Sapa giờ không còn nữa, có còn chăng cũng là để làm du lịch.
Thế còn Cô Đào Bích Nhị là ai? Theo sếp lúc đó của tôi, là một người đã sống và làm việc tại Sapa từ những năm 1960, thì Cô Nhị là công nhân nông trường Sapa, sau đó nghỉ việc rồi vào bán hàng ở chợ Sapa. Thực ra Cô Nhị không phải là người nhan sắc lắm, nhưng vì câu thơ kia được truyền miệng khắp nơi và người ta đồn thổi Cô là người đẹp nhất Sapa, chắc là vì cái tên thơ mộng kia, nên người mới đến thị trấn đều rất tò được xem mặt Cô Đào Bích Nhị. Người Sapa gốc lúc đó hài hước lại chỉ đường cho du khách đến gặp Cô Nhị bán thuốc bắc ở chợ, và được cô cho một bài trước khi rời khỏi Sapa. Sau này về già, Cô Nhị đã chuyển hẳn về ở dưới miền xuôi mà trước đó chẳng ai có máy ảnh để ghi lại hình Cô trước khi xuống núi.
Chợ cổ Sapa lúc đó là tụ điểm duy nhất của cả người dân và du khách đến Sapa. Chợ họp trên bậc thang đá dẫn lên nhà thờ. Cuối bậc thang đá là hai dãy nhà là nơi các cửa hàng bán nhu yếu phẩm cho nhân dân trong vùng. Một trong các nhà bên đường được làm bằng gỗ, là nơi có chảo thắng cố và bàn ăn cho những phiên chợ cuối tuần. Đây cũng là nhà chợ chính mà người ta bày bán thuốc bắc, mật ong và các đặc sản Sapa cho du khách. Người Mèo bán củi, sợi lanh, ngô, đào ngay trên bậc thang đá. Thắng cố có nghĩa là lẩu ngựa trong tiếng Mèo, và cũng chỉ thấy có người Mèo ăn.
Chính tại khung cảnh chợ cổ này đã diễn ra cái mà về sau này người ta gọi là “chợ tình Sapa”. Cái tên này người ta vay mượn thêu dệt từ đâu đó chứ người Sapa lúc đó chẳng ai nói có cái chợ tình nào cả. Lúc đó chỉ có thói quen đi chợ hàng tuần của người dân vùng cao Sapa mà thôi. Vì người Dao ở xa chợ nên họ phải đến chợ từ chiều hôm trước, mang theo đồ ăn từ nhà đi, đến chợ gặp nhau rồi ăn tối cùng nhau, sau đó tụ tập hát hò với nhau cho vui. Các cô gái Dao đỏ ngồi chụm đầu lại với nhau thành vòng tròn và hát trêu chọc các chàng trai. Các chàng trai dùng đèn pin soi vào trong đám con gái để xem ai hát, nhưng các cô gái lại dừng hát rồi cười rúc rich. Cứ thế cứ thế, màn hát trêu và tìm được ra người hát trêu cứ diễn ra tuần này qua tuần khác, năm này qua năm khác, cho đến khi chàng trai tìm được người con gái yêu mình thì họ tách nhóm và đi chợ cùng nhau.
Chỉ một số ít người Mèo ở xa mới đến chợ từ chiều thứ bảy. Nhưng họ chỉ tụ tập quanh khu nhà gỗ trong chợ, ăn cơm nắm và uống rượu. Người Mèo không túm tụm hát hò như người Dao. Phần lớn người Mèo đi chợ từ rất sớm, khoảng 7 giờ sáng họ đã có mặt ở chợ rồi. Người Mèo thường mang theo ngựa thồ hàng và đôi lúc để chở người lúc say rượu. Họ mang đến chợ nấm hương, thảo quả, giống vật nuôi và cây trồng. Sau khi mua bán xong xuôi, người Mèo thường ghé vào ăn thắng cố, uống rượu say sưa rồi dắt ngựa về từ khoảng 2 – 3 giờ chiều.
Người Dáy, hay còn gọi là người Nhắng, đến chợ muộn hơn cả. Họ xếp gùi thành hai hàng thẳng tắp chính giữa chợ. Họ bán cơm nếp nhuộm màu xanh đỏ vàng, khoai lang luộc, trứng gà luộc, măng tươi cùng các loại đồ ăn sẵn khác. Đồ ăn này chủ yếu phục vụ khách du lịch và người dân bản địa Sapa, chứ người dân tộc nào ăn đồ của dân tộc đó, không ai ăn đồ của dân tộc khác. Trang phục của người nhắng tuy giản dị, nhưng vẫn là một phần quan trọng làm nên nét văn hóa của chợ cổ Sapa.
Người Sapa ngày xưa hay nói:
Sa pa Sa pả Sa pà
Mùa hè cũng rét bỏ bà người ta
Tuy câu thơ có vẻ thô thiển nhưng nó phác họa được cảm giác chung của người Sapa lúc bấy giờ. Sapa là tên gọi mới gọi chệch đi từ chữ Sa Pả, là tên của bản Sa Pả chính là nền đất chợ Sapa ngày nay. Qua năm tháng, Sapa đã đổi khác rồi. Ngày nay chúng ta thấy người ta san rừng lấp suối, xây hồ phá đá và bao nhiêu thứ khác nữa khiến đá núi cũng đau chứ nói chi lòng người. Văn hóa của người dân Sapa cũng thay đổi theo cuộc sống mới. Các cô gái Mèo nói tiếng Anh mời khách mua hàng thêu tay, các cô gái Dao cầm ô quay tít, các chàng trai múa khèn cho khách du lịch quay video giữa chợ, tất cả đều là một Sapa làm du lịch. Chẳng hiểu họ có biết rằng người phụ nữ Mèo trước đây không bao giờ bán đồ thêu tay, còn các chàng trai Mèo chỉ thổi khèn để tìm vợ mà thôi?
Năm trong 10 hình ảnh trên đây là do một người đến từ Châu Âu ghi lại chợ cổ Sapa những năm 1991-1993. Những gì chép lại trên đây chỉ là cảm nhận của riêng tôi với mục đích chia sẻ với bạn đọc những gì tôi được biết về một Sapa mù sương, gợi nhớ tới miền Tây Tạng xa xôi. Bao đời nay Sapa vẫn thế, mỗi người có một cảm nhận riêng, một xao xuyến riêng, chả ai giống ai cả. Xuân này bạn có về Sapa?
Tuấn Khanh