- Văn học dân gian
Rằm tháng Bảy - Trung Nguyên Tiết.
Thứ sáu - 23/08/2024 18:18
(Ảnh: Đặng Văn Tôn)
RẰM THÁNG BẢY -TRUNG NGUYÊN TIẾT
(Dương Chính Chức)
Ở một vài nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên có Tam Nguyên Tiết (三元節, 삼원절) trong đó Thượng Nguyên (上元, 상원) là Rằm tháng Giêng (hay còn gọi là Nguyên Tiêu Tiết - 元宵節, 원소절), Trung Nguyên (中元, 중원) là Rằm tháng Bảy (hay còn gọi là Quỷ Tiết-鬼節, 귀절, Thất Nguyệt Bán -七月半, 칠월반) và Hạ Nguyên (下元) là Rằm tháng Mười. Đây là tên gọi theo Đạo giáo, áp dụng bắt đầu từ thời nào thì không rõ, nhưng trong sử ghi thì thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều (魏晉南北朝, 위진남북조, 220-589) đã có.
Tam Nguyên Tiết có ý nghĩa quan trọng trong Đạo giáo, là 3 thời điểm các vị thần Tam quan xem xét, luận tội chúng sinh, trong đó Thiên quan xét tội vào Thượng nguyên, Địa quan xét tội vào Trung Nguyên và Thủy quan xét tội vào Hạ Nguyên. Nhất thể chúng sinh đều do Tam quan xem xét. Các ngày đó cũng chính là ngày vía (sinh thần) của các quan tương ứng.
Trung Nguyên Tiết là ngày vía của Địa quan, người quản các chúng sinh là ma quỷ. Vào ngày này, người dân hay đốt lửa xua quỷ, hay làm lễ cúng tế cô hồn ngạ quỷ. Có nơi thì mời sư về đọc kinh độ tế những người đã chết.
Mồng Một tháng Bảy mở quỷ môn quan, và đóng vào ngày cuối tháng. Đầu tháng này, cửa địa ngục mở ra cho các cô hồn bị chết oan, chết bất đắc kỳ tử hay chết mà không có người thân thờ cúng,... sẽ được lên dương thế để thọ hưởng sự cúng tế và nhận đồ thế chấp của người trần gian, cũng như tìm người thế mạng. Người trần gian muốn tránh các cô hồn phá rối hay làm hại tính mạng của mình nên vào ngày Rằm tháng Bảy họ làm lễ bày các vật phẩm, đồ ăn thức uống và những loại vàng mã, hình nộm để cúng các cô hồn. Trước là cho cô hồn ăn uống, sau là cầu mong cô hồn đừng làm hại mình.
Bên Phật giáo gọi Trung Nguyên Tiết là Lễ Vu lan bồn, liên quan đến chuyện tôn giả Mục Kiền Liên tế độ mẹ.