- Góc chia sẻ
Đạo làm quan
Thứ năm - 12/05/2022 23:47
ĐẠO LÀM QUAN
Một lần, Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử rằng: “Dân gian có câu nói rằng: ‘có thể lắng nghe ý kiến của mọi người thì sẽ không mê hoặc’, hiện nay quả nhân khi làm việc, đều cân nhắc bàn bạc kỹ lưỡng với quần thần, nhưng quốc gia lại càng ngày càng loạn. Nguyên nhân là gì vậy?”.
Khổng Tử trả lời rằng: “Quân chủ hỏi ý kiến thần tử, có người thực sự có kiến giải chính xác, có người lại có kiến giải không chính xác, cần phải xem kiến giải của họ có phù hợp với đạo nghĩa hay không, có thực sự có lợi cho quốc gia và bách tính hay không. Vị quân chủ sáng suốt tại vị, cần phải lắng nghe kỹ những nghị luận thẳng thắn chính trực của quần thần, rồi thực hành việc thiện là được rồi. Ngày nay, triều đình thì họ Quý chuyên quyền, đàn áp người bất đồng chính kiến, quần thần sợ hãi thế lực của ông ta, không có một ý kiến nào là không phụ họa ông ta, không dám biểu đạt suy nghĩ chân thực. Trong tình hình không tôn trọng đạo nghĩa, chỉ cho phép có một loại lời nói, ngài dẫu hỏi khắp quần thần thì cũng vẫn không thể tránh khỏi càng ngày càng loạn”.
Học trò của Khổng Tử là Tử Cống chuẩn bị đảm nhiệm chức Tín Dương lệnh, trước khi khởi hành, Khổng Tử nói với Tử Cống rằng: “Bất kỳ việc gì cũng dùng đạo nghĩa để cân nhắc đánh giá, tận tâm tận lực làm việc vì bách tính, nắm bắt tốt thời cơ, không được xâm phạm tước đoạt, cũng không được cậy công kiêu ngạo, không được sử dụng phương thức tàn bạo, không được lấy trộm bất cứ thứ gì”.
Tử Cống nói: “Đệ tử theo Phu tử học đạo quân tử, tuy thời gian còn ngắn, nhưng đã học đạo quân tử rồi, sao còn có thể làm những việc lấy trộm được?”
Khổng Tử nói: “Bản thân bất lương thì sẽ chiếm công lao của người hiền làm của mình, đây chính là làm việc xâm chiếm tước đoạt. Bản thân tuy đã hiền đức, nhưng lại lấy công lao của kẻ bất lương làm của mình, đây gọi là cậy công kiêu ngạo. Hiệu lệnh người dưới thì chậm chạp nhưng trách phạt lại rất nhanh chóng, đây gọi là dùng phương thức tàn bạo. Lấy việc tốt của người khác làm việc của mình, đây chính là trộm cắp. Danh là quân tử, lẽ nào nhất định cứ phải trộm cắp tiền tái thì mới gọi là trộm cắp sao? Ta nghe nói câu thế này: Người biết đạo làm quan, tuân theo pháp lệnh mà tìm cái lợi cho bách tính. Người không biết đạo làm quan thì bẻ cong pháp luật làm lợi bản thân, xâm hại bách tính. Bẻ cong pháp luật làm lợi bản thân, và xâm hại bách tính, hai việc này đều do nguyên nhân sinh ra oán hận”.
Tử Cống nói: “Đệ tử ghi nhớ trong tâm. Thầy còn có gì muốn khuyên răn đệ tử không?”
Khổng Tử nói: “Đối diện với các loại sự vụ phức tạp, thì không gì quan trọng bằng tâm bình khí hòa. Đối diện với tài vật thì không gì quan trọng bằng liêm khiết. Nếu giữ được liêm khiết và tâm bình khí hòa, thì không có việc gì có thể bị người ta công kích. Không che lấp lời tốt việc tốt của người khác, nói ra sự hiền đức của người khác, thì chỉ có thu hoạch chứ không có tổn hại nào. Do đó biểu dương cái thiện là vô cùng quan trọng. Quân tử không đặt mình lên trên người khác, nói năng cẩn thận, lời nói cần phải lựa chọn, khiến lời mình nói ra và những nghị luận của người khác mà ta nghe được là giống nhau”.
Tử Cống ghi nhớ lời dạy của Khổng Tử, sau này quả nhiên làm được “Thi hành nhân đức rộng rãi cho người dân, và có thể giúp đỡ dân chúng”.
Đạo làm quan làm người là ở chỗ vị trí của mình không cùng một giuộc với thế lực hắc ám, bất cứ khi nào cũng kiên trì đạo nghĩa.
Ngày nay cũng có người không coi trọng đạo nghĩa, và cưỡng ép người khác “bảo trì nhất trí cao độ” với mình, bức hại người dám nói lời chân thật, dối trá lừa thế nhân. Ác nhân như thế này, đang đối mặt với sự đào thải của lịch sử. Rốt cuộc, con người sống trên đời, đạo đức lương tri mới là quan trọng nhất, là thứ mà Thượng Thiên ban cho, là thứ tốt đẹp nhất trong bản chất sinh mệnh, là cội nguồn và nơi trở về của sinh mệnh.
Theo MHN