• dau-title
  • Góc chia sẻ
  • cuoi-title

Kiều và Hoạn Thư trong quan họ

Thứ hai - 11/11/2019 22:28

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong dân ca quan họ Bắc Ninh có hàng trăm câu hát mang âm hưởng Truyện Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du. Nhiều câu quan họ giữ nguyên cả đoạn thơ, cũng nhiều câu mượn ý mượn tứ trong thơ Kiều, song các nghệ sỹ dân gian đã thay đổi một vài chi tiết sao cho các câu Kiều mượt mà diễn tả tâm tình của người quan họ. Câu chuyện sau đây là một ví dụ điển hình về sự diễn hóa tài tình của các nghệ nhân quan họ Kinh Bắc.


Ai đã học Kiều hẳn còn nhớ chuyện đánh ghen của Hoạn Thư. Khi được biết chồng là Thúc Sinh, lúc đó đang lưu học ở Bắc Kinh, có chuyện dan díu với Thúy Kiều, Hoạn Thư lẳng lặng thuê người đánh đập rồi bắt Kiều về quê làm A Hoàn cho mình, đặt tên là con Hoa. 

Từ nghe vườn mới thêm hoa,

Miệng người đã lắm tin nhà thì không.

Lửa tâm càng dập càng nồng,

Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa



Một thời gian sau Hoạn Thư gửi tin gọi chồng về quê với lý do có việc vui trong gia đình. Thúc Sinh lúc này đang rất đau buồn vì Thúy Kiều đã mất, nên cấp tốc về quê theo lời Hoạn Thư.  Hoạn Thư giả đò mở dạ tiệc chiêu đãi chồng, và bắt A Hoàn mới là Thúy Kiều ra hầu hạ. 

Vợ chồng chén tạc chén thù,

Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi.

Bắt khoan bắt nhặt đến lời,

Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận tay


Đỉnh điểm của sự đau khổ giằng xé là khi Hoạn Thư kéo chồng vào phòng the, rồi bắt Kiều đứng phục bên ngoài canh gác.  Câu thơ Kiều trong cảnh này là:

Người vào chung gối loan phòng

Nàng ra tựa bóng đèn trông canh chầy

Trằn trọc biết thủa nào khuây

Đãi dầu cạn nước mắt đầy năm canh






Thế nhưng các nghệ nhân quan họ lại đổi đoạn thơ trên như thế này để diễn tả niềm nhớ thương tha thiết khi liền anh liền chị chia tay nhau:

Người về tựa gối loan phòng

Em về tựa bóng đèn trong canh chầy

Dằn dọc biết thủa nào khuây

Đĩa dầu vơi cạn nước mắt đầy năm canh

(Trống rồng – DCQHBN)


Rõ ràng là chỉ đổi có bốn chữ trong hai câu thơ, mà người quan họ đã khắc họa được một hoàn cảnh và tâm sự hoàn toàn khác. “Tựa gối loan phòng” là một hình ảnh rất quen thuộc trong dân ca quan họ, hàm ý là không ngủ được, ngồi dậy tựa vào gối vì nhớ thương, khác hẳn với “chung gối loan phòng”.  “Người về” và “Em về” trong quan họ là chia tay nhau ra về chứ không còn ý nghĩa “Người vào” và “nàng ra” như trong câu thơ Kiều.


Thật là khó để mà phân giải là Đại Thi Hào Nguyễn Du mượn thơ từ quan họ hay người quan họ dùng ý thơ từ Truyện Kiều. Thực ra việc thơ nào có trước thơ nào có sau cũng không có gì là quan trọng vì những áng thơ này đều đã đi vào văn hóa của người Việt nam. Theo tôi, câu trả lời cho thắc mắc của chúng ta đến từ chính tác giả và nằm ở hai câu kết của Truyện Kiều:


Lời quê chắp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh.


Để nghe đầy đủ câu Trống Rồng (hay còn gọi là Giọt Rồng) trong Quan họ Bắc Ninh, xin mời bấm vào đường dẫn dưới đây.

https://www.youtube.com/watch?v=ribfFqZkOnU 


Tuấn Khanh


















Từ khóa: quan họ

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.