• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Thơ của một đồng nghiệp

Thứ bảy - 18/01/2020 21:46

Tôi có một đồ dùng dạy học: “Tập sưu tầm ảnh các nhà văn Việt Nam và thế giới” được Bộ giáo dục thưởng Huy chương đồng (xếp hạng C1), thỉnh thoảng vẫn giới thiệu cho anh chị em sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm xem. Một hôm, một nữ sinh nói với tôi:

- Có ảnh của em trong tập sưu tầm của thầy - Tôi giật mình:

- Ủa! Thật hả? Đâu? Chết thật, có ảnh của người ta mà lại không biết người, không biết tác phẩm!

Cô ấy giở lại tập ảnh rồi chỉ - Thưa. Đây ạ.

Tôi nhìn, thì ra tấm hình mà nhà văn Tô Hoài với các em học sinh trong lớp Đào tạo bồi dưỡng sáng tác Văn học ở Thái Bình.

- À, vậy em là học sinh năng khiếu Văn Thái bình à?

- Vâng ạ. Đấy là tấm ảnh chụp hồi em học lớp 4. Còn sau đó em theo gia đình đi kinh tế mới ở Phước Long…

Năm 1989, tôi bắt đầu viết quyển sách “Bạn thơ quê hương”, tôi tìm Biên Linh, nữ sinh viên, có ảnh trên, lúc đó đang học Đại học ở Búng. (Sau khi ra trường, Biên Linh về dạy ở Phước Long, rồi đi học tiếp). Khi biết ý định của tôi, Biên Linh đã đưa cho tôi một cuốn tập ghi nhớ đầy thơ…

Tôi say mê đọc và càng đọc càng sung sướng, hạnh phúc.

Nghề giáo được đề cao, được xã hội ca ngợi nhiều. Các nhà giáo cũng nhiều người làm thơ. Nhưng thơ về nhà giáo rất ít bài hay. Vì vậy tôi rất thích thú khi thấy Biên Linh viết nhiều và nhất là viết rất hay về đề tài hóc búa đó.


Bạn ơi! Mơ ước bình thường/ Làm cô giáo trẻ dễ thương quá chừng/ Dịu dàng tóc xõa ngang lưng/ Với trang giáo án bạn cùng các em/ Trời xanh - ngọt thế tiếng chim/ Đỏ chùm hoa phượng - trái tim mùa hè…

(Ước mơ cô giáo trẻ)

Bài thơ trên, hình ảnh tự nhiên mà lời trong sáng quá!

Bằng tình yêu nghề, mà cụ thể là tình yêu học trò, Biên Linh đã vượt qua tất cả, tìm thấy hạnh phúc ngay trong công việc: Mang ơn sâu nặng cô thầy/ Giờ thành cô giáo của bầy em thơ/ Khát khao năm tháng đợi chờ/ Tôi như bãi cát giữa bờ biển xanh/ Các em là sóng vây quanh/ Hát lên điệp khúc ngọt lành tin yêu…

(Ước mơ cô giáo trẻ)

Tất nhiên, Biên Linh cũng có những vần thơ khác. Thơ tình bạn, tình yêu nam nữ (hiếm có ai làm thơ mà lại không viết về đề tài này. Nhưng viết được hay lại là chuyện khác). Biên Linh có một bài rất hay khi khéo léo hòa quyện tình yêu lứa đôi với tình yêu thiên nhiên “Mùa Xuân”. Nhưng tôi thích nhất ở thơ Biên Linh là những bài biểu hiện tình cảm với Bố. Thơ về Mẹ nhiều người viết và viết rất hay. Nhưng thơ về Bố thì còn ít lắm. Biên Linh có bài thơ “Cái giếng Bố đào” thật cảm động.

“… Ngày con sắp đi học xa/ Bố chọn chỗ này đào giếng/ Nhà mình ở lưng chừng dốc/ Đất cao mạch nước khó tìm/ Bố đào đá bằng cuốc chim/ Mái tóc dính đầy bụi đất/ Tay Bố rộp phồng, rát lắm/ Vẫn trơ lớp gan gà/ Ngày ấy con đi xa nhà/ Mùa khô nắng như đổ lửa/ Mồ hôi ướt trên trán Bố/ Đọng thành giọt giữa nếp nhăn/ Con cứ thấy lòng rưng rưng/ Nghĩ về đôi bàn tay Bố”.

Bài thơ dừng ở đây thì cũng đã rất hay với những hình ảnh: “Mồ hôi ướt trên trán bố - đọng thành giọt giữa nếp nhăn” và tình cảm: “Con cứ thấy lòng rưng rưng”. Nhưng không, Biên Linh còn viết tiếp: “Bây giờ đã tròn một năm/ Con về mùa khô rát bỏng/ Giếng Bố đã đào xong rồi/ Thành cái hồ con trên núi/ Bầu trời lặn vào nước trong/ Bố tưới nước cho giàn mướp/ Những giọt tròn tròn long lanh…/ Cái giếng đã tròn một năm/ Con đã lớn thêm một tuổi/ Niềm vui làm con bối rối/ Trước giàn mướp vừa trổ hoa”


Năm 1990, Biên Linh có bài thơ “Thương lắm chiều mưa”. Bài thơ mở đầu:

Vâng! suốt đời con không thể nào quên

Buổi chiều mưa, bố con mình về muộn

Nhà thì xa mặt trời mây phủ kín

Đường trong rừng mau tối quá đi thôi

Có gì đây mà cô giáo - nhà thơ này “suốt đời không thể nào quên”?

Thì ra là sợ mưa ướt nên cô vội vàng đi thật mau, thế mà Bố lại cứ đi chậm ở sau. Người con gái dù sợ mưa, sợ ốm vẫn không quên Bố. Nhưng:

Ở sau nhìn con mới hiểu: Bố ơi!

Bố đã già đi, mắt kém đi rồi!

Bàn chân bước cũng không còn thật nữa

Nhận ra sự thật ngậm ngùi, rưng rưng ấy, người con gái xót xa, ân hận, tự trách mình:

Nước mắt nghẹn ngang, trái tim máu ứa

Bao năm ròng sao con cứ thờ ơ?

Biên Linh tự trách mình, nhưng còn may: cô đã kịp nhận ra. Đúng là một chiều mưa không thể nào quên của cô giáo thi sỹ. (Nhiều người đã không có được cái may mắn đó mà phải ôm nỗi buồn đau, ân hận suốt đời như nhà thơ Nguyễn Duy: “Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ Bà chỉ còn là nấm đất nhỏ thôi.”


oOo

Nhà văn Cô-lôm-bi-a Mác-két, giải Nô-ben văn học năm 1985, khi được hỏi “Ông thường viết về cái gì” Ông đã trả lời: “Tôi viết về cái cô đơn”. Quả thật cô đơn là ám ảnh, là bi kịch của con người. Càng hiện đại, càng tân tiến, càng khẳng định cá nhân… càng cô đơn. Xuân Diệu mượn “Lời kĩ nữ” mà nói rằng “Chớ để riêng em phải gặp lòng em”. Huỳnh Văn Nghệ thì mong ước:

Chàng lại muốn điên cuồng thay thi sĩ

Sắp muôn sao nên vần thơ chẳng nghĩ

Để trên trời ngàn thế kỉ không phai

Người trông sao sẽ thương nhớ nhau hoài

(Mộng làm thơ)

Biên Linh đã có lúc:

Tự dưng tôi thấy cô đơn

Và tôi vô cớ giận hờn không đâu

(Một mình với mùa thu)

Những lúc ấy nàng chỉ biết gửi gắm tất cả vào mùa thu:

Mùa thu ơi sao có thể lặng im

Dẫu nước mắt không còn rơi được nữa

Dẫu tự hứa: từ nay không chất chứa

Nỗi mong chờ, lo lắng hộ cho ai


Mùa thu ơi, xin hãy nhận giùm tôi

Những buồn vui xuyến xao và im lặng

Nhưng xin hãy đừng tan vào xa vắng

(Riêng điều này, nói thật với mùa thu)

(Nói thực với mùa thu)


Có một lần, Hội văn học nghệ thuật Bình Dương tổ chức viếng mộ hai nghệ sĩ Kim Lệ Thi và Giáp Văn Thạch cùng một số cán bộ cơ quan khác. Lúc trở về, ở trên xe, có người tình cờ nhắc tới Biên Linh thì chú Nguyễn Đức Minh, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, liền nói: “Cô giáo đó thơ hay lắm…” Tôi ngạc nhiên hỏi: “Chú cũng biết thơ của cô giáo đó à?”

Không trực tiếp trả lời, chú Ba Minh đọc ngay bài thơ của Biên Linh:

Ba người, cùng lúc tỏ tình

Trái tim tôi đập rối tinh, rối bời

Sao không chỉ một người thôi

Để cho tôi được là tôi vẹn tròn?

Thôi đành chọn nỗi cô đơn!

(Bối rối)

Mọi người ồ lên thích thú. Chú ba Minh cười thật to. Tôi vừa khâm phục chú Ba Minh, một cán bộ ở cương vị đó, với tuổi tác như thế mà vẫn yêu đời, yêu thơ, thuộc lòng thơ… lại vừa khâm phục Biên Linh. Thơ của Biên Linh đã đi vào lòng người đọc thật sâu, rộng. Tôi cũng thầm tự hào vì cô giáo ấy từng là sinh viên của trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé thuở ấy, trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương bây giờ…

Trần Xuân Lý - Tháng 5/2006


Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.