• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Đến với bài thơ hay - Bài thơ CHỢ CHIỀU

Thứ sáu - 03/01/2020 14:29

 

Bài thơ  “Chợ chiều” của tác giả Triệu Quốc Bình đã khiến tôi thích thú từ lần đọc đầu tiên.

Đây là bài thơ viết theo thể thơ 5 chữ, cấu trúc linh hoạt về hình thức, ý thơ sâu sắc mang cảm hứng thế sự nhưng vẫn dạt dào cảm xúc, để lại nhiều bâng khuâng suy ngẫm cho người đọc. Bài thơ như một bức tranh thơ về một phiên chợ chiều đặc biệt. Chợ chiều vốn là một hình ảnh quen thuộc trong đời sống cũng như trong thơ ca: Nó gợi liên tưởng đến sự thưa thớt, nhạt nhòa, gợi cả chút gì như tiếc nhớ bâng khuâng “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều / Nắng xuống, trời lên sâu chót vót / Sông dài trời rộng bến cô liêu” (Tràng giang – Huy Cận).

Nhưng Chợ Chiều trong thơ Triệu Quốc Bình lại khác. Nó Đặc biệt! Nó rất đông! Nó đầy ắp hàng hóa và chật chội, chen chúc người bán kẻ mua. Có vẻ như khác lạ! Có vẻ như khác thường! Khiến người viết phải ngạc nhiên:

“Chợ chiều sao vẫn đông

Người mua chen kẻ bán

Người mua chen kẻ bán

Nắng dường như sắp vãn

Chợ chiều sao vẫn đông”

Câu mở đầu đoạn thơ và câu khép lại đoạn thơ vẫn là: “Chợ chiều sao vẫn đông” và phép điệp “Người mua chen kẻ bán” như ngầm khẳng định cái đông đúc khác thường của phiên chợ và sự ngạc nhiên của tác giả. Đồng thời cũng gợi ra sự tò mò cho người đọc. Chợ bán những gì mà “Người mua chen kẻ bán” mặc cho “Nắng dường như sắp vãn”? Mặc cho người đọc háo hức, người viết vẫn cứ nhẩn nha kể bằng cái giọng bình thản một lần nữa:

“Chợ chiều nay rất đông”

Và rồi liệt kê: vẫn bằng phép điệp:

“Ai mua gì cũng có

Ai mua gì cũng có”

Thì ra “hàng hóa bán trong phiên chợ này thật là phong phú khiến cho “Ai mua gì cũng có”.

Vì vậy mà “Chợ chiều nay rất đông”. Phép điệp lại một lần nữa phát huy tác dụng nhấn mạnh sự phong phú đa dạng của mọi mặt hàng được bày bán trong phiên chợ chiều đặc biệt này!

Bài thơ cuốn người đọc đi trước những cảm nhận, khám phá với những câu thơ chứa hàm ý trong mỗi dòng thơ. Đặc điểm của nhận thức nghệ thuật luôn gắn liền với bản thân đối tượng và yêu cầu nhận thức của riêng nó. Tác phẩm đã hướng về hai đối tượng cơ bản là: xã hội và con người. Nó không phải là sự ghi chép đời sống và mô tả con người một cách thuần túy, mỗi ý thơ, lời thơ gợi người đọc đến quá trình “hiểu biết, khám phá và liên tưởng!. Đặc biệt là sự thâm nhập vào thế giới bên trong của con người, vào quá trình hình thành và phát triển tình cảm lý trí của họ. Triệu Quốc Bình đã có những dòng thơ thật đặc sắc khi khắc họa tâm trạng trong chiều sâu thăm thẳm của con người khi hòa vào giữa cái chợ chiều - chợ đời ồn ào chen lấn ấy. Phiên chợ này không chỉ có những người bán, kẻ mua những thứ thuộc về vật chất có dạng có hình. Nó đặc biệt là ở chỗ có những người đem ra bán mua cả những thứ vô hình, vô ảnh. Đó là gì? Niềm vui, nỗi buồn ư? Hay đó là quá khứ? Là tình cảm? Lương tâm? Là những giá trị văn hóa và đạo đức… Những thứ thuộc về giá trị văn hóa – đạo đức – lẽ sống – Là Giá Trị Làm Người của con người.

“Định mang nửa dòng sông

Của tuổi thơ rào rạt

Định mang nửa trái tim

Của tháng ngày khao khát

Định mang cả bóng mát

Của cây đa đầu làng

Định mang cả nhỡ nhàng

Nơi cuộc đời cơm áo”


Phép điệp cấu trúc cú pháp, phép liệt kê và cấu trúc đoạn thơ không, chia khổ, tạo nên sự tuôn trào của giọng điệu, nhằm nhấn mạnh cái quyết tâm cái khao khát “định bán” của con người. Cái hàng hóa mà người ấy định bán là những thứ thật bình dị thân thương, đó là: “Dòng sông của tuổi thơ rào rạt, là trái tim của một thời khao khát” là “Bóng mát của cây đa” – bóng mát của những giá trị truyền thống văn hóa thiêng liêng ngàn đời. Và nó còn là cả chút gì như xót xa hờn tủi của “cả nhỡ nhàng nơi cuộc đời cơm áo”.

Đọc đến đây, người đọc sẽ băn khoăn tự hỏi! Người bán hàng nghèo quá, chẳng có chút vật chất gì để bán? hay người ấy đã quyết bán đi, quyết quên đi quá khứ tuy nhọc nhằn nhưng bình dị thân thương, lương thiện để đổi lấy danh lợi bạc tiền? Triệu Quốc Bình đã miêu tả cái khoảnh khắc như những đoạn hồi tưởng: quá khứ, hiện tại đồng hiện trong một thời điểm; nó đan vào nhau khắc họa và chuyển hóa: khiến cho chân dung con người trong phiên chợ chiều vừa thực vừa ảo, vừa cụ thể vừa trừu tượng. Và vì vậy, nó mang tầm khái quát cao. Chính điều đó làm cho bài thơ phản ánh được một hiện tượng xã hội trong sự toàn vẹn đầy đặn của nó. Tác giả không chỉ tái hiện hiện thực mà còn gửi gắm trong tác phẩm của mình một tư tưởng, một quan điểm sống. Bởi vì mỗi tác phẩm nghệ thuật, bao giờ cũng là sự phát ngôn của tác giả. Mỗi phát ngôn ấy đều mang dấu ấn của một tính cách, một quan điểm và lẽ sống. Tâm hồn con người là một vũ trụ bí ẩn. Thế giới tinh thần của con người được diễn tả trong đoạn thơ sâu sắc, nó khắc họa cái dường như biết, dường như không. Người viết không nói cái gì hoàn toàn chưa biết, chưa nghe, nhưng rõ ràng đoạn thơ vẫn làm người đọc ngạc nhiên vì khám phá ra điều mới mẻ trong cái nhịp sống quen thuộc hàng ngày, nhận ra được cái sâu xa trong những gì bình thường đơn giản. Có thể nói, mỗi hình ảnh trong đoạn thơ là kết quả sáng tạo độc đáo của người cầm bút sau quá trình tìm tòi, phát hiện, chắt lọc từ những chất liệu của đời sống. Chợ chiều là một ẩn dụ. Người đọc thấy rõ bóng dáng cuộc đời trong cái buổi: “Chợ chiều đã vãn”. ấy hình ảnh của một bộ phận không nhỏ những kẻ sẵn sàng bán mua tất cả, kể cả nhân phẩm, danh dự của mình để có được công danh, địa vị, thậm chí để thỏa mãn những nhu cầu về vật chất, thỏa mãn sự đua chen ganh ghét của chính bản thân mình.

Đọc Chợ Chiều, thấy thú vị ở cách kết cấu tổ chức hình thức của các dòng thơ, đoạn thơ, nó góp phần làm tôn lên ý tưởng của tác giả. Sau tám câu liên tiếp không ngắt khổ là hai câu tách riêng.

“Quẩy gánh mang bán dạo

Giữa chợ chiều đấy thôi”

Để rồi; khép lại bài thơ, là khổ thơ mang ý nghĩa của sự thức tỉnh. Sự thức tỉnh nhờ tiếng vọng xa xôi bất chợt vang lên “Chợt tiếng vọng xa xôi / từ nơi thăm thẳm gọi”.

“Tiếng vọng xa xôi” trong câu thơ là tiếng vọng của lương tâm, lương tri, thức tỉnh con người; kéo con người thoát khỏi u mê, liều lĩnh, mù quáng. Đây là Điểm Sáng của bài thơ. Nó gợi nhắc về đạo lý sống cao đẹp từ ngàn đời của con người Việt Nam “Áo rách phải giữ lấy lề”. Tiếng vọng xa xôi đã khiến con người bừng tỉnh để rồi:

“Ngần ngừ… quay bước vội

Bỏ sau lưng chợ chiều.”

Chỉ cần một từ láy “ngần ngừ” kèm với dấu chấm lửng đặt đúng chỗ, Triệu Quốc Bình đã diễn tả thật tinh tế giây phút đấu tranh tư tưởng của bản thân. Cái “ngần ngừ” ấy là sự giằng xé âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt V.I Lê Nin từng nói: “tôi không sợ chết, tôi không sợ khổ, tôi chỉ sợ không thắng nổi những phút giây yếu đuối của lòng tôi. Đối với tôi, chiến thắng vẻ vang nhất là chiến thắng chính bản thân mình”. Đó là khoảnh khắc lựa chọn để con người kịp dừng lại bên bờ vực của sự tha hóa, suy thoái về nhân cách hay tiếp tục trượt dài vào cái vùng thăm thẳm tối kia. Cái hay của bài thơ là nó gợi lên khả năng tự đấu tranh ở mỗi người: Người trong cuộc của bài thơ và người đọc, người cảm nhận. Đọc những câu cuối trong Chợ Chiều tôi không thể không liên tưởng đến đoạn kết trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy với những câu thơ trí tuệ và sâu lắng.

“Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình”

Tôi hiểu “Bản chất của văn học là một cuộc trao đổi, tranh luận đối thoại ngấm ngầm hay công khai về tư tưởng trong ý nghĩa đích thực của nó từ hiện thực đời sống của con người”.

Không phải ngẫu nhiên mà trong các thời kỳ đấu tranh xã hội đầy khó khăn, văn học luôn là phương tiện được ưa chuộng nhất, hữu hiệu, phổ biến nhất mà con người biết nắm lấy để góp phần cải tạo dựng xây xã hội tiến bộ hơn. Tôi thiết nghĩ bài thơ “Chợ chiều” với cảm hứng thế sự và lời thơ giản dị, ý thơ sâu sắc có thể đã góp được “một tiếng vọng xa xôi” từ nơi thăm thẳm gọi“ vào hiện thực “Chợ chiều” ngày hôm nay chăng? Nhà thơ Huy Cận từng viết “Cái đích đến cuối cùng của thơ là nâng sự sống dậy”.

Với thành công của “Chợ chiều” và những bài thơ khác, với một người đang độ chín của sáng tạo cũng như trải nghiệm, người đọc có quyền hy vọng ở Triệu Quốc Bình sẽ có nhiều sáng tác dầy dặn hơn nữa trong tương lai.

Bùi Thị Biên Linh


Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.