• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Nỗi niềm vô ưu phía sau miền sương khói

Thứ hai - 06/01/2020 13:56

 

Tôi đọc tập Tản văn “Tản mạn miền sương khói” của Trần Huyền Tâm vào những ngày đầu xuân, trong tâm trạng của một người vừa rời xa cái rét căm căm, mang theo bao nỗi nhung nhớ bâng khuâng về Hà Nội; mang theo những xao xuyến sắc hoa rực rỡ của triền bãi đá Sông Hồng về với phương Nam ngập tràn nắng ấm.

 

Tập Tản văn của nhà ngoại giao này gợi lên trong tôi một tình yêu khôn tả với bốn mùa xuân hạ thu đông của một vùng quê đất nước. Đặc biệt hơn là cảm hứng thiền đã đem đến cho tôi một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản của tâm hồn, hướng tôi tới những thấm thía lắng sâu để ngộ ra bao điều sâu sắc.

 

Tác giả là một người có nhiều đóng góp cho công tác ngoại giao của đất nước. Dù công việc bận rộn nhưng cô vẫn dành thời gian cho nghệ thuật bởi nghệ thuật đã ngấm vào máu của Trần Huyền Tâm nói riêng cũng như tất cả thành viên của nhóm “Búp trên cành” chúng tôi nói chung từ thời thơ ấu. Đam mê này đã được những nhà văn, nhà thơ tên tuổi của cả nước như Tô Hoài, Phạm Hổ, Kim Chuông, Lê Bính… khơi nguồn, được những yêu thương của cuộc đời nuôi dưỡng suốt những tháng năm qua. Dường như những bài thơ, những Tản văn của Tâm viết ra đều là để ký thác những đẹp đẽ, tinh khôi của tâm hồn nên tác phẩm nào cũng thấm đẫm ân tình của cô đối với cuộc đời.

 

Tập Tản văn tập trung vào 4 đề tài lớn: Vẻ đẹp của thiên nhiên bốn mùa; cảm nhận về những tác phẩm hay của thầy, của bạn; những tác phẩm đậm cảm hứng thiền; và những tác phẩm giầu suy nghiệm về lẽ sống.

 

Tôi thích đọc những tác phẩm viết về bốn mùa của Trần Huyền Tâm. Mùa Xuân phương Bắc hiện lên mới tuyệt diệu làm sao, qua những dòng tản văn bay bổng đầy say đắm! Mùa xuân là cảnh thiên đường giữa chốn trần gian với những thanh âm, sắc màu căng tràn sức sống. Đó là khi “Đất trời tấu khúc hoan ca” tác giả đã đem trái tim đầy ắp yêu thương cùng sự cảm nhận tinh tế của tâm hồn để cảm nhận, để lắng nghe, để nâng niu từng khẽ khàng, non tơ của gió, từng dịu dàng mơn mởn của nắng xuân, từng tinh khôi thơm thảo của hương, của sắc xuân phương Bắc…: “Gió hồn nhiên ngây thơ, gió tinh khôi mới mẻ. Gió trẻ trung… nó mát như tiếng hát ru ngọt ngào”.

 

Và khúc hoan ca mùa xuân còn được tấu lên “Tiếng nhạc cứ vang vang hòa trong không trung rồi ngân nga giữa bầu trời mênh mông và mặt đất bao la…”.

 

Xuân có muôn màu hoa đua thắm. “Hoa bừng nở. Bừng nở rực rỡ. Bừng nở bạt ngàn”.Chồi non chợt ùa lên lách tách, xôn xao”. Những dòng viết về mùa xuân trong tập sách cứ gợi lên trong lòng những người con xa xứ một nỗi nhớ mong khao khát được trở lại chốn xưa, được nghe những cỏ cây, hoa lá thì thầm lời mùa xuân nơi quê nhà yêu dấu.

 

Mùa Xuân phương Nam, nắng và gió cứ đua nhau nồng nàn rực rỡ. Rực rỡ đến chói chang khiến lòng người bâng khuâng nhớ cái lạnh đến nao lòng, nhớ sắc hoa đào bâng khuâng của quê hương xa nhớ!

 

Mùa Thu trong văn Huyền Tâm cũng dịu dàng, lãng đãng, nên thơ: “Cả một trời nắng long lanh lao xao phía trước. Nắng vàng mơ mong manh huyền thoại… Nắng như tan đi trên mặt nước”. Và rồi còn có cả một “Mùa chín” với những yêu thương da diết.

 

Thu đang chín… là cảm giác yêu thương tràn đầy khi lùa ngón tay vào mái tóc đã luống bạc đã mỏng manh như sương khói của người yêu, lòng những muốn níu kéo thời gian trở lại thuở xuân ngời xa xưa…”. Không chỉ mùa xuân, mùa thu, mùa hè mà mùa đông trong Tản văn của Trần Huyền Tâm cũng đẹp, cũng thơ, cũng gợi bao bay bổng, dịu dàng. Đọc tập Tản văn này, tôi cứ liên tưởng đến “Thương nhớ Mười Hai” của Vũ Bằng. Và tôi biết rằng: Khi người ta yêu bằng cả con tim tươi non rạo rực thì mọi cảnh sắc bình dị, mọi thanh âm sắc màu bỗng trở nên kỳ diệu lung linh. Trần Huyền Tâm đã cho người đọc cảm giác như đang được dạo chơi và thỏa sức đắm mình giữa bao la sắc đỏ của “Mùa hoa học trò”.

 

Rồi hoa phượng vĩ với màu đỏ rực rỡ như những vầng lửa cháy đã một mình làm nên một mùa hè, một mùa thi. Bạn có thể không biết được rằng: “Có những sắc màu đã tự thắm mình trong vô lượng thời gian, trong muôn vàn đêm ngày mưa nắng để được hóa kiếp trong sự an nhiên không tuổi”.

 

Đúng như tên gọi, tập Tản văn có nhiều bài đưa người đọc đến với những cảnh sắc, những phút giây đắm mình trong không gian lãng đãng sương khói, lãng đãng hương hoa. Tôi thích bài Huyền Tâm viết về sen. Tâm rất thích hoa sen. Bởi sen là loài hoa thật cao quý tinh khôi. Hồ sen tự nhiên gần 70 ha lớn nhất Việt Nam ở khu Vườn Vua Phú Thọ hiện lên thật tuyệt diệu qua trái tim, qua cái nhìn đắm say của người viết.

 

“Một khoảng trời xanh đằm màu ngút ngát sắc lục lam lam tím. Một khung trời cổ tích lung linh nắng vàng đang rạng ngời đang lan tỏa, bởi sen. Hoa sen đang nở. Hoa sen đẹp quá. Đẹp thánh thiện. Là sen đang đưa tinh khôi vào hạ”.

 

Vẻ đẹp của đầm sen mênh mông dưới chân núi Ba Vì ngát xanh khiến hồn người thanh tao đến lạ kỳ: “Ngắm nhìn hoa sen nở, ngắm nỗi niềm thanh tao diệu kỳ đang tỏa dâng ấy mà thấy lâng lâng, thấy mình nhẹ nhàng và thanh thoát”.

 

Ngoài những trang văn tuyệt diệu về bốn mùa, Trần Huyền Tâm còn dành khá nhiều dung lượng cuốn sách để viết những cảm nhận về thơ của thầy và của bầu bạn. Cô cảm nhận tinh tế, sâu sắc thơ của người thầy thời thơ ấu - Nhà thơ Kim Chuông, thơ của những người bạn hữu như: Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thúy Hằng, Bùi Thị Biên Linh, Nguyễn Thị Toán, Bùi Lan Anh, Lam Châu, Nguyễn Thị Liên, Phạm Lan Anh… Bùi Thanh Huyền, Bùi Thái Phúc… bằng sự đồng cảm, cách viết thân thương như chuyện trò, như tâm sự nhưng rất sắc sảo. Bài viết nào cũng làm bật lên được hồn cốt của tác phẩm, nét riêng của tác giả. Qua phần cảm nhận của cô, các tác giả nhiều khi thấm hơn về giá trị những bài thơ của chính mình.

 

Chỉ riêng việc dành thời gian đọc và viết tặng các bạn văn từ thời quàng khăn đỏ những lời thẩm bình chân thành đã khiến tôi cảm nhận được phần nào những tình cảm ấm áp, những quan tâm, chia sẻ đầy trách nhiệm mà Tâm dành cho thầy, cho bạn.

 

Một trong những điểm sáng nhất trong “Tản mạn miền sương khói” cũng như trong thơ của Trần Huyền Tâm đó là những tác phẩm mang cảm hứng thiền của tư tưởng nhà Phật. Các bài viết như: “Nhân sinh vô thường và cái lý phản đảo”, “Đường đi dưới chân ta”, “Tạp cảm nơi quán trọ”, “Ước gì chẳng phải ước gì”, “Làm thế nào để tâm tĩnh thân an”,… Sen được ví như ngọn đèn soi đường, soi sáng cho nhận thức, đem đến cái ngộ về sự vô thường, về sự chọn lựa lẽ sống và cách sống sao cho được an nhiên. Ở mảng đề tài này, tác giả đã trình bày một cách thật hình ảnh, thật thấm thía về những trải nghiệm, về quy luật đời người, về nhân duyên, nhân quả luân hồi. “Cuộc sống luôn có những điều mà mãi sau này ta mới nhận ra nó là vô lý hay có lý” hay “Thời gian bây giờ là trân quý và mọi thứ quanh ta chỉ là hư ảo” hoặc “Trong số chúng ta, rồi mai kia ai bị tan biến trong hư vô, ai phải nhập lục đạo và ai sẽ được quay về…”

 

Những bài viết của Trần Huyền Tâm đã hướng người đọc tới những chọn lựa về một lối sống sao cho mỗi ngày là một ngày ý nghĩa và đời đáng sống biết bao.

 

Tập Tản văn còn hay và hấp dẫn người đọc ở mảng đề tài đề cao những chiêm nghiệm về lẽ sống, cách sống. Tôi đặc biệt ấn tượng với bài viết về “Trái tim Matryoska - về búp bê của Nga - biểu tượng của tình yêu và lòng nhân ái… Tác phẩm với cách kể, cách cảm thật tha thiết “Lớp vỏ cuối cùng của Matryoska là một con búp bê nhỏ nhất được gọi là búp bê út, là trái tim của Matryoska. Nó thường không đẹp, không mạnh mẽ tuyệt vời như các búp bê ngoài. Nhưng nó chính là linh hồn là hiện thân của một tâm hồn đẹp, một trái tim yêu thương ngập tràn. Vì ở lớp vỏ trong cùng và mỏng manh, nó khó tìm và rất dễ tổn thương, nếu không có sự yêu thương chân thành, sự cảm thông lớn lao, sự kiên nhẫn đầy đủ thì bạn không thể nhìn thấy nó”.

 

Có được và hiểu được Matryoska là học được cách sống cho mình và cũng là học cách để hiểu người.

 

Những bài học về sự hợp tác, tình đồng đội, tình đoàn kết, nỗi niềm từ bi yêu thương ngập tràn đều được lý giải thật ngắn gọn, đầy hình tượng và thuyết phục qua các tác phẩm: “Ngọt ngào mùa Valentin đỏ”, “Ngày yêu thương đáp lại”, “Sự lựa chọn”, “Chìa khóa của hạnh phúc”, “Tài thuyết nói và sự im lặng”, “Người giữ lửa hạnh phúc”, “Những đàn chim di cư”…

 

Mỗi câu chuyện, mỗi tản văn là một thông điệp ấm áp yêu thương nhưng vô cùng trí tuệ mà tác giả đã gửi tặng cho người đọc. Trần Huyền Tâm quan niệm trong tác phẩm “Chìa khóa của cuộc sống hạnh phúc” rằng: “Nụ cười chính là thứ ngôn ngữ tuyệt vời nhất trên thế giới gắn kết những trái tim ấm nồng của mọi người trên thế gian”. Huyền Tâm đã chọn Tản văn để thể hiện những tình cảm tư tưởng và quan điểm sống của mình, dù Tâm làm thơ rất hay, nhiều bài thơ của cô đã đoạt giải cao, nhiều bài đã phổ nhạc, trở thành những bài hát đi vào lòng người. Những tản văn với đặc thù của thể loại này là tự do, không bị gò bó về kết cấu, dung lượng. Nó cho phép người viết được “dãi lòng” với mọi cung bậc cảm xúc. Tản văn với thế mạnh là trữ tình đã cho người viết cơ hội được tung tăng bay bổng trên cánh đồng chữ nghĩa để gặt hái được những áng văn phản ánh chân thực hiện thực, nhưng là phản ánh bằng cảm xúc đong đầy của người cầm bút. Nó in dấu cả tư tưởng, quan niệm, trí tuệ, trái tim của người viết.

 

Đọc Tản văn của Trần Huyền Tâm, tôi muốn đọc đi, đọc lại mãi những dòng: Con người ta, lúc ở bên nhau mà biết đem yêu thương cho đi thì sẽ được tấm chân tình đáp lại và sự nghiệp sẽ thành công… Nếu đem trí tuệ cho đi thì niềm vui sẽ đến”. Tôi nghĩ rằng cuốn Tản văn này là những trang sách nên đọc, đáng đọc, bởi đọc lên sẽ thấy tâm hồn được soi sáng. Đọc sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản, bình yên. Đọc sẽ thấy yêu hơn mỗi phút giây ta đang sống. Với tôi, tập Tản văn của Trần Huyền Tâm như một khu vườn xum xuê mát xanh và trĩu cành quả ngọt.


 


Bùi Thị Biên Linh

 

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.