• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Những vần thơ từ sâu thẳm yêu thương

Thứ tư - 24/07/2024 14:13


(Ảnh: Nhà văn Biên Linh)


NHỮNG VẦN THƠ TỪ SÂU THẲM YÊU THƯƠNG

(Bùi Thị Biên Linh)


Tôi đã “gặp” tâm hồn Trương Minh Hiếu qua tập thơ “Cội” của anh – Đó là hồn thơ của yêu thương chân thành, sâu nặng với cội nguồn, với gia đình và quê hương xứ sở.


Tôi đã nghe nhiều bạn thơ tâm sự rằng: “Điều họ nuối tiếc nhất trong đời là viết rất nhiều thơ tình, thơ về những vấn đề vĩ mô trong xã hội nhưng chưa viết được bài thơ nào về mẹ, về cha”. Trương Minh Hiếu thì khác. Trong 58 bài của tập thơ đầu tay, anh đã có tới gần một nửa là những bài viết về cha, về mẹ, về những người thân, về quê hương yêu dấu với những câu thơ, dòng thơ tràn đầy cảm xúc. Mỗi câu thơ đều là tiếng lòng của người con hiếu thảo - Đúng như tên Hiếu của mình:


“Mấy năm rồi tôi là đứa con xa

Mênh mông nhớ. Mênh mông ngày trở lại

Cha mẹ vẫn nghèo. Tôi giật mình sợ hãi

Đay, lúa muôn đời xanh trên tóc người đi” 

(Quê tôi)


Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bốn mùa dập dờn sóng lúa, hương lúa, hồn quê cùng những lời ru của mẹ, điệu chèo và “những cánh cò bay xao xác lũy tre làng” ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã nuôi lớn trí tuệ và hồn thơ Minh Hiếu. Đã làm nên cái Cội của Thơ anh. Cái gốc của thơ là cảm xúc, là những rung động mãnh liệt của trái tim trước hiện thực của đời. Thơ Minh Hiếu là những giai điệu ngân rung từ những yêu thương diết da, sâu thẳm. Là người con xa quê từ thuở hoa niên, đọc thơ Hiếu, tôi như được trở về nguồn cội, được rưng rưng trước những cánh đồng, ngọn gió của quê hương với tất cả những bồi hồi xao xuyến:


“Về thăm quê, lối đi chỉ một mình 

Gió vẫn thắm, lá hoa thì muôn sắc

Hoang hoải hương, nắng cuối ngày đơn độc

Bạn còn nhớ ta hay ta đã quên rồi”

(Chiều về thăm quê)


Quê hương trong thơ Hiếu là những gì hiện thực đó mà vẫn vời vợi hoài niệm. Nó làm cho thơ anh luôn da diết bâng khuâng:  


“Gọi là cũ bởi chẳng còn bến nữa. 

Con đò xưa ngược năm tháng xa rời 

Mái chèo gác vào tận cùng vời vợi”


Để mãi còn “thương người về biền biệt những mùa xa”.


Đọc thơ Trương Minh Hiếu, tôi ngỡ ngàng nhận ra, có lẽ không chỉ riêng mình mà sẽ có rất, rất nhiều người thấy có mình trong khoảnh khắc câu thơ: 


“Mẹ vẫn ngồi bên cửa nhà ngang 

Vệt chân chim chìm vào khóe mắt

Cha mỉm cười. Nụ cười không đổi khác

Chỉ có mái đầu sương trắng đã mờ phai”

             (Quê tôi)


Những câu từ bình dị nhưng giàu sức tạo hình như tạc, như khắc hình ảnh rất đỗi yêu thương của mẹ, của cha vào tâm khảm.  


Minh Hiếu kể rằng, anh đã đi qua bao thăng trầm để đến với hạnh phúc hôm nay, thì ký ức về người cha luôn âm thầm chịu đựng, vất vả gian nan, người cha cần kiệm, khéo léo là điểm tựa cho các con luôn khắc sâu trong trái tim anh. Nhớ dáng cha đạp xe cặm cụi chở con đến trường bất kể mùa đông mưa dầm buốt giá hay mùa nắng lửa, chỉ mong cho con học giỏi thành tài. Từ thuở ấu thơ, Hiếu đã là cậu học trò giỏi văn, mê thơ và biết làm thơ. Hình ảnh người cha kính yêu trong thơ của chàng trai nhỏ ấy thân thuộc làm sao! 


“Bố đi cày hết buổi. 

Ngồi nghỉ dưới bóng tre 

Nón chao làm cái quạt 

Chùm lá khay chiếu ngồi 

Khói thuốc lào vờn tóc

Thoáng nụ cười trên môi”

(Giờ nghỉ trưa của bố)


Ngày con thành danh, thành công lại là khi cha không còn nữa. Đó là nỗi buồn, là nỗi xót xa. Chỗ cha ngồi còn đó, lời dặn của cha vẫn văng vẳng bên tai.  


“Ta ngồi vào chỗ cha ngồi. 

Bàn chân hằn vết, mồ hôi đẫm mùi”

  (Ngọn gió vườn nhà)


Hầu hết những người con trên thế gian này đều kính cha, thương mẹ. Nhưng khi cuộc sống bận rộn, việc xã hội, việc gia đình riêng, việc phấn đấu để thành công… dồn con người vào vòng quay mải miết, nhiều người đã trở nên vô tâm với đấng sinh thành. Minh Hiếu nằm trong số không nhiều những tấm lòng luôn luôn hiếu thảo. Bạn bè kể rằng: Hiếu vốn có hiếu nhưng khi bố đã đi xa, Hiếu càng thương và chăm sóc mẹ nhiều hơn. Ngày mẹ bị bệnh phải điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, anh đã chạy xe máy từ Hải Phòng lên Hà Nội giữa đêm mùa đông lạnh buốt để chăm sóc mẹ. Nhiều khi chạy xa gần trăm cây số về với mẹ chỉ để ăn cơm cùng mẹ, đợi mẹ ngủ ngon rồi mới khẽ khàng trở về cho kịp giờ làm việc hôm sau. Mỗi ngày, anh đều quan sát mẹ qua camera để kịp hỗ trợ cùng chị gái và người thân ở gần chăm sóc mẹ được chu toàn. Nên dù đã gần trăm tuổi, trải qua 4 lần mổ, da dẻ mẹ vẫn hồng hào, sắc diện vẫn đẹp tươi. Thơ về mẹ của Hiếu là những dòng thương đến nao lòng:  


“Hương thơm quanh chỗ mẹ ngồi 

Tóc khô gió thổi lên trời bay bay” 

 (Hương bồ kết)


Hoặc: 

“Bây giờ mẹ đã già nua 

Theo năm tháng, tóc ngẩn ngơ mái đầu

Hương bồ kết có còn đâu 

Xa quê phảng phất nhớ màu nắng trưa”

(Hương bồ kết)


Không cần đến những cách tân thể loại, hay những cầu kỳ trau chuốt ngôn từ, thơ Trương Minh Hiếu vẫn đủ sức lay động bằng chính cảm xúc đong đầy từ sâu thẳm yêu thương. 


Những câu thơ Minh Hiếu viết về bố vợ của mình lại là những câu thơ hiếm gặp. Mối quan hệ tuy không phải ruột rà mà rất đỗi ruột rà nhưng không dễ thốt lên thành thơ. Người đọc chẳng từng ngưỡng mộ tình cảm của nữ sĩ Xuân Quỳnh khi viết về mẹ chồng:


“Mẹ đâu mẹ của riêng Anh

Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi 

Mẹ tuy không đẻ không nuôi

Mà em ơn mẹ suốt đời không xong”

(Mẹ của Anh – Xuân Quỳnh)


Và Minh Hiếu cũng có bài “Bố Vợ” với những dòng thơ đầy cảm kích, biết ơn. Người Việt xưa có câu “Dâu là con, rể là khách”. Hiếu may mắn khi được nhạc phụ hết lòng yêu thương, cảm thông, bao dung. Điều đáng quý là anh đã tinh tế nhận ra, biết trân trọng và biết khái quát thành thơ. Tôi thích cái cách “nịnh” bố vợ của chàng trai quê lúa làm rể gắn bó và thành danh với thành phố cảng. Nó vừa khôn khéo vừa mộc mạc chân thành:


“Hơn ba chục năm rồi như mật mới trút ra 

Niềm thương dành cho tôi với ông là có thật

Lúc khách khí vẽ bày khi thật thà như đất

Sau mưa cả gió ngàn thì rể mãi là con”

(Bố vợ)


Người thưởng thức thơ đa phần thích những bài thơ hay bởi chính sự bình dị của đề tài, gần gũi, dễ hiểu, dễ cảm của ngôn từ, dễ gợi rung động của dạt dào, cảm xúc. Bạn bè đã ví von rằng, thơ Hiếu cũng như người thôn nữ. Luôn toát lên sự duyên dáng ngọt ngào khiến bao kẻ say mê.


Ngày còn đi học, nhà thơ Kim Chuông - thầy dạy chúng tôi viết văn làm thơ đã nói rằng: “Đọc các sáng tác của các cháu, chú thấy không chỉ tài năng, tính cách mà còn thấy cả tâm hồn trong đó!” Quả là như thế, thơ Trương Minh Hiếu là sự chắt chiu ngôn từ, hình ảnh, là sự kết tinh cả hoài niệm, hiện thực và mơ ước của người con, người em, người chồng, người cha luôn yêu thương, thấu cảm và trách nhiệm.


Anh yêu quý và biết ơn chị gái đã sớm khuya chăm sóc mẹ già cho các anh các em yên tâm công tác. Dõi theo chị bằng niềm cảm thương, Hiếu viết:


“Đêm nâng, ngày đỡ, đến đi vuông tròn

Vẫn chồng, vẫn cháu, vẫn con

Vẫn chăm bẵm mẹ vẹn tròn đó đây

Ai mơ trời rộng đất dày

Chị mong thương trọn tháng ngày mẹ tôi”

(Chị tôi)


Tác giả đã ghi lại những tâm tình khi cảm nhận được những trăn trở của người vợ hiền trước công việc của người thực thi pháp luật, rất cần sự công tâm và lòng nhân ái. Âm thanh dù im lặng, Hiếu đã nghe bằng cả trái tim yêu thương và thấu hiểu những đau đáu trở trăn của vợ. Bởi mỗi phán quyết đều liên quan đến tương lai cuộc sống và sinh mạng con người:


“Áp dụng điều khoản nào hay điểm bao nhiêu

Đâu chứng cứ, đâu tình, đâu lý

Hình phạt đúng chưa hay là duy ý chí

Có để lọt tội nào hay nhầm lẫn oan sai”

(Những thanh âm im lặng)


Hiểu những khó khăn và cả ý nghĩa lớn lao trong nghề của người bạn đời và kết lại thành thơ.


“Pháp luật công bằng và pháp luật nhân văn

Như khoảng trời đón mây từ khắp ngả

Giúp kẻ lạc đường tìm về sau vấp ngã

Là quả, là hoa em góp nhặt cho đời”

(Những thanh âm im lặng)


Với các con, Minh Hiếu là người cha rất mực yêu thương, chăm chút cho các con khôn lớn trưởng thành. Hai con gái yêu của anh đều giỏi giang, thành đạt. Hiếu yêu con bằng tình yêu ấm áp. Anh cảm nhận niềm hạnh phúc trong từng tiếng cười, tiếng nói bi bô và những bước đi chập chững của con. Hạnh phúc của cha được nhân lên mỗi ngày dù những vất vả lo toan nhưng luôn chứa chan hy vọng:


“Cha áp ngực vào đêm vẫn nguyên vẹn bồi hồi

Ngày mai đấy đang chạm về náo nức

Con năm tuổi, chật căng nhà hạnh phúc

 Cha lại lặng thầm thêm một nỗi lo toan”

(Khi con năm tuổi)


Ngày tiễn con gái lớn lên xe hoa, lòng người cha không giấu nổi niềm vui cùng bao nỗi bồi hồi. Bao tiếng lòng được kết đọng thành thơ với những dặn dò khuyên nhủ:


“Con bây giờ có thêm một miền quê

Thêm mẹ, thêm cha, thêm anh em, bầu bạn

Bài hát cuộc đời thêm thăng trầm nốt nhạc

Nỗi vui buồn xuôi ngược gấp làm hai”

Bởi: “Mỗi một ngày con hãy sống vì nhau”

Để: “Mùa rạng rỡ quả lành ga cuối chặng”

(Nói với con ngày cưới)


Khi cầm bút, mỗi người đều hoàn toàn tự do lựa chọn và sáng tạo theo cách riêng của mình. Người đau đáu muốn cách tân, phá cách, người lại nâng niu làm nhuần nhuyễn kiểu thơ ca truyền thống. Người khát khao đi tìm những đề tài vĩ mô, người lại đắm say với những điểm nhìn, những chi tiết lung linh như hạt bụi vàng. Điều cốt lõi là cần có cảm xúc chân thành. Thơ Minh Hiếu bám chắc được vào cội rễ của cảm xúc, và đến được với trái tim người đọc. Nó cuốn hút bằng những chi tiết, hình ảnh bình dị mà lay động qua cách cảm nhận tinh tế, đầy trân trọng nâng niu của người cầm bút. Ngôn ngữ trong thơ Minh Hiếu sống động và có tình.


Thơ viết về quê hương nguồn cội, gia đình của Trương Minh Hiếu đắm sâu, cảm xúc, bình dị mà sâu sắc, chứa đựng những triết lý khái quát từ nhịp đập nồng nàn của trái tim chan chứa yêu thương. Thơ đã khép nhưng lời nhắn nhủ ân tình còn đọng lại:


“Mẹ như quả chín cành xa

Như câu hát cuối bài ca cõi người

Chờ khi mẹ ốm nằm rồi

Mới về thăm mẹ bao lời như không”

(Nhớ về thăm mẹ)


Với những ai đang bôn ba nơi góc bể chân trời hay mải mê giữa hào quang rực rỡ, đọc tâm tình của Minh Hiếu sẽ gặp được mình trong những cảm ngộ và tỉnh thức:


“Vui buồn lẫn với cỏ cây

Đói no gió với đời này vườn quê

Một mai lỡ gió không về

Lối vườn xưa sẽ chẳng hề còn đâu”

(Ngọn gió vườn nhà)


Tôi yêu những vần thơ được viết ra từ sâu thẳm yêu thương của Trương Minh Hiếu. Với tôi, không có tác phẩm văn học nào đáng trân trọng hơn những tác phẩm luôn hướng về nguồn cội. Tôi hiểu vì sao, dù tập thơ có nhiều bài không viết về tình cảm quê hương, gia đình rất hay nhưng tác giả vẫn chọn đặt tên cho tập thơ là “Cội”.


Bùi Thị Biên Linh

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.