• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Cảm quan thiên nhiên với sức lay động và loang thấm trong thơ Trương Minh Hiếu

Thứ tư - 03/07/2024 10:33


(Ảnh: Kim Anh)



CẢM QUAN THIÊN NHIÊN 

               VỚI SỨC LAY ĐỘNG VÀ LOANG THẤM                                             

                                      TRONG THƠ TRƯƠNG MINH HIẾU

                                  

      Nhà thơ KIM CHUÔNG

      Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

     Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình

    Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình

 


Giữa những ngày Hè Giáp Thìn, năm 2024 này, tôi thực sự hào hứng  được đọc và viết lời bình cho tập thơ của Trương Minh Hiếu – Một “Nhà văn Nhóm Búp.”  Một Nhà văn trong gần ba chục “Môn sinh” trưởng thành từ “Lò luyện Văn chương” của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình từ 50 năm trước. 

         

Lò luyện Văn chương mang tên “Lớp Đào tạo, Bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác Văn học ở Thái Bình.” Do Nhà văn Bút Ngữ, Chủ tịch Hội VHNT – Thái Bình cùng ông Nguyễn Ngọc Trìu, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, khởi xướng.

       

Dưới bóng cổ thụ tỏa trùm mà các “Thầy Văn chương” là những Nhà văn danh tiếng, như: Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải, Phong Thu… cùng các Nhà văn Thái Bình, trong suốt 15 năm trời (1976 – 1990) đã miệt mài cùng các lứa học trò “dùi mài kinh sử”, đằm mình trước thế giới hiện thực, để tìm mình, khai sáng chính mình qua các trang viết. Để rồi, sau gần 200 gương mặt đi qua “Cửa ải” này. Sau gần nửa thế kỷ kết tinh và phát lộ, lịch sử nền văn học đương đại đất Việt này, tự hào rằng, Thái Bình có một lứa văn chương mang tên “Nhóm Búp,” với hơn 50 Giải thưởng đã giành được từ các Cuộc thi văn chương trong nước và Quốc tế. Với gần 50 đầu sách in chung và in riêng. Với gần chục cây bút trở thành Hội viên của các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thành trên cả nước. Với hai tác giả xuất sắc đã trở thành Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.

          

Hiện thời, "Các Nhà văn Nhóm Búp" đang hoạt động khá sôi nổi trong giao lưu sáng tác và xuất bản, trong “Tờ Báo Mạng” được công chúng bạn đọc rộng lớn quý yêu, Tờ Báo mang tên “NhaBup.vn” do Thi sĩ Trần Huyền Tâm làm Chủ bút và giữ vai trò “Chánh Nguyên súy tao đàn.”

         

Cũng như khá đông “Các Nhà văn Nhí”, Trương Minh Hiếu được mời về “Lò luyện Văn chương” từ năm mười ba tuổi. Cậu bé nhỏ gầy, đáng yêu ấy, từ năm đang học lớp Bốn đã là học trò giỏi trong Đội tuyển Văn của tỉnh, của Quốc gia. 

        

Sinh ra và lớn lên tại làng Phú Vật, Tiến Đức ven bờ Sông Hồng - Đất Hưng Hà - Đất Long Hưng - Đất Nhà Trần dựng nghiệp - Đất Lê Quý Đôn, vị Bảng nhãn với lời xa truyền, nổi tiếng : “Thiên hạ vô tri, vấn quý Đôn”, Trương Minh Hiếu là một trang thư sinh, “điển trai”. Dáng thông minh. Miệng cười. Mắt cười. Lúc nào nom Hiếu cũng mát lành, nồng hậu. 

       

Tôi có duyên gặp lại Hiếu sau 25 năm dài dặc cách xa, khi Hiếu vui, ôm chầm lấy tôi trong cuộc hội ngộ bất ngờ tại “Hội nghị Cộng tác viên tích cực” của Báo  Đảng, Hải Phòng, khi tôi mới rời cơ quan Văn nghệ Thái Bình, về sống trên đất Cảng. Mất đôi phút ngỡ ngàng, tôi nhận ra Hiếu ngay. Bởi, Hiếu khi xưa. Và, Trương Minh Hiếu bây giờ, vẫn ánh lên nét tinh nhanh, thần thái. Vẫn ngọt ngào, vui và hóm nữa.    

        

Tôi biết. Sinh ra ở quê nghèo, từ nhỏ, trong tâm khảm Hiếu đã đầy cảm hoài, day trở, đầy lưng túi thi ca trong niềm yêu thương mẹ cha, bạn bầu, quê kiểng. Nhưng,  “Cơm áo không đùa với khách thơ”.  Hiếu sớm tự thức điều này, để nén chặt thi ca vào một góc lòng, bước vào đời, làm một sinh viên Đại học Bách khoa. Rồi, làm Kỹ sư Hàn và Công nghệ kim loại. Hiếu bươn trải với cuộc sống thường nhật. Hiếu nhằm vào Báo. Tập trung “cày” đủ các kiểu tin bài để in, để có nhuận bút, góp thêm “đồng xu nhỏ” cùng vợ yêu, nuôi hai cô gái thục hiền. Hiếu trở thành tác giả quen thuộc và uy tín của các chuyên mục trên Báo Pháp luật, Báo Công Lý,  “Báo Hải Phòng Cuối tuần”. Những bài thơ với những ký thác riêng tư, bấy giờ Hiếu chỉ để nằm im trong ngăn kéo, trong nhu cầu giải thoát của cõi lòng tri kỷ.

          

Tôi quý yêu Trương Minh Hiếu ở “nghĩa thầy trò”. Ở cái Tình Văn, Nghiệp Văn đã cùng nhau đeo đẳng. Ở Trương Minh Hiếu với con người luôn nặng lòng thờ Cha, kính Mẹ. Với niềm yêu thương, thủy chung với người vợ xinh đẹp, nơi Thủy Nguyên, đất của miền gái đẹp nổi tiếng ngàn xưa. 

          

Tôi đã rơm rớm nước mắt khi nghe Hiếu kể, có một buổi lặn lội về Thị xã Thái Bình, tìm gặp Nhà văn Nguyễn Văn - Một Nhà văn già, người đã đạp xe về tận làng Phú Vật, tìm hiểu và đón Hiếu vào học lớp Văn chương của Hội. Biết ông đi vắng.  Biết không thể nán chờ. Biết thời gian chia xa với ông lại diễn ra dài nữa. Hiếu đã đứng lặng đi, thầm khóc, một tay vịn cổng. Một tay lau đôi mắt cay xè, bên ngôi nhà vắng lặng. 

        

Trương Minh Hiếu sống nặng tình, nặng nghĩa là vậy.     

        

Tôi quý yêu Trương Minh Hiếu ở một chặng đường khá dài trong âm thầm lộ trình của một chàng trai giàu khát khao, nghị lực. Để xây được cho mình có một tổ ấm gia đình với người vợ đảm đang, xinh tươi, độ lượng và rất mực yêu thương. Rồi, hai cô gái giỏi giang, thành đạt. Rồi, từ một cậu học trò nghèo nơi làng xa, ven sông Hồng, hút bóng… Để bây giờ Hiếu đã là một Kỹ sư. Một Nhà báo, Nhà văn của giấc mơ từ thuở thiếu thời. Một Thi sĩ của các “Nhà văn Nhóm Búp”, của công chúng bạn đọc, bạn viết yêu tin. Một Giám đốc của một Công ty. Một tháng năm với cuộc hành trình. Với không ít lần đặt bước chân tới nhiều xứ sở Úc, Á, Âu xa lạ. Đôi mắt Hiếu thêm giầu những kỳ tích, cảnh vật với bao nhiêu “cái Gặp, cái Biết” trong trải nghiệm, trong kiến văn có được ở đời. 

      

Tôi đã cùng đôi ba Nhà văn Nhóm Búp, lần tới tận làng xã Phú Vật, đi qua đoạn đê lòng vòng đầy ngợp cỏ may, tìm đến tận nhà thăm mẹ già thân sinh ra Trương Minh Hiếu.

       

Tôi đã chứng kiến sự bận rộn của Hiếu, một Giám đốc với công việc nơi cơ quan, công sở. Tôi cũng từng chứng kiến sự lạ lùng, có lúc như một hiện tượng, khi Trương Minh Hiếu “say thơ.” Bởi, có giai đoạn con tim thi nhân này mang nhiều cơn “nổi loạn đáng yêu.” Để, với thơ, Trương Minh Hiếu viết ngày càng Hay hơn. Viết nhiều hơn. Viết có ngày tới hai ba bài. Viết như “mùa động tình, thai nghén.” 

        

Văn chương là thế. Là người cầm bút, tôi gặp rất nhiều trạng thái này trong cuộc đời văn nghiệp. Tôi động viên Hiếu khi lòng đang ắp đầy tâm sự, cứ viết. Bởi, có lúc thời gian rộng dài mà lòng ta trống trơ, nhạt thếch, lặn ngụp đến tận đáy hồn rồi cũng chẳng mò nổi một chữ, một câu.

         

Với Trương Minh Hiếu. Với tập thơ “Cội” được tập hợp, trình làng trong khắt khe, chọn lựa và chầm chậm, kỹ càng này. Không gì khác, Thơ Trương Minh Hiếu ở đây là nguồn chảy mát lành, trong xanh, da diết.  Thơ là khoảng êm lắng, xa vang nơi bến bờ kết đọng. Thơ là hạt phù sa nhẹ thầm trong tỏa rạng sắc hương …

        

Thơ Trương Minh Hiếu là “Thơ của con tim Thi sĩ.” Thơ  của sự run rẩy, diết da. Thơ của cái Đẹp, không tì vết, không nhuốm màu sầu đong, bi lụy. Thơ của cõi lòng luôn bám chặt lấy một tầng thiên nhiên, tầng cảm quan vũ trụ. Thơ ngỡ như, nếu không có thế giới khói sương trước mặt kia thì “không có Ta,” không có những tâm tình này hiển hiện.

        

Ví như, khi Trương Minh Hiếu bắt gặp đông về trong cõi lòng se thắt :


Anh về làng luống mạ vẫn xanh nguyên

Đất lật ải, dòng mương im con nước

Bờ bãi hắt hiu vắng bóng người đi ngược 

Một vòm trời buốt lạnh trong tay  

      

Bóng người đi ngược” “vòm trời buốt lạnh trong tay” là cái nhìn, cái cảm tinh tế và gợi. Rồi đây nữa, chỉ qua một thoáng nhìn trong cái gặp nhỏ nhoi nơi dáng cây “Hoa trinh nữ” ở một buổi nào:  

      

Ước một đêm trăng lên

Đường không còn ai nữa

Anh quỳ xuống đất mềm

Đón em vào hơi thở


Muốn gọi em thật nhỏ

Trinh nữ của anh ơi

Cái trong trắng suốt đời

Chỉ mình anh hiểu rõ

       

Dễ thấy, từ thiên nhiên của mùa đông, hay trước một cây “Trinh nữ” qua cảnh vật, qua trực giác, Trương Minh Hiếu đã khá tinh trong “cái Nhìn.”  Và, bên cạnh “cái Nhìn,” là cái tinh tế, của “cái Nghe” dư vọng.


Đêm sao rơi, thao thức gió tràn trề

Đảo lặng thinh chìm giữa ngàn tiếng sóng

Người với đảo vo tròn cơn trống vắng

Sớm mai lên nao nức gọi mặt trời

                                               ( Hòn đảo không tên)

        

Lại đây nữa. Cái tinh tế nhập hòa của “cái Nhìn, Cái Nghe, Cái Nghĩ” cùng  lúc, cùng đồng vọng trong những vòng xoáy đồng tâm, đồng hiện:   


Bãi chìm là bởi triều lên

Người cô đơn bởi từng quên đợi chờ

Ngoài khơi sóng tự bao giờ

Đẩy con ốc biển vào bờ tìm đôi …


Rồi:


Quả tim đập tiếng ngập ngừng

Nửa lo giữ lại, nửa mừng chia hai

Hững hờ tay chợt buông tay

Ốc về với biển thôi ngày không em

                                            (Ngày không em)

        

Vâng. Bởi, ôm trùm ba cõi : “Trời – Đất – Và, Người”,  Thơ Trương Minh Hiếu lấy cảm quan thiên nhiên, lấy cái “ngắm nhìn” làm khả năng trội vượt. 

       

Ngắm nhìn để tiếp cận hiện thực. Ngắm nhìn để Cảm. Ngắm nhìn để liên tưởng, suy tưởng. Cách đi này dễ tươi xanh, dễ rộng dài giọng điệu và sức vóc. Nhưng, nếu chỉ dừng lại ở tầng hướng ngoại mà mô tả, thơ dễ rơi vào “cái Tĩnh.” Song, nhờ có được sức rung ở hồn thơ, ở ngôn ngữ linh diệu. Trương Minh Hiếu đã tìm được “cái Động” cho thơ. Tìm được vệt loang, vệt thấm với  “cái Ảo”, “cái Biến hóa” mang nguồn chảy có sức dẫn, sức mở tới vô cùng.  

        

Ví như: 


Ở bài “Một chút với mùa đông,” anh viết:


Em cầm lấy tay tôi

Bạn tựa vai bạn nhé

Mỗi ngân vang nhỏ bé

Cùng nhau thành hoan ca.  


Hay, trước một “Hòn đảo không tên”:

 

Chỉ cách nửa tầm nhìn đã là bờ là bến

Nhưng tự bao giờ tiếng gọi vẫn xa nhau  


Hoặc, khi đứng trước phiên “Chợ Đầm” nào đó. 


Gặp tên chợ, chợt nghĩ thầm

Ngữ ngôn có gốc có mầm .. đẻ ra  …v.v …

              

Rõ ràng, ở tập thơ “Cội,” không bài thơ nào, Trương Minh Hiếu không tựa vào cảm quan thiên nhiên, không bám lấy đất trời, nắng mưa, cỏ cây, hoa lá để đãi lọc và chưng cất hồn mình. Trương Minh Hiếu viết nhiều về quê hương, về bố mẹ, về vợ con, quê kiểng… Và, cảm quan thiên nhiên đã làm nên thi pháp mà người viết lúc nào cũng bám chặt  lấy nó, để, khi thì, tạo dựng nên những bức tranh mang nhiều sắc màu, sinh động. Ví như, đây là cái hay có được ở những câu thơ tả thực:  


Mấy năm rồi vẫn đồng đất ấy thôi 

Cây lúa gặt đi, hạt đay gieo xuống 

Mương máng loi thoi xanh rì rau muống 

Con cò bay xao xác lũy tre làng 

                                (Quê tôi)

       

Và, đây nữa, cũng từ cảm quan thiên nhiên Trương Minh Hiếu có được cái thảng thốt, trong linh cảm, trong cái nghĩ sâu xa, khi viết về người mẹ. 

     

Mẹ như quả chín cành xa

Như câu hát cuối bài ca cõi người

Chờ khi mẹ ốm nằm rồi

Mới về thăm mẹ bao lời như không …  

(Nhớ về thăm Mẹ) 

      

Bài thơ với hai câu kết đã làm nên “cái Đế” nâng bổng bài thơ trong ý nghĩa thẳm sâu, trong nỗi niềm thương cảm. 

          

Đọc thơ “Cội,” vẫn nằm trong mạch đi này, thơ đi từ cảm quan thiên nhiên, đến sức động hồn mình, Trương Minh Hiếu đã tìm được cách vận động cho thơ trong mô tả, biểu đạt. Đây là, những câu thơ hay viết về “Bố vợ”,  với cách quan sát và lối tự sự có duyên : 


Ông kéo ghế, pha trà, hỏi chuyện triền miên 

Rồi ngợi khen cả những điều tôi chưa có được


Rồi: 


Thích đôi giày, cái áo, muốn đi xa 

Ông chỉ ưng, người lo là con rể 

Đâu đó tiếng phong thanh, còn ông thì mặc kệ 

Tấm ân tình, hiếu nghĩa, phận lại qua 

           

Rồi, bài thơ viết tặng người vợ thân yêu đang gánh vác công việc của  luật pháp, Trương Minh Hiếu lại có được cái Tình, bên cái Nghĩ, với cái chiều sâu ở một tầng triết thuyết.  


Mỗi con người một kiếp nhân sinh

Trời ban cho trái tim yêu để sống

Nhưng có thể phần CON dậy sóng

Vùi dập phần NGƯỜI trong giây phút cuồng điên


Hoặc:

Đêm bình yên như bài hát không lời

Những thanh âm lặng thầm gọi từ trong gốc rễ

PHÁP LUẬT THƯỢNG TÔN hằng đêm em vẫn nghĩ

Thức trọn lương tri, trách nhiệm một con người

      

Bài thơ viết tặng con, kỷ niệm ngày sinh  khi con tròn năm tuổi, thơ Trương Minh Hiếu đạt tới cái nhuần nhuyễn ở hai phía của cảm xúc – tư duy:


Cha áp ngực vào đêm vẫn nguyên vẹn bồi hồi

Ngày mai đấy, đang chạm về nao nức

Con năm tuổi, chật căng nhà hạnh phúc

Cha lại lặng thầm thêm một nỗi lo toan


Và đây là bài thơ “Nói với con ngày cưới” viết tặng cô gái lớn, Khánh Linh: 

 

Mỗi một ngày con sống hãy vì nhau

Nắng sẽ xanh nồng nàn trên búp lá


Rồi:

Ngày lên xe hoa mới chỉ là ga xép

Thổn thức rung ngân đón cung đường nối tiếp


Rồi :

Đừng ngại ngùng trước mỗi chuyến đi xa

Hạt mầm gieo yêu, thương, hiếu, thuận

Mùa rạng rỡ quả lành ga cuối chặng

Là ngọt ngào con đã sống vì nhau

          

Một nhất quán trong tập thơ “Cội” của Trương Minh Hiếu là Thơ với lối mở từ “Ngoài Ta” dẫn về “Phía trong Ta.” 

          

Cái “Ngoài Ta” là Hiện thực của “thế giới Ta bà.” Là cảm quan thiên nhiên. Là trực giác. Còn “Hiện thực Hoài nghi” có từ hồn ta đẻ ra. Có từ sự thăng hoa. Từ năng lượng của thi nhân trong liên tưởng, suy tưởng và kỳ ảo hóa. 

          

Hiện thực Hoài nghi nằm ở khả năng “độc thoại.” Nhìn chung, thơ Trương Minh Hiếu bám chặt lấy “Vỉa tầng lớn - Thiên nhiên.” Nhà thơ ít khi tách mình đi bằng “Lối Độc đạo - Hồn minh.” Nhưng, Trương Minh Hiếu cũng có được không ít những câu thơ vững, thơ hay khi anh hướng thơ quay về “Hiện thực Hoài nghi,” quay về nơi chiều sâu  suy ngẫm.

    

Ví như: 

 Giữa bao la được mất

Lấm lem trong kiếm tìm

Quẩn quanh dù gang tấc

Anh có còn nguyên anh?

(San Hô trắng) 


Hoặc:

Thôi chẳng cần thật nữa để làm chi 

Mà cứ dại như hoa là tên gọi 

Nếu có lỡ mùa sang, có trót màu đón đợi 

Vu vơ miền hoa dại để mà buông 

(Hoa dại)


Hoặc:

Ai mơ trời rộng đất dày

Chị mong thương trọn tháng ngày mẹ tôi

(Chị tôi)


Hoặc:

Trời rồi sẽ ngớt mưa dông

Chỉ lo gió ở trong lòng chẳng ngơi

(Mưa giông)


Và đây là bài thơ khá cô đọng, hoàn chỉnh và có được sức ám ảnh ở lối thơ chìm vào “Hiện thực Hoài nghi.” Lối thơ chỉ  nương tựa vào nơi  hồn mình, lặng khuất: 


Lặng nhìn theo phía xa vời 

Quãng sông vắng bến, khung trời vắng mây 

Mịt mờ cây với lá cây 

Dối lòng tay, lại cầm tay của mình 


Hình như có gió vô tình 

Có chân ai bước thập thình sau lưng 

Có gì đâu để mà … Nhưng 

Với ai, ta cũng dửng dưng thôi mà 


Cuốc đâu nhìn lại hóa gà 

Là không ai đấy. Ta và không em  

(Hai phía không là)  

               

Có thơ in trên các báo, các tuyển tập Thơ Văn từ những năm mười ba tuổi. Hai lần giành được Giải thưởng từ các cuộc thi sáng tác văn học (từ những năm 1980 - 1982.) Thơ Trương Minh Hiếu đi từ cái “Lò luyện Văn” của một người cầm bút có học, có năng khiếu trời phú cho con tim nồng thắm, yêu say. “Cội” là tên tập thơ. Là Ý thức. Là tư tưởng. Là thông điệp mà nhà thơ muốn gửi tới  thiên thu xa dài, rằng : “Tất cả những gì mà Trương Minh Hiếu đang có. Từ Quê hương, Mẹ Cha, Vợ con, Cuộc đời – Trang viết” … “Cái Cội, cái Nguồn” dẫn tới Bến bờ neo đậu này đều có từ Gốc rễ. Từ nền tảng. Từ Nguyên nhân và Nhân duyên đậm sâu và dài dặc ấy làm nên. 

             

Là Nhà văn đi trước. Là người Thầy từng nhiều năm giữ vai trò Chủ nhiệm Lớp Văn. Tôi mừng cho Hiếu. Tôi tin chờ Hiếu ở con đường trước mặt. Ở những mùa màng gặt hái lớn hơn và chín thơm hơn trên cánh đồng văn chương thật bình dị mà cao sang, vô giá. 


                                                               Hải Phòng, những ngày Hè, năm 2024.           

                                                                                   K.C

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.