• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Thơ của một nhà giáo tôi yêu

Thứ sáu - 27/12/2019 15:14

 

R.Tagore - thi sĩ Ấn Độ từng viết: “Em thế nào thì cứ thế mà đến”, nghĩa là người ta luôn cần nhau ở sự chân thành, giản dị. Những gì chân thành nhất từ trái tim bao giờ cũng đọng lại lâu dài trong lòng người. Thơ Biên Linh đã gợi cho tôi những xúc cảm ấy.

Phải gọi cô là cô giáo hay nhà thơ, khi trong tôi bao giờ cũng tự nhủ và tự hào khi được làm một học trò được cô từng nhiều năm dìu dắt? Và từ một may mắn nữa, khi được trở thành đồng nghiệp của cô, cùng cô gieo hạt trên mảnh đất này. Tôi càng nhận ra ở Bùi Thị Biên Linh, và có thể ví cô như một “pho từ điển sống” về văn chương, về cuộc đời mà mỗi khi gặp những chông gai trong cuộc sống, tôi lại đến bên cô để được cô sẽ chia, thắp sáng.

Nhưng hôm nay, khi cầm trên tay bản thảo tập thơ “Khoảng xanh miền nắng,” với tư cách một độc giả thân thiết với thơ Biên Linh. Tôi đọc và thật sự bị cuốn say trong dòng thơ thật êm dịu, nhẹ nhàng. Thơ đi trong cái nhìn thật đẹp, thật thi vị của cảm xúc, ngôn từ, thi tứ.

Phải nói, ở đây, người viết đã có một độ chín về tư tưởng, nó kết tinh từ hồn thơ “thiên phú.” Thơ Biên Linh càng đọc, ta càng nhận ra rằng: dường như mỗi người đến với thơ ca là bởi cái duyên. Nếu không có được cái duyên ấy, thì làm thơ chỉ là công việc sắp xếp những xác chữ mà thôi.

Và, ngòi bút Biên Linh đi từ cái duyên, cái hấp dẫn có từ tâm hồn ấy.

Những ai đã từng đọc thơ Biên Linh có lẽ sẽ thấu cảm được điều ấy. Đặc biệt với những người làm nghề giáo, thơ về mái trường của cô luôn để lại ấn tượng và tình cảm đặc biệt. Trong thơ cô, những mái trường hiện ra: là mái trường tuổi thơ, mái trường trong hiện tại...và gắn với mái trường là những mùa thu trong trẻo:

“Học trò tôi rất dễ thương
Nên mùa thu, nắng như dường trong hơn
Chẳng vì em với ngôi trường
Thì mùa thu cũng bình thường, thế thôi” 

 (Mùa thu)

Yêu mùa thu bởi mùa thu đó cũng là mùa khai trường với bao học trò thương mến. Biên Linh hiện lên với hình ảnh một cô giáo tận tâm, nhiệt huyết với nghề. Có những đêm soạn bài thao thức với ngọn đèn khuya mà mỗi tối đi qua có người từng để ý:

“Ngôi nhà tranh ở phía bên kia đường

Mỗi tối khi đi qua

Tôi vẫn gặp ngọn đèn dầu ấm áp

Ở nơi ấy, bên những trang giáo án

Tôi biết em đang thao thức soạn bài” 

 (Bắt đầu từ nơi ấy)

Có khi, Biên Linh không trực tiếp giãi bày tâm trạng mà hóa thân vào một nhân vật khác để bày tỏ cảm xúc về người giáo viên:

“Giữa mùa thu, anh đã gặp em
Cô giáo trẻ hiền như nhành hoa cúc
Em mỉm cười bước vào lớp học
Mang vào theo cả cả sắc nắng thu vàng” 

 (Giữa mùa thu)

Trong thơ Bùi Thị Biên Linh, ta thường gặp những cô giáo trẻ với nụ cười hiền hòa và lòng yêu nghề say sưa. Cô giáo tựa như người mẹ, người chị ân cần với sự tận tụy, hi sinh lặng lẽ âm thầm. Đó là những giáo viên sẵn sàng đến những vùng kinh tế mới khó khăn, chốn rừng núi hoang sơ thiếu thốn, những mong tình người có thể lấp đầy:

 “Tôi về với một vùng quê

Nắng không có nước, mưa xe bị lầy 

Mang ơn sâu nặng cô thầy 

Giờ thành cô giáo của bầy em thơ

 (Ước mơ cô giáo trẻ)

Và tình thầy trò trong những vần thơ bao giờ cũng khiến con tim ta xốn xang:

Khát khao năm tháng đợi chờ
Tôi như bãi cát bên bờ biển xanh
Các em là sóng vây quanh
Hát lên điệp khúc ngọt lành tin yêu”

 (Ước mơ cô giáo trẻ)

Có những tình cảm chân thực khiến ta rưng rưng:

 “Làm sao cô bỏ được các em
Khi tay cô còn cầm được phấn
Các em đến thăm cô đầu trần chân đất
Vài trái cam, một túi chuối đầy
Chiếc khăn tay này của mấy bạn nữ đây
Và giấy trắng, thước, bút chì, đủ cả...”

 (Thì thầm tiếng gọi)

Những vần thơ ấy đã vực dậy hồn ta giữa cơn bão của cuộc đời, của bao nhiêu gian nan biến cải. Là người gắn bó, tôi thêm hiểu vì sao cô giáo, nhà thơ Bùi Thị Biên Linh được học trò yêu quý đến vậy! Phải chăng, tình cảm chân thành của cô đã lay động bao thế hệ học sinh? Bởi tình yêu dành cho học trò nhỏ của mình bắt đầu đơn sơ vậy thôi.

Và, chúng ta hãy đọc:

 “Sáng nay cô đi, vừa xa mà đã nhớ

Thương, thương lắm, ngôi trường lồ ô 

và tranh cỏ

 Mấy cây cầu thân ái đứng bên sân

Cô nằm nghe tiếng suối chảy rì rầm

Lo nước lớn, làm sao em tới lớp”

 (Thì thầm tiếng gọi)

Cái Hay của Thơ ở đây có được từ câu thơ tả thực. Câu thơ đẻ ra từ gian lao, vật vã đời thường. Câu thơ đẻ ra từ tâm can, máu thịt. Câu thơ mà ở đó là mảnh đời của cô giáo Biên Linh với bao nhiêu giáo viên không chỉ đơn thuần truyền dạy kiến thức mà còn là người thân trong gia đình, dìu dắt học sinh những bước đi trong cuộc sống. Người giáo viên đó nắm bắt được cả những tâm tư sâu kín trong lòng những cô cậu học trò:

“Lặng lẽ ngắm màu hoa

Thắm thiết bên cửa lớp

Nhận ra trong ánh mắt

Các em nhiều bâng khuâng...”

(Quà tặng)

Đọc những vần thơ viết về nghề dạy học của Biên Linh, tôi như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin vào con đường mình đã chọn. Để rồi, mỗi lần mỏi gối chồn chân, tôi lại ngâm nga những câu thơ đã thực sự làm nhịp cầu tôi vịn:

 “Bạn ơi mơ ước bình thường

Làm cô giáo trẻ dễ thương quá chừng...”

Ở “Khoảng xanh miền nắng”, có một mảng thơ khá ấn tượng nữa là, thơ viết về mảnh đất Phước Long- nơi chúng tôi đang sống. Dạng thơ “hướng ngoại” này, ít người viết. Bởi nó dễ đi liền với phô-tô, sao chép hiện thực. Hơn nữa, ở “Xứ sở của miền Đông, đất đỏ” này, hầu hết không phải là quê gốc của mỗi người dân nơi đây , họ có khi chỉ là chặng dừng chân ban đầu trong hành trình chưa biết đâu là kết thúc. Mỗi một người khi sinh sống nơi đây đều có một miền đất khác để ngóng khác. Vậy mà, Bùi Thị Biên Linh, người con của quê lúa Thái Bình, tôi gặp được thi nhân ở đây một tình yêu dạt dào với quê hương Phước Long đầy nắng gió. Một vùng đất đỏ đi vào thơ Biên Linh như một gam màu khá đậm trong bức tranh lớn của thi ca Bình Phước.

Phước Long ngày ấy nghèo lắm, cần những bàn tay dựng xây. Tôi đọc được trong thơ cô viết về những khó khăn riêng của vùng đất này cũng như của đất nước thời kì đổi mới. Song hơn cả là niềm tin yêu với mảnh đất và cuộc đời. Thơ Biên Linh là thế, cũng như con người của cô luôn lạc quan tin tưởng vào những gì tốt đẹp nhất:

 “Nghe thì thầm trong đêm
Rừng cây mùa thay lá
Vườn ươm đang trở dạ
Sinh sôi ngàn chồi non...”

 (Tiếng đêm)

 Phước Long không có sự thay đổi luân phiên 4 mùa Xuân hạ thu đông, chỉ với 2 mùa mưa nắng. Người dân nơi đây chờ đón mùa mưa về tưới mát những nương rẫy: 

“Ba ơi! Cơn mưa về
Lúc ấy trời vừa hửng sáng
Bấm tay bà bảo sáu tháng
Thế là mùa khô hết rồi!”

 (Cơn mưa)

Niềm vui của người cha trong bài “Cơn mưa” cũng là niềm vui của bao người nào đó xung quanh mà ta đã có lần gặp: 

“Bây giờ gặp mưa sớm vậy

 Chắc ba mày mừng quên ăn”

Còn khi cô viết về mùa xuân thì chẳng thể lạc đâu được bởi đó chính là mùa xuân trên chính miền đất này, mùa xuân với những nét riêng của vùng Đông Nam Bộ:

 “Ngỡ mùa xuân đến từ lâu
Ngỡ như em gặp lần đầu nơi đây
Trời xanh, càng ngắm, càng đầy
Bởi cao su cứ chen dày mãi thôi”

 (Mùa xuân)

 Cây cao su là loài cây đặc trưng ở vùng đất đỏ này, nhưng đi vào thơ như một hình tượng thì quả thật hiếm. Bởi nó không phải là cây cảnh, cây ăn trái cho ra những hoa thơm trái ngọt mà là loài cây gắn với đời sống kinh tế của người dân. Chính vì thế khó tạo nên sự thi vị và chất thơ cho cây cao su khi đi vào trang thơ. Nhưng thử đọc câu thơ viết về cây cao su trong thơ cô, ta sẽ thay đổi suy nghĩ:

 “Cây cao su giống mẹ mình

 Suốt đời tần tảo, dịu lành, thẳng ngay

 Lá xòe như những ngón tay

 Hứng mưa, lọc nắng, nuôi cây tháng ngày”

 (Cây cao su và mẹ)

So sánh cây cao su với mẹ - một sự liên tưởng quá bất ngờ! Người mẹ hiền nhân hậu, hi sinh vì con cũng như cây cao su chắt lọc những gì tốt đẹp nhất cho con người. Mấy ai để ý đến hoa cao su? Bông hoa nở trên cành cao xa, không rực rỡ, hương sắc; song với một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế của cô, loài hoa ấy chưa bao giờ đẹp hơn thế:

 “Hoa cao su giữa đồi xa

 Một màu thắm thiết, mặn mà, thủy chung

Mùa hoa nở thắm một vùng

Cánh hoa sắc nắng vàng chung một màu” 

 (Hoa)

Cây cao su đẹp bởi tình yêu con người gửi gắm vào loài cây này - với hi vọng về một tương lai tươi sáng, qua bàn ta chăm sóc nâng niu:

 “Cây cao su bé nhỏ
Ta trồng trên đỉnh đồi
Lá đã xòe giữa trời
Ngàn chiếc ô bé bỏng...” 

 (Miền đất ta dừng chân)

Để rồi, cây cao su luôn mang đến cho con người những gì tốt đẹp nhất:

 “Hơn tất cả bao giờ
Tôi nhận ra điều ấy
Cây cao su đứng đấy
Góp màu xanh cho đời”

 (Mùa khô về nông trường)

Tình yêu Phước Long của cô là thứ tình yêu thuần khiết, không phân biệt là vùng kinh tế mới hay quê gốc. Dường như ở đâu có gia đình, bè bạn, có những kỉ niệm ngọt lành, nơi ấy là quê hương. Nỗi nhớ cô giành cho quê nhà cũng bắt đầu từ đó:

 “Nỗi nhớ nhà đằm thắm những yêu thương
Tóc bố bạc đi, bông lúa vàng sẫm lại
Mẹ lặng lẽ như tháng ngày bận mải
Thúng thóc đầy, lưng áo đẫm mồ hôi” 

 (Góc nhỏ quê hương)

Tình yêu quê hương không đao to búa lớn. Là con đường bụi mù đất đỏ, con suối trong văt đầu làng, khoảng rừng xanh bát ngát...tất cả đã đi vào tâm thức cô để có lúc xao động thế này:

“Ơi con đường mình vẫn đi về đó

Con suối đầu làng nước vẫn chảy, trầm tư

Tha thiết bao nhiêu nỗi nhớ bạn bè

Một khoảng rừng xanh, mùa khô mù bụi đỏ” 

 (Góc nhỏ quê hương)

Có lẽ ai lớn lên trên mảnh đất này từ những năm 70,80 mới thấu hiểu hết những nỗi vất vả của người dân Phước Long. Những con đường đất đỏ vắng những cơn mưa, được hong khô bởi cái nắng thiêu đốt, rồi gió tung bụi mù khiến “Trời xanh như nín thở”. Nắng, gió đi vào thơ Biên Linh như thế:

 “Nắng gắt như lỡ hẹn
Mái tranh khô cong giòn
Đường giằng như đánh vật
Người nheo mắt nhìn nhau
Bụi đất đậu đầy đầu
Bụi lăn vào khóe mắt
Khát khao dòng nước mát
Đường xa, càng thêm xa”

 (Mùa khô về nông trường)

Không chỉ có những khó khăn vất vả, trong thơ Biên Linh còn có cả một miền đất trù phú hiện ra:

 “Trái sầu riêng vàng ươm
Chùm chôm chôm đỏ rực
Cả khu vườn sực nức
Hương thơm gần, thơm xa” 

(Mưa vườn nội)

 Dễ thấy ở trong thơ cô miêu tả chân thật những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống ở Phước Long những năm đầu mới xây dựng, song chưa bao giờ thấy cô thôi yêu mảnh đất này. Những vất vả khó khăn ấy không phải là chính yếu, mà nó càng làm nổi bật lên tình người thiết tha. Đó là tình cảm gia đình, nơi người cha luôn chăm chỉ lao động những mong các con đổi đời, nơi người mẹ một nắng hai sương để chắt chiu cho các con ăn học, nơi những bạn bè thắm thiết nghĩa tình, nơi tình yêu đôi lứa chân thành...Để rồi hôm nay đọc lại những câu thơ viết về Phước Long, ta như được lật lại những trang lịch sử đầy thú vị về quá trình dựng xây, vươn mình của một mảnh đất đầy sức sống. Thơ Biên Linh như một trang nhật kí về Phước Long mà nếu tìm hiểu về đất và người Phước Long, ta không thể bỏ qua. 


Tôi nhớ một ai đó đã nói rằng: “Đọc một câu thơ hay nghĩa là ta bắt gặp tâm hồn một con người”. Quả thật, đọc thơ Biên Linh đã cho tôi gặp ở cô một tấm lòng nhân hậu, yêu thương với cuộc đời. Một hồn thơ giản dị mà lay động bởi những câu chữ, tứ thơ đặc sắc. Ở cô tỏa ra cốt cách của con người giàu trải nghiệm, sâu sắc, tinh tường. Và tôi tự hào thay khi được làm người học trò nhỏ của cô, một người giáo viên sánh bước bên cô, để cùng yêu quý hơn cuộc đời này.

Trần Thị Hoài Phương - 12/2015


Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.