- Lý luận - Phê bình
Hà Mãn Tử
Thứ năm - 16/01/2020 15:56
*Nguyên tác:
何滿子
(張 祐 )
故國三千里
深宮二十年
一聲何滿子
雙淚落君前
*Phiên âm:
HÀ MÃN TỬ
(Trương Hựu)
Cố quốc tam thiên lý,
Thâm cung nhị thập niên.
Nhất thanh Hà Mãn Tử,
Song lệ lạc quân tiền.
*Dịch nghĩa:
Quê cũ cách xa đến ba nghìn dặm,
Vào nơi cung sâu đã hai mươi năm.
Một tiếng ca Hà Mãn Tử,
Hai hàng lệ rơi trước mặt nhà vua.
*Ba bản dịch tham khảo với ba thể thơ khác nhau:
1. Quê cũ ba nghìn dặm,
Cung sâu hai mươi sương.
Thoắt nghe Hà Mãn Tử,
Lệ oà trước quân vương.
2. Quê ba nghìn dặm mịt mùng,
Hai mươi năm chẵn thâm cung buồn rầu.
Hà Mãn Tử một khúc đau,
Hai hàng lệ đẫm tủi sầu trước vua.
3. Quê cũ cách xa nghìn dặm trường,
Một mình cung thẳm hai mươi sương.
Một điệu khúc ca Hà Mãn Tử,
Hai hàng lệ nhỏ trước quân vương.
CẢM HỨNG của bài thơ xuất phát từ những sự kiện có thật về thân phận oan khổ lưu ly của các cung nữ thời Trung Đường.
Hà Mãn Tử là tên một ca nhân sống thời Thịnh Đường, đời Khai Nguyên của triều Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng, năm 713 - 742). Nàng bị tội hình nên trước lúc giã từ trần gian, nàng đã làm ca khúc dâng lên vua mong chuộc tội nhưng cuối cùng vẫn phải chết.
Nguyên mẫu trực tiếp của bài thơ này lại là một câu chuyện khác của một Tài nhân họ Mạnh trong cung vua Đường Vũ Tông vốn rất được vua yêu vì, trước lúc mất đấng quân vương để lộ cái ý muốn cùng nàng chết theo. Mạnh Tài nhân đã hát khúc Hà Mãn Tử rồi tự vẫn.
Theo "Giai thoại văn học Đường" của Lê Văn Đình "Toàn Đường Thi thoại" có chép:
Bài thơ "Hà Mãn Tử" của Trương Hựu được truyền vào tận cung vua. Đường Vũ Tông nghe tiếng, đòi đội Lê Viên, lệnh hát ngay khúc hát này. Tài nhân họ Mạnh vâng mệnh hát. Chỉ hát đến câu thứ ba: "Nhất thanh hà mãn tử", thì đứt hơi, ngã lăn ra điện. Nhà vua cho gọi thái y đến chạy chữa; Thái y khám xong tâu: Mạch thì còn nóng nhưng ruột đứt hết cả rồi!
Vài lời bình:
1. Nếu tiếp cận được nguyên tác bằng chữ Hán, thì dấu ấn tu từ của bài thơ 20 chữ này là SỐ TỪ.
Câu 1 xuất hiện chữ TAM, câu 2, có chữ NHỊ, và câu 3 số đếm lùi lại còn chữ NHẤT
Cố Quốc, Cố Hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình đã xa vời vợi. Những 3 ngàn dặm.
Trong chốn thâm cung, mất đi cả tuổi trẻ, nghĩa là mất cả cuộc đời xuân sắc này đã có 20 năm như kẻ biệt giam.
"Ba ngàn dặm" là không gian cắt lìa thân phận với cuộc đời.
"Hai mươi năm" là thời gian đủ làm phai má đào. Nó cắt lìa cuộc đời thành từng đoạn, nó lấy đi mất tuổi xuân thì và để lại sự ngẩn ngơ phờ phạc.
"Ba ngàn dặm" làm cho cố hương mờ ảo, mông lung. Cả hoài niệm cũng khó lòng hình dung chân thực, cụ thể con sông ấy, bến nước này.
"Hai mươi năm", trong thâm cung, nó xóa luôn ý niệm thời gian. Chỉ là tồn tại chứ không phải sống.
"Cố quốc và Thâm cung" đầy gợi cảm, dễ làm lòng người cảm khái. Nhưng "ba ngàn lý, nhị thập niên" là những con số lạnh lùng. Bản thân từng câu thơ đã cho thấy cái mỏi mòn, đã chết và cái chất sống cựa quậy của một thân phận tuyệt vọng.
Cái đáng nói là: Tại sao đến bây giờ những con số lạnh lùng ấy được nhớ chính xác. Không gian của quá khứ và hiện tại lại cụ thể đến vậy?
Câu 1: ba ngàn. Câu2: hai mươi. Câu 3: một.
Câu1: không gian. Câu2: thời gian. Câu3: âm thanh.
Chỉ 1 tiếng bài hát "Hà Mãn Tử" mà nó nối không gian với thời gian; nối quá khứ với hiện tại đã qua và thời điểm đối diện với vận mệnh sinh tử của chính mình. Nhất Thanh phải chăng là tiếng kêu thoi thóp cầu cứu cuối cùng của đời mình - một cung nhân được chỉ định chôn sống theo vua?
2. Bộ Thủy
Câu 2: là THÂM, câu 3 là MÃN và câu 4 xuất hiện hai chữ LỆ LẠC.
Nghĩa gốc theo thứ tự là: nuớc sâu đến độ không thấy đáy; nuớc tràn đầy ra bên ngoài vật chứa; nước mắt và nước rơi xuống.
Sâu thẳm rồi tràn trề; lả chả từ trên mà rơi xuống. Nước mắt tự trong tim thẳm sâu. Nước mắt giàn giụa đầm đìa từ một cô gái cùng thân phận. Và rồi, nước mắt được mô tả trần trụi nỗi đau không cần qua ẩn dụ của các chữ đầy ngụ ý.
Xưa, nàng cung nữ của Nguyễn Gia Thiều trong "Cung oán ngâm" đã sướt mướt hàng trăm câu thơ nuớc mắt. Nàng khóc cho thân phận bẽ bàng không được thấy mặt rồng để thỏa tình ân ái. Tiếng khóc của người đang hát "Hà Mãn Tử" tự nó là lời ai điếu truy điệu mình truớc phút lâm chung, truớc lệnh vua muốn chôn sống cùng ái nữ...
Có ai viết cả trường thiên tiểu thuyết cũng khó mà mô tả được cái màn kịch âm thầm và vô cùng khốc liệt này.
Cũng cần lưu ý: Ngày xưa, chỉ cần khóc truớc mặt vua đã xứng tội tử hình. Có lẽ không thoát cái chết bi thương người cung nữ muốn sống giây phút thực nhất đời mình, thực nhất lòng mình: Nàng để cho hai dòng nuớc mắt tuôn rơi trước đấng quân vương. Không phải đến mặn nồng đầm ấm, chăn ôm gối chất. Mà là đến báo cho nàng cái ân sủng: Được chôn sống cùng vua khi vua lâm chung...
La Vinh