- Tản Văn
LÃNG ĐÃNG NGÔ ĐỒNG
Thứ sáu - 25/10/2019 22:40
Ngô đồng à, tôi đã quên cây như quên đi bao chuyện cũ, như đã quên đi cái thời rất trẻ trung, sôi nổi yêu đương nhưng trái tim lệch nhịp, da diết yêu người nhưng người chẳng yêu tôi. Năm tháng đi qua, kỷ niệm cũng đi qua và cảm xúc cũng vậy, cứ đi qua trong lặng lẽ, trong đơn phương, trong cả những rối bời.
Trong đời mình, người ta có thể đánh dấu kỷ niệm bằng nhiều thứ và cây đã đánh dấu tôi lặng lẽ đến không ngờ.
Khu vườn trong ký ức của tôi được cha tôi vun trồng tươi tốt. Nhà tôi khi ấy rất nghèo nhưng giàu cây, giàu lá. Ngắm cây, ngắm hoa từ bàn tay nghệ nhân của cha mà chúng tôi vượt qua những thiếu thốn ,đói nghèo. Khách đến nhà chơi, quà tặng chỉ là những vồng cây nhỏ bé. Dù già hay trẻ, thân hay sơ, chỉ cần khách thích cây là cha tôi tặng hoặc bán ,dù ông rất quý cây. Bàn tay cần cù của cha lại tạo ra những vồng cây xanh tươi khác.
Có những vị khách từng đến rồi không trở lại, vì xét đến cùng đến và đi, nhớ và quên nhau cũng là một cái duyên trời. Người không có lỗi, cây càng không có lỗi.
Cây từ khu vườn nhà tôi ra đi xanh tươi ở đâu đó là vì ở đó có tâm hồn người cũng xanh tươi. Người hiểu cây thì cây cũng hiểu người mà. Tôi luôn tin cây cũng có tâm hồn, có tính cách, có tâm trạng và có cả tâm linh nữa.
Cây Ngô đồng cảnh trong dân gian còn gọi là cây sen núi, sen lục bình, cây vạn linh thuộc họ Cẩm quì, luôn đem lại cát tường, may mắn, phúc khí cho gia chủ. Cha tôi đã tiễn nhiều cây Ngô đồng về với chủ mới. Người chọn Ngô đồng để chơi là người kỹ tính, không hời hợt, không khoa trương. Ngô đồng sống giản dị, dù cho mưa nắng dãi dầu, dù cho thời gian vô tình, dù cho người quên lãng. Thùy cây vẫn rắn rỏi in dấu thời gian hoa vẫn thắm đỏ bền màu. Ngô đồng trong ý nghĩ của tôi là loài cây thủy chung, tình nghĩa. Nó sống như để trả ơn trời, trả ơn đất đã cho nó một hình hài, một thân cây.
Cỏ cây còn thơm thảo, hồn hậu thế cơ mà. Mấy hôm nay tôi đã chạnh lòng khi nghe chuyện có một cây Ngô đồng từ khu vườn nhà tôi ra đi, đã bị lãng quên nhưng vẫn lay lắt sống, vẫn trổ hoa, để ai đó vẫn còn được ngắm hoa. Và tôi biết cây sẽ không thể héo được nữa.
Hồn người cũng vậy thôi, có những khúc quanh, có những khoảng lặng rồi lại âm thầm trổ hoa, xanh lá. Cây Ngô đồng ấy vẫn tốt tươi cùng tháng năm dằng dặc, cùng vật đổi sao dời, nghĩa là cây đã vì người mà sống, mà xanh tươi, phải không cây? Ngô đồng ơi, tôi khóc!
Phạm Hồng Oanh