- Tản Văn
Khúc giao mùa màu tím
Chủ nhật - 10/11/2019 10:34
Đông chợt về trong một ngày Thu đã thật Thu. Nắng đã rất mỏng còn gió thì đủ độ se sắt. Lang thang trong chiều nắng gió lơi lơi, bất chợt nhặt được bông hoa Lục Bình lẻ loi đang lững thững trôi trên con kênh xứ người. Bông hoa đẹp quá, đẹp đến hoang dại, đẹp tới mong manh. Bỗng nhiên thấy nhớ con sông quê, nhớ cái ao, cái truông làng, nhớ đến loài hoa dân dã quen thuộc đã đi theo ta suốt khoảng thời gian thơ ấu. Tự nhiên rơi vào một tâm trạng khó tả, man mác, đậm đầy màu tím nhớ thương, cái sắc màu tím rịm của khoảng không gian quê những chiều đông xa xưa...
Ngắm Lục Bình lững thững dòng trôi, ngắm cái thản nhiên yên bình của sắc hoa giữa trời đông se sắt, lòng người sao bâng khuâng đến lạ. Cùng mọc trên sông, trên nước nhưng Hoa Sen được tôn quý làm quốc hoa, Hoa Súng được cắm chung với những loài hoa khác trong những bó hoa người ta tặng nhau. Còn Lục Bình thì cứ đêm ngày trôi dạt trên sông, lặng lẽ trong ao hồ, dù rất đẹp nhưng hiếm khi được nâng niu trên những lẵng hoa, lọ hoa. Lục Bình lặng câm kiếp bèo dạt mây trôi, lênh đênh vậy đó. Nhưng sao hoa vẫn hồn nhiên đẹp vậy. Như thể hoa biết mình là ai nên không để tâm tới những ì xèo đố kỵ nhỏ nhoi của chốn đời thường kia...
Thấy yêu lắm cái vẻ đẹp an nhiên yên bình sắc tím của loài hoa Lục Bình, nở rộ suốt mùa hè, rồi lại cùng mây trắng vắt ngang khoảng trời thu tím ngắt đang sắp khép lại này. Yêu lắm cái vẻ đẹp trong ngần thẳm sâu của màu lục tím trong bài thơ “Lời chào” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:
Ta đi qua những năm tháng không ngờ
Vô tư quá để bây giờ xao xuyến
Bèo lục bình mênh mang màu lục tím
Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông
Sực nhớ đến những vồng hoa tím trước cửa nhà mình. Lúc làm nhà, chẳng hiểu sao ông thầy phong thủy cứ nhất quyết khuyên rằng nên trồng hoa tím ở trước nhà. Hoa nào cũng được, miễn là tím, tím hồng, tím xanh, tím phớt, tím điểm, tím sẫm, tím rịm…. Và thế là những vồng hoa tím trổ bông, những dây hoa tím lãng đãng, những trảng hoa tím bâng khuâng. Mùa nào cũng có sự hiện diện của màu tím ở trước ngõ. Nào là Cát Đằng, Móng bò, Tóc tiên, Lan đất, Cát cánh, Bìm bìm, Dạ yến thảo, Chiều tím, Hoa Giấy, Hoa Ban Tây Bắc. Kể cũng thật kì lạ. Đã bao đời nay người ta quen với màu trắng bạt ngàn của hoa ban, nhưng mấy cây hoa ban trước nhà mình thì luôn nhẹ nhàng khoe sắc tím, đẹp và sang đến lạ kì. Rõ là không phải màu hoa ban trắng mà ta biết qua ca từ hay các hình ảnh khi hoa còn ở núi rừng Tây Bắc.
Cứ thấy màu tím là biết rằng có một mùa đang đằm sâu, có một mùa đã qua, sắp qua, để rồi có một mùa lại đang tới. Ngắm Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng của Đoàn Chuẩn, là biết ta vừa mới đi qua một khoảng trời Thu tím ngắt, biết là ta đang nồng nàn giữa mùa Đông tím lịm, biết rằng sắp tới rồi cái sắc màu tím hồng của tiết Xuân xanh. Và rồi, cái màu tím ấy, lại dắt ta đi trong vô định, đằm vào nỗi nhớ có tên, nỗi nhớ không tên, khi thì nhớ người, lúc lại nhớ quê, nhớ đến cháy lòng. Nỗi nhớ nào cũng cứ ngổn ngang, cứ bát nháo, náo loạn trong tâm trí. Thật khó có thể ra lệnh cho mình thôi không nhớ nữa… Cảm giác nhớ nhung đậm đầy không thể dứt ra được ấy chính là cảm xúc của mình khi viết bài thơ “Thu xa”:
Anh đi rồi, ngày vui cũng đi theo
Mây nhạt nhòa, nắng không ra nắng
Mưa dùng dằng quẩn quanh nơi ngõ vắng
Đêm sương mòn một nửa vầng trăng.
Lòng em rêu phong trong nỗi nhớ anh
Thơ cạn nguồn trơ mòn như bờ đá
Những điều thân quen chợt như xa lạ
Đắp nửa chăn nào cũng thiếu lạnh một bên.
Khi đã bị nỗi nhớ dắt đi, thì nhìn đâu cũng thấy nó hiện hữu. Nhìn lên trời, thấy mây nhạt nhòa, chẳng phải là màu mây quen. Nắng cũng nhạt nhòa, không còn ra màu nắng. Những hạt mưa li ti như đang vùng vằng giận hờn ai. Rồi cái cảm giác như làn gió lạnh buốt kia, cũng đang ngại ngần gì đó mà không lỡ bay đi, mà cứ quẩn quanh trong ngõ vắng. Rồi đêm về, cảm giác như những giọt sương cũng đang làm vầng trăng hạ huyền nhớ mòn nhớ mỏi.
“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương”.
Ngâm nga “Tĩnh Dạ Tư” của Lý Bạch, qua bản dịch của Tương Như, biết người xưa nhìn trăng nhớ cố hương. Ngắm màu sắc tím, sao chẳng biết có bao người giống ta, cùng chung một nỗi nhớ quê? Quê xưa, dịp cuối năm này, các sắc màu có nhiều tâm sự lắm đấy. Mà tâm sự nhiều nhất cũng vẫn là màu tím của tiết trời ngày đông thôi. Màu tím hoa quê, trời quê, con đường quê, dòng sông quê với những khói sóng mang màu sắc tím, cả ngọn khói lam chiều chầm chậm bò trên mái rạ trong cái không khí âm u nằng nặng ngày cuối năm,… Nhớ thật đấy. Nỗi nhớ cứ như phong kín cả lòng người. Cả đến điều thân quen cũng trở lên xa lạ. Và bài thơ “Tản mạn mùa hoa tím” đã mang trong mình cái màu tím nhớ tím thương, tâm thái bung biêng khó tả ấy:
Có một mùa hoa tím nở đôi nơi
Khoảng cách giữa lời là tịnh nguyên, sâu lắng
Cánh hoa chênh chao nhuộm tím màn đêm vắng,
Để nỗi niềm một thoáng bỗng chơi vơi.
Hôm trước, gặp mấy người bạn trong quê ra chơi. Họ đọc thơ, vịnh rồi phú đều hay cả. Một bác, trước khi đọc thơ, đã hồn nhiên nói:
Gặp nhau tay bắt mặt mừng.
Tặng chi thì tặng, xin đừng tặng thơ.
Mình chợt hiểu tại sao bác ấy lại bảo đừng tặng thơ cho nhau. Người quê luôn nói thật lòng. Bởi viết thơ và tặng thơ đều là điều không dễ làm. Chỉ có tri kỉ, tri âm mới có thể tặng thơ cho nhau, gửi thơ cho nhau đọc. Người nhận và người trao đều phải cùng chung một ý nghĩ, cùng đồng cảm. Như thế thì mới cảm được điều thơ muốn nói. Phải đồng cảm lắm mới có thể sửa được những câu thơ mà người khác đã viết, bởi người nào viết thì cũng trân quý từng chữ một, những con chữ như được rút ra từ trong tâm can mình vậy. Biết chắc là có mình ở trong mắt người khác, có cùng một cái nhìn thì mới hiểu được, làm được điều này.
Có lần, lang thang trong nỗi nhớ, đọc được những dòng này: “Trên đời này, chẳng có gì là ngẫu nhiên cả. Một khi đã đến nơi này, đã vướng vào cái vòng nợ nghiệp dính mắc từ những kiếp trước, thì cần nhẫn để mà tiêu nghiệp thôi. Phải buông bỏ, phải bao dung. Và chỉ nhớ những điều cần nhớ”.
Thế đấy, ta được quyền tự lựa chọn, tự quyết định cho nỗi nhớ của mình. Nỗi nhớ của ta giờ đây, trong khúc giao mùa này, là nỗi nhớ về một thời xa xưa, hoa xưa, quê xưa, người xưa... Đâu đâu cũng mênh mang một màu sắc tím. Để rồi, khi đằm sâu trong cái màu tím nhớ tím thương này, thân ta sẽ ấm áp, tâm ta sẽ nhẹ bẫng, thanh thản như lời thơ dưới đây của nhà thơ Anh Vũ:
“Thơm tho hơi thở
Vờn mỏng sợi mây trời
Trôi xa mãi
Cõi thiên thanh…”
Ai bảo Đông về là lạnh lẽo!