- Tản Văn
Cây Cà Na
Thứ năm - 14/11/2019 17:44
Vùng sông nước miền Tây Nam bộ với hệ thống kinh rạch chằng chịt, hàng năm có mùa nước nổi về, tạo nên những cảnh vật đặc sắc, những sản vật độc đáo, phong phú mà không dễ nơi nào có được…
Nơi đây, không chỉ là vựa lúa lớn nhất cả nước mà còn có nhiều loại cây trái phong phú, đa dạng về chủng loại và hấp dẫn về hương vị. Bên cạnh những vườn cây trái sum suê được chăm chút bởi những người nông dân cần cù, chân chất, mà còn nhiều loại cây trái mọc tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng, góp phần cho vùng đất này thêm giàu có, trù phú… Do là vùng sông nước, nên cây cối cũng thường mọc cặp theo những tuyến kinh, đan cành, chen lá, tạo nên đường viền xanh mát mắt. Xen giữa những gốc tràm vỏ xù xì, trắng mốc, những cây bình bát xanh rờn, những bụi điên điển chen chân mọc lúp xúp, những cây trâm bầu mảnh mai, người ta rất dễ nhận ra những cây cà na lặng lẽ nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước trong xanh…
Cây cà na gắn bó với người dân Nam bộ từ rất lâu rồi. Không ai trồng, cũng chẳng cần bón chăm, vun xới, đàn chim trời ăn trái, nhả hạt khắp nơi, hoặc là trái cây rụng xuống kênh, dập dềnh theo con nước, rồi dạt vào mé bờ kinh nào đó, cây hồn nhiên đâm chồi, lớn lên, vươn cành, xanh lá…
“Miền Tây là xứ quê mùa
Con về thăm ngoại xin dùa cà na… “
Độ khoảng tháng 4 dương lịch, khi những cơn mưa đầu mùa chợt đến, chợt đi, là khi cây cà na chúm chím những chùm nụ nhỏ li ti ở đầu cành. Những nụ hoa màu xanh nhạt, nhỏ xíu, thấp thoáng trong những tán lá, nhìn kỹ mới thấy… Mưa nhiều hơn, là lúc hoa xòe nở màu trắng, cánh hoa mỏng mảnh, nhưng kết thành những chùm ken dài, xúm xít bên nhau… Sang tháng 5, tháng 6, trong cái nắng rực rỡ của mùa hạ, xen với những trận mưa rào xối xả, những chùm quả non từ từ lớn dần lên… Lá cà na màu xanh thẫm, cuống lá hơi tía, nhưng trái cà na từ nhỏ tới lớn mang màu xanh lá chuối, càng lớn, màu càng lạt hơn…từng chùm sum suê, lúc lỉu… Trái cà na lớn chỉ độ đốt ngón tay, hình ô van, đầu trái nhọn, nhìn như những trái xoài non bé xíu…
Cà na có cây cho trái vị hơi đắng chát. Có cây trái chua ăn phải chấm muối ớt và … nhăn mặt mới thấy cảm giác chua chua cay cay tê tê đầu lưỡi… Cà na chua được sử dụng nhiều hơn, dễ chế biến hơn. Còn cà na chát, khi xử lý bớt chất chát rồi thì vẫn có độ cứng và hương vị cũng giảm nhiều…
Mùa cà na chín, cũng là khi nước lũ từ đầu nguồn đổ về. Nước lũ vùng Đồng Tháp Mười được coi là lũ hiền, dâng lên từ từ, chứ không ào ạt, cuồn cuộn, cuốn phăng đi tất cả như ở miền rừng núi. Kinh nghiệm dân gian mà các cụ cao niên truyền lại là nhìn rễ cây cà na mọc trên thân cây cao tới đâu, thì nước lũ năm đó sẽ lên tới đó… Khi nước lũ dâng cao, ngập trắng đồng, cũng là lúc trái cà na vào độ chín.
Trong biển nước mênh mông, những bụi cà na dầm chân trong nước, cành lá oằn xuống bởi những chùm trái xum xuê. Dù mưa sầm sập, gió ào ạt, cây chỉ oằn mình hứng chịu, như thử thách sự dẻo dai của cành, của lá. Những chùm quả non cũng cũng được lá che chở, bám chắc vào cành, chỉ những trái chín buông mình rơi xuống nước, theo những con sóng đưa đi xa, sẽ tấp vào bờ đất, bụi cỏ, chờ đủ tháng ngày, để thành cây non mới… Trong nước lũ, những bụi cà na giúp phân biệt đâu là kênh, đâu là ruộng, để ước độ nông sâu… Những cây cà na giữa đồng nghiêng mình làm bóng mát cho người nông dân vừa giăng xong tay lưới, tay câu, tạm neo xuồng ngả lưng, chờ chiều nắng nhạt ra thăm chừng gỡ cá. Cây cà na bên bến sông trước nhà là nơi chị và mẹ đi chợ về, cột xuồng vào gốc cây để không bị xuồng trôi… Cà na còn giữ cho bờ sông không bị lở, củi cà na được các bà nội trợ ưa thích vì không cần phơi thật khô mà vẫn cháy đượm, lại dễ chẻ, dễ kiếm…
Những đứa trẻ vùng sông nước lớn lên qua từng mùa nước nổi, tuổi thơ gắn với con kênh, chiếc xuồng, những bụi điên điển, cụm lục bình và những mùa cà na chín… Những năm trước, khi mà điều kiện kinh tế còn khó khăn, mùa cà na chín là khi lũ dâng cao, trường lớp và đường đi bị ngập nước, trẻ con được nghỉ học chờ nước rút, gọi là “kỳ nghỉ lũ”… Trẻ em ở nông thôn vốn đã thiếu nơi vui chơi, khi nước lũ về ngập lênh láng, thì mặt nước sẽ là nơi có nhiều trò để chơi nhất. Trẻ con vùng này từ nhỏ xíu, lẫm chẫm biết đi là đã được tắm sông, lớn chút là được theo cha, theo mẹ ra đồng giăng lưới, giăng câu, hái rau, bắt ốc… nên hầu hết đều biết “bơi như rái cá” và chèo xuồng thuần thục. Nước lũ về, người lớn có bao nhiêu chuyện để lo, còn bọn trẻ thì cứ háo hức như được quà vậy…
Mùa lũ gần đạt đỉnh, là lúc cà na chín rộ. Những trái cà na xanh non, căng bóng, nhìn muốn ứa nước miếng. Khi ruột trái từ từ xốp hơn, là cà na đã chín. Những trái cây căng bóng màu xanh nhạt tự buông mình rơi xuống mặt nước. Đàn cá lúc này quẩn quanh bên gốc cà na, chờ táp trái rụng, tiếng cá đớp mồi nghe chóc chóc… Đám trẻ con sau buổi chiều dang nắng chống xuồng ra đồng giăng lưới, hái bông súng, bông điên điển, giờ rủ nhau về dưới bến sông. Chiếc xuồng được cột vội vào gốc cà na, cả bọn lặp hụp, đùa giỡn trong làn nước đỏ màu phù sa. Mấy cậu con trai thoăn thoắt leo lên cây và ra sức rung, lắc. Tán lá khua xào sạt, trái cà na chín rụng rào rào, nổi dập dềnh, làm xanh cả một khoảnh nước, cả bọn hùa nhau vớt… Mỗi khi có xuồng máy chạy qua, sóng nước cuồn cuộn xô bờ, rồi lại đẩy những trái cà na trôi tít ra xa như đùa giỡn, là dịp để đám trẻ thi xem đứa nào bơi nhanh, để vớt được những trái ở xa hơn…Ai đó lẹ chân, chạy về nhà giã một chén muối ớt đỏ au mang ra, đặt bên bờ kinh. Cả bọn xúm xít lại, cứ để nguyên quần áo ướt như vậy, đứa ngồi, đứa quỳ, nhón từng trái cà na chấm vào muối ớt, vừa ăn vừa xuýt xoa, không biết vì bị ớt cay hay là do vị chua của cà na, có đứa bị nhựa dính quanh miệng, nâu nâu đen đen như chú hề, cả bọn ngó nhau cười như nắc nẻ, tiếng cười hồn nhiên rộn ràng cả một khúc kênh…
Không biết tự bao giờ, những trái cà na nhỏ xíu và dân dã đã trở thành thứ để gợi thương, gợi nhớ cho những ai từng sinh ra, lớn lên ở miền sông nước, hoặc ai đã từng ghé lại nơi này. Cà na ăn sống chấm muối ớt là món đơn giản nhất, nhưng là món “đưa cay” bắt mồi với những anh Hai, chú Ba… sau một ngày lao động cật lực, chiều về la đà bên xị đế, vừa nhậu lai rai, vừa ca cải lương mùi mẫn, thấy cuộc đời nhẹ thênh thênh…Qua bàn tay khéo léo, đảm đang của các chị, các mẹ, cà na lại trở thành món quà quê độc đáo: cà na trộn muối ớt, cà na ngâm đường và ớt, chua chua, ngòn ngọt, cay cay. Tôi thì thích nhất món cà na ngào đường, mà đây lại là món làm tốn công nhất. Cà na hái về, dùng dao bén khía dọc trái, rồi nắm, vắt cho ra bớt nước chua, ướp đường và đem phơi nắng cho những hạt đường tan chảy, thấm sâu vào từng trái là đem lên chảo, để lửa liu riu, xên như làm mứt…Vừa làm, vừa phải đảo thật đều tay, khi trái cà na ngả màu nâu sậm, dẻo và thơm, là thành phẩm. Chế biến món này sẽ để được lâu hơn, người già, trẻ em đều ăn được vì ngọt ngọt, chua chua, rất khoái khẩu.
Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống hiện đại đem lại bao nhiêu điều mới mẻ, nhưng nhiều người vẫn thích tìm về với những gì thuộc về dân dã, với người lớn, thì có thể là những hoài niệm, với tuổi trẻ, là những khám phá thú vị. Cũng nhờ đó, những trái cà na bình dị đã được nhiều người biết tới… Nhiều gia đình đã cải tạo vườn tạp, trồng cà na hái trái bán. Nhiều người đã dành thời gian nông nhàn mùa nước nổi để làm thêm nghề mới: chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ trái cà na. Từ khoảng tháng 8 dương lịch tới cuối năm, cặp theo các tuyến đường tỉnh của vùng Đồng Tháp, Long An, rất nhiều quán nhỏ được dựng tạm để bán các đặc sản theo mùa: bông sen, ngó sen, gương sen, bông súng, hẹ nước và không thể thiếu được những hũ cà na ngâm đường, cà na ngào đường đầy hấp dẫn… Từ loài cây mọc tự nhiên bên bờ kênh, bờ đìa, từ loại trái cây dân dã “ăn chơi”, giờ cà na đã trở thành một trong những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho người dân lúc nông nhàn, cho vùng bưng biền Đồng Tháp Mười có thêm một đặc sản hấp dẫn, làm lưu luyến bước chân người phương xa…
Mùa nước nổi 2019.
Trần Thu Huê