• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Cuối nẻo đường xuân

Thứ sáu - 21/06/2024 15:22


(Ảnh: Nhà văn Phạm Hồng Oanh)


CUỐI NẺO ĐƯỜNG XUÂN 

(Truyện ngắn của Phạm Hồng Oanh)


Tôi đang có giờ trên lớp thì nhận được tin nhắn của mẹ "Con về sớm nhé. Nhà mình hôm nay có khách quý đấy!". Tôi nôn nao, mong cho chóng hết giờ. Hồi hộp bước vào nhà, tôi thấy mẹ đang ngồi tiếp một nữ sư. Tôi ngạc nhiên vì từ trước đến nay khách khứa, họ hàng, bạn bè của gia đình tôi không có ai là người tu hành cả. Nhìn thấy tôi, nữ sư đứng dậy, đầu hơi cúi, một tay chắp trước ngực, ánh mắt dịu dàng chào. Tôi chưa biết nên đáp lại thế nào thì mẹ cũng đứng dậy. Tay mẹ đỡ tay nhà sư rồi nhìn tôi, bảo:

- Dì Vinh đó con!

Tôi sững sờ. Người phụ nữ thân thiết của gia đình tôi, kí ức máu thịt với tuổi thơ của chị em tôi là đây sao? Tôi cúi đầu lễ phép: Con chào dì!

 Mẹ tôi lại tiếp lời với nhà sư:

-Cái Hồng đấy! Giờ là cô giáo rồi. Nhà cũng gần đây. Dì thấy nó có khác ngày xưa không?

Dì nhìn tôi rồi quay sang mẹ:

- Có phúc, có phần mà!


Mẹ và dì cùng ngồi xuống ghế.Tôi cũng ngồi xuống chiếc ghế đối diện và kín đáo ngắm kỹ gương mặt dì. Tôi buồn buồn vì những nét thân yêu trong kí ức tôi không còn nữa. Tôi chỉ đọc được trên gương mặt ấy những diệu vợi xa xăm. Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, giọng dì chùng xuống:


- Bể đời trầm luân, mỗi người một phận, biết làm sao!


Tôi muốn nói với dì một câu gì đó thế hiện sự yêu quý nhưng cổ họng tôi bỗng nghẹn lại. Tôi vội xin phép đi vào bếp.


Kí ức của mấy chục năm trước về dì ùa về tràn ngập trong tôi. Đấy là những năm thập kỷ 70 của thế kỷ trước, mẹ và dì là hai thanh nữ cùng về cơ quan nhận công tác trong cùng một ngày. Hai người được cơ quan sắp xếp ở chung một phòng trong khu tập thể. Dì kém mẹ mấy tuổi, tính tình hiền hậu nhưng chỉ tiếc ông trời không ban cho dì một chút nhan sắc mà những cô gái bình thường phải có. Thế rồi dì quen với một người sĩ quan quân đội có vài lần về cơ quan liên hệ công tác. Và dì thương thầm nhớ vụng người đó. Nhưng khi biết người sĩ quan đó đến đây vì mẹ, dì chỉ biết khóc thầm. Mẹ biết chuyện, tìm cách lánh mặt, tạo cơ hội cho dì. Nhưng tình yêu thì không bao giờ tuân theo sự nhường nhịn. Dì hiểu vị trí của mình và rút lui trong nước mắt. Một năm sau thì mẹ và người sĩ quan làm đám cưới. Dì chuyển sang ở phòng bên cạnh. Cưới xong, bố đi làm chuyên gia bên Lào, dì vẫn là người gần gũi mẹ hơn cả.


Mẹ sinh tôi vào một ngày máy bay Mỹ ném bom xuống Hà Nội và miền Bắc ác liệt nhất. Tiếng khóc chào đời của tôi hoà trong tiếng bom rền. Dì ôm tôi và dìu mẹ chạy qua những bức tường đổ về khu sơ tán. Với mẹ đó là những ngày tháng không thể nào quên. Hằng ngày, đi làm về, dì đến bếp tập thể ăn cơm sớm rồi bế tôi cho mẹ tôi giặt giũ. Tôi đi nhà trẻ, dì đón tôi nhiều hơn mẹ vì mẹ hay phải đi xuống cơ sở. Khi tôi bập bẹ nói, mẹ dạy tôi gọi tiếng "dì". Tôi sánh dì hơn cả sánh mẹ. Nhiều lần, mẹ giục dì lấy chồng. Dì buồn bã:


- Đàn ông thời chiến hiếm hơn vàng. Ai lành lặn trở về thì chọn những cô gái trẻ đẹp chứ để ý gì đến em!


Tôi lên ba tuổi, chiến tranh kết thúc, bố tôi may mắn trở về. Bố được xuất ngũ và công tác cùng cơ quan với mẹ. Các em tôi lần lượt ra đời. Khi có thêm em, tôi sang ngủ hẳn với dì. Cuối mỗi buổi chiều dì lại bày trò chơi cho mấy chị em tôi. Mấy dì cháu cùng cười nắc nẻ. Khi có thêm đứa em nữa, bố mẹ tôi thực sự khó khăn. Mẹ tôi thiếu sữa mà thằng em lại rất tham ăn. Nó khát sữa khóc không dứt. Nửa đêm bố mẹ nhìn nhau như muốn khóc, vì đường sữa mua tem phiếu đã hết mà chưa đến tháng mua. Dì Vinh lại vội vàng mang gói đường mới mua sang. Nhờ gói đường của dì nó mới ngủ yên.


Mẹ vừa bận bịu công việc vừa vất vả với đám con khỏe nghịch, háu ăn. Dì Vinh biết thế nên mỗi khi đi ăn cơm bếp tập thể về, dì mang về một bát cơm chan nước mắm hoặc muối vừng chia cho mấy đứa. Bố mẹ đi vắng tối ngày nên mấy thằng nghịch như phá. Chỉ có dì Vinh phải đương đầu với chúng. Có những trưa bọn nó chui qua giậu đi bẻ trộm ngô,dì lại phải lụi cụi rào lại giậu. (Các cơ quan ngày đó chỉ có dậu tre, chưa có tường bao như bây giờ). Chúng ra bờ ao câu cá, dì lại phải ngồi canh chúng.

Mẹ bắt đầu đi vắng qua đêm vì những cuộc họp xa. Dì Vinh tự lúc nào đã gần như làm thay các công việc của mẹ. Vắng mẹ, chúng tôi gắn bó với dì hơn. Không chỉ có chúng tôi quý dì mà bố cũng rất quý dì. Nhiều lần tôi thấy bố và dì trò chuyện đến khuya. Những câu chuyện của hai người lúc ấy tôi không hiểu nổi.


Một lần, tôi thấy dì và mẹ nói chuyện. Dì có vẻ dè dặt, ngập ngừng:

- Em muốn được làm mẹ, chị ạ!

 Ánh mắt mẹ như tán thành. Giọng dì chợt chùng và nhỏ dần:

- Em muốn con em cũng đẹp như các con của chị. Chúng là chị em một nhà!


Nói rồi dì oà khóc và bỏ chạy. Còn mẹ ngồi bất động. Sau cuộc nói chuyện với dì mẹ lặng lẽ, đăm chiêu hơn.


Còn dì thì gần như tránh mặt mẹ, không công khai chăm sóc và vui vẻ với chúng tôi như trước nữa. Trông dì khắc khổ và buồn bã đi nhiều. Mẹ gọi mấy chị em tôi lại, dặn không được quấy rầy dì. Tôi là con gái phải tập làm các việc đỡ cho người lớn.


Một đêm, có lẽ đã khuya lắm, tôi thấy bố mẹ vẫn thức. Tiếng mẹ sụt sùi:

- Giá có thể chia cho Vinh nửa gia tài, nửa chức vụ em không tiếc. Nhưng chia một nửa tình yêu thì...

 

Giọng bố cũng yếu ớt:

- Anh cũng rất thương Vinh. Nhưng lớn hơn anh còn có em và các con, anh không đánh đổi. Anh cũng không biết làm thế nào nữa!


Đầu óc non nớt của tôi lúc ấy cũng chợt hiểu: Dù mọi người rất thương yêu nhau nhưng cũng không dễ chia hạnh phúc cho nhau. Tôi thương dì Vinh quá. Giá dì cứ đẩy mẹ tôi vào tình thế đã rồi có khi lại tốt cho dì. Đầu cuối và đàng hoàng quá lại thành ra gượng gạo, dở dang. Hạnh phúc sao ngặt nghèo và chật hẹp thế kia.


Mối quan hệ của ba người lớn trước mặt chúng tôi thì vẫn thế. Chỉ có điều cả ba người hay đi vắng nhiều hơn. Ba tháng sau bố mẹ tôi có quyết định chuyển nơi làm việc mới. Không hiểu đây là quyết định của cơ quan hay của mẹ? Chỉ biết rằng phải chia tay khu tập thể thân yêu, chia tay dì Vinh cả nhà tôi đều rất buồn. Mấy thằng em tôi ôm dì Vinh khóc sướt mướt. Bố mẹ tôi thấy thế phải quay đi chỗ khác. Tôi đứng chôn chân một chỗ, không dám lại ôm dì. Tôi rất sợ làm thêm điều gì cũng đều có lỗi.


Vậy mà bất ngờ, dì tìm đến nhà bố mẹ tôi. Dì bảo nhân tiện chuyến xe của phật tử đi thiện nguyện nên dì ghé thăm. Mấy mươi năm rồi, tôi đã có gia đình riêng và hai nhóc cũng tầm tuổi như chị em tôi ngày còn ở bên dì. Các em tôi cũng đã có vợ, có công việc ổn định, có đứa còn có chức vụ trong ngành hàng hải. Bố mẹ tôi nghỉ hưu đã lâu trong ngôi nhà khang trang, có vườn cây cảnh nơi phố thị, ngày ngày quây quần cùng con cháu. Mỗi người với những ý nghĩ riêng đã quên dần chuyện cũ.

Dì cũng chầm chậm kế chuyện của dì. Khi gia đình tôi rời đi, dì thấy trống vắng quá lớn. Dì xin thôi việc về quê. Anh em kiến giả nhất phận càng làm dì thêm cô độc. Dì quyết định gửi phần đời còn lại của mình nơi cửa thiền. Đó là một ngôi chùa tọa lạc trên núi. Đây cũng là nơi đi về của những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ. Ban ngày chúng đi làm thuê, đi đánh giầy, đêm đến chúng lại quây quần bên dì.  Có chúng, dì thấy vui và bận rộn hơn.


Rồi dì bỗng đứng lên:

- Đã đến lúc phải bái biệt rồi. Gặp gỡ được nhau thế này, kẻ tu hành thấy vui lắm. Cảm ơn, cảm ơn..


 Mẹ hốt hoảng kéo tay dì ngồi xuống, dì vẫn đứng chắp tay:

- Kẻ tu hành phải về vì còn lũ trẻ nữa. Sắp đến tết rồi, chúng cũng phải có quà tết mà.


Tôi thiết tha:

- Con đang làm cơm chay thết dì. Dì hãy lán lại đi. Bố con đi đâu đó cũng sắp về. Dì không muốn gặp lại bố con ư?


Giọng dì như gió thoảng: 


-Lòng dì đã yên, đã quên chuyện cũ. Con hãy tin rằng dì vẫn yêu quý các con. Nơi cửa Phật, dì vẫn cầu nguyện may mắn, hạnh phúc luôn đồng hành với các thiên thần của dì.


Rồi mẹ khóc, tôi khóc, dì dường như cũng khóc. Những giọt nước mắt sinh ra để làm đàn bà. Biết không níu giữ được dì, mẹ đứng dậy biếu dì túi lạc khô và tiền. Dì không nhận tiền, chỉ dồn lạc vào túi. Tôi lấy xe chở dì ra chỗ đón dì, dì cũng ngăn lại. Không còn cách nào khác, mẹ con tôi cùng tiễn dì một quãng đường. Dì bước lên trước, đứng quay người lại, chắp tay lên ngực, khẽ cúi đầu:


- Xin từ biệt!

 

Rồi dì quay đầu lại, bước nhanh. Mẹ nhìn theo dì, nước mắt lã chã. Tôi hiểu những giọt nước mắt của mẹ. Những giọt nước mắt không còn làm được gì cho nhau nữa. Giữa đường trần ồn ã bóng dì nhỏ bé rồi dần nhạt nhòa. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện cho bóng dáng nhọc nhằn ấy hoan hỉ nơi cửa Phật.

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.